Trưng cầu dân ý Scotland: Nguồn gốc và tác động

referendum

Tác giả: George Friedman | Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Ý tưởng về một Scotland độc lập đã chuyển từ không tưởng sang rất khả quan. Dù trên thực tế nó có xảy ra hay không thì ý tưởng về việc khối liên hiệp đã tồn tại hơn 300 năm nay giữa Anh và Scotland có thể bị giải thể tự thân nó đã có nhiều tác động to lớn, đồng thời gây ra nhiều hệ lụy quan trọng đối với sự ổn định của châu Âu, thậm chí là toàn cầu.

Vương quốc Liên hiệp Anh là trung tâm quyền lực của hệ thống quốc tế từ sau Chiến tranh Napoléon đến Đệ nhị Thế chiến. Nó tạo nên một cấu trúc đế quốc đã định hình không chỉ hệ thống quốc tế mà còn cả trật tự chính trị nội bộ của nhiều quốc gia khác nhau như Hoa Kỳ và Ấn Độ. Vương quốc Liên hiệp Anh đã khởi đầu và dẫn dắt cuộc Cách mạng công nghiệp. Trong nhiều mặt, khối liên hiệp này đã trở thành một trục của lịch sử thế giới. Việc nhận ra nó có thể bị giải thể khiến người ta giật mình và tiết lộ nhiều điều quan trọng về hướng đi của thế giới.

Scotland và Anh là kẻ thù trong lịch sử. Ý thức đấu tranh chủ quyền của họ kéo dài qua nhiều thế kỷ, việc họ cùng chung sống trên cùng một hòn đảo đã dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh. Trong lịch sử họ không tin tưởng lẫn nhau, mỗi bên lại có những lý lẽ chính đáng khác nhau để nghi ngờ. Vấn đề dân tộc gắn liền với những cuộc đấu tranh của các triều đại và những nỗ lực thành lập khối liên hiệp được áp đặt thông qua các cuộc chinh phục hay toan tính của các triều đại. Người Anh đặc biệt lo ngại rằng các thế lực ngoại bang, đặc biệt là Pháp, có thể dùng Scotland làm bàn đạp để tấn công nước Anh. Người Scotland lo ngại việc người Anh mong muốn ngăn chặn điều này sẽ dẫn đến việc họ bị người Anh lợi dụng, và có thể là cả sự diệt vong của dân tộc Scotland.

Khối liên hiệp ra đời năm 1707 là kết quả của những hành động bởi Quốc hội của cả hai bên và dẫn tới việc hình thành Quốc hội Vương quốc Anh.[i] Động cơ của Anh vẫn là mối lo ngại cũ về địa chính trị. Scotland thì bị chi phối nhiều hơn bởi các vấn đề tài chính mà họ không thể tự giải quyết. Thứ được tạo nên là một hòn đảo thống nhất, hoạt động như một quốc gia duy nhất. Từ góc nhìn của người ngoài cuộc, Scotland và Anh (England) là những biến thể duyên dáng của một bản sắc dân tộc duy nhất – người Anh (British) – và không cần thiết phải coi họ như hai quốc gia riêng biệt. Nếu có bất kỳ sự phân biệt sắc tộc nào mà người ta có thể mong đợi bị dập tắt, ngoài các giá trị văn hóa, thì đó chính là sự phân biệt (về bản sắc) này. Giờ đây chúng ta biết rằng bản sắc đó vẫn nguyên vẹn. Chúng ta cần một khung kiến thức sâu hơn để hiểu tại sao chủ nghĩa dân tộc của người Scotland vẫn tồn tại lâu dài như vậy.

