#67 – Hệ lụy an ninh của vấn đề biến đổi khí hậu

Nguồn: John Podesta & Peter Ogden (2007). “The Security Implications of Climate Change”, The Washington Quarterly, Vol. 31, No.1, pp. 115-138.>>PDF

Biên dịch: Phan Tuệ Minh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Nếu xét về tác động của biến đổi khí hậu, tương lai ngày càng trở nên rõ ràng hơn.[1] Viễn cảnh của vấn đề khí thải nhà kính được nêu ra bởi Ban Chuyên gia Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) dự báo trước một thế giới mà trong đó con người và các quốc gia sẽ bị đe dọa bởi sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nước và lương thực, bởi thiên tai tàn phá khốc liệt, và bởi sự bùng phát của những dịch bệnh chết người.[2] Không có một giải pháp kỹ thuật hay chính trị dự trù nào có thể giúp chúng ta ngăn chặn được nhiều tác động xấu của khí hậu kể cả khi trong tương lai gần Mỹ tham gia vào hệ thống định mức và thương mại khí thải của thế giới. Trong khi đó, một sự đột phá về công nghệ giúp giảm bớt mạnh mẽ và tức thời lượng khí CO2 trong khí quyển vẫn còn quá xa vời.

Thêm vào đó, viễn cảnh này cũng cho rằng biến đổi khí hậu sẽ không tạo ra bất kỳ hiệu ứng tự tăng cường nào (ví dụ như khí CO2 và khí mê-tan được giải phóng ra từ các lớp băng lâu năm bị tan chảy). Hiệu ứng tự tăng cường như thế sẽ khiến cho những tác động của biến đổi khí hậu tăng lên gấp bội, tạo ra một môi trường thậm chí độc hại hơn những gì được dự đoán ở đây. Chính vì vậy, không hề hù dọa khi nói rằng viễn cảnh này có thể là điều tốt đẹp nhất chúng ta có thể hy vọng trong khoảng 30 năm tới. Hiển nhiên đó là điều tối thiểu chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt.

Tuy nhiên, khoa học cũng chỉ nêu lên được phần nào của câu chuyện mà thôi. Những hậu quả địa chính trị của biến đổi khí hậu được quyết định bởi những nhân tố kinh tế, xã hội, chính trị và cả cường độ của chính tình trạng biến đổi khí hậu nữa. Về nguyên tắc, những quốc gia và cá nhân giàu có hơn sẽ có nhiều khả năng thích nghi với những tác động của biến đổi khí hậu hơn, trong khi những người dân và quốc gia bất lợi hơn sẽ phải gánh chịu thiệt hại nhiều nhất. Ví dụ, sự gia tăng lượng mưa có thể là điều may mắn đối với một quốc gia có khả năng lưu trữ và phân phối lượng nước bổ sung. Tuy nhiên nó sẽ là mối nguy hiểm dẫn đến tình trạng xói mòn đất cho một nước không có cơ sở hạ tầng hay những biện pháp quản lý đất đai đầy đủ.[3]

Do đó, mặc dù IPCC dự đoán rằng nhiệt độ ở những vùng vĩ tuyến cao có thể tăng xấp xỉ gấp đôi mức tăng trung bình toàn cầu, nhưng chính những quốc gia đang phát triển ở những vùng vĩ tuyến thấp của trái đất, cũng như các nước Châu Phi hạ Sahara sẽ chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất từ việc biến đổi khí hậu. Tại thế giới các nước đang phát triển, chỉ cần một sự thay đổi khí hậu tương đối nhỏ thôi cũng có thể gây ra hoặc làm nghiêm trọng thêm vấn đề thiếu lương thực, khan hiếm nước, những hiện tượng thời tiết tiêu cực, sự lây lan dịch bệnh, di dân, và sự tranh giành nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tất cả những khủng hoảng này ngày càng trở nên nguy hiểm hơn vì chúng vừa gắn bó với nhau vừa có khả năng tự duy trì: thiếu nước có thể dẫn đến thiếu lương thực, điều này có thể gây ra sự mâu thuẫn đối với những nguồn tài nguyên còn lại, dẫn đến việc di dân, qua đó tiếp tục tạo ra tình trạng thiếu lương thực tại những vùng khác.

Một khi đã diễn ra, ngày càng khó để ngưng phản ứng dây chuyền này lại. Vì vậy, điều then chốt là những nhà hoạch định chính sách phải làm tất cả những gì có thể nhằm ngăn chặn hiệu ứng domino xảy ra từ tác động chính yếu đầu tiên của biến đổi khí hậu, cho dù đó là sự khan hiếm lương thực hay sự bùng phát dịch bệnh. Bài viết này sẽ xác định những quân cờ domino đầu tiên gây nhiều đe dọa nhất là gì, chúng nằm ở đâu, và tác động địa chính trị dây chuyền của chúng là gì.

