#71 – Tình trạng khủng hoảng nước ngày một trầm trọng ở Châu Á

Nguồn: Brahma Chellaney (2012). “Asia’s Worsening Water Crisis”, Survival: Global Politics and Strategy, Vol. 54, No. 2, pp. 143-156.

Biên dịch: Nguyễn Vân Anh | Hiệu đính: Phạm Thị Huyền Trang

Bài liên quan:  #67 – Hệ lụy an ninh của vấn đề biến đổi khí hậu

Trong tất cả những nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết đối với thế giới hiện đại, nước là nguồn tài nguyên quan trọng nhất. Trong khi chúng ta có thể thay thế dầu bằng các nguồn năng lượng khác, thì không gì có thể thay thế được nước. Nước đóng vai trò thiết yếu trong quá trình sản xuất của hầu hết các loại hàng hóa trên thị trường, từ thực phẩm đến sản phẩm công nghiệp, cũng như sản xuất điện năng, lọc dầu và khí đốt, khai thác than và uranium. Nói một cách đơn giản, khan hiếm nước và sự phát triển kinh tế không thể song hành cùng nhau.1 Tuy nhiên, ngày nay tình trạng thiếu hụt nguồn nước đã ảnh hưởng tới hơn hai phần năm dân số trên thế giới, và rất có khả năng đến năm 2025 hai phần ba nhân loại sẽ sống trong cảnh thiếu nước hay căng thẳng về nước (water-stress).2 Các quốc gia khan hiếm nước sẽ phải đối mặt với những sự lựa chọn khó khăn cũng như hứng chịu nhiều hậu quả về kinh tế. Và Châu Á sẽ là nơi cuộc khủng hoảng nước diễn ra trên quy mô rộng nhất.

Nước đã và đang nổi lên như một vấn đề chủ chốt trong việc xác định hướng đi của Châu Á – hợp tác nhiều hơn hay cạnh tranh nhiều hơn. Châu Á là Châu lục khô hạn nhất trên thế giới, với nguồn nước ngọt không bằng một nửa lượng nước trung bình hàng năm của thế giới tương đương 6.380m3/người. Sông, hồ và nguồn nước ngầm là các nguồn cung cấp nước chính của Châu Á, lượng nước bình quân theo đầu người ở Châu Á chưa đầy 1/10 lượng nước ở các nước Nam Mỹ hay Úc và New Zealand, thấp hơn 1/4 lượng nước ở Bắc Mỹ, gần bằng 1/3 của Châu Âu và ít hơn tương đối so với Châu Phi.3 Tuy nhiên, đây lại là khu vực có nhu cầu về nước  lớn nhất trên thế giới với nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất trên toàn cầu. Ngày nay những nền kinh tế năng động nhất ở Châu Á bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam đang hoặc sắp phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước. Chỉ có một số nước ngoại lệ, đó là: Bhutan, Brunei, Myanmar, Campuchia, Lào, Malaysia và Papua New Guinea.

Tuy nhiên, Châu Á vẫn đang tiếp tục sử dụng lượng nước dự trữ để đáp ứng nhu cầu hiện tại.4 Nghiêm trọng hơn, Châu Á là một trong những nơi có hiệu quả sử dụng nước và năng suất nước thấp nhất trên thế giới. Trong bối cảnh này, nếu nói khủng hoảng nước đe dọa sự phát triển kinh tế và chính trị của Châu Á cũng như tính bền vững của môi trường thì cũng không phải là cách nói cường điệu. Đối với những nhà đầu tư, khủng hoảng nước gây ra những mối đe dọa tiềm ẩn như nợ xấu, bong bóng bất động sản, sự quá tải cơ sở hạ tầng và tham nhũng chính trị. Cuộc khủng hoảng nước đồng nghĩa với việc chi phí kinh doanh tại Châu Á tăng cao. Hiện nay, nước là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng cạnh tranh và bất hòa trong và giữa các quốc gia, dẫn đến những căng thẳng mới về việc chia sẻ nguồn tài nguyên lưu vực và nguy cơ đấu tranh cục bộ chống lại các quyết định của chính phủ hoặc doanh nghiệp trong việc mở mang các ngành công nghiệp cần nhiều nước.

