Nguồn: G. Edward Griffin, “The Secret Science”, in G.E. Griffin, The Creature from Jekyll Island: A Second Look at the Federal Reserve (5th Edition) (California: American Media, 2010), Chapter 9.
Biên dịch: Nguyễn Tiến Đạt | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Creature from Jekyll Island
Nội dung chính: Tóm tắt lịch sử của hoạt động dự trữ bắt buộc; kỷ lục về gian lận, bùng nổ, phá sản, hỗn loạn kinh tế; sự hình thành của Ngân hàng Trung ương Vương Quốc Anh, ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới vốn trở thành mô hình của Cục Dự trữ Liên bang.
Các ngân hàng đầu tiên nhận tiền gửi đã sớm xuất hiện tại Hy Lạp, đồng thời với sự phát triển của chế độ tiền tệ. Chúng cũng được biết đến ở Ấn Độ vào thời Alexander Đại đế, ở Damascus vào năm 1200, ở Barcelona – Tây Ban Nha vào năm 1401 hay đóng vai trò như một phần của hệ thống kho chứa ngũ cốc công cộng tại Ai Cập. Tuy nhiên, ngân hàng thành phố Venice mới là cái nôi của hoạt động ngân hàng mà chúng ta sử dụng ngày nay.
Ngân hàng thành phố Venice
Tính đến năm 1361, tình trạng lạm dụng hoạt động ngân hàng ở đây thường xuyên đến mức hội đồng thành phố phải thông qua một đạo luật cấm các chủ ngân hàng tham gia bất kì hoạt động thương mại nào khác, do đó ngăn chặn họ sử dụng quỹ tiền gửi để tài trợ cho các doanh nghiệp của mình, điều mà trước đây luôn cám dỗ họ. Họ buộc phải công khai sổ sách và kho dự trữ vào bất kì thời điểm hợp lý nào. Vào năm 1524, thành phố thành lập một hội đồng thẩm định ngân hàng. Hai năm sau, tất cả các ngân hàng phải thanh toán nợ với nhau bằng tiền mặt thay vì bằng ngân phiếu.
Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp phòng ngừa, ngân hàng lớn nhất tại thời điểm đó, The House of Pisano and Tiepolo, đã chủ động cho vay bằng quỹ tiền gửi và buộc phải đóng cửa do mất khả năng chi trả cho người gửi vào năm 1584. Chính phủ dùng những tài sản còn lại sau vụ đổ vỡ và lập ra ngân hàng trung ương Banco delta Piazza del Rialto. Tiếp thu bài học từ kinh nghiệm phá sản trước đó, ngân hàng mới phải tuân thủ yêu cầu không cung cấp các khoản vay. Không có lợi nhuận từ hoạt động phát hành tín dụng, ngân hàng chỉ được trang trải chi phí từ các loại phí như: phí gửi tiền, phí giao dịch ngoại tệ, phí chuyển tiền thanh toán giữa các khách hàng và phí dịch vụ công chứng.
Người ta đã tìm ra công thức cho hoạt động ngân hàng trung thực khiến ngân hàng này nhanh chóng phát triển thịnh vượng và trở thành trung tâm của hoạt động thương mại tại thành phố Venice. Giấy biên nhận của nó được chấp nhận rộng rãi ngay cả tại nước ngoài và thực tế, thay vì được hưởng chiết khấu khi quy đổi sang tiền xu vàng như thông thường, người ta phải mất phí khi đổi từ tiền xu vàng lấy giấy biên nhận. Điều này là do có quá nhiều loại đồng tiền, mỗi loại có nhiều mức chất lượng khác nhau trong lưu thông khiến mỗi người cần là một chuyên gia mới có thể định giá chúng. Các ngân hàng tự động thực hiện dịch vụ này khi chuyển tiền vào kho bằng cách định giá từng đồng tiền và viết giấy biên nhận phản ánh chính xác giá trị nội tại của chúng. Do đó, công chúng ngày càng tin tưởng về giá trị của các giấy biên nhận hơn giá trị của các đồng tiền. Kết quả là họ sẵn sàng trả một khoản phí nhỏ để sở hữu chúng.