Di cư và Nhập cư

Mỹ, như hầu hết các nước giàu có và tiến bộ về công nghệ, sẽ không phải trải qua những cấp độ di cư nội địa bất ổn do biến đổi khí hậu, nhưng quốc gia này cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo IPCC, những cơn bão nhiệt đới sẽ ngày càng dữ dội trong các thập niên tới, đẩy sự cư ngụ của dân cư ra khỏi những vùng duyên hải của Mỹ. Điều này có thể gây ra những hậu quả kinh tế và chính trị đáng kể, như tình trạng di tản và tái định cư vĩnh viễn của nhiều dân cư vùng bờ biển Vịnh Mexico khi cơn bão Katrina xảy ra.[4]

Ngoài ra, Mỹ sẽ phải đối mặt với căng thẳng biên giới do những tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu tại các khu vực thuộc Mexico và vùng Carribê. Vùng phía bắc Mexico khó tránh khỏi tình trạng thiếu nước trầm trọng, dẫn đến làn sóng nhập cư của dân Mexico vào Mỹ bất chấp sự nguy hiểm ngày càng tăng của vùng biên giới hai nước. Tương tự, thiệt hại gây ra bởi những cơn bão và mực nước biển gia tăng tại các vùng duyên hải của các đảo thuộc vùng Carribê, nơi cư ngụ của 60% dân số vùng này, sẽ làm tăng thêm dòng chảy nhập cư từ khu vực và làm phát sinh sự căng thẳng về mặt chính trị.[5]

Tác động của di cư do khí hậu thay đổi sẽ rõ nét nhất tại các nước đang phát triển. Di cư sẽ mở rộng thêm khoảng cách giàu nghèo giữa và trong chính các quốc gia này. Nó sẽ lấy đi những nguồn lực kinh tế và trí tuệ hết sức cần thiết của những nước này vì số lượng tầng lớp doanh nhân và trí thức có đầy đủ những phương tiện di cư ra nước ngoài sẽ ra đi với số lượng gia tăng hơn bao giờ hết.[6] Thậm chí trong một số trường hợp, nó sẽ khơi nguồn chiến tranh bằng cách làm tăng sự cạnh tranh đối với những nguồn tài nguyên khan hiếm, làm đảo lộn trật tự văn hóa và sắc tộc trong một quốc gia hay một vùng.[7] Ba vùng mà sự di cư do biến đổi khí hậu đem lại những thách thức địa chính trị lớn nhất chính là Nam Á, Châu Phi và Châu Âu.

Nam Á

Không có vùng nào bị đe dọa trực tiếp bởi sự di cư của con người hơn Nam Á. IPCC cảnh báo rằng “những vùng duyên hải, đặc biệt là những vùng đồng bằng châu thổ lớn có dân cư tập trung đông đúc ở phía Nam, Đông và Đông Nam Á, sẽ có nguy cơ cao nhất do sự gia tăng của tình trạng nước biển xâm lấn và tại một số vùng đồng bằng là lũ lụt từ các con sông”.[8] Đặc biệt Bangledesh sẽ bị đe dọa bởi những cơn lũ tàn phá và thiệt hại khác từ những trận gió mùa, băng tan chảy, và những cơn bão nhiệt đới bắt nguồn từ vịnh Bengal, cũng như sự ô nhiễm nguồn nước và tình trạng bị tàn phá của hệ sinh thái gây ra bởi mực nước biển gia tăng.

Dân số của Bangledesh, ngày nay đạt 142 triệu người, được dự đoán sẽ tăng khoảng 100 triệu người trong suốt một vài thập kỷ tới, kể cả khi tác động của biến đổi khí hậu và những nhân tố môi trường khác làm cho người dân không thể nào trú ngụ tại các vùng thấp trũng của quốc gia này.[9] Nhiều người không có nơi cư trú sẽ di chuyển vào vùng nội địa, dẫn đến sự bất ổn bởi vì những cư dân mới sẽ phải cạnh tranh với những cư dân cũ trong việc giành lấy những nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm. Còn những người khác sẽ tìm cách di cư ra nước ngoài, khiến căng thẳng về mặt chính trị dâng cao không chỉ tại Nam Á mà còn ở Châu Âu và cả Đông Nam Á.