Các thách thức về nguồn nước ở Châu Á

Đối mặt với vấn đề gia tăng dân số, sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, quá trình mở rộng thủy lợi và các ngành công nghiệp cần nhiều nước cũng như lượng tiêu thụ của hộ gia đình không ngừng tăng, lượng nước bình quân hàng năm của Châu Á trên thực tế đã giảm xuống 1,6% mỗi năm. Sự suy giảm thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở các khu vực Trung Á, Nam Á, Tây Nam Á và Tây Á cũng như ở vùng bán khô hạn phía bắc Trung Quốc. Thậm chí, ở những vùng nơi mà lượng nước vốn ít như vùng Cận Đông hay bán đảo Ả Rập, chỉ một sự suy giảm hoặc biến đổi lượng mưa hàng năm rất nhỏ cũng có thể khiến cho khu vực rơi vào tình trạng gần như hạn hán, ảnh hưởng trầm trọng tới toàn bộ cộng đồng người dân nơi đây. Cuộc khủng hoảng nước đang lan rộng ở Châu Á tác động trực tiếp tới sự phát triển kinh tế và con người, cũng như việc bảo vệ môi trường.

Với lượng nước ngầm đang giảm xuống đến mức nguy hiểm, nhiều thành phố ở các nước Châu Á phụ thuộc vào nguồn nước ngầm như thủ đô Sana’a của Yemen và Quatta ở Pakistan đang phải đối mặt với nỗi ám ảnh về cạn kiệt nước. Bắc Kinh cũng đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước từ những nơi khác. Trong một cuộc tìm kiếm nước sâu rộng chưa từng thấy, hàng triệu giếng khoan đe dọa sẽ rút cạn mạch nước ngầm của Châu Á, trong khi các con sông nơi đây đang dần kiệt quệ. Các nền kinh tế Châu Á có thể nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, quặng khoáng sản và gỗ từ những vùng đất khác, nhưng họ buộc phải tự xoay xở với nguồn tài nguyên nước của quốc gia mình.

Áp lực về nguồn nước quốc gia bước vào giai đoạn cao trào khi nguồn nước bị bơm hút vượt quá 25% tổng nguồn nước có thể tái tạo. Tỷ lệ này là 34% ở Ấn Độ và 26% ở Hàn Quốc. Con số 18,57% ở Trung Quốc có thể là khá nhỏ nhưng đất nước này vẫn đang ở trong tình trạng thường xuyên thiếu nước ở khu vực phía bắc, nơi mà gần nửa dân số sống trong khu vực nguồn nước đang cạn kiệt. Trái lại, bằng cách đảm bảo chất lượng nước,5 Nhật Bản quản lý nguồn nước tốt hơn Trung Quốc ở mức 21,26%.

Ủy ban Kinh tế Xã hội Liên Hiệp Quốc ở Châu Á Thái Bình Dương (UNESCAP) đã khắc họa cuộc khủng hoảng Châu Á qua Chỉ số Nước Sẵn có cho Phát triển năm 2009 (2009 Water Available for Development), một phép đo lượng nước bình quân đầu người hàng năm phục vụ các mục đích của con người, kinh tế và sinh thái, bằng hiệu số nguồn nước có khả năng tái tạo của mỗi quốc gia trừ đi tổng lượng nước được sử dụng. Chỉ số này chỉ ra rằng: trữ lượng nước giảm mạnh kể từ năm 1980 (năm cơ sở) ở một số quốc gia Châu Á, bao gồm hai quốc gia lớn là Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 2/5 dân số toàn cầu.6 Tình trạng này ở Ấn Độ đặc biệt đáng lo ngại. Bản báo cáo đã cảnh báo rằng “sự thiếu hụt nguồn nước ở mức độ này dẫn đến tình trạng tranh giành một nguồn tài nguyên quý giá đang nổi lên như là mối đe dọa lớn tới ổn định trật tự xã hội.”7

