#237- Chênh lệch Bắc – Nam: Hai bộ mặt của phát triển (P.1)

140127173656-global-inequality-scales-620xa

Nguồn: Sunil Kukreja, “The Two Faces of Development,” in David N. Balaam & Michael Vaseth, Introduction to International Political Economy,  (New Jersey: Pearson Education, 2001), pp. 320-345.

Biên dịch: Khoa QHQT | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Người giàu – kẻ nghèo trong chính trị thế giới: Số phận buồn thảm của Phương Nam

Phát triển (hay kém phát triển) là một vấn đề toàn cầu, không chỉ liên quan đến quốc gia nghèo khó. Nhiều khu vực của các quốc gia công nghiệp phát triển vẫn còn kém phát triển. Bạn chỉ cần đi đến các vùng công nghiệp cũ và suy tàn của bất kì quốc gia công nghiệp hoá nào cũng nhận thấy những khu vực này có nhiều điểm chung với các nước đang phát triển hơn là với các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, khi thế kỉ XX sắp kết thúc thì đại đa số dân số trên thế giới sinh sống ở những khu vực kém phát triển nơi mà tiêu chuẩn sống kém hơn nhiều so với các quốc gia công nghiệp hoá. Nền kinh tế chính trị quốc tế được đặc trưng bởi hai khoảng cách thu nhập đáng chú ý. Một là khoảng cách được thừa nhận một cách rộng rãi giữa các quốc gia nghèo và giàu; và khoảng cách còn lại là sự khác biệt ngày càng gia tăng trong nội bộ các quốc gia kém phát triển với nhau.

Hầu hết các quốc gia công nghiệp hoá đều ít nhiều đạt được một mức độ phát triển – một thuật ngữ thường được hiểu là sự phát triển kinh tế nói chung và hàm ý quốc gia hiện đại. Sự phát triển kinh tế được định nghĩa là khả năng của một quốc gia tạo ra sự thịnh vượng về kinh tế giàu mạnh, qua đó biến đổi xã hội từ một nền kinh tế dựa trên nông nghiệp thành một xã hội nơi sự thịnh vượng đến từ các sản phẩm hàng hoá công nghiệp và dịch vụ. Trong những xã hội công nghiệp hoá phát triển, phần lớn người dân sống ở những khu vực thành thị công nghiệp, có học thức khá, và được ăn no mặc ấm. Tổng sản lượng quốc gia tính theo đầu người của những nền kinh tế thu nhập cao xấp xỉ 25.800 đô la Mỹ.

Những đặc điểm của các quốc giá kém phát triển trái ngược hoàn toàn đối với các quốc gia phát triển. Hầu hết các quốc gia kém phát triển đều có mức độ thu nhập rất thấp. Thu nhập trung bình hằng năm dao động từ khoảng 500 đô la Mỹ đến 1.000 đô la Mỹ, mặc dù nhiều quốc gia có thu nhập bình quân theo đầu người chỉ vào khoảng 300 đô la Mỹ và khoảng 1,3 tỉ người  (chủ yếu ở các nước kém phát triển) sống với mức ít hơn 1 đô la Mỹ mỗi ngày. Nạn chết nghèo do chiến tranh hay hạn hán vẫn còn hiện diện ở một vài quốc gia, trong khi ở những nơi khác khoảng 1/3 dân số bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Một nửa những người dân sống ở các quốc gia kém phát triển vẫn không có đủ nước uống, ở những chỗ ở tạm bợ, và mù chữ. Tất cả những điều kiện như vậy là do “nghèo đói”, hay tình trạng thiếu thu nhập để có thể có nhu cầu đối với các sản phẩm trên thị trường. Khoảng 80% của cải của thế giới là do một số ít người giàu ở các quốc gia công nghiệp hoá nắm giữ, trong khi đó phần lớn những người dân sống ở các quốc gia kém phát triển chỉ sở hữu khoảng 20% còn lại.