Ấn Độ sẽ đau đầu với tình trạng di cư ồ ạt của dòng người mất nơi cư trú từ Bangledesh, cộng với số người đến từ những hòn đảo nhỏ ở vịnh Bengal vốn dần bị nuốt chửng bởi sự gia tăng của mực nước biển. Có khoảng 4 triệu người sinh sống tại những hòn đảo này, và rốt cuộc nhiều người trong số họ sẽ phải di cư vào đất liền.[10]

Dân di cư Bangladesh sẽ làm phát sinh căng thẳng chính trị vì họ sẽ vượt qua những vùng biên giới và lãnh thổ đang bị tranh chấp, như những vùng giữa Trung Quốc, Ấn Độ, và Pakistan. Vùng biên giới Ấn Độ – Bangladesh đã là địa điểm của sự bất đồng chính trị nghiêm trọng, được chứng minh qua hàng rào biên giới làm bằng sắt dài 2.100 dặm, cao 2m rưỡi đang được Ấn Độ thi công.[11] Dự kiến hoàn thành vào năm 2007, hàng rào này được xây dựng vào thời điểm xảy ra hàng loạt dấu hiệu nổi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Bangladesh. Sau khi Mỹ bắt đầu đưa quân vào Afghanistan, hàng trăm chiến binh Taliban và những người theo phong trào Thánh chiến Hồi giáo tìm nơi trú ẩn ở nước này.[12] Trong bài báo gần đây của mình, cựu nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia và nhà phân tích của Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ Bruce Riedel cho rằng Bangladesh là một trong những nơi có khả năng trở thành một căn cứ tác chiến mới của al Qaeda nhất.[13] Sự kết hợp giữa những điều kiện kinh tế xã hội suy thoái, các nhóm chính trị Hồi giáo cực đoan, và tình trạng bất ổn môi trường trầm trọng gây ra bởi biến đổi khí hậu có thể trở thành một sự kết hợp không ổn định với những hậu quả khu vực và toàn cầu khốc liệt.

Không may thay, biến đổi khí hậu đang khiến cho nhiều dự án phát triển được cộng đồng quốc tế rót vốn ở Nam Á và những nơi khác trở nên kém hiệu quả, đồng thời cũng khiến những dự án này mang tính cấp thiết hơn. Ngân hàng Thế giới ước tính 40% hỗ trợ phát triển nước ngoài và tín dụng ưu đãi là dành cho các hoạt động bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tuy nhiên chỉ có một vài dự án xem xét kỹ lưỡng và tính toán đầy đủ những tác động của điều này. Chính vì thế, những con đập lại được xây dựng trên các con sông khô cạn, và mùa màng thì lại được trồng tại những vùng duyên hải thường xuyên bị lũ lụt.[14]

Hơn thế nữa, sự thiếu hụt nước do biến đổi khí hậu lại trùng khớp với một xu hướng ngày càng tăng của các nhà tài trợ và các tổ chức tài chính thế giới, ví dụ như Ngân hàng Thế giới, trong việc thúc đẩy việc tư nhân hóa nguồn nước, khiến giá cả thường xuyên tăng lên đối với các nông dân nghèo sinh sống tại nông thôn đến mức họ không thể kham nổi. Điều này cũng sẽ kích động sự căng thẳng giữa người nghèo, người dân sống ở nông thôn với tầng lớp trung lưu và thượng lưu thành thị bằng cách làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng về kinh tế và xã hội hiện có.

Ví dụ như ở Nepal, biến đổi khí hậu đang góp phần cho một hiện tượng được biết đến như sự bùng nổ của hồ băng, theo đó những đợt sóng dữ tợn cao đến 15m phá hủy những khu định cư, những con đập, cây cầu, và các cơ sở hạ tầng ở hạ nguồn. Hàng triệu đô la đầu tư coi như mất hết bởi thiết kế các nhà máy thủy điện và các công trình cơ sở hạ tầng ở Nepal đã không tính đến những trận lũ lụt tai hại như thế. Rốt cuộc, điều này càng gia tăng áp lực đối với một đất nước vốn đã bị khó khăn bao vây khi vừa phải đấu tranh duy trì nền hòa bình mong manh vừa phải cố gắng tái hòa nhập cho hàng chục ngàn phiến quân Mao-ít. Do khoảng cách rất gần khu vực xung đột dai dẳng ở Kashmir và vùng biên giới đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ, một sự bùng phát của tình trạng bất ổn xã hội và chính trị dữ dội ở Nepal có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho cả khu vực Nam Á.

Nigeria và Đông Phi

Tác động của di cư do biến đổi khí hậu sẽ được nhận thấy rõ ràng khắp khu vực Châu Phi, tuy nhiên những ảnh hưởng của nó lên Nigeria và Đông Phi gây ra những thách thức địa chính trị đặc biệt sâu sắc. Sự di cư này sẽ bao gồm cả cấp độ nội địa và quốc tế. Làn sóng di cư trong nước đầu tiên có khả năng từ những vùng nông thôn ra các trung tâm thành thị nơi có đầy đủ các dịch vụ xã hội hơn, và nguy cơ quốc gia thất bại sẽ gia tăng khi chính phủ trung ương mất quyền kiểm soát đối với lãnh thổ và biên giới của mình.