Mặc dù tốc độ gia tăng dân số Châu Á đã giảm, nhưng nhân tố thực sự quan trọng dẫn tới khủng hoảng nguồn nước là lượng cầu tăng do đời sống vật chất tăng cao. Điều này có thể được thể hiện rõ ràng nhất qua sự thay đổi chế độ ăn uống, đặc biệt là lượng tiêu thụ thịt tăng khiến nhu cầu sử dụng nước tăng do sản xuất thịt cần rất nhiều nước. Ví dụ như ở Trung Quốc, lượng tiêu thụ thịt tăng gấp bốn lần kể từ năm 1980 đến năm 2010, cùng với ngành công nghiệp thịt bò tăng từ mức xấp xỉ con số 0 lên mức tiêu thụ lớn thứ 3 trên thế giới. Đến năm 2030, lượng thịt tiêu thụ ở Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng gấp đôi. Sự thay đổi từ chế độ ăn chủ yếu là cơm và mì sợi sang chế độ ăn nhiều thịt hơn khiến cho lượng nước sử dụng trong sản xuất thực phẩm tăng gấp đôi kể từ năm 1985. Nguyên nhân là do: lượng nước cần dùng để sản xuất ra 1 kg thịt bò nhiều hơn gấp 10 lần lượng nước cần thiết để trồng được 1 kg gạo hay bột mì.8

Khi gặp khó khăn về sự thiếu hụt lương thực trầm trọng và nạn đói tái phát, Châu Á đã mở cửa cho sự tăng trưởng kinh tế nhảy vọt bằng cách trở thành khu vực xuất siêu nhờ sự mở rộng chưa từng có của hệ thống công trình thủy lợi: tổng diện tích đất được tưới tiêu tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 2000. Điều đáng chú ý là chỉ có một số ít các quốc gia công nghiệp tiên tiến phụ thuộc vào nguồn lương thực của quốc gia khác; ngược lại, nhiều quốc gia trong số đó là những cường quốc về xuất khẩu. Điều này có thể lý giải tại sao các quốc gia Châu Á lại chú trọng đến các chiến lược lớn liên quan tới an ninh lương thực, hoặc đánh đồng nó một cách tương đối thiếu thận trọng với chủ quyền lương thực. Tuy nhiên việc mở rộng nông nghiệp ở vùng bán khô hạn và khô hạn ở Châu Á đòi hỏi phải có hệ thống tưới tiêu lớn, trong đó có thể dẫn tới tình trạng ngập úng nghiêm trọng, vấn đề đất nhiễm mặn và giảm năng suất cây trồng. Thậm chí, ở những thung lũng màu mỡ của Châu Á được tiêu thoát nước bởi hệ thống các sông hồ chính, việc tưới tiêu vẫn cần thiết vào mùa khô do phần lớn lượng mưa của Châu lục này chỉ tập trung chủ yếu trong mùa mưa diễn ra trong vòng 3 đến 4 tháng. Trái lại, Châu Âu, với khí hậu ôn hòa và mùa mưa kéo dài, có thể sản xuất hầu hết lượng lương thực bằng việc trồng các loại cây ưa mưa. Trong thực tế, những nước trồng chủ yếu các loại cây ưa mưa là những quốc gia giàu có với ngành công nghiệp, không phải nông nghiệp, là ngành sử dụng nước nhiều nhất, trừ Úc và New Zealand.

Ngày nay Châu Á chiếm tỷ trọng lớn lên tới 70% diện tích đất được tưới tiêu trên toàn cầu. Ba tiểu vùng Nam Á, Trung Quốc và Đông Nam Á chiếm tới 50% tổng diện tích trên thế giới. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi Châu Á dẫn đầu thế giới về tổng lượng nước ngọt dùng cho nông nghiệp. Trong thực tế, con số đó là 74%.9 Xét về lượng nước có thể tái sử dụng của Châu lục này, tỷ lệ nước ngọt trong nông nghiệp là 81%, hoặc cao hơn ít nhất là 10% so với trung bình toàn cầu. Trong khi đó, ở Châu Âu, con số này chỉ là 29% và ở Nam Mỹ là 38%. Lượng nước tiêu thụ trong công nghiệp ở các nước Châu Á chỉ chiếm 11,4%, còn tỷ trọng nước dùng cho hộ gia đình là 7.3%.