Nguyên tắc Dân tộc tự quyết

Phong trào Khai sáng và các cuộc cách mạng theo sau của Pháp đã đưa dân tộc lên trung tâm đạo đức của thế giới. Nó là một cuộc nổi dậy chống lại các triều đại xuyên quốc gia và các nhóm dân tộc vốn đã chi phối phần lớn châu Âu. Phong trào Khai sáng coi dân tộc, được định nghĩa là có nền văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ chung, có quyền cố hữu được tự quyết và là khuôn khổ cho các nền dân chủ cộng hòa mà nó lập luận là hình thức chính thể đúng đắn về mặt đạo đức.

Sau cuộc Cách mạng Pháp, một số dân tộc như người Đức và Ý đã thống nhất thành các quốc gia – dân tộc. Sau Đệ nhất Thế chiến, khi các đế chế Ottoman, Hapsburg, Hohenzollern, Romanov sụp đổ, một làn sóng chuyển giao quyền lực đã diễn ra ở châu Âu. Một số hợp nhất thành các quốc gia lớn hơn, như Nam Tư hay Tiệp Khắc, trong khi một số khác, như Ba Lan, trở thành quốc gia dân tộc đơn lẻ. Một số nước có nền dân chủ cộng hòa, một số khác có những biến thể dân chủ khác nhau, và một số nước theo chế độ độc tài. Làn sóng chuyển giao quyền lực lớn thứ hai diễn ra năm 1992, khi Liên Xô sụp đổ và các nước cộng hòa thành viên trở thành các quốc gia – dân tộc độc lập.

Học thuyết về quyền dân tộc tự quyết đã thúc đẩy làn sóng đầu tiên của cuộc nổi dậy chống chủ nghĩa đế quốc châu Âu ở Tây bán cầu, thành lập nên các nước cộng hòa ở châu Mỹ. Làn sóng thứ hai của cuộc nổi dậy chống chủ nghĩa thực dân và sự rút lui của châu Âu diễn ra sau Đệ nhị Thế chiến. Trong một số trường hợp, các dân tộc được tự quyết. Trong một số trường hợp khác, các quốc gia – dân tộc chỉ đơn giản được hình thành mà không dành riêng cho bất cứ dân tộc nào, và trên thực tế còn làm nhiều dân tộc bị ly tán. Trong một số trường hợp khác, các quốc gia được thành lập nhưng nền dân chủ cộng hòa không được thiết lập, ngoại trừ một cách hình thức. Nhà tư tưởng Pháp François de La Rochefoucauld từng nói, “Đạo đức giả là vật cống nạp của tội lỗi cho đức hạnh.” Ngay cả khi phản bội lại các nguyên tắc của nó, cả thế giới cũng không thể cưỡng lại được mong muốn chấp nhận nguyên tắc dân tộc tự quyết thông qua nền dân chủ cộng hòa. Trên thực tế điều này đã được pháp điển hóa trở thành tiêu chuẩn vàng quốc tế về đạo đức dân tộc trong hiến chương của Hội Quốc Liên và sau này là Liên Hợp Quốc.

Thiếu sót của Quốc gia dân tộc

Sức mạnh đáng kinh ngạc của quốc gia – dân tộc trong vai trò một quyền và nguyên tắc đạo đức chỉ có thể được áp dụng một cách không hoàn hảo. Không dân tộc nào là thuần chủng. Mỗi dân tộc đều có sự phân mảnh và các nhóm thiểu số của những dân tộc khác. Trong nhiều trường hợp, họ cùng chung sống với nhau. Trong một số trường hợp khác, nhóm đa số cố gắng trục xuất hoặc thậm chí là tiêu diệt nhóm dân tộc thiểu số. Những cuộc xung đột này không chỉ diễn ra trong phạm vi nội bộ, chúng còn gây ra những xung đột bên ngoài, vượt qua cả quyền của một dân tộc cụ thể được tồn tại hay vượt qua cả biên giới xác định phân chia giữa các dân tộc.