Nigeria sẽ phải gánh chịu hạn hán, tình trạng sa mạc hóa, và sự dâng cao của mực nước biển do biến đổi khí hậu gây ra. Mỗi năm, có khoảng 1.350 dặm vuông của Nigeria biến thành sa mạc, buộc cả người trồng trọt và chăn nuôi gia súc phải bỏ nhà cửa ra đi.[15] Thủ đô Lagos, một trong những siêu đô thị ven biển của Tây Phi, được IPCC nhận định có nguy cơ bị đe dọa bởi sự dâng cao của mực nước biển vào năm 2015.[16] Điều này cộng với tốc độ gia tăng dân số cao (Nigeria là quốc gia đông dân nhất Châu Phi, và ¾ dân số dưới độ tuổi 30) sẽ dẫn đến tình trạng di cư mạnh mẽ và góp phần gây ra bất ổn về chính trị và kinh tế. Chẳng hạn, nó sẽ khoét sâu xung đột trong nước đang tồn tại về vấn đề sản xuất dầu tại khu vực đồng bằng Niger.[17] Cho đến nay, Phong tròng Giải phóng đồng bằng Niger đã tiến hành thành công chiến dịch tấn công vũ trang, phá hoại, và bắt cóc buộc 25 sản lượng dầu của đất nước phải tạm ngừng.[18] Là quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 8 thế giới và lớn nhất của Châu Phi, sự bất ổn này ở Nigeria có tác động lớn đến giá dầu, và nó sẽ tạo ra các hệ lụy chiến lược toàn cầu trong những thập kỷ tới.[19] Bên cạnh vấn đề đồng bằng Niger, Nigeria còn phải đối đầu với phong trào ly khai Biafran ở phía đông nam của nước này.

Tuy nhiên, sự đe dọa của xung đột địa phương lại mạnh nhất ở các nước Đông Phi do ở đây tập trung các chính phủ yếu kém hay thất bại, vô số các tranh chấp chính trị còn tồn đọng, và những tác động gay gắt của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu có thể tạo ra những dao động lớn trong lượng mưa ở Đông Phi trong suốt 30 năm tới; sự gia tăng lượng mưa từ 5 đến 20% suốt mùa đông sẽ gây ra lũ lụt và xói mòn đất đai, trong khi sự giảm sút lượng mưa từ 5 đến 10% vào mùa hè sẽ dẫn đến những trận hạn hán khắc nghiệt.[20] Điều này đe dọa đến sinh kế của hàng triệu người dân và năng suất kinh tế của vùng, vì nông nghiệp đóng góp khoảng 40% cho GDP của Đông Phi và 80% dân số các nước khu vực này sinh sống nhờ vào nông nghiệp.[21]

Ví dụ như ở Darfur, sự thiếu hụt nước đã dẫn đến tình trạng sa mạc hóa của những vùng đất canh tác và đồng cỏ rộng lớn. Sự cạnh tranh dữ dội giữa những người trồng trọt và chăn nuôi gia súc đối với những vùng đất canh tác được còn sót lại cộng với những căng thẳng sắc tộc và tôn giáo âm ỉ đã kích động cho vụ diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 21.[22] Giờ đây xung đột này đã lan sang Cộng hòa Chad và Cộng hòa Trung Phi. Trong khi đó, cả khu vực Sừng Châu Phi vẫn tiếp tục bị đe dọa bởi một chính phủ Somalia thất bại và những nhà nước yếu kém khác. Những phần tử Al Qaeda hoạt động rất tích cực trong vùng, và khu vực này có nguy cơ trở thành cái nôi và nơi ẩn náu an toàn của những người theo Thánh chiến Hồi giáo vì biến đổi khí hậu đẩy ngày càng nhiều quốc gia đến bờ vực sụp đổ.

Châu Âu

Do hầu hết tình trạng di cư ở Châu Phi và Nam Á sẽ mang tính chất quốc gia và khu vực, sự giảm sút theo như dự đoán trong việc sản xuất lương thực và nguồn nước ngọt kết hợp với xung đột gia tăng do khan hiếm tài nguyên sẽ buộc ngày càng nhiều người dân Châu Phi và Nam Á di cư ra nước ngoài.[23] Kết quả là sẽ có sự bùng phát số lượng người Hồi giáo di cư sang các nước Liên minh Châu Âu, điều có thể khiến những căng thẳng đang tồn tại trầm trọng thêm và làm tăng quá trình cấp tiến hóa đối với các thành viên của những cộng đồng Hồi giáo đang ngày càng gia tăng và ít bị đồng hóa ở Châu Âu.