Tuy nhiên, sau cuộc đại nhảy vọt từ nửa cuối thế kỷ trước, tốc độ tăng trưởng của sản lượng gạo và bột mì ở Châu Á đã giảm dần kể từ cuối thập kỷ 1990. Điều này làm dấy lên quan ngại rằng các nước vốn chủ yếu là nước có nền lương thực-thực phẩm tự cung tự cấp ở Châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trở thành các quốc gia nhập khẩu thực phẩm lớn, gây ảnh hưởng xấu tới thị trường quốc tế do thị trường không đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của thế giới. Do áp sự gia tăng dân số, tiêu dùng và áp lực phát triển kinh tế tăng cao, đồng thời sự gia tăng sản lượng lương thực chững lại, Châu Á cần một cuộc cách mạng xanh thứ hai, trong đó nguồn nước sẽ là chướng ngại vật lớn nhất.

Dẫu vậy, nhu cầu về nước tăng mạnh nhất không phải từ lĩnh vực nông nghiệp mà từ lĩnh vực công nghiệp và các hộ gia đình ở đô thị. Liên hợp Quốc đã dự đoán rằng lượng nước tiêu thụ trong công nghiệp sẽ tăng gấp đôi từ năm 2000 đến 2025, trong đó chủ yếu tập trung ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, “do khu vực này sẽ trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp của thế giới và phát triển mạnh mẽ ở những ngành sử dụng nhiều nước như sản xuất phụ tùng phương tiện giao thông vận tải, đồ uống và dệt may”.10 Tốc độ gia tăng nhanh nhất được dự đoán sẽ diễn ra ở Ấn Độ, nơi hiện có nền kinh tế với các ngành dịch vụ là chủ đạo, nhưng cũng là nơi có lượng nước tiêu thụ trong công nghiệp đến năm 2050 dự kiến tăng gấp 4 lần khi ngành sản xuất được mở rộng trên quy mô lớn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước đang thực sự gây trở ngại tới quá trình mở rộng công nghiệp ở Châu Á, dẫn chứng là sự khan hiếm nước khiến Trung Quốc đã thiệt hại hàng tỷ đô la trong sản lượng công nghiệp hàng năm.11

Nhân tố cuối cùng dẫn đến tình trạng áp lực về nước ở Châu Á là việc cô lập nguồn nước quy mô lớn bằng các con đập, hồ chứa và những công trình khác sẽ tác động lâu dài đến môi trường. Đập nước thực sự đem lại nhiều lợi ích lớn: khi được thiết kế và quy hoạch hợp lý, các đập nước này sẽ hỗ trợ sự phát triển kinh tế và xã hội bằng cách điều tiết nguồn nước, kiểm soát lũ lụt, tạo điều kiện cho việc tưới tiêu, sản xuất điện năng và đưa nước ngọt vào thành phố. Nhưng chúng cũng có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng nước và sản lượng nước từ hạ lưu các con sông, thay đổi hệ thống sông ngòi, phá hoại đa dạng sinh học, thúc đẩy quá trình xói mòn bờ biển và xâm nhập mặn. Những con đập lớn gây ra hiện tượng bồi lắng, ngập lụt, thiệt hại môi trường sống, hủy hoại các loài cá và các vấn đề khác về môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng ở Châu Á. Quan trọng không kém, trên thực tế, những con đập này làm rối loạn chu kỳ lũ lụt tự nhiên ở vùng nhiệt đới của sông hồ vốn rất quan trọng với nghề đánh bắt cá và quá trình tái màu mỡ của đất. Biển hồ Aral ở Trung Á đã bị thu hẹp hơn một nửa do sự lạm dụng xây đập ở khu vực đầu nguồn – sông Amu Darya và sông Syr Darya – và do sự khai thác quá mức lượng nước phục vụ hệ thống thủy lợi.