Thật không may, cùng với thời gian, bài học phá sản của ngân hàng The House of Pisano and Tiepolo trước đây dần trôi vào dĩ vãng, thượng viện Venice cuối cùng đã không thể kiên định trước sự cám dỗ của tín dụng. Do buộc phải xoay xở tiền bạc trong khi không thể đối diện với cử tri nếu tăng thuế, các chính trị gia quyết định ủy quyền cho một ngân hàng mới không bị hạn chế đối với các khoản tín dụng và “vay” tiền từ ngân hàng đó. Vì vậy, vào năm 1619, ngân hàng Banco del Giro được thành lập và ngay lập tức tạo ra tiền từ con số không, như người tiền nhiệm đã phá sản trước đó, nhằm mục đích tạo nguồn vay cho chính phủ. Mười tám năm sau, nó bị sáp nhập vào một ngân hàng mới và tia sáng đầu tiên trong lịch sử của hoạt động ngân hàng hiệu quả lóe lên rồi tắt ngấm.
Trong suốt thế kỉ 15 và 16, các ngân hàng mọc lên ở khắp châu Âu. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều đi theo vết xe đổ trước đó, trục lợi bằng việc cho vay những khoản tiền không thực sự có sẵn. Chúng tạo ra những khoản nợ vượt quá lượng dữ trữ, và kết quả là tất cả đều thất bại. Điều này không có nghĩa là giới chủ và giám đốc đều chịu chung số phận với ngân hàng của mình mà nó chỉ cho thấy những người gửi tiền mất một phần hoặc toàn bộ tài sản vì đã giao phó chúng cho ngân hàng, nơi cất giữ tiền “an toàn”.
Ngân hàng Amsterdam
Chỉ đến khi ngân hàng Amsterdam được thành lập vào năm 1609, chúng ta mới tìm thấy ví dụ thứ hai của hoạt động hiệu quả của ngân hàng, và kết quả dường như giống với những gì ngân hàng Banco della Piazza del Rialto. Ngân hàng chỉ chấp nhận tiền gửi và kiên quyết từ chối cho vay. Thu nhập của ngân hàng đến từ phí dịch vụ. Tất cả các khoản thanh toán trong và xung quanh Amsterdam sớm được thực hiện bằng tiền giấy do ngân hàng phát hành và trên thực tế, chúng có giá trị cao hơn tiền xu. Người ta yêu cầu những người đứng đầu thị xã và hội đồng thành phố phải tuyên thệ hằng năm rằng quỹ dự trữ bằng tiền xu còn nguyên vẹn. Galbraith nhắc nhở chúng ta:
Một thế kỉ sau khi thành lập, ngân hàng bắt đầu hoạt động tốt và tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu một cách đáng chú ý. Tiền gửi là tiền gửi, và ban đầu, tiền kim loại được lưu kho cho chủ sở hữu cho đến khi người đó chuyển nhượng sang cho người khác. Không một đồng tiền nào được cho vay ra ngoài. Năm 1672, khi quân đội của Louis XIV tiếp cận Amsterdam, đã có báo động đỏ. Các thương gia bao vây ngân hàng, một số họ nghi ngờ tiền của mình không còn trong kho nữa. Tất cả những ai muốn rút tiền của mình đều đã được trả lại và khi những người khác thấy vậy, họ không muốn rút tiền nữa. Như chúng ta thường thấy ngày nay, dù người ta có mong muốn đến mức tuyệt vọng được trả lại tiền từ ngân hàng; thì khi đã được đảm bảo họ sẽ được trả, họ sẽ không còn mong muốn điều đó nữa.[1]
Tuy nhiên, các nguyên tắc của sự trung thực và kiềm chế không tồn tại lâu dài. Sự cám dỗ từ lợi nhuận của việc “vẽ” ra tiền là quá lớn. Ngay từ năm 1657, các cá nhân đã được phép viết chi phiếu vượt quá số tiền trong tài khoản của họ. Tất nhiên, điều này có nghĩa là ngân hàng đã tạo ra tiền từ chính khoản nợ của họ. Trong những năm sau đó, các khoản cho vay rất lớn đã được trao cho công ty Đông Ấn Hà Lan (Dutch East Indies). Sự thật này cuối cùng cũng bị vạch trần trước công chúng vào tháng 1 năm 1790, kéo theo nhu cầu rút tiền gửi tăng dần. Bởi vậy, mười tháng sau, ngân hàng tuyên bố phá sản và bị mua lại bởi ngân hàng City of Amsterdam.