Đa số dân di cư đã tới hầu hết các nước Tây Âu là người Hồi giáo. Những người theo đạo Hồi chiếm khoảng 5% dân số Châu Âu, trong đó những cộng đồng lớn nhất sinh sống tại Pháp, Hà Lan, Đức, và Đan Mạch.[24] Dân số Hồi giáo của Châu Âu được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025, và sẽ còn tăng hơn nữa nếu như những tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục thúc đẩy việc di cư thêm từ Châu Phi và Nam Á.[25]

Mức độ bất ổn mà sự di cư gây ra sẽ phụ thuộc vào mức độ hòa nhập của những dân nhập cư này vào xã hội Châu Âu. Quá trình này không phải lúc nào cũng diễn ra tốt đẹp, điển hình là những cuộc bạo động tại những vùng ngoại ô Paris nơi phần lớn là dân nhập cư sinh sống vào năm 2005, và nhiều người cho rằng sự ngờ vực đối với những cộng đồng nhập cư và Hồi giáo ở Châu Âu sẽ trở sâu sắc thêm hơn nữa nếu xảy ra một cuộc tấn công của một tên khủng bố (nhập cư) địa phương. Do phản ứng dân tộc chủ nghĩa và bài nhập cư có thể bắt nguồn thậm chí từ một cuộc tấn công nhỏ hoặc thất bại, nguy cơ xảy ra loại phản ứng như vậy là rất cao.

Nếu phản ứng ấy xảy ra đủ mạnh, thì tính cố kết của Châu Âu sẽ bị thử thách. Hiện nay, sự dễ dàng trong việc di chuyển qua lại giữa các nước Châu Âu khiến cho việc theo dõi và kiểm soát dân nhập cư, cả hợp pháp và bất hợp pháp, trở nên vô cùng khó khăn. Chẳng hạn vào năm 2005, Tây Ban Nha ban hành lệnh ân xá cho 600.000 dân nhập cư không giấy tờ nhưng không thể đảm bảo được là những người này có thể ở lại nước này.[26] Số lượng dân Châu Phi nỗ lực để có thể đến được quần đảo Canary của Tây Ban Nha – lãnh thổ cực nam của EU –  tăng gấp đôi ngay sau đó. Vào năm 2006, có ít nhất 20.000 người Châu Phi cố gắng thực hiện chuyến hành trình đầy nguy hiểm và thường gây chết người này.[27]

Tới nay, Châu Âu đã đáp trả lại thách thức này bằng những biện pháp tạm thời, như hình thành những đội bảo vệ biên giới phản ứng nhanh.[28] Mặc dù dòng chảy nhập cư từ Châu Phi, các nước Hồi giáo và những nơi khác nữa sẽ tiếp tục được một số người xem như là chất xúc tác tiềm năng cho phát triển kinh tế khi mà Châu Âu có tỷ lệ sinh rất thấp, nhưng khả năng tồn tại của cách quản lý biên giới lỏng lẻo ở Châu Âu cũng sẽ bị đặt dấu chấm hỏi, và sự thiếu vắng một chính sách nhập cư chung chắc chắn sẽ dẫn đến căng thẳng chính trị nội bộ. Nếu một chính sách nhập cư chung không được tiến hành, thì những hạn chế biên giới lớn sẽ lại xuất hiện và làm chậm quá trình hội nhập xã hội, chính trị và kinh tế của các nước Châu Âu.

Cạnh tranh nguồn nước ở Trung Đông   

Tình trạng khan hiếm nước gia tăng do biến đổi khí hậu sẽ góp phần gây ra tình trạng bất ổn khắp thế giới. Như đã thảo luận ở trên, tại nhiều vùng của Châu Phi, người dân sẽ di cư đến những nơi khác kể cả trong và ngoài biên giới nhằm tìm kiếm những nguồn cung cấp nước mới, tạo điều kiện cho những biến động xã hội và chính trị xảy ra suốt dọc đường đi của họ. Tình trạng này đã diễn ra ở Darfur, và những tác động của nó được nhận thấy khắp cả vùng.

Bên cạnh đó, khan hiếm nước cũng định hình nên trật tự địa chính trị khi mà các quốc gia tham gia vào cuộc tranh giành nguồn nước đang dần cạn kiện với các nước láng giềng. Mặc dù sự đe dọa này có thể gợi lên những hình ảnh trong sách Khải huyền về những đạo quân tập trung ở các sa mạc để chuẩn bị chiến đấu với nhau vì nguồn nước, nhưng khả năng xảy ra xung đột mở kiểu này trong vòng 30 năm tới là không cao. Hiện chỉ có một vài trường hợp mà ở đó việc một quốc gia tiến hành chiến tranh nhằm tăng nguồn cung cấp nước là có thể hợp lý về mặt chiến lược.

Nước không có giá trị kinh tế của một loại hàng hóa chiến lược có thể buôn bán toàn cầu như dầu, và để gặt hái được những lợi ích đáng kể từ một chiến dịch quân sự sẽ đòi hỏi phải chiếm được toàn bộ vùng nước, cắt nguồn cung nước cho những dân cư hiện đang phụ thuộc vào nó, và sau đó bảo vệ vùng nước này cũng như cơ sở hạ tầng khỏi sự phá hoại.[29] Chính vì vậy, mặc dù có thể chúng ta sẽ không phải chứng kiến “những cuộc chiến vì nguồn nước”, nhưng các quốc gia sẽ vẫn theo đuổi kịch liệt những giải pháp kỹ thuật và chính trị mà hiện giờ đang giúp họ có thể tồn tại trong những khu vực có nguồn nước ngày càng bị giới hạn.