Phần lớn số lượng các con đập trên thế giới được xây dựng từ những năm 1950. Nhìn chung, việc xây dựng những con đập lớn đã dần chấm dứt ở phương Tây nhưng vẫn tiếp tục diễn ra ở Châu Á, nơi có hàng loạt các quốc gia tham gia vào công việc này, từ Nhật Bản tới Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thập niên tới, số lượng đập nước ở các quốc gia phát triển có khả năng vẫn giữ nguyên, trong khi phần lớn công trình đập nước ở các nước đang phát triển (tính bằng tổng dung tích hồ chứa) sẽ tập trung ở Trung Quốc, nơi sở hữu hơn một nửa trong tổng số gần 50.000 con đập lớn trên toàn thế giới12. Tuy nhiên đại đa số những vị trí tốt nhất để xây đập ở Châu Á đã được đưa vào sử dụng. Bởi vậy, vấn đề xây dựng đập nước mới để tăng lượng cung cấp nước có thể không còn là lựa chọn phù hợp nữa trừ trường hợp ở các nước kém phát triển như Lào, Myanmar và Nepal – các quốc gia vốn chưa khai thác hiệu quả nguồn nước tự nhiên – hay ở những quốc gia theo chế độ độc tài chuyên chế nơi có thể khống chế được ý kiến phản đối của người dân. Nhưng rất nhiều những dự án mới ở Châu Á chỉ ra rằng: xây đập nước trên sông vẫn là vấn đề được ưu tiên đối với nhà cầm quyền từ trung ương tới địa phương.

Sự chú trọng xây dựng đập nước đã và đang làm gia tăng căng thẳng và tranh chấp nguồn nước ở Châu Á, dẫn tới những hệ lụy đối với an ninh và ổn định khu vực. Vấn đề này dự kiến sẽ ngày càng tồi tệ hơn khi Trung Quốc tiếp tục tập trung xây dựng những con đập lớn trên các dòng sông quốc tế, dẫn chứng gần đây nhất là trên sông Mekong với con đập Tiểu Loan (Xiaowan) với công suất 4.200MW có chiều cao lớn hơn tháp Eiffel ở Paris nhiều lần và một con đập khác với công suất 38.000MW sẽ được đặt trên sông Brahmaputra ở Metog, gần biên giới đang tranh chấp với Ấn Độ. Đập Metog dự kiến lớn gấp đôi đập Tam Hiệp 18.300MW, hiện là con đập lớn nhất trên thế giới với việc xây dựng con đập khiến 1,7 triệu người Trung Quốc phải tái định cư. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang xây dựng các đập nước lớn trên sông Tigris và Euphrates.

Những quốc gia có khả năng gánh chịu phần lớn hậu quả của sự nắn dòng quy lớn các con sông này nằm ở cuối hạ lưu sông Brahmaputra, sông Mekong và sông Tigris-Euphrates như: Bangladesh, quốc gia có khả năng bị đe dọa bởi sự biến đổi khí hậu và môi trường; Việt Nam, vựa lúa của Châu Á; và Iraq, đang trong tình trạng nội chiến. Sự phân bổ nước của Trung Quốc từ sông Illy có nguy cơ biến hồ Balkhash của Kazakhstan thành một biển hồ Aral khác.

Việc tiếp tục xây dựng đập ở các quốc gia Châu Á cũng đang tạo ra căng thẳng và thách thức mới trong nội bộ các quốc gia. Khu vực đầu nguồn bị xuống cấp gây ra một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của Châu Á. Không chỉ vậy, đập nước còn có những tác hại khác, trong đó có việc thay đổi chế độ thủy văn của sông, quá trình bồi đắp trầm tích, thực vật ven sông, xói mòn bờ sông, sự di cư của loài cá và biến đổi nhiệt độ nước.

Rủi ro an ninh gia tăng

Với sự cạnh tranh về nước ngày càng gay gắt diễn ra trong nội bộ cũng như giữa các quốc gia, mối đe dọa về xung đột nước ở Châu Á đang ở mức độ cao hơn so với bất kì nơi nào trên thế giới. Nước là một đấu trường mới trong cuộc chiến lớn ở Châu Á. Trong thực tế, “cuộc chiến tranh nước” trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao và kinh tế đã bắt đầu nhen nhóm giữa các nước láng giềng ven sông tại một số khu vực của Châu Á, khiến sự chống đối ngày càng gay gắt, gây mất niềm tin lẫn nhau; điều này đã cản trở quá trình mở rộng hợp tác và hội nhập giữa các khu vực. Nước từ những con sông, mạch nước ngầm, hồ xuyên quốc gia đã trở thành mục tiêu của các kế hoạch tranh giành giữa các quốc gia. Việc đảm bảo lượng nước chung trở thành một điểm nóng trong mối quan hệ giữa các quốc gia khi họ không quan tâm tới vấn đề bảo đảm nguồn nước cung cấp cho các đối tượng bên ngoài lãnh thổ quốc gia, trừ khi có những hiệp ước cụ thể.

