#47 – Cân bằng quyền lực và Chiến tranh thế giới lần thứ nhất

Nguồn: Joseph S. Nye (2007). “Balance of Power and World War I” (Chapter 3), in Joseph S. Nye, Understanding International Conflicts (New York: Longman), pp. 59-86.

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Cân bằng quyền lực

Người ta thường cho rằng nguyên nhân dẫn đến Chiến tranh thế giới lần thứ nhất là do vấn đề “cân bằng quyền lực”, một trong những khái niệm thường xuyên được sử dụng trong chính trị quốc tế, song đồng thời cũng là một trong những khái niệm gây nhiều tranh cãi. Khái niệm này thường được sử dụng một cách lỏng lẻo nhằm miêu tả và biện minh đủ loại vấn đề. Nhà triết học người Anh thế kỷ 18 David Hume đã miêu tả cân bằng quyền lực như một nguyên tắc cơ bản của chính trị thực dụng, nhưng Richard Cobden,  một người theo chủ nghĩa tự do của Anh vào thế kỷ 19 đã gọi đó là “một điều không thực tế, không thể miêu tả được và không thể hiểu được.”[1] Còn Woodrow Wilson, tổng thống Mỹ trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất cho rằng cân bằng quyền lực chính là một nguyên tắc xấu xabởi nó khuyến khích các chính khách coi các quốc gia như những miếng phô mai được cắt ra từng miếng vì lợi ích chính trị mà không đếm xỉa tới lợi ích người dân.

Wilson cũng không hứng thú với vấn đề cân bằng quyền lực vì ông tin rằng đó là nguyên nhân của các cuộc chiến. Phe ủng hộ chính sách cân bằng quyền lực thì lập luận rằng cân bằng quyền lực tạo ra sự ổn định. Tuy nhiên hoà bình và ổn định không phải là những khái niệm giống nhau. Trong hơn năm thế kỷ tồn tại của hệ thống nhà nước Châu Âu, các cường quốc đã tham gia vào 119 cuộc chiến tranh. Hiếm khi có được hoà bình vì trong ¾ thời gian đó luôn có ít nhất một cuộc chiến liên quan đến các cường quốc. Mười trong số các cuộc chiến tranh đó đã diễn ra với quy mô lớn với sự tham gia của nhiều cường quốc mà người ta vẫn thường gọi là chiến tranh thế giới hay các cuộc chiến giành bá quyền. Như vậy, nếu chúng ta đưa ra câu hỏi rằng liệu cân bằng quyền lực có bảo tồn được hoà bình trong hệ thống các quốc gia hiện đại năm thế kỷ đã qua hay không thì câu trả lời sẽ là không.

Không có gì đáng ngạc nhiên với câu trả lời trên vì các quốc gia cân bằng quyền lực nhằm duy trì độc lập chứ không phải duy trì hoà bình. Cân bằng quyền lực giúp bảo tồn hệ thống vô chính phủ các quốc gia riêng lẻ chứ không phải bảo tồn từng quốc gia. Ví dụ, vào cuối thế kỷ 18 Ba Lan đã thực sự bị coi là miếng phô mai và bị chia cắt thành từng mảnh bởi các quốc gia láng giềng như Áo, Phổ và Nga – mỗi bên đều cố giành lấy miếng lớn nhất. Gần đây hơn, năm 1939, Stalin và Hitler lại cùng nhau thỏa thuận cắt đất của Ba Lan một lần nữa và cho các quốc gia vùng Baltic sáp nhập vào Liên Xô. Vì vậy các nước Litva, Latvia và Estonia đã trở thành những nước cộng hòa thuộc Liên Xô trong hơn nửa thế kỷ cho đến tận năm 1991. Cân bằng quyền lực không duy trì được hoà bình và đôi khi cũng không duy trì được độc lập của mỗi quốc gia nhưng lại giúp duy trì hệ thống vô chính phủ của các nhà nước.

Quyền lực

Để hiểu được về cân bằng quyền lực chúng ta cần phải bắt đầu từ định nghĩa về quyền lực. Quyền lực được ví như tình yêu, dễ trải nghiệm qua nhưng khó có thể đo đếm hay đưa ra định nghĩa chính xác. Quyền lực là khả năng để đạt tới những mục tiêu, mục đích đã đề ra. Cụ thể hơn, quyền lực là khả năng tác động đến người khác để đạt được những gì mình mong muốn. Robert Dahl, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Yale, đã định nghĩa quyền lực là khả năng sai khiến người khác làm những việc mà nếu không bị sai khiến họ sẽ không làm. Nhưng khi chúng ta xem xét quyền lực dưới phương diện thay đổi hành vi của người khác thì chúng ta cần phải biết những sở thích của họ. Nếu không, chúng ta sẽ tự huyễn hoặc về quyền lực của mình. Tuy nhiên việc biết trước cách người khác hay các quốc gia khác hành xử như thế nào nếu không có sự can thiệp của chúng ta là một điều không hề dễ dàng.

Định nghĩa quyền lực theo hành vi có thể hữu ích đối với các nhà thống kê và sử gia, những người đã dành nhiều thời gian tái hiện lại quá khứ, song với các chính khách và nhà lãnh đạo có tư tưởng thực dụng thì dạng định nghĩa quyền lực này có vẻ không ổn thỏa. Các nhà lãnh đạo chính trị thường quan niệm rằng khả năng sai khiến, điều khiển người khác liên quan tới việc sở hữu một số nguồn lực nào đó. Những nguồn lực này bao gồm: dân số, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, quy mô của nền kinh tế, tiềm lực quân sự và sự ổn định chính trị cùng vô số những yếu tố khác. Bản chất của định nghĩa này là nhằm khiến cho quyền lực được xác định một cách cụ thể hơn, có thể đo lường được và dễ đoán biết hơn là định nghĩa quyền lực theo hành vi. Theo cách hiểu này, quyền lực nghĩa là việc nắm giữ được nhiều quân bài tốt hơn các đối thủ khác trong một ván bài xì tố (poker) quốc tế. Nguyên tắc cơ bản của trò xì tố là nếu đối thủ của bạn để lộ các quân bài đủ sức đánh bại tất cả các quân bài mà bạn đang có thì đó là lúc bạn nên dừng cuộc chơi. Nói cách khác, nếu bạn biết chắc nếu xảy ra chiến tranh bạn sẽ nhận phần thua thì bạn không nên bắt đầu cuộc chiến tranh đó làm gì.