Đây có vẻ là trường hợp của Trung Đông, nơi mà sự thiếu hụt nước sẽ xảy ra đồng thời cùng với sự bùng nổ dân số. Tính chất chính trị về vấn đề nước hết sức phức tạp của vùng này đã được mô tả rất phù hợp như là một “phức hợp an ninh chính trị thủy văn” (hydropolitical security complex).[30] Con sông Jordan gắn kết những quyền lợi về nước của Israel, Jordan, Libăng, chính quyền Palestine, và Syria; trong khi đó sông Tigris và Euphrates lại gắn kết quyền lợi giữa Iran, Iraq, Syria, và Thổ Nhĩ Kỳ. Vấn đề thủy văn này còn phức tạp hơn bởi 75% lượng nước toàn khu vực Trung Đông đều nằm ở Iran, Iraq, Syria, và Thổ Nhĩ Kỳ.[31] Những điều kiện này sẽ là tiền đề cho căng thẳng chính trị thậm chí ở những khu vực trước giờ bình yên.

Vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực có thể sẽ được nâng cao nhờ vào cuộc khủng hoảng nước. Nằm ở thượng nguồn sông Tigris và Euphrates, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất ở Trung Đông không phải phụ thuộc vào những nguồn cung cấp nước bắt nguồn từ ngoài biên giới của nước này, và mặc dù không phải là một nước dư dả gì về nước, nhưng nguồn cung nước của đất nước này sẽ không chịu sự đe dọa đáng kể nào từ biến đổi khí hậu trong 3 thập kỷ tới.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu vẫn sẽ khiến tất cả những quốc gia phụ thuộc vào nguồn nước từ sông Tigris và Euphrates khác trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng gián đoạn nguồn cung một cách có chủ ý. Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách để tối đa hóa ảnh hưởng này với dự án khổng lồ Đông Nam Anatolia. Một khi được hoàn thành vào năm 2010, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có 22 con đập và 19 nhà máy điện dọc theo sông Euphrates, từ đó làm giảm nguồn cung nước ở phía hạ nguồn. Các con đập cũng sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng cắt nguồn cung nước cho Syria đến 40% và nguồn cung cho Iraq đến 80%.[32]

Khả năng sử dụng nước như một công cụ chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong mối quan hệ với Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện khả năng cắt nguồn cung nước đối với Syria vào tháng 1 năm 1990, khi nước này ngăn dòng chảy của sông Euphrates để lấp đầy hồ chứa của đập Ataturk. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đe dọa cắt nguồn nước nhằm trả đũa sự ủng hộ của Syria đối với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), và nước này cũng có khả năng giảm nguồn cung nước cho miền Bắc Iraq nơi bị kiểm soát bởi người Kurd.[33] Mặc dù sự ủng hộ của Syria dành cho PKK đã chấm dứt vào năm 1998, nhưng những xung đột tại Iraq có thể kích động đảng này tìm kiếm sự ủng hộ mới từ những đồng minh tiềm năng trong vùng.

Còn Israel, một quốc gia vô cùng nghèo nước, sẽ thê thảm hơn thế nữa. 1.000 m3 nước trên một đầu người một năm được xem như là lượng nước cần thiết tối thiểu đối với một quốc gia công nghiệp. Thế nhưng, đến năm 2025, Israel mới đạt chưa tới 500 m3 cho mỗi người dân trong một năm.[34] Việc bơm nước quá nhiều cũng góp phần cho sự cạn kiệt và tình trạng mặn hóa các tầng ngậm nước và các con sông quan trọng. Thêm nữa, nhiều nguồn cung nước của Israel là từ những vùng lãnh thổ bị tranh chấp chính trị. Một phần ba trong số đó xuất phát từ cao nguyên Golan, và 1/3 khác thì từ tầng ngậm nước trên dãy núi nằm giữa Bờ Tây (song Jordan) và Israel.[35]

Israel sẽ phải lưu ý hơn nữa đến tầm quan trọng của mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, và liên minh giữa 2 nước sẽ trở nên sâu sắc hơn nếu như đề xuất về một thỏa thuận buôn bán nước dần được hoàn thành trong đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chuyển nước trực tiếp đến Israel bằng tàu chứa bồn.[36] Nguồn cung mới này sẽ không thể bù đắp những áp lực khác từ biến đổi khí hậu và sự phát triển dân số, nhưng nó sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia này, đồng thời làm dịu bớt bất kỳ khả năng gián đoạn hay cấm vận nguồn nước nước ngắn hạn đột ngột nào.[37]

Mối quan hệ của Israel với Syria cũng sẽ bị căng thẳng do nhu cầu của Israel đối với những nguồn nước từ cao nguyên Golan. Mặc dù mỗi bên đều nhận ra rằng giải pháp hòa bình và lâu bền đối với vấn đề cao nguyên Golan sẽ phải bao gồm một thỏa thuận chia sẻ nguồn nước, nhưng vấn đề tiếp cận trực tiếp biển Galilee sẽ tiếp tục gây phức tạp cho những cuộc đàm phán quanh việc phân định biên giới, như đã xảy ra vào năm 2000.