Ngân hàng Hamburg
Trải nghiệm thứ ba và cũng là cuối cùng về hoạt động ngân hàng trung thực diễn ra ở Đức với ngân hàng Hamburg. Trong hơn hai thế kỉ, ngân hàng này tuân thủ trung thành nguyên tắc tiền gửi an toàn. Hoạt động này tỉ mỉ đến mức khi Napoleon chiếm ngân hàng vào năm 1813, ông ta thấy 7 triệu 506 ngàn 956 mác bạc đối ứng với số nợ là 7 triệu 489 ngàn 343 mác, nghĩa là lớn hơn số tiền thực tế cần để trả nợ tới 17 ngàn 613 mác. Hầu hết tài sản của ngân hàng từng bị Napoleon lấy đi được chính phủ Pháp hoàn lại một vài năm sau đó dưới dạng chứng khoán. Người ta không chắc về việc lượng chứng khoán này có giá trị lớn hay không, nhưng dù như vậy, chúng cũng không giá trị bằng lượng mác bạc trước đó. Vì cuộc ngoại xâm, lượng tiền trong giấy biên nhận của các ngân hàng không còn đủ để đổi sang tiền xu. Giờ đây, chúng trở thành tiền theo tỉ lệ (fractional money – xem Chương 8 trước để biết thêm chi tiết – NHĐ) và cơ chế tự hủy hoại đã bắt đầu hoạt động. Ngân hàng Hamburg tiếp tục hoạt động thêm 55 năm nữa cho đến năm 1871 trước khi được lệnh thanh lý tất cả các tài khoản.
Đó là phần kết của câu chuyện ngắn ngủi về hoạt động ngân hàng trung thực. Từ thời điểm đó trở đi, hoạt động dự trữ bắt buộc được thực hiện trên toàn thế giới. Nhưng vẫn còn đó một chặng đường phát triển với những bước ngoặt thú vị trước khi sẵn sàng cho sự ra đời những thực thể phức tạp như Cục Dự trữ Liên bang.
Hoạt động ngân hàng đầu tiên tại Vương Quốc Anh
Tại Vương Quốc Anh, tờ tiền giấy đầu tiên là ngân phiếu dưới thời vua Charles II. Mặc dù được thừa nhận và ban hành chính thức, nó không được sử dụng rộng rãi. Năm 1696, người ta thay thế nó bằng trái phiếu chính phủ. Trái phiếu có thể quy đổi sang vàng và chính phủ đã có một bước tiến lớn khi cam kết rằng họ có đủ tiền xu hoặc vàng thật để thực hiện điều đó. Nói cách khác, chúng thực sự là tiền, và nó đã được chấp nhận rộng rãi như phương tiện trao đổi trung gian. Hơn nữa, trái phiếu được coi như khoản vay ngắn hạn của chính phủ, người sở hữu hưởng lãi suất trên đó.
Năm 1707, Ngân hàng Trung ương Vương Quốc Anh (Bank of England) non trẻ đã được giao trọng trách quản lý loại tiền tệ này. Nhưng ngân hàng tìm thấy lợi nhuận lớn hơn bằng cách lưu hành tiền giấy của chính mình dưới hình thức tiền theo tỉ lệ để thu tiền lãi chứ không phải bằng việc thanh toán chúng. Kết quả là trái phiếu chính phủ dần biến mất và bị thay thế bởi tiền giấy. Vào cuối thế kỉ 18, đây là loại tiền giấy duy nhất tại Vương Quốc Anh.