Tuy nhiên, đã có một vài cuộc chiến tranh được khơi mào bởi những kẻ rốt cuộc bại trận. Điều này cho thấy các nhà lãnh đạo chính trị đôi khi chấp nhận mạo hiểm hoặc phạm sai lầm. Nhật Bản vào năm 1941 hay Iraq vào năm 1990 là những ví dụ tiêu biểu. Thông thường, trong cuộc chơi của chính trường quốc tế, không phải tất cả các đối thủ đều để ‘lộ bài”. Cũng như trong trò xì tố, hù dọa hay lừa bịp cũng có thể tạo được một sự khác biệt lớn. Thậm chí ngay cả khi không gian dối thì sai lầm vẫn có thể xuất hiện trong việc xác định nguồn lực nào là phù hợp nhất trong những tình huống nhất định. Ví dụ, Anh và Pháp có nhiều xe tăng hơn Hitler vào năm 1940 nhưng xe tăng của Hitler lại có khả năng tác chiến cao hơn và quan đội phát xít cũng có những chiến lược quân sự tốt hơn.

Sự chuyển đổi nguồn lực thành quyền lực là vấn đề cơ bản nảy sinh khi xem xét quyền lực dưới dạng các nguồn lực. Một vài quốc gia sẽ thành công hơn các quốc gia khác trong việc biến các nguồn lực thành sức mạnh ảnh hưởng hiệu quả tới hành vi của các quốc gia khác, giống như các tay bài giỏi có thể giành phần thắng dù được chia những quân bài yếu. Sự chuyển đổi quyền lực là khả năng biến đổi sức mạnh tiềm năng, được đo lường bằng các nguồn lực, thành sức mạnh thực tế, được xác định bởi những thay đổi trong hành vi của người khác. Do vậy, để dự đoán kết quả của quá trình này một cách chính xác chúng ta cần biết được kỹ năng chuyển đổi quyền lực của một quốc gia cũng như những nguồn lực mà quốc gia đó sở hữu.

Một vấn đề khác là việc xác định xem những nguồn lực nào cung cấp nền tảng tốt nhất cho quyền lực trong các tình huống cụ thể. Nguồn lực luôn phụ thuộc vào bối cảnh. Xe tăng không thực sự hữu ích ở khu vực đầm lầy, uranium cũng không phải là một nguồn lực vào thế kỷ 19. Trước kia, việc đánh giá các nguồn lực dễ dàng hơn. Ví dụ, trong nền kinh tế nông nghiệp ở Châu Âu thế kỷ 18, dân số là nguồn lực then chốt bởi đó là nền tảng cho việc thu thuế đồng thời tạo điều kiện tốt cho việc tuyển mộ binh lính. Xét về dân số, Pháp là quốc gia áp đảo ở Tây Âu. Do vậy, sau khi cuộc chiến tranh Napoleon (1799-1815) kết thúc, nước Phổ trình lên các nước đồng minh thắng trận tại Hội nghị Viên một kế hoạch cụ thể phục vụ tái thiết nước Phổ và nhằm giúp duy trì cân bằng quyền lực. Kế hoạch của Phổ liệt kê toàn bộ lãnh thổ và dân số mà Phổ đã bị mất từ năm 1805 đồng thời đòi lại số lượng đất đai và dân số tương đương. Thời kỳ trước khi xuất hiện các quốc gia dân tộc, việc nhiều người dân ở các vùng đó không nói tiếng Đức hay không tự nhận mình là người Phổ không phải là điều gì quan trọng lắm. Song trong vòng nửa thế kỷ, chủ nghĩa dân tộc đã trở thành một vấn đề hệ trọng.

Một sự thay đổi khác về bối cảnh diễn ra vào thế kỷ 19 chính là vai trò ngày càng quan trọng của công nghiệp và hệ thống đường ray xe lửa giúp tăng nhanh tốc độ huy động binh sĩ. Trong những năm 1860, nước Đức của Bismark là nơi tiên phong sử dụng hệ thống đường sắt để di chuyển quân đội góp phần đẩy nhanh tốc độ giành chiến thắng. Dù nước Nga luôn có dân số đông hơn tất cả các nước Châu Âu còn lại song Nga vẫn gặp khó khăn để huy động và di chuyển quân đội. Sự phát triển hệ thống đường sắt phía tây nước Nga trong những năm đầu thế kỷ 20 là một trong những lý do khiến người Đức lo sợ một nước Nga đang trỗi dậy vào năm 1914. Hơn nữa, sự mở rộng hệ thống đường sắt trên khắp lục địa già làm nước Anh không thể chỉ chăm chút lo cho sức mạnh hải quân được nữa. Những thay đổi này khiến cho các quốc gia ít có thời gian để đưa quân ngăn chặn một siêu cường nào đó nhanh chóng thống trị Châu Âu.

Việc áp dụng kỹ thuật công nghiệp vào chiến tranh đã nhanh chóng tạo ra những ảnh hưởng to lớn. Những tiến bộ của khoa học và công nghệ thực sự đã tạo ra nguồn sức mạnh ghê gớm, nhất là từ khi vũ khí nguyên tử chính thức ra đời năm 1945. Thế nhưng sức mạnh của vũ khí nguyên tử đã trở nên quá đỗi khủng khiếp đến nỗi việc sử dụng chúng trở nên khó khả thi. Đơn giản là vì chiến tranh hạt nhân quá tốn kém. Thực tế, có rất nhiều trường hợp mà khi đó bất cứ việc sử dụng vũ lực nào cũng trở nên không phù hợp hoặc quá tốn kém.

Tuy nhiên, kể cả khi cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa một nhóm các quốc gia thì sức mạnh quân sự vẫn gián tiếp đóng vai trò rất quan trọng. Ví dụ, khi quân đội Mỹ thực hiện vai trò ngăn chặn các mối đe doạ đối với các nước đồng minh hoặc bảo đảm việc tiếp cận một số nguồn tài nguyên quan trọng như dầu lửa ở vùng vịnh Ba Tư chẳng hạn, khả năng cung cấp các lực lượng bảo vệ có thể được sử dụng như một quân bài trên bàn đàm phán. Đôi khi mối liên hệ này là rõ ràng và trực tiếp, nhưng thông thường, như chúng ta sẽ thấy trong Chương 7, đây là một nhân tố không được đề cập một cách công khai nhưng luôn hiện hữu trong tính toán của các nhà lãnh đạo chính trị.