Hình 1. Dân số Trung Đông và Bắc Phi theo nhóm tuổi, 1950-2050 (triệu người)

          (Vui lòng download văn bản để xem hình)

Nguồn: United Nations, World Population Prospects: The 2006 Revision and World Urbanization Prospects: The 2005 Revision.

Những vấn đề về nước của khu vực sẽ trở nên tồi tệ hơn do sự phát triển dân số (xem hình 1). Theo những dự đoán hiện nay, dân số Trung Đông và Bắc Phi có thể sẽ tăng gấp đôi trong 50 tới.[38] Ở khu vực Trung Đông, những vùng có dân số gia tăng nhanh nhất là những nơi nghèo nàn nguồn nước như các lãnh thổ của Palestine. Tại vùng Bờ Tây, thiếu nước ngọt đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và thất nghiệp, và những cuộc xung đột nhỏ nhưng bạo lực đã diễn cũng vì vấn đề nước.[39] Những xung đột này sẽ càng phổ biến khi dân số thì gia tăng còn nguồn cung nước có được lại giảm.

Bệnh tật

Thách thức của biến đổi khí hậu đối với Trung Quốc

Những thách thức và cơ hội cho cộng đồng quốc tế

Liên Hiệp Quốc

Liên minh Châu Âu

Hoa Kỳ trong vai trò đầu tàu

Mối đe dọa của sự vô cảm hóa

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: He luy an ninh cua van de bien doi khi hau.pdf


[1] Xem kịch bản khí thải A1B trong “New Assessment Methods and the Characterisation of Future Conditions,” trong Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC) Working Group II, Climate Change 2007: Impacts, Adaptation and Vulnerability, eds. Martin Parry et al. (Cambridge: Cambridge University Press, 2007), http://www.gtp89.dial.pipex. com/02.pdf

[2] “Summary for Policymakers,” trong IPCC Working Group II, Climate Change 2007: Im-pacts, Adaptation and Vulnerability, eds. Martin Parry et al. (Cambridge: Cambridge University Press, 2007), trang 8, http://www.gtp89.dial.pipex.com/spm.pdf (sau đây gọi là “Summary for Policymakers,” Climate Change 2007).

[3] Idean Salehyan, “Refugees, Climate Change, and Instability” (bài tham luận hội thảo “Human Security and Climate Change”, Asker, Nauy, 21–23 tháng 6, 2005), trang 1–10.

[4] Xem “The New Orleans Index: Tracking Recovery in the Region,” tháng 8 năm 2007, http:// www.brookings.edu/metro/pubs/200512_katrinaindex.htm.

[5] Celine Charveriat, “Natural Disasters in Latin America and the Caribbean: A Over-view of Risk,” Inter-American Development Bank Working Paper, số  434 (tháng 10 năm 2000), trang 58, http://www.iadb.org/IDBDocs.cfm?docnum=788256.

[6] Salehyan, “Refugees, Climate Change, and Instability,” trang 15.

[7] Như trên, trang 4–6, 10.

[8] “Summary for Policymakers,” Climate Change 2007,trang 13.

[9] Tom Felix Joehnk, “The Great Wall of India,” Economist: The World in 2007, tháng 3 năm 2007, trang 49; Jon Barnett, “Security and Climate Change,” Tyndall Centre Working Paper, số 7 (1 tháng 10, 2001), trang 4–5, http://www.tyndall.ac.uk/publications/work-ing_papers/wp7.pdf.

[10] Somini Sengupta, “Sea’s Rise in India Buries Island and a Way of Life,” New York Times, 11 tháng 4, 2007, http://www.nytimes.com/2007/04/11/world/asia/11india.html?ex=1177992000 &en=24e25af6fdf44cbe&ei=5070.

[11]  Joehnk, “Great Wall of India,” trang 49.

[12] Sudha Ramachandran, “The Threat of Islamic Extremism to Bangladesh,” 27 tháng 7, 2005, http://www.pinr.com/report.php?ac=view_report&report_id=334&language_id=1aol_htmShellOpenCommand.

[13] Bruce Riedel, “Al Qaeda Strikes Back,” Foreign Affairs 86, số 3 (tháng 5/tháng 6 năm 2007), http://www.foreignaffairs.org/2007/3.html.

[14] World Bank, “Clean Energy and Development: Towards an Investment Framework,” DC2006-0002, April 5, 2006, annex K, http://siteresources.worldbank.org/DEVCOM-MINT/Documentation/20890696/DC2006-0002(E)-CleanEnergy.pdf (“The Costs and Impacts of Climate Change and Adaptation”).