Chúng ta cần hiểu rằng vào thời điểm đó, Ngân hàng Trung ương Vương Quốc Anh vẫn chưa hoạt động với đầy đủ chức năng như ngân hàng trung ương ngày nay. Dù ngân hàng được độc quyền quản lý tiền tệ tại Luân Đôn và các khu vực địa lý quan trọng khác, việc sử dụng tiền giấy chưa được quy định trong luật; do vậy, không ai bị buộc phải sử dụng nó. Nó chỉ đơn thuần là giấy biên nhận một phần giá trị của tiền xu vàng cấp bởi một ngân hàng tư nhân mà mọi người được tự do chấp nhận, từ chối hay chiết khấu. Mãi đến năm 1833, người ta mới chính thức công nhận tính hợp pháp của loại tiền này.
Cùng lúc đó, Nghị viện cũng cấp phép cho tất cả các ngân hàng khác trong toàn vương quốc. Cuối cùng, chính việc phát hành tiền giấy thừa thãi đặt dấu chấm hết cho các ngân hàng và những người gửi tiền lại chịu thiệt hại. Shaw phát biểu: “Tai họa liên tiếp giáng xuống đất nước bởi sự thờ ơ của nhà nước đối với những tờ tiền giấy phát hành bởi các ngân hàng tư nhân này”.[2] Tuy nhiên, do được hưởng sự ưu ái hơn cả từ chính phủ, Ngân hàng Trung ương Vương Quốc Anh hết lần này đến lần khác được Nghị viên cứu khỏi phá sản. Điều đó xảy ra như thế nào là một câu chuyện thú vị.
Ngân hàng Trung ương Vương Quốc Anh
Vương Quốc Anh đã cạn kiệt tài chính sau nửa thế kỉ chiến tranh với Pháp và nhiều cuộc nội chiến hầu hết do mức thuế quá cao. Vào giữa cuộc chiến của Liên minh Augsberg (Chiến tranh chín năm 1689-1698) năm 1693, vua William có nhu cầu cấp thiết về tiền. Hai mươi năm trước đó, vua Charles II đã từ chối thanh toán khoản nợ hơn một triệu bảng do các thợ kim hoàn cho vay dẫn đến hậu quả là mười ngàn người mất tiền tiết kiệm của họ. Kí ức về vụ bê bối này như vừa mới hôm qua đối với mọi người và điều đương nhiên là họ nghĩ việc cho chính phủ vay thật rủi ro. Không có khả năng tăng thuế, không thể vay mượn, Nghị viện tuyệt vọng tìm những cách còn lại để xoay xở tiền. Theo Groseclose, mục tiêu không phải là kiểm soát cơ chế vận hành tiền tệ một cách thông minh hơn mà tìm ra phương thức mới thỏa mãn cơn khát của chính phủ mà không cần tăng thuế hoặc vay của công chúng.[3]
Có hai nhóm người nhìn thấy cơ hội từ nhu cầu này. Nhóm thứ nhất bao gồm các nhà chính trị trong chính phủ, nhóm thử hai gồm nhiều nhà tiền tệ từ các ngân hàng mới nổi. Nhà tổ chức và người phát ngôn của nhóm này là William Paterson đến từ Scotland. Ông từng đến châu Mỹ và trở lại với một kế hoạch quy mô để xin một giấy phép từ Vương Quốc Anh cho một công ty thương mại nhằm chiếm eo đất Panama, lúc đó được gọi là Eo Darien. Chính phủ không mặn mà với việc này nên Paterson chuyển hướng sang một kế hoạch rất hứng thú khác là tạo ra tiền.