Ép buộc các nước khác thay đổi là một phương thức trực tiếp nhằm thực thi quyền lực. Quyền lực cứng có thể dựa trên phương thức đe doạ (“cây gậy”) hoặc dụ dỗ (“củ cà rốt”). Tuy nhiên cũng có cách mềm mỏng hoặc gián tiếp thực thi quyền lực. Một quốc gia có thể đạt được những mục tiêu của mình trên trường quốc tế do các quốc gia khác muốn sao chép hoặc chấp thuận cùng sử dụng một hệ thống nhằm mang lại những mục tiêu như vậy. Theo nghĩa này, việc thiết lập chương trình nghị sự và lôi kéo các nước khác cùng tham gia cũng có tầm quan trọng như việc buộc các nước đó thay đổi trong những tình huống cụ thể. Khía cạnh này của quyền lực, theo nghĩa khiến những nước khác muốn những gì mình muốn, được gọi là hành vi quyền lực hấp dẫn, hay quyền lực mềm. Quyền lực mềm có thể dựa vào những nguồn lực như sự hấp dẫn của một ý tưởng nào đó, hoặc khả năng thiết lập một chương trình nghị sự phù hợp với mong muốn của số đông. Cha mẹ có con ở lứa tuổi thanh thiếu niên biết rằng nếu định hình được lòng tin và sở thích của con cái thì uy quyền của họ sẽ lớn hơn nhiều so với việc chỉ đưa ra luật lệ và kiểm soát. Tương tự như vậy, các chính khách và nhà nghiên cứu theo chủ nghĩa kiến tạo từ lâu đã hiểu rõ thứ quyền lực xuất phát từ việc thiết lập chương trình nghị sự cuốn hút người khác và việc quyết định khuôn khổ của một cuộc tranh luận. Khả năng định hình mong muốn của người khác dường như gắn liền với các nguồn lực vô hình như văn hóa, hệ tư tưởng và các thể chế.

Quyền lực mềm không tự động trở nên hiệu quả hay hợp đạo đức hơn so với quyền lực cứng. Sức mạnh trí tuệ không nhất thiết lúc nào cũng tốt hơn sức mạnh cơ bắp. Các phán xét về đạo đức còn tùy thuộc vào mục đích sử dụng quyền lực của các quốc gia. Ví dụ, trùm khủng bố Osama bin Laden có trong tay quyền lực mềm theo quan điểm của những đồng đảng đã thực hiện các cuộc tấn công năm 2001. Quyền lực mềm cũng không hẳn gắn liền với chủ nghĩa tự do hơn là với chủ nghĩa hiện thực. Quyền lực là khả năng tác động tới những người khác nhằm đạt được những kết quả mà bạn muốn bất chấp các nguồn lực mà bạn có là hữu hình hay vô hình. Quyền lực mềm thường khó nắm bắt, chậm mang lại kết quả và nhiều khi thậm chí vô tác dụng. Nhưng sẽ nguy hiểm nếu người ta tảng lờ nó. Ví dụ như vào năm 1762, khi Fredererick Đại Đế của nước Phổ sắp sửa bị liên minh Pháp, Áo, Nga đánh bại, ông đã được cứu sống vì Peter (1728-1762), Sa hoàng mới của nước Nga, rất thần tượng vương triều Phổ và quyết định thoái lui khỏi liên minh chống Phổ. Năm 1917, trong mắt người Mỹ, nước Anh có quyền lực mềm lớn hơn so với nước Đức, và điều đó tác động tới việc nước Mỹ quyết định tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ nhất với tư cách đồng minh của Anh. Những ví dụ gần đây hơn bao gồm “Bốn quyền Tự do” do Franklin Roosevelt đề xuất và được Châu Âu ủng hộ trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất; thanh niên nghe nhạc và tin tức từ Mỹ trên đài Châu Âu Tự do đằng sau bức mành sắt trong thời kỳ Chiến tranh lạnh; hay khả năng của Liên minh Châu Âu trong việc thu hút các thành viên mới trong thời gian gần đây.

BẢNG 3.1 Các cường quốc và những nguồn lực chính

Thời kỳ Quốc da dẫn đầu Nguồn lực chính
Thế kỷ 16 Tây Ban Nha Vàng ròng, thương mại thuộc địa, lính đánh thuê, quan hệ của triều đình
Thế kỷ 17 Hà Lan Thương mại, thị trường vốn, hải quân
Thế kỷ 18 Pháp Dân số, nông nghiệp, quản lý công, quân đội, văn hóa (quyền lực mềm)
Thế kỷ 19 Anh Công nghiệp, hệ thống chính trị vững chắc, tài chính – tín dụng, hải quân, giá trị tự do (quyền lực mềm), địa thế đảo (dễ phòng thủ)
Thế kỷ 20 Mỹ Quy mô kinh tế, ưu thế khoa học – kỹ thuật, vị trí địa lý, tiềm lực và liên minh quân sự, các chế độ quốc tế tự do và văn hóa phổ quát (quyền lực mềm)
Thế kỷ 21 Mỹ Ưu thế công nghệ, quy mô kinh tế và quân sự, trung tâm thông tin xuyên quốc gia (quyền lực mềm)

 

Quyền lực cứng và quyền lực mềm có liên quan nhưng không phải là một. Các thành công về vật chất khiến cho văn hóa và hệ tư tưởng trở nên hấp dẫn hơn, trong khi sự xuống cấp về kinh tế và quân sự dẫn tới sự tự ngờ vực và khủng hoảng bản sắc. Nhưng quyền lực mềm không phụ thuộc hoàn toàn vào quyền lực cứng (Bảng 3.1). Quyền lực mềm của tòa thánh Vatican không suy giảm dù quy mô càng ngày càng thu hẹp trong thế kỷ 19. Canađa, Thụy Điển và Hà Lan ngày nay dường như có nhiều ảnh hưởng hơn so với những quốc gia cùng sức mạnh kinh tế và quân sự. Liên Xô có quyền lực mềm tương đối lớn ở Châu Âu thời điểm sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nhưng đã hoang phí nguồn sức mạnh này sau khi đưa quân vào Hungary năm 1956 và Tiệp Khắc năm 1968.