[15] Michael McCarthy, “Climate Change Will Cause ‘Refugee Crisis,’” Independent, 20 tháng 10, 2006, tại http://www.commondreams.org/headlines06/1020-05.htm.

[16] Michel Boko et al., “Fourth Assessment Report: Africa,” trong Climate Change 2007: Impacts, Adaptation and Vulnerability, eds. Martin Parry et al. (Cambridge: Cambridge University Press, 2007), trang 450,http://www.gtp89.dial.pipex.com/09.pdf.

[17] Elizabeth Leahy et al., “The Shape of Things to Come: Why Age Structure Matters to a Safer, More Equitable World,” 11 tháng 4, 2007, trang 26,http://www.popact.org/Publica-tions/Reports/The_Shape_of_Things_to_Come/Summary.shtml.

[18] Jad Mouawad, “Growing Unrest Posing a Threat to Nigerian Oil,” New York Times, 21 tháng 4, 2007, http://www.nytimes.com/2007/04/21/business/worldbusiness/21oil. html?_r=1&oref=slogin.

[19] Như trên.

[20] Michael Case, “Climate Change Impacts on East Africa,” tháng 11 năm 2006, trang 4, http:// assets.panda.org/downloads/east_africa_climate_change_impacts_final.pdf.

[21] Như trên.

[22] Ban cố vấn quân sự, Tập đoàn CNA, “National Security and the Threat of Climate Change,” 2007,trang 15, http://securityandclimate.cna.org/report/National%20Security%20and%20the %20Threat%20of%20Climate%20Change.pdf.

[23]  Barnett, “Security and Climate Change,” trang 8; “Summary for Policymakers,” Climate Change 2007, trang 10

[24]  Robert Leiken, “Europe’s Angry Muslims,” Foreign Affairs 84, số 4 (tháng 7/tháng 8 2005), http://www.foreignaffairs.org/20050701faessay84409-p0/robert-s-leiken/europe-s-angry-muslims. html.

[25]  Như trên.

[26] “EU Ministers Gather for Debate on African Migration,” Taipei Times, 30 tháng 9, 2006, http://www.taipeitimes.com/News/world/archives/2006/09/30/2003329837.

[27]  “Spain Vows to Curb Migrant Wave,” trang BBC News, 4 tháng 9, 2006, http://news.bbc. co.uk/2/hi/europe/5313560.stm.

[28]  “EU Unveils News Immigration Plans,” BBC News, 30 tháng 11, 2006, http://news. bbc.co.uk/1/hi/world/europe/6160633.stm.

[29]  Amy Otchet, “Saber-rattling Among Thirsty Nations,” UNESCO Courier, tháng 10 năm 2001, http://www.unesco.org/courier/2001_10/uk/doss01.htm.

[30] Michael Schultz, “Turkey, Syria, and Iraq: A Hydropolitical Security Complex,” trong Hydropolitics: Conflicts Over Water as a Development Constraint, eds. L. Ohlsson (Atlantic Highlands, N.J.: Zed Books, 1995),trang 107–113.

[31]  Farzaneh Roudi-Fahimi, Liz Creel, and Roger-Mark de Souza, “Finding the Balance: Population and Water Scarcity in the Middle East and North Africa,” PRB MENA Policy Brief, tháng 7 năm 2002,trang 2, http://www.prb.org/pdf/FindingTheBalance_Eng.pdf

[32]  Alex Handcock, “Water Conflict: A Critical Analysis of the Role of Water in the Middle,”13 tháng 5, 2004, trang 9, http://www.amcips.org/PDF_books/BookIV19.pdf.

[33]  Như trên

[34] Thomas F. Homer-Dixon et al., “Environmental Change and Violent Conflict,” Scientific American, số 38 (tháng 2 năm 1993), trang 44.

[35]  Maher Bitar, “Water and the Palestinian-Israeli Conflict: Competition or Cooperation?”  22 tháng 12, 2005, http://www.fmep.org/analysis/articles/water_policy_maher.html.

[36] Ayca Ariyoruk, “Turkish Water to Israel?” Policy Watch, số 782 (13 tháng 8, 2003), http://www.washingtoninstitute.org/templateC05.php?CID=1660.

[37]  Mati Milstein, “Diverting Red Sea to Dead Sea Could Create Environmental Crisis,” National Geographic News, 14 tháng 12, 2006, http://news.nationalgeographic.com/ news/2006/12/061214-dead-sea.html.

[38]  Roudi-Fahimi, Creel, and de Souza, “Finding the Balance,” trang 2–3.

[39]  Jan Selby, “The Geopolitics of Water in the Middle East: Fantasies and Realities,” Third World Quarterly 26, số 2 (2005): 329, 343–344, http://www.sussex.ac.uk/Users/js208/thirdworldquarterly.pdf.