Guy Fawkes: Bộ mặt của biểu tình hậu hiện đại

Print Friendly, PDF & Email

20141108_blp506

Biên dịch: Lê Hoàng Giang

Vào ngày 5/11 hàng năm, người Anh trên khắp mọi miền đất nước sẽ thắp sáng lửa hội và bắn pháo hoa kỷ niệm ngày Guy Fawkes, một kẻ khủng bố theo Công Giáo La Mã từ Thế kỷ 17, bị hành hình. Nhưng gần đây, các nhà hoạt động đã biến ngày này thành một dịp dành cho biểu tình quy mô lớn. Anonymous, một nhóm “hacktivist” (các tin tặc kiêm nhà hoạt động vì mục đích chính trị, xã hội…) đang khuyến khích mọi người tuần hành chống đối chính phủ của họ. Nhánh London của phong trào “tuần hành của hàng triệu chiếc mặt nạ” này sẽ tập trung bên ngoài Tòa nhà Quốc hội, nhiều người trong đó sẽ đeo mặt nạ có hình khuôn mặt Guy Fawkes đang nhoẻn miệng cười. Vậy làm thế nào Guy Fawkes lại trở thành khuôn mặt đại diện cho biểu tình trong thời kỳ hậu hiện đại?

Năm 1605, Fawkes đang là thành viên của một tổ chức Công giáo La Mã có âm mưu cho nổ tung Thượng viện Anh vào đúng dịp khai mạc Quốc hội. “Âm mưu Thuốc súng” (Gunpower plot) được thực hiện nhằm ám sát Vua James I, một tín đồ Tin Lành, và đưa con gái của ông khi đó mới 9 tuổi lên ngôi và trở thành một quân vương theo Công giáo. Nhưng Nhà Vua đã được báo lại về toàn bộ kế hoạch ám sát thông qua một lá thư nặc danh.

Fawkes sau đó đã bị bắt quả tang trong tầng hầm Tòa nhà Quốc hội cùng với 36 thùng thuốc súng. Ông ta đã bị tra tấn, và tất cả những kẻ cùng lên âm mưu đều đã bị khép tội mưu phản vào Tháng Một năm 1606. Chính phủ khi đó đã trừng trị vô cùng nặng tay những kẻ âm mưu ám sát nhằm răn đe những âm mưu khủng bố trong tương lai. Truyền thống thắp lửa hội và thiêu hình nhân Guy Fawkes đã được bắt đầu không lâu sau khi âm mưu thất bại, và đến tận bây giờ trẻ em vẫn còn thuộc lòng những vần điệu ma quái “Remember, remember the fifth of November” (“Hãy nhớ lấy, hãy nhớ lấy ngày mùng năm tháng Mười Một”).

Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, hai tác giả tiểu thuyết truyện tranh Alan Moore và David Lloyd đã cho ra đời tác phẩm truyện tranh, “V for Vendetta” (“V báo thù”), trong đó nhân vật chính là một người theo chủ nghĩa vô chính phủ mặc áo choàng, đeo mặt nạ gương mặt nhoẻn cười của Guy Fawkes trong khi chiến đấu chống lại một nhà nước độc tài chuyên chế phát-xít. Các tác giả muốn tôn vinh Guy Fawkes bằng cách biến ông ta thành một hình tượng phản anh hùng trong thời kỳ hiện đại.

Năm 2006, cuốn truyện tranh gốc được chuyển thể thành phim, và mặc dù bộ phim khác với tác phẩm gốc theo một số cách, chiếc mặt nạ của nhân vật “V” vẫn là một chuyển thể trung thành với hình ảnh cách điệu từ trong cuốn truyện. Những chiếc mặt nạ để kỷ niệm ngày bộ phim ra mắt đã được phân phát cho người hâm mộ và được đem bán trên mạng.

Hai năm sau, vào Tháng Một năm 2008, Anonymous đã triển khai “Chiến dịch Chanology” – một đợt tấn công có tổ chức nhằm vào trang web của Giáo hội Khoa Luận giáo (Scientology) mà họ cho là đã có hành động kiểm duyệt thông tin.

Điều 17 trong Quy tắc Hành xử của Anonymous, được phát cho những người tham gia vào trước “cuộc biểu tình công khai thực sự ngoài đời đầu tiên” của nhóm vào Tháng Hai năm 2008 viết: “Hãy che mặt các bạn. Như vậy các bạn sẽ không bị nhận diện từ video mà các thế lực thù địch ghi lại”.

Với những người chọn cách đeo mặt nạ, quyết định là rất đơn giản: lấy cảm hứng từ cảnh cuối cùng trong bộ phim khi đám đông người đeo mặt nạ Guy Fawkes tập trung ở phía ngoài và chứng kiến Tòa nhà Quốc hội bị nổ tung, chiếc mặt nạ “V for Vendetta” chính là thứ vật che mặt mà Anonymous cần đến.

Kể từ đó, chiếc mặt nạ đã được sử dụng bởi phong trào Occupy (“Chiếm lĩnh”), và Julian Assange – người sáng lập WikiLeaks – cũng đã đeo một chiếc mặt nạ Guy Fawkes. Chiếc mặt nạ này cũng đã trở thành một điểm thường thấy trong nhiều cuộc biểu tình. Ông Lloyd đã gọi chiếc mặt nạ là “một biểu trưng thuận tiện để dùng chống lại bạo quyền… thật là độc đáo khi một biểu tượng của văn hóa đại chúng lại được sử dụng như vậy”.

Dù những chiếc mặt nạ chính thức từ bộ phim vẫn được bán trên mạng, phần lớn người biểu tình vẫn chọn cách tự in hoặc vẽ mặt nạ của riêng mình. Và kể từ năm 1485 cho đến tận ngày hôm nay, đội cận vệ của hoàng gia Anh (Yeomen of the Guard) vẫn thường xuyên lục soát kỹ tầng hầm Điện Westminster  trước mỗi dịp khai mạc Quốc hội. Trên nhiều khía cạnh, tinh thần của Guy Fawkes vẫn còn trường tồn.

Biên tập: Lê Hồng Hiệp | Bản gốc tiếng Anh: The Economist