Ngày nay, đâu là những yếu tố mang lại nhiều quyền lực nhất?  Năm thế kỷ tồn tại của hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại cho thấy những nguồn lực khác nhau đã đóng những vai trò then chốt trong từng thời kỳ khác nhau. Nguồn gốc của quyền lực không bao giờ là cố định và nó tiếp tục thay đổi trong thế giới ngày nay. Hơn nữa, các nguồn lực này biến đổi ở những khu vực khác nhau trên thế giới. Quyền lực mềm trở nên quan trọng hơn đối với các xã hội hậu công nghiệp trong kỷ nguyên thông tin khi mà nền hòa bình dựa trên giá trị dân chủ thắng thế, trong khi quyền lực cứng thường quan trọng hơn đối với những quốc gia đang trong thời kỳ công nghiệp hóa hay tiền công nghiệp hóa trên thế giới.

Trong giai đoạn thông tin là nền tảng của kinh tế và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng lớn, quyền lực trở nên khó san sẻ hơn, ít mang tính chất ép buộc hơn và cũng vô hình hơn, như những gì chúng ta sẽ thấy trong Chương 7 và Chương 8. Các nhà phân tích truyền thống sẽ dự báo kết cục của các cuộc xung đột chủ yếu dựa vào việc quân đội của ai giành phần thắng. Ngày nay, trong các cuộc xung đột như cuộc chiến chống khủng bố xuyên quốc gia, câu chuyện của ai thuyết phục hơn cũng có vai trò không kém phần quan trọng. Quyền lực cứng là cần thiết để đối đầu những tên khủng bố đầu sỏ, nhưng quyền lực mềm cũng rất quan trọng trong việc giành được sự ủng hộ của những người dân vốn nếu không được tranh thủ sẽ quay sang ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.

Sự biến đổi của quyền lực cũng không giống nhau trên khắp thế giới. Thế kỷ 21 sẽ chứng kiến vai trò ngày càng lớn hơn của quyền lực của thông tin và các thể chế. Song như cuộc chiến tranh Vùng Vịnh 1991 cho thấy, sức mạnh quân sự vẫn là yếu tố quan trọng. Quy mô kinh tế, bao gồm cả quy mô thị trường và mức độ dồi dào về tài nguyên thiên nhiên, vẫn giữ vai trò quan trọng. Lĩnh vực dịch vụ ngày càng phát triển trong các nền kinh tế hiện đại, và sự khác biệt giữa lĩnh vực dịch vụ và sản xuất ngày càng bị xóa nhòa. Thông tin càng ngày càng trở nên dồi dào, và khả năng tổ chức nhằm có được phản ứng lanh lẹ và mềm dẻo sẽ trở thành một nguồn lực cốt yếu. Sự liên kết của hệ thống chính trị cũng sẽ giữ vai trò quan trọng tương tự như việc nuôi dưỡng một nền văn hoá đại chúng hấp dẫn có thể “xuất khẩu” được ra bên ngoài.

Một vấn đề lớn đối với các chính khách khi nỗ lực đánh giá trạng thái cân bằng quyền lực là đo lường các nguồn lực thường xuyên thay đổi. Đối với các nhà phân tích chính trị quốc tế, một khái niệm được sử dụng để chỉ nhiều đối tượng khác nhau sẽ dễ gây hiểu nhầm. Chúng ta phải cố gắng tách biệt và làm rõ những nội hàm cơ bản của một khái niệm thường được sử dụng một cách lỏng lẻo này. Thuật ngữ cân bằng quyền lực thường liên quan ít nhất tới 3 trường hợp khác nhau.

Cân bằng như một cách phân bổ quyền lực

Đầu tiên, cân bằng quyền lực có thể được hiểu là bất cứ sự phân bổ quyền lực nào đó. Nhưng ai là người sở hữu các nguồn lực? Đôi khi người ta sử dụng thuật ngữ cân bằng quyền lực chỉ để nói về hiện trạng, sự phân bổ quyền lực hiện tại. Do vậy, vào năm 1980, một số người Mỹ cho rằng nếu Nicargua trở thành một quốc gia cộng sản thì cân bằng quyền lực sẽ bị thay đổi. Việc dùng thuật ngữ cân bằng quyền lực theo cách này không hợp lý. Nếu một quốc gia nhỏ có thay đổi phe phái cũng có thể tác động ít nhiều đến sự phân bổ quyền lực hiện thời, nhưng đó chỉ là một thay đổi nhỏ không giúp chúng ta hiểu nhiều về những chuyển biến lớn và sâu sắc hơn trong nền chính trị thế giới.

Thuật ngữ “cân bằng quyền lực” cũng có thể được dùng để chỉ một tập hợp các tình huống đặc biệt (và hiếm gặp hơn) mà trong đó quyền lực được phân bổ một cách đồng đều. Cách sử dụng này gợi nhắc tới một chiếc thước đo hay một chiếc cân với tỉ lệ chia đều nhau. Phái theo chủ nghĩa hiện thực lập luận rằng sự ổn định đó xảy ra khi có sự cân bằng, song nhiều người cho rằng sự ổn định chỉ có được khi có một chủ thế với quyền lực vượt trội khiến cho các chủ thể khác không dám tấn công chủ thể đó. Thuyết ổn định nhờ bá quyền cho rằng mất cân bằng quyền lực sẽ tạo ra hoà bình. Sự hiện diện một cường quốc vượt trội sẽ giúp đảm bảo ổn định, nhưng khi cường quốc đó bắt đầu suy yếu và xuất hiện những cường quốc mới trỗi dậy thách thích địa vị bá quyền của cường quốc cũ thì chiến tranh lại nhiều khả năng xảy ra. Quay lại giải thích của Thucydides về cuộc chiến tranh Peloponnese chúng ta có thể thấy: sự lớn mạnh của Athens và những nỗi sợ hãi được gieo rắc ở Sparta phù hợp với thuyết chuyển giao quyền lực bá quyền mà chúng ta vừa nêu. Như phần sau của chương này cho thấy, điều tương tự được lặp lại trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Tuy nhiên, cũng cần thận trọng khi áp dụng những lý thuyết như vậy vì chúng có xu hướng dự báo xung đột chắc chắn xảy ra. Những năm 1880, Mỹ đã vượt qua Anh, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 1895 xảy ra một tranh chấp giữa Anh và Mỹ liên quan đến đường biên giới ở Nam Mỹ, chiến tranh tưởng chừng đã sắp nổ ra. Lúc đó, Anh là bá quyền cũ, Mỹ là cường quốc mới nổi, và nguyên nhân xung đột đã hiển hiện, song người ta không có dịp nghiên cứu cuộc chiến Anh – Mỹ 1895 vì nó không xảy ra trên thực tế. Thám tử Shelock Holmes đã từng chỉ ra rằng: chúng ta có thể tìm ra những manh mối quan trọng từ chú chó chưa bao giờ sủa. Trong trường hợp này, việc chiến tranh không nổ ra buộc chúng ta phải truy tìm những nguyên nhân khác. Những người theo chủ nghĩa hiện thực cho rằng sự nổi lên của nước Đức là mối đe doạ cận kề hơn đối với Anh và Anh sẽ quan tâm hơn đến việc kiềm chế Đức chứ không phải Mỹ.  Còn chủ nghĩa tự do thì giải thích rằng bản chất dân chủ ngày càng tăng của Anh và Mỹ cũng như sự giao thoa văn hoá gần gũi giữa hai nước khiến chiến tranh không nổ ra. Tóm lại, kết luận đầu tiên về cân bằng quyền lực theo cách hiểu đầu tiên này là: những thay đổi trong quá trình phân bổ quyền lực giữa các cường quốc hàng đầu có thể là một yếu tố quan trọng, song không phải là yếu tố duy nhất để giải thích nguồn gốc của chiến tranh và bất ổn.