Khi một dòng sông hay lưu vực nước ngầm được gắn liền với bản sắc văn hóa và hình ảnh dân tộc thì quyền sở hữu và kiểm soát nguồn tài nguyên như vậy được coi là đặc biệt quan trọng đối với lợi ích của mỗi quốc gia. Điều này đã làm nảy sinh những sáng kiến còn nhiều nghi vấn về môi trường: đập Tuyến Đại Tây (Great Western Route) của Trung Quốc đem nước từ cao nguyên Tây Tạng tới phía Bắc khô hạn, dự án Bốn Dòng sông (Four Rivers) gây chia rẽ chính trị của Hàn Quốc, đề xuất liên kết các dòng sông chính của Ấn Độ và kế hoạch của Jordan nhằm cứu Biển Chết đang bị thu hẹp lại bằng cách đưa nước từ Biển Đỏ qua một con kênh dài 178km (con kênh này cũng có thể cung cấp một lượng nước đã qua khử muối). Kế hoạch nối sông của Ấn Độ được đề xuất bởi một người vừa là thủ tướng vừa là nhà thơ, điều này có thể lý giải tại sao nó không bao giờ được cân nhắc và bị chính phủ hiện thời lãng quên. Trái lại, dự án Tuyến Đại Tây lại được thực hiện bởi những vị kỹ sư thuộc giới lãnh đạo chính trị hàng đầu Trung Quốc.

Bản đồ nguồn nước Châu Á về cơ bản đã thay đổi sau chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1949. Hầu hết những con sông lớn xuyên quốc gia của đất nước này nằm ở khu vực biên giới mà nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa sáp nhập thông qua cưỡng chế hoặc tái khẳng định chủ quyền. Ví dụ như cao nguyên Tây Tạng là vùng dự trữ nước ngọt lớn nhất trên thế giới và là đầu nguồn của những con sông lớn nhất Châu Á vốn là huyết mạch của cả phần lục địa Trung Quốc, Nam Á và Đông Nam Á. Những phần lãnh thổ khác của Trung Quốc cũng bao gồm các thượng nguồn sông Irtysh, sông Illy và sông Amur chảy qua Nga và Trung Á.

Điều này giúp Trung Quốc có nguồn nước chảy qua biên giới nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ngày nay, Bắc Kinh kiểm soát thượng nguồn của hơn một tá các lưu vực sông quan trọng xuyên quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn bác bỏ đề nghị chia sẻ nguồn nước hay hợp tác với các quốc gia ở hạ nguồn. Trong khi các nước láng giềng ven sông ở Đông Nam Á và Nam Á đang bị ràng buộc bởi các hiệp ước về nguồn nước mà họ đã đàm phán với nhau, Trung Quốc lại không hề ký kết bất kỳ hiệp ước nào với các quốc gia ven sông. Ví dụ, Trung Quốc là đối tác đối thoại nhưng không là thành viên của Ủy ban Sông Mekong, vẫn có quyền bày tỏ mong muốn lắng nghe các cuộc thảo luận giữa những quốc gia ở lưu vực mà không đồng ý với quy định của Ủy ban hoặc tuân thủ các trách nhiệm pháp lý bằng việc trở thành thành viên của Hiệp ước Sông Mekong 1995. Hơn nữa, Trung Quốc một mặt thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trên trường quốc tế, mặt khác lại tỏ thái độ lạnh nhạt với sự hợp tác đa phương giữa các quốc gia vùng lưu vực sông. Những nước này coi chiến lược của Trung Quốc là cố ý chia để trị. Bởi vậy, cũng không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc là trung tâm của nhiều sự căng thẳng liên quan đến nước hiện nay ở Châu Á.