Châu Âu đặc biệt đã tự xé mình ra từng mảnh trong các cuộc chiến tranh giai đoạn 1914 đến 1945 xoay quanh các vấn đề liên quan đến quyền của các quốc gia – dân tộc, khi ý tưởng về quốc gia – dân tộc bị thử thách với những hệ lụy tai hại – như trương hợp người Đức gây ra là một ví dụ điển hình. Sau cuộc chiến, một nguyên tắc được đưa ra ở châu Âu là những biên giới hiện hành, tuy không hoàn hảo, sẽ vẫn không bị thay đổi. Mục đích là để xóa bỏ một trong những nguyên nhân chính gây ra chiến tranh ở châu Âu.

Học thuyết này đã được áp dụng một cách không hoàn hảo. Sự sụp đổ của Liên Xô đã xóa bỏ một tập hợp các biên giới, biến những biên giới nội bộ thành biên giới bên ngoài. Cuộc nội chiến Nam Tư trở thành một cuộc chiến tranh quốc tế khi Nam Tư ngừng tồn tại, và trở thành các cuộc nội chiến bên trong các quốc gia – dân tộc như Bosnia, Serbia và Croatia. Đồng thời, biên giới ở vùng Caucasus cũng được vẽ lại khi quốc gia Armenia độc lập chiếm đóng một phần đất từng thuộc về Azerbaijan. Và trong một hành động chống lại nguyên tắc dân tộc tự quyết, các nước NATO đã chia Serbia thành hai phần: một phần của người Albanian gọi là Kosovo và phần còn lại của Serbia.

Điểm mấu chốt của tất cả những chuyện này là hiểu được quyền dân tộc tự quyết xuất phát từ sâu bên trong những nguyên tắc của người châu Âu và nó đã được đeo đuổi bằng một mức độ mạnh và thậm chí là sự khắc nghiệt vốn đã chia cắt châu Âu và vẽ lại biên giới của nó. Một trong những lý do Liên minh châu Âu tồn tại là để chính thức xóa bỏ các cuộc chiến tranh dân tộc tự quyết bằng cách nỗ lực thiết lập nên một khuôn khổ vừa bảo vệ vừa làm giảm vai trò của các quốc gia dân tộc.

Trường hợp của Scotland

Khả năng về một Scotland độc lập phải được hiểu trong bối cảnh này. Chủ nghĩa dân tộc, ký ức và tình yêu với một nền văn hóa lịch sử, không phải điều tầm thường. Nó đã thúc đẩy châu Âu và thậm chí là cả thế giới hơn hai thế kỷ qua trong những đợt sóng ngày càng tăng. Cuộc bầu cử sắp tới của người dân Scotland dù đi theo hướng nào cũng đều chứng tỏ sức mạnh to lớn của khát vọng dân tộc tự quyết. Nếu nó có thể ăn mòn khối liên hiệp của người Anh, nó có thể ăn mòn mọi thứ.

Có một số người cho rằng sự độc lập của Scotland có thể dẫn đến những vấn đề kinh tế hay làm phức tạp hóa công tác quản lý quốc phòng. Đó không phải là những câu hỏi tầm thường, nhưng chúng không phải là vấn đề cốt lõi ở đây. Từ góc nhìn kinh tế, chẳng lý gì Scotland phải trải qua cơn hỗn loạn này. Trong kịch bản tích cực nhất thì lợi ích kinh tế cũng là không chắc chắn. Nhưng đây là lý do tại sao bất cứ lý thuyết về hành vi con người nào mà cho rằng mục đích duy nhất của con người là tối đa hóa lợi ích kinh tế là sai. Con người có những động cơ khác mà các mô hình kinh tế học không thể diễn giải, nhưng lại có thể chứng minh là mạnh mẽ bằng thực nghiệm. Nếu cuộc trưng cầu dân ý này thành công, nó vẫn sẽ cho thấy rằng sau hơn 300 năm, khoảng một nửa người dân Scotland chọn sự bất định về kinh tế hơn là liên minh với một quốc gia khác.