Cân bằng quyền lực như là một chính sách

Cách sử dụng thứ hai đề cập đến cân bằng quyền lực như một chính sách giữ cân bằng. Cân bằng quyền lực dự đoán rằng các quốc gia sẽ hành động nhằm ngăn chặn bất cứ một quốc gia nào nổi lên áp đảo. Dự báo này đã có nguồn gốc lâu đời. Năm 1848, huân tước Palmerston – thư ký đối ngoại Anh – đã nói rằng nước Anh không có kẻ thù hay đồng minh vĩnh viễn, Anh chỉ nghĩ về lợi ích quốc gia của chính mình. Năm 1914, Bộ trưởng ngoại giao Anh Edward Grey đã không muốn tham chiến, nhưng cuối cùng cũng đã tham chiến vì ông lo sợ Đức sẽ chiếm được ưu thế ở Châu Âu nhờ kiểm soát được lục địa này. Năm 1941, khi Hitler xâm lược Liên Xô, thủ tướng Anh Wilson Churchill đã nói rằng Anh sẽ tạo một sự liên minh với Stalin, người mà vài năm trước đó ông đã công kích kịch liệt, để chống lại Hitler. Churchill nói “Nếu Hitler xâm lược Địa ngục,[2] thì ít nhất tôi cũng nhắc đến Ác quỷ[3] một cách ưu ái ở Hạ viện này.”[4] Đây là những ví dụ tốt minh chứng rằng cân bằng quyền lực là một chính sách mà các chính trị gia theo đuổi.

Dự báo những cách hành xử như vậy dựa trên hai giả định cơ bản: (1) Cấu trúc của chính trị quốc tế là một hệ thống vô chính phủ gồm nhiều quốc gia, và (2) các quốc gia coi sự độc lập là mục tiêu tối thượng. Chính sách cân bằng quyền lực không nhất thiết giả định rằng các quốc gia hành động nhằm tối đa hoá quyền lực. Trong thực tế, một nước có thể chọn một cách làm khác nếu họ muốn tối đa hoá sức mạnh. Ví dụ, họ có thể là chọn cách nhảy tàu (bandwagoning), nghĩa là đi theo bất cứ phe nào được cho là mạnh hơn và cùng chia sẻ thành quả của kẻ chiến thắng. Chiến thuật nhảy tàu này thường gặp trong chính trị nội bộ của các quốc gia khi các nhà chính trị tập trung ủng hộ cho người có nhiều khả năng chiến thắng. Tuy nhiên, cân bằng quyền lực lại dự đoán rằng, một quốc gia có thể sẽ hợp tác với bất cứ quốc gia nào được xem là yếu hơn bởi họ sẽ cùng nhau hành động nhằm ngăn chặn bất cứ một quốc gia nào vươn lên giành thế áp đảo. Chiến thuật nhảy tàu trong chính trị quốc tế sẽ mang đến nguy cơ mất độc lập. Vào năm 1939 và 1940, Mussolini đã liên kết với Hitler để tấn công nước Pháp với mục đích cùng phân chia chiến lợi phẩm, nhưng rốt cuộc Ý ngày càng trở lên phụ thuộc vào Đức. Đó là lý do tại sao chính sách cân bằng quyền lực đề xuất việc liên minh với phe yếu hơn. Cân bằng quyền lực là chính sách giúp đỡ cho kẻ yếu, bởi nếu giúp đỡ kẻ mạnh thì kẻ đó sau này có thể quay lại và làm thịt bạn.

Các quốc gia có thể đơn phương cân bằng quyền lực bằng cách phát triển vũ trang hoặc thiết lập các khối liên minh với các quốc gia khác mà nguồn lực của họ giúp cân bằng với quốc gia đứng đầu. Đây là một trong những dự đoán đáng quan tâm và có tác động mạnh trong chính trị quốc tế. Trung Đông hiện tại là một ví dụ điển hình. Như chúng ta thấy trong Chương 6, khi Iran và Iraq đi đến chiến tranh trong những năm đầu thập kỷ 1980, một vài nhà quan sát nghĩ rằng tất cả các nước Ảrập sẽ ủng hộ Saddam Hussein của Iraq, người đại diện cho Đảng Ba’ath và thế giới Ảrập, chống lại Giáo chủ Ayatollah Khomeini của Iran, người đại diện cho nền văn hoá Ba Tư và thiểu số người Shi’ite theo đạo Hồi. Nhưng Syria, mặc dù có một lãnh tụ tối cao theo đường lối thế tục của Đảng Ba’ath, lại trở thành đồng minh của Iran. Tại sao? Bởi Syria đã lo ngại về việc người láng giềng Iraq nổi lên trở thành một cường quốc khu vực. Syria lựa chọn như vậy là để cân bằng quyền lực với Iraq, bất chấp ý thức hệ của mình. Những nỗ lực sử dụng hệ tư tưởng để dự báo cách hành xử của các quốc gia thường là không đúng trong khi những dự báo trái với trực giác dựa trên cân bằng quyền lực lại thường mang lại câu trả lời đúng.