Mặc dù Trung Quốc công khai ủng hộ các sáng kiến song phương hơn thể chế đa phương trong việc giải quyết vấn đề liên quan tới nước, nhưng quốc gia này lại không hề có bất kỳ hành động thực chất nào để thúc đẩy những hoạt động song phương. Kết cục là, nguồn nước trở thành vấn đề chính trị mới trong mối quan hệ giữa các nước láng giềng như Ấn Độ, Kazakhstan, Nepal và Nga. Trung Quốc thường đánh lạc hướng sự chú ý bằng cách từ chối chia sẻ nguồn nước hay từ chối tham gia hợp tác thể chế hóa hướng tới quản lý bền vững các dòng sông chung thông qua những hiệp định quốc gia này đã ký kết về chia sẻ dữ liệu thống kê lưu lượng nước với các quốc gia láng giềng. Đây không phải là thỏa thuận hợp tác chia sẻ nước mà là những thỏa ước thương mại để bán dữ liệu thủy văn mà các quốc gia ở thượng nguồn khác thường cung cấp miễn phí tới các nước ở phía hạ lưu.

Ngoài Trung Quốc, còn xuất hiện những xung đột về nước giữa Ấn Độ và Pakistan, giữa các quốc gia Trung Á, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng vùng hạ lưu sông, giữa Israel và Palestin. Tuy Trung Quốc có vai trò và vị trí ven sông đặc biệt, nhưng việc biến những cuộc cạnh tranh về nước ở Châu Á thành hợp tác là bất khả thi nếu không có sự tích cực tham gia của Trung Quốc.

Hiện tượng tranh chấp nước trong nội bộ quốc gia đã lan rộng trên khắp Châu lục. Trữ lượng nước không đồng đều trong các quốc gia Châu Á (dồi dào ở một số vùng nhưng khan hiếm ở vùng khác) khiến các kế hoạch lập dự án xây dựng đập lớn hay công trình chuyển hướng dòng nước trở nên cần thiết, nhưng lại bị phản đối bởi cấp cơ sở do ảnh hưởng tới vấn đề di dân và đất ngập úng. Thêm vào đó, những quyết định của chính phủ và doanh nghiệp về địa điểm xây dựng nhà máy sản xuất hoặc nhà máy điện đang ngày càng bị chi phối bởi nguồn nước sẵn có. Đối với những nơi có trữ lượng nước thấp, quyết định xây dựng một nhà máy mới thường bị người dân địa phương phản đối vì nó có thể khiến nguồn tài nguyên nước ngày càng khan hiếm. Xây dựng nhà máy điện hạt nhân dọc theo nguồn nước ngọt gần như là điều không thể đối với các nước đang thiếu hụt nước của Châu Á, nơi được gọi là trung tâm của thời kỳ phục sinh hạt nhân toàn cầu. Thay vào đó, các nhà máy ngốn nước này được xây dựng trên bờ biển, nơi chúng có thể dựa vào nguồn nước biển để hoạt động. Tuy nhiên, Fukushima là một lời cảnh báo về rủi ro của các cơ sở hạt nhân ven biển trước các sự kiện cực đoan có khả năng ngày càng trở nên phổ biến hơn đi kèm với hiện tượng biến đổi khí hậu.

Mâu thuẫn về nước trong các quốc gia, đặc biệt là ở các quốc gia có nền văn hóa đa sắc tộc, thường gây ra khó khăn cho việc quản lý an ninh trật tự. Tình trạng tranh chấp nước ở các quốc gia như vậy hiếm khi thu hút được sự chú ý của quốc tế, nhưng cuộc xung đột ở nội bộ Yemen và Afghanistan cho thấy hạn hán thường xuyên và khan hiếm nước gây tổn hại tới mối quan hệ giữa các sắc tộc, tôn giáo và có nguy cơ dẫn đến chiến tranh. Thậm chí, các cuộc xung đột tiêu biểu của một số quốc gia hiếm nước ở Châu Á đã khiến người dân bản địa trực tiếp tham gia cùng lực lượng an ninh trong việc bảo vệ nguồn nước ngọt, chẳng hạn như giếng và xe tải nước. Kinh nghiệm của Châu Á hơn 25 năm qua đã cho thấy mâu thuẫn nội địa về nước có xu hướng gây nhiều thiệt hại hơn và bạo lực hơn những cuộc chiến giữa các quốc gia.

Khống chế các rủi ro

Chú thích

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Tinh trang khung hoang nuoc Chau A.pdf