Hai nhóm trên cùng nhau thành lập một liên minh, nhưng từ này cũng quá nhẹ nhàng để miêu tả nó. Từ điển American Heritage Dictionary định nghĩa từ “Cabal”(nhóm âm mưu) là “một nhóm bao gồm những kẻ âm mưu xấu xa”. Không có từ nào có thể miêu tả chính xác hơn thế. Với nhiều bí mật và bí ẩn tương tự như những gì xảy ra xung quanh cuộc gặp tại đảo Jekyll, nhóm lợi ích Cabal họp tại Nhà nguyện Mercer ở Luân Đôn và vạch ra một kế hoạch bảy điểm phục vụ lợi ích chung của họ:
- Chinh phủ sẻ cấp quyền cho các nhà tiền tệ thành lập một ngân hàng
- Ngân hàng sẽ được trao độc quyền phát hành tiền giấy lưu hành với tư cách là tiền giấy chính thức của vương quốc
- Ngân hàng tạo ra tiền từ con số không và chỉ cần một phần tổng số tiền được bảo đảm bằng tiền xu
- Sau đó, các nhà tiền tệ phải cho chính phủ vay tất cả số tiền mà chính phủ cần
- Tiền được tạo ra cho chính phủ vay được bảo đảm bởi trái phiếu chính phủ
- Dù khoản tiền này được tạo mới không mất phí, chính phủ sẽ trả lãi vay 8 phần trăm
- Trái phiếu chính phủ được dùng làm “tiền dự trữ”để tạo các khoản vay mới cho mục đích thương mại cá nhân. Các khoản vay này cũng được hưởng lãi suất. Do vậy, các nhà tiền tệ có thể thu lãi hai lần mà không cần tiền thật.[4]
Thông báo được đưa ra nhằm thu hút người mua chứng khoán phát hành lần đầu của ngân hàng giải thích là: “Ngân hàng có lãi từ tất cả lượng tiền mà nó phát hành”.[5]Điều lệ được ban hành năm 1694 và ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới ra đời. Rothbard viết:
Nói tóm lại, vì có quá ít người gửi tiền sẵn sàng tài trợ cho thâm hụt ngân sách của chính phủ, Paterson và nhóm của mình sẵn sàng mua giúp chính phủ những tờ trái phiếu mới từ trên trời rơi xuống này với điều kiện họ được cấp phép tại châu Mỹ. Đây không chỉ là một thương vụ tuyệt vời cho Paterson và công ty, chính phủ cũng hưởng lợi từ một câu chuyện thật như đùa do việc ngân hàng cho họ vay có vẻ rất hợp pháp. Ngay khi ngân hàng trung ương Vương Quốc Anh được cấp phép vào năm 1694, vua William và rất nhiều thành viên trong Nghị viện giành nhau để trở thành cổ đông của nhà máy in tiền mới này.[6]
Ngành khoa học bí mật về tiền
Cả hai nhóm trong Cabal đã được trả công hậu hĩnh cho những nỗ lực của mình. Các nhà chính trị cố gắng kiếm 500.000 bảng tài trợ cho chiến tranh đang diễn ra và ngân hàng đã nhanh chóng trả hơn gấp đôi số đó. Các nhà tiền tệ với số vốn đầu tư cam kết ban đầu 1,2 triệu bảng, lãi suất trên giấy tờ chỉ đúng 8%; nhưng một thực tế đã bị bỏ qua là vào thời điểm chính phủ vay, họ mới chỉ đầu tư 720.000 bảng, nghĩa là ngân hàng đã “cho vay” lượng tiền nhiều hơn đến 66% lượng tiền nó thực có.[7] Hơn nữa, ngân hàng được trao đặc quyền phát hành ít nhất một khoản vay tương đương cho công chúng. Vì vậy, sau khi cho chính phủ vay, ngân hàng vẫn có khả năng cho vay lần hai.
Một khoản cho vay 720.000 bảng thường chỉ mang lại 57.600 tiền lãi. Nhưng, với thủ thuật bí mật mới, họ đã hưởng lãi 8% trên 1,2 triệu bảng cho chính phủ vay cộng thêm 9% lãi trên 720.000 bảng cho công chúng vay. Điều này tăng thêm 160.800 bảng tương đương 22% lãi trên khoản đầu tư. Tuy nhiên, thực tế là trong những trương hợp này, lãi suất trở thành vô nghĩa. Khi người ta có thể “vẽ” ra tiền, lãi suất không chỉ là 8%, 9% hay thậm chí 22%, mà là vô cùng.