Tất nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ. Hành vi của con người khó có thể đoán định chính xác. Con người thường có nhiều sự lựa chọn và họ không luôn luôn hành động theo như dự đoán. Những tình huống cụ thể sẽ dẫn đến những cách hành xử cụ thể của con người, nhưng chúng ta không thể luôn dự đoán chi tiết được. Nếu một ai đó hô lên rằng “Cháy!” trong giảng đường đông người, chúng ta có thể đoán rằng sinh viên sẽ chạy tứ tung tìm các nối thoát, nhưng không đoán được là lối thoát nào. Nếu tất cả cùng chọn một lối thoát thì việc chạy toán loạn có thể ngăn một số không thoát được ra ngoài. Các lý thuyết trong chính trị quốc tế thường có rất nhiều ngoại lệ. Mặc dù cân bằng quyền lực theo nghĩa là một chính sách là một trong những công cụ dự báo chính trị quốc tế mạnh nhất nhưng kết quả lại khó có thể hoàn hảo.

Tại sao các nước đôi khi lại né tránh cân bằng quyền lực và muốn liên minh với những nước mạnh hơn là những nước yếu hoặc tọa sơn quan hổ đấu từ xa, do đó phớt lờ những nguy cơ ảnh hưởng đến nền độc lập của họ? Một vài quốc gia có thể thấy không còn sự lựa chọn nào khác hoặc tin rằng họ không thể tác động đến sự cân bằng. Nếu vậy, một quốc gia nhỏ có thể quyết định buộc phải nằm trong phạm vi ảnh hưởng của một nước mạnh nhưng hy vọng thái độ trung lập sẽ đem lại cho họ một mức độ tự do hành động nhất định. Ví dụ, sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai Phần Lan bị Liên Xô đánh bại và nằm cách xa trung tâm Châu Âu. Người Phần Lan cảm thấy rằng trung lập sẽ an toàn hơn là cố gắng trở thành một phần trong chính sách cân bằng quyền lực của Châu Âu. Họ đã nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô, và điều tốt nhất họ có thể làm là chấp nhận hi sinh một phần sự độc lập trong chính sách đối ngoại nhằm được tự chủ lớn hơn trong các công việc nội bộ của mình.

Một lý do khác giải thích cho việc dự báo dựa trên cân bằng quyền lực đôi khi sai liên quan đến nhận thức về mối đe doạ. Ví dụ, một sự tính toán máy móc về những nguồn lực của các quốc gia năm 1917 sẽ dẫn tới nhận định rằng Mỹ tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ nhất với tư cách là đồng minh với Đức bởi vì Anh, Pháp và Liên Xô đã chiếm 30% sản lượng công nghiệp thế giới trong khi Đức và Áo mới chỉ chiếm 19%. Nhưng chiến tranh đã không diễn ra theo cách đó bởi vì người Mỹ đã cảm nhận quân đội Đức mạnh hơn và là kẻ xâm lược, trong khi Đức lại đánh giá thấp tiềm năng quân sự của Mỹ.

Nhận thức về mối đe doạ thường bị ảnh hưởng bởi mức độ cận kề của mối đe doạ đó. Một nước láng giềng có thể yếu trên cấp độ toàn cầu, nhưng lại có thể là một mối đe dọa ở cấp độ địa phương hay khu vực. Ví dụ như trường hợp của Anh và Mỹ năm 1890: Anh có thể tấn công Mỹ, nhưng thay vào đó Anh lại xoa dịu Mỹ bằng cách nhân nhượng trên nhiều vấn đề, bao gồm việc xây dựng kênh đào Panama cho phép Mỹ cải thiện sức mạnh hải quân của mình. Lý do Anh làm như vậy là vì Anh lo sợ mối đe doạ cận kề là nước Đức thay vì nước Mỹ xa xôi. Mặc dù Mỹ lớn hơn Đức nhưng mức độ cận kề khiến mối đe doạ đến từ nước Đức lớn hơn trong mắt người Anh. Mức độ cận kề cũng góp phần giải thích những liên minh sau năm 1945. Mỹ mạnh hơn Liên Xô, nhưng tại sao Châu Âu và Nhật Bản không liên minh với Liên Xô để chống lại Mỹ? Câu trả lời một phần nằm ở mức độ cận kề của mối đe doạ. Trong quan điểm của Châu Âu và Nhật Bản, Liên Xô là mối đe doạ trực tiếp trong khi Mỹ là một cường quốc phương xa. Người Châu Âu và người Nhật đã nhờ cường quốc ở xa vào cân bằng lại tình hình trong khu vực xung quanh mình. Thực tế rằng mức độ cận kề thường ảnh hưởng tới cách các quốc gia cảm nhận các mối đe doạ giúp bổ sung cho những dự đoán đơn thuần dựa vào việc cộng dồn một cách máy móc các nguồn lực của các quốc gia.

Một ngoại lệ khác đối với những dự đoán dựa trên cân bằng quyền lực gắn liền với sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng trong quan hệ quốc tế. Theo chính sách cân bằng quyền lực, Pháp không muốn thấy Đức phát triển, nhưng thông qua hội nhập kinh tế, sự tăng trưởng của Đức kích thích sự tăng trưởng của Pháp. Các chính trị gia của Pháp nhiều khả năng được tái đắc cử nếu nền kinh tế của Pháp tăng trưởng tốt. Do đó, chính sách kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế Đức là điều dại dột bởi vì nền kinh tế của Pháp và Đức phụ thuộc lẫn nhau quá nhiều. Xét về mặt kinh tế mà nói, những lợi ích chung sẽ bị mất đi do việc theo đuổi chính sách cân bằng quyền lực một cách quá giản đơn.

Cuối cùng, hệ tư tưởng đôi khi cũng khiến các nước quốc gia muốn hợp tác với kẻ mạnh hơn là kẻ yếu. Thậm chí, ngay cả thời kỳ của Thucydides, các thành bang dân chủ của Hy Lạp cũng muốn liên minh với Athens hơn là với Sparta theo chế độ tập đoàn trị. Sự xoa dịu của Anh đối với Mỹ năm 1890, hoặc việc người Châu Âu tham gia với người Mỹ trong một liên minh của các nước theo chế độ dân chủ sau năm 1945 là nhờ ảnh hưởng của hệ tư tưởng cũng như mức độ cận kề của các mối đe doạ. Mặt khác, ta cũng nên cẩn thận về những dự đoán lệ thuộc quá nhiều từ hệ tư tưởng, bởi vì nó thường dẫn đến những sai lầm lớn. Rất nhiều người Châu Âu tin rằng Stalin và Hitler không thể đi cùng nhau trên một con đường vào năm 1939 bởi vì họ đã có những hệ tư tưởng đối lập nhau; nhưng các tính toán cân bằng quyền lực lại liên kết họ với nhau nhằm chống lại các nước ở giữa hai hệ tư tưởng đó. Cũng như vậy, vào những năm 1960, Mỹ đã sai lầm khi xem Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam và Campuchia là một bởi vì tất cả họ đều là nước cộng sản. Một chính sách dựa vào cân bằng quyền lực sẽ đã dự đoán rằng các nước cộng sản này sẽ cân bằng lẫn nhau (như họ đã làm sau đó), và điều này có thể mang lại những cách ít tốn kém hơn nhằm đảm bảo ổn định cho Đông Á.