Đây là điều cần phải được xem xét cẩn trọng trong một lục địa dễ xảy ra các xung đột nghiêm trọng và vẫn còn đầy các làn biên giới không trùng với địa phận của các dân tộc như được hiểu trong lịch sử. Catalonia, với thủ phủ Barcelona – thành phố sôi động nhất và lớn thứ hai của Tây Ban Nha, có một phong trào độc lập đáng kể. Hòa ước Trianon chia cắt Hungary dẫn đến việc một số người Hungary sống ở Romania, trong khi một số khác lại sống ở Slovakia. Bỉ bao gồm các nhóm dân tộc Pháp và Hà Lan (Walloons và Fleming), và không phải quá đáng khi nói họ căm ghét lẫn nhau. Nửa phía đông của Ba Lan đã bị Liên Xô chiếm đóng và giờ là một phần của Ukraine và Belarus. Nhiều người Chechnya và Dagestan muốn ly khai khỏi Nga, cũng như những người Karelia vốn tự coi mình là người Phần Lan. Có một trong trào ở miền bắc Ý đòi tách những thành phố giàu có khỏi phần còn lại của Italia. Cuộc chiến giữa Azerbaijan và Armenia còn xa mới được giải quyết. Và còn vô số những ví dụ khác có thể tìm thấy ở riêng châu Âu.

Quyền dân tộc tự quyết không đơn giản chỉ là về việc một dân tộc tự mình quản lý mà còn về quyền được chiếm giữ vùng địa lý truyền thống. Do những ký ức lịch sử về vùng địa lý là khác nhau, khả năng xung đột tăng lên. Hãy xem xét Ireland: Sau cuộc chiến giành độc lập của họ với Vương quốc Anh và sau đó là Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland, việc nó đòi quyền đối với Bắc Ireland, nơi có bản sắc dân tộc phụ thuộc vào việc người ta xem xét nó thông qua lăng kính ký ức của ai, đã dẫn đến cuộc chiến tranh đẫm máu trong nhiều thập kỷ.

Độc lập của Scotland sẽ làm thay đổi lịch sử nước Anh. Tất cả những nỗ lực nhằm giảm thiểu tối đa ý nghĩa của nó đều trật hướng. Nó có nghĩa là đảo Anh sẽ bị chia thành hai quốc gia – dân tộc, và dù cảm giác hiện giờ ấm áp ra sao, thì quá khứ không hề ấm áp và chúng ta cũng không thể chắc trong tương lai cũng sẽ ấm áp. Anh sẽ dễ bị tổn thương theo cách mà họ không phải trải qua trong vòng ba thế kỷ. Và Scotland sẽ phải tự quyết định tương lai của mình. Phần khó khăn nhất của quyền dân tộc tự quyết chính là việc cần phải đưa ra các quyết định và chấp nhận sống chung với chúng.

Đây không phải cuộc tranh luận ủng hộ hay phản đối tư cách quốc gia của Scotland. Nó đơn giản là thu hút sự chú ý tới sức mạnh to lớn của chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu nói riêng, và ở các nước từng là thuộc địa của người châu Âu nói chung. Ngay cả Scotland cũng nhớ họ từng là gì, và nhiều người – có lẽ đa số hay nhóm thiểu số lớn – mong chờ sự trở lại của nó. Nhưng ý tưởng về việc Scotland muốn khơi gợi quá khứ và phục hồi nó là một bằng chứng tuyệt vời không chỉ đối với lịch sử của Scotland mà còn đối với việc chuyển các quyền dân tộc thành một mệnh lệnh đạo đức không thể bị triệt tiêu của Phong trào Khai sáng.