Trong hành động chính thức này của ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới, chúng ta có thể thấy sự giả dối ban đầu đặc trưng cho tất cả những gì đi cùng với nó. Ngân hàng vờ cho vay nhưng thực tế là để tạo nguồn tiền cho chi tiêu của chính phủ. Nếu chính phủ trực tiếp làm điều này, người ta sẽ ngay lập tức nhận ra bản chất của những đồng tiền này, và không chấp nhận thanh toán các chiến phí theo đúng mệnh giá của tiền. Tuy nhiên,bằng việc tạo tiền thông qua hệ thống ngân hàng, công chúng không hề hay biết về quá trình này. Chẳng ai trong số họ đủ thông minh để có thể phân biệt được những tờ tiền này với những tờ tiền được đảm bảo bằng vàng trước đó.
Do đó, chúng ta cần ghi nhớ rằng sự thật về các ngân hàng trung ương cũng như về cả Hệ thống Dự trữ Liên bang chính là câu chuyện về những thực thể hoạt động như cỗ máy in tiền tàng hình để các chính trị gia có thể kích hoạt bất cứ lúc nào họ muốn dưới chiêu bài mua trái phiếu chính phủ. Đây quả là điều may mắn với nhiều nhà chính trị, những người không còn cần thuế hay tín dụng kho bạc để thu tiền nữa. Quá trình này thậm chí còn dễ hơn cả in tiền vì công chúng không hiểu biết về nó; do vậy, nó thật sự an toàn về mặt chính trị.
Tất nhiên, các nhà tiền tệ được trả tiền cho dịch vụ này. Để duy trì sự giả dối của hoạt động ngân hàng, người ta nói ngân hàng thu lãi vay, nhưng thực tế không phải như vậy. Họ không cho vay tiền, họ “vẽ” ra chúng. Do vậy, người ta nên gọi khoản thu này là phí dịch vụ chuyên nghiệp, hoặc hoa hồng, hoặc tiền bản quyền, hoặc lại quả, tùy theo quan điểm cá nhân; nhưng nhất định không phải là lãi suất.
Từ lạm phát đến các đợt đột biến rút tiền gửi
Mẫu hình bảo hộ được thiết lập
Bùng nổ và đổ vỡ không tránh khỏi
Bảo vệ bản vị vàng
Suy thoái và cải cách
Lạm phát tiếp tục xảy ra
Làn sóng ngân hàng lan sang các quốc gia khác
Tóm lược
Download toàn bộ văn bản tại đây: Quai vat dao Jekyll – Ch 9.pdf
————–
[1] Galbraith, trang. 16.
[2] W.A. Shaw, Theory and Principles of Central Banking (London & New York: Sir I. Pitman & Sons, Ltd., 1930), trang. 32-32.
[3] Groseclose, Money and Man, trang. 175.
[4] Để có cái nhìn tổng quát về những thỏa thuận này, tìm đọc Murray Rothbard, The Mystery of Banking (New York: Richardson & Snyder, 1983), trang. 180. Also Martin Mayer, The Bankers (New York: Weybright & Talley, 1974), trang. 24-25.
[5] Tích dẫn bởi Caroll Quigley, Tragedy and Hope: A History of the World in Our Time (New York: Macmillan, 1966), trang. 49. Paterson không được hưởng lợi từ sáng tạo của riêng mình. Ông rút lui khỏi ngân hàng sau một bất đồng chính sách trong vào tháng sau khi ngân hàng thành lập và sau đó trở về Scotland, nơi ông bán thành công kế hoạch kinh doanh Eo Darien (Panama) của mình. Những người dân Scotland tiết kiệm để mua chứng khoán và mua vé sang xứ Panama đầy bệnh dịch. Chứng khoán mất giá trị và gần như tất cả 1.200 người sang tới nơi đã bị thiệt mạng.
[6] Rothbard, Mystery, trang. 180.
[7] Tìm đọc R.D. Richards, Ph.D., The Early History of Banking in England (New York: Augustus M. Kelley, bản gốc 1929, in lại 1965), trang.148-50.