Cân bằng quyền lực như những hệ thống đa cực

Cách thứ 3 mà thuật ngữ cân bằng quyền lực được sử dụng là nhằm miêu tả những trường hợp đa cực trong lịch sử. Châu Âu thế kỷ 19 đôi khi được xem như kiểu mẫu của một hệ thống cân bằng quyền lực ôn hoà, đa cực. Các nhà sử học như Edward Gulick sử dụng thuật ngữ cân bằng quyền lực cổ điển để đề cập đến hệ thống các quốc gia Châu Âu thế kỷ 18. Theo hướng này, cân bằng quyền lực đòi hỏi một số quốc gia tuân theo những quy định của cuộc chơi vốn thường được thoả thuận trước. Vì cách dùng thuật ngữ cân bằng quyền lực này đề cập tới các hệ thống lịch sử nên chúng ta sẽ xem xét hai khía cạnh của các hệ thống đó, đó chính là cấu trúctiến trình, như được giới thiệu ở Chương 2. Đúng là hệ thống cân bằng quyền lực đa cực trong thế kỷ 19 đã tạo ra một khoảng thời gian dài nhất không có chiến tranh thế giới trong hệ thống các nhà nước hiện đại – từ 1815 đến 1914 – nhưng chúng ta cũng không nên lãng mạn hoá hoặc đơn giản hoá một câu chuyện phức tạp. (Bảng 3.2).

BẢNG 3.2 Các thay đổi cấu trúc trong cân bằng quyền lực trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất

1815-1870 Đa cực lỏng lẻo
1870-1907 Sự nổi lên của nước Đức
1907-1914 Liên minh lưỡng cực

 

Cấu trúc cân bằng quyền lực Châu Âu đã thay đổi vào giai đoạn gần cuối thế kỷ 19. Từ năm 1815 đến năm 1870, năm cường quốc chính thường thay đổi liên minh nhằm ngăn chặn bất cứ một quốc gia nào nổi lên thống trị châu lục. Từ năm 1870 đến năm 1907, có sáu cường quốc sau sự thống nhất của Đức và Ý, nhưng sức mạnh ngày càng tăng của Đức cuối cùng cũng dẫn đến những vấn đề gây nên sự sụp đổ của hệ thống này. Trong vòng bảy năm tiếp theo, hai hệ thống liên minh là phe Hiệp ước (Anh, Pháp, Nga) và phe Liên minh (Đức, Áo-Hung, Ý) đã bị phân cực thành những khối liên kết chặt chẽ và chính việc thiếu sự linh hoạt của các khối liên minh này đã góp phần gây nên Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Về mặt tiến trình, hệ thống cân bằng quyền lực thế kỷ 19 được chia ra thành 5 giai đoạn. Tại Hội nghị Viên, các nước Châu Âu đã khuất phục Pháp thống nhất một số luật chơi nhằm đạt sự cân bằng giữa các nước. Từ 1815 đến 1822 những luật lệ này đã tạo nên giai đoạn “Hoà hợp quyền lực Châu Âu”. Các nước Châu Âu đã phối hợp hành động, thường xuyên gặp gỡ để giải quyết mâu thuẫn và duy trì sự cân bằng. Họ chấp nhận những sự can thiệp nhất định để duy trì sự cầm quyền của chính phủ trong nước khi mà sự thay thế các chính phủ đó có thể dẫn tới những thay đổi chính sách gây bất ổn. Điều này ngày càng trở nên khó khăn hơn khi mà chủ nghĩa dân tộc và các cuộc cách mạng dân chủ đang trỗi dậy, nhưng một sự hoà hợp dù không đầy đủ vẫn tồn tại từ 1822 đến 1854. Hệ thống hoà hợp này đã tan rã vào giữa thế kỷ khi các cuộc cách mạng theo đường lối chủ nghĩa dân tộc tự do đã thách thức tập quán đền bù đất đai hoặc khôi phục lại các chính phủ cũ để duy trì sự cân bằng. Chủ nghĩa dân tộc đã trở lên quá mạnh khiến việc chia cắt những miếng phô-mai đã trở nên không còn dễ dàng.

Thời kỳ thứ 3 của hệ thống cân bằng quyền lực thế kỷ 19, từ 1854 đến 1870, đã trở nên kém ôn hoà với năm cuộc chiến tranh xảy ra. Một trong những cuộc chiến tranh đó, chiến tranh Crưm, là một cuộc chiến tranh cân bằng quyền lực kinh điển mà trong đó Anh và Pháp đã ngăn cản Nga hà hiếp đế chế Ottoman đang suy tàn. Các cuộc xung đột còn lại đều liên quan đến sự thống nhất của Ý và Đức. Các chính trị gia cầm quyền đã bỏ những luật lệ cũ và bắt đầu sử dụng chủ nghĩa dân tộc phục vụ mục đích của mình. Ví dụ, Bismarck không phải là một nhà tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của Đức. Ông ta là một người rất bảo thủ và muốn Đức thống nhất dưới sự cai trị của vương triều Phổ. Và ông đã sẵn sàng sử dụng những lợi thế mà chủ nghĩa dân tộc mang lại, tiến hành chiến tranh đánh bại Đan Mạch, Áo và Pháp để thực hiện nhiệm vụ này. Sau khi đạt được mục đích của mình, ông lại quay lại phong cách bảo thủ cũ của mình.

Thời kỳ thứ 4, từ 1870 đến 1890, là giai đoạn cân bằng quyền lực do Bismarck điều phối trong đó nước Đức dưới sự dẫn dắt của Phổ đóng vai trò quan trọng. Bismarck đã vận dụng linh hoạt một loạt các liên minh và cố gắng hướng Pháp vào những cuộc phiêu lưu đế quốc chủ nghĩa ở nước ngoài khiến Pháp lơ là những vùng đất đã bị mất của mình là Alsace và Lorraine. Ông đã hạn chế chủ nghĩa đế quốc Đức nhằm giữ cho việc cân bằng quyền lực ở Châu Âu xoay xung quanh Berlin.