Quan trọng hơn có lẽ là dù sự sụp đổ của Nam Tư và Liên Xô không được xem là tiền lệ cho các nước còn lại ở châu Âu, nhưng Scotland lại có thể được xem như vậy. Không ai có thể phủ nhận nước Anh là một thực thể đặc biệt quan trọng. Nếu nó có thể tan rã, thì có điều gì là chắc chắn? Vào thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế của Liên minh châu Âu đang lên cao và thách thức những thể chế và nguyên tắc của châu Âu, thì sự tan rã của Liên hiệp Anh sẽ hợp pháp hóa những đòi hỏi dân tộc vốn đã bị chôn vùi trong nhiều thập kỷ.

Nhưng sau đó chúng ta phải nhớ rằng Scotland đã bị chôn vùi trong nước Anh trong nhiều thế kỷ và đã tự mình hồi sinh. Điều này đặt ra câu hỏi rằng chúng ta có thể tự tin đến thế nào về việc những yêu sách dân tộc mới bị chôn vùi mấy thập kỷ sẽ ngủ yên? Tôi không biết người dân Scotland sẽ bỏ phiếu như nào. Điều quan trọng hơn cả đối với tôi là tương lai của nước Anh đang được đặt lên bàn xem xét, và có khả năng lớn rằng nó sẽ không còn như trước đây. Chủ nghĩa dân tộc có xu hướng đi theo kết luận nào hợp logic của nó, thế nên tôi không tin vào những lời trấn an ôn hòa của những người theo chủ nghĩa dân tộc Scotland. Tôi cũng không nhận thấy những lập luận chống lại việc ly khai dựa trên các biên lai thuế hay những động thái của các ngân hàng là thuyết phục. Trong nhiều thế kỷ, chủ nghĩa dân tộc đã thắng thế các vấn đề kinh tế. Mô hình con người kinh tế có thể là lý tưởng đối với một số người, nhưng thực tế cho thấy nó sai. Một số quan tâm đến phúc lợi kinh tế, nhưng không loại trừ mọi lợi ích khác. Trong trường hợp này, nó rõ ràng không quan trọng hơn quyền dân tộc tự quyết của người dân Scotland.

Tôi nghĩ cho dù kết quả cuộc bỏ phiếu là như thế nào, trừ khi những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Scotland nhận một thất bại áp đảo đáng ngạc nhiên, thì vấn đề dân tộc tự quyết đã được làm sống lại, và không đơn thuần chỉ ở Anh. Trưng cầu dân ý sẽ tái hợp pháp hóa những vấn đề đã gây ra nhiều xung đột trên khắp lục địa châu Âu trong nhiều thế kỷ, trong đó có cuộc chiến 31 năm của thế kỷ 20 khiến 80 triệu người thiệt mạng.

Tiến sĩ George Friedman là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Tình báo Toàn cầu Stratfor, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như The Next 100 Years (đã được xuất bản ở Việt Nam dưới tên “Thế giới 100 năm sau”), The Next Decade, America’s Secret War…

Bản gốc tiếng Anh: Stratfor

—————

Ghi chú của người dịch:

Để tiện theo dõi, trong bài này tên gọi của nước Anh, nói chung, và khối liên hiệp theo tiến trình lịch sử được thống nhất dịch như sau:

  • Năm 1707, Kingdom of Scotland (Vương quốc Scotland, 843–1707) sáp nhập với Kingdom of England (Vương quốc Anh, 927–1707) thành Kingdom of Great Britain (Vương quốc Anh, 1707–1801).
  • Năm 1801, Kingdom of Great Britain hợp nhất với Kingdom of Ireland (Vương quốc Ireland, 1542–1801) thành United Kingdom of Great Britain and Ireland (Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland, 1801–1927).
  • Năm 1922, một phần của Ireland tách ra thành quốc gia sau này là Republic of Ireland (Cộng hòa Ireland).
  • Năm 1927 đến nay, United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) bao gồm Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland.

————–

[i] Quốc hội Vương quốc Anh, Parliament of Great Britain, thay thế vai trò của Nghị viện Anh Parliament of England và Nghị viện Scotland Parliament of Scotland sau Hiệp ước Thống nhất năm 1707 (ND).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]