BẢNG 3.3 Tiến trình cân bằng quyền lực trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất

1815-1822 Hoà hợp Châu Âu
1822-1854 Hòa hợp lỏng lẻo
1854-1870 Chủ nghĩa dân tộc và sự thống nhất Đức và Ý
1870-1890 Bismark hồi sinh Hòa hợp Châu Âu
1990-1914 Hệ thống Hòa hợp thiếu linh hoạt

Tuy nhiên những người kế nhiệm Bismark lại không được khôn khéo bằng ông. Từ 1890 đến 1914 vẫn tồn tại sự cân bằng cán cân quyền lực giữa các nước, nhưng sự linh hoạt, mềm dẻo đã dần mất đi. Những người kế nhiệm ông đã không ký mới các thoả thuận với Nga và Đức đã bị kéo vào các cuộc phiêu lưu của chủ nghĩa đế quốc ở nước ngoài, thách thức ngôi bá chủ về hải quân của Anh và không ngăn được sự đối địch giữa Áo và Nga trên khắp vùng Bancăng. Những chính sách này đã làm tăng nỗi sợ hãi về sự lớn mạnh của Đức, dẫn đến việc hệ thống liên minh ngày càng bị phân cực và dẫn tới chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Các liên minh

Cân bằng quyền lực với tư cách là một hệ thống đa cực có mối quan hệ mật thiết với khái niệm liên minh. Các liên minh là các dàn xếp chính thức hoặc không chính thức mà các nhà nước có chủ quyền cùng ký kết nhằm đảm bảo an ninh cho nhau. Các liên minh có thể xuất phát từ các mối lo lắng về quân sự: hai quốc gia hạng trung có thể trở nên an toàn hơn trước một quốc gia lớn hơn nếu họ cùng liên minh với nhau. Từ xa xưa, liên minh quân sự từng là một trong những vấn đề chủ chốt trong chính trị quốc tế.

Các nhà nước cũng có thể liên minh với nhau vì những lý do phi quân sự. Như đã nói, mặc dù đôi khi gây xung đột nhưng hệ tư tưởng có thể đưa các nước xích lại gần nhau hơn. Các mối quan ngại về kinh tế cũng có thể là một lý do khác dẫn đến sự ra đời của các liên minh, đặc biệt là trong phạm vi các quốc gia phát triển, nơi mà các mối lo lắng đơn thuần về quân sự đã thoái lui.

Các liên minh cũng có thể sụp đổ theo muôn vàn lý do như khi chúng được thành lập, nhưng nhìn chung các nước ngừng liên minh khi họ nhìn nhận không còn phù hợp với nhau hay khi mối đe dọa với an ninh của họ không còn. Điều này có thể xảy ra khi chế độ ở một nước thay đổi. Trước đó hai nước có chung hệ tư tưởng, giờ đây hệ tư tưởng của họ đã đối lập nhau. Vì thế Trung Quốc và Mỹ từng là đồng minh khi Quốc dân Đảng còn cầm quyền trước năm 1949, và trở thành kẻ thù của nhau sau khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền ở Trung Quốc năm 1949. Đương nhiên, các liên minh kết thúc còn vì nhiều lý do khác. Một nước có thể trở nên hùng mạnh hơn. Nước đó có thể xem nước còn lại là địch thủ, trong khi nước còn lại lại xem đối tác của mình như một mối đe dọa và tìm kiếm các liên minh khác nhằm đối trọng lại mối đe dọa này.

Điểm nổi bật của hệ thống liên minh của Bismark là sự linh hoạt cũng như tính phức tạp. Sự linh hoạt làm cho hệ thống cân bằng quyền lực trở nên ổn định vì nó cho phép các cuộc khủng hoảng và xung đột thi thoảng xảy ra mà không khiến toàn bộ hệ thống sụp đổ. Nước Đức nằm ở trung  tâm hệ thống và Bismark có thể được sánh như một nghệ sĩ tung hứng cùng lúc giữ nhiều quả bóng trên không trung. Nếu một quả bóng rơi xuống, người nghệ sĩ vẫn có thể tiếp tục tung hứng những quả bóng khác và thậm chí còn có thể cúi xuống để nhặt quả bóng bị rơi xuống đất.

Thế nhưng tính phức tạp lại là điểm yếu của hệ thống. Khi những nhà lãnh đạo kém tài năng hơn kế nghiệp Bismark, hệ thống liên minh đã không thể được duy trì. Thay vì đẩy các cuộc xung đột ra xa nước Đức như Bismark đã từng làm bằng cách khiến nước Pháp phải dàn trải lực lượng của mình vào các cuộc viễn chinh thuộc địa ở Châu Phi, các nhà lãnh đạo Đức lại cho phép liên minh mắc lỗi và căng thẳng leo thang trong những năm trước 1914. Thay vì tiếp tục duy trì mối quan hệ hòa hoãn với Nga, nước Đức lại để Nga rơi vào liên minh với Pháp và sau đó là Anh. Hệ thống liên minh đa cực một thời từng linh hoạt dần dần trở thành hai khối liên minh đối địch mang lại nhiều hệ lụy nguy hiểm cho sự ổn định của châu Âu.

Nguồn gốc của Chiến tranh thế giới lần thứ nhất 

Ba cấp độ phân tích

Vậy chiến tranh là không thể tránh được?

Loại chiến tranh nào?

Chiếc phễu sàng lọc các lựa chọn

Những bài học của lịch sử

BIÊN NIÊN SỬ: CON ĐƯỜNG DẪN TỚI CHIẾN TRANH THẾ GIỚI LẦN THỨ NHẤT

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Can bang quyen luc va CTTG lan thu nhat.pdf


[1] Richard Cobden, The Political Writings of Richard Cobden (Luân Đôn: Unwin, 1903; New York: Kraus Reprint, 1969).

[2] Ám chỉ Liên Xô (ND)

[3] Ám chỉ Stalin (ND)

[4] Wiston Churchill nói với thư ký riêng John Colville ngày 22/6/1941, trích trong Robert Rhodes James, biên tập, Churchill Speaks: Winston Churchill in Peace and War: Collected Speeches 1897-1963 (New York: Chelsea, 1980).