Sự gia tăng khoảng cách giữa các quốc gia nghèo và giàu đã đặt ra những câu hỏi về sự bình đẳng và công bằng liên quan đến việc phân phối những nguồn lực của thế giới. Tuy nhiên một khoảng cách khác đang ngày càng thu hút sự chú ý chính là sự khác biệt ngày càng lớn về mức độ phát triển giữa các quốc gia kém phát triển với nhau. Những nỗ lực phát triển và các hoàn cảnh khác nhau đã tạo ra sự phân cấp thành công. Những năm 1950 và 1960, những nước kém phát triển mang nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là về lịch sử thuộc địa và tiềm lực phát triển. Gần đây hơn, một vài nước đã bắt đầu đạt được những thành công kinh tế. Cho đến năm 1990, những nền kinh tế hàng đầu Đông Á và Đông Nam Á như Singapo, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia là một vài trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới mặc dù vào năm 1997 khuynh hướng này đã bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng ở khu vực này. Nhiều quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp (đặc biệt là khu vực phía nam sa mạc Sahara Châu Phi) tiếp tục đấu tranh chống lại sự lan rộng của nghèo đói và mức sống ngày càng thấp hơn. Bên trong khu vực đang phát triển của thế giới dường như tồn tại ít nhất 4 loại hình quốc gia điển hình: các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ giàu hơn, các quốc gia mới công nghiệp hoá có nền kinh tế năng động, những quốc gia nghèo nhất bao gồm điển hình là  những quốc gia hạ Sahara, và phần lớn các quốc gia kém phát triển khác thường được gọi là những quốc gia thuộc Thế giới thứ Ba.

Một vài chỉ số kinh tế thể hiện chiều hướng này. Từ năm 1965 đến 1996 tỉ lệ tăng trưởng GNP tính theo đầu người của Niger là -2. 8%, trong khi ở nước Oman giàu dầu mỏ tỉ lệ này là 5%. Thậm chí, còn ấn tượng hơn nữa là thành tích của những nền kinh tế như Hàn Quốc và Singapore với mức tăng GNP theo đầu người hàng năm lần lượt là 7. 3% và 6. 3% trong khoảng thời gian từ 1965 đến 1996. Sự chênh lệch giữa các quốc gia kém phát triển cũng được thể hiện trong khuynh hướng phát triển khu vực. Trong cùng thời kì, khu vực phía nam Sahara đã tụt hậu về thành tựu kinh tế, với tỉ lệ tăng trưởng GNP trung bình hàng năm là – 0,2%, trong khi các nước Đông Á/Thái Bình Dương đã dẫn đầu với tỉ lệ trung bình là 5,5 %.

Những khác biệt cơ bản giữa các khu vực trở nên phức tạp hơn nữa khi tính đến sự khác biệt rất lớn trong nội bộ từng khu vực và thậm chí trong nội bộ các quốc gia. Ví dụ, ở khu vực phát triển nhanh là Đông Nam Á, người Singapo đạt được mức GNP bình quân đầu người là hơn 30. 000 đô la Mỹ, trong khi người dân Indonesia láng giềng chỉ đạt khoảng 1. 080 đô la. Tương tự, Uganda có GNP bình quân đầu người tương đương với Haiti và Bangladesh, trong khi quốc gia láng giềng ở khu vực hạ Sahara là Mauritius lại có GNP trung bình đầu người tương đương với Mexico. Một số sự tương phản đáng chú ý khác giữa các quốc gia kém phát triển được trình bày ở Bảng 15-1.

BẢNG 15-1 Một số chỉ số cơ bản chọn lọc

Khu vực Tuổi thọ (năm) Tỉ lệ mù chữ (%) GNP/ đầu người (USD) Tỉ lệ tăng GNP/người hằng năm
1960 1996 1960 1995 1996 1965-96
Khu vực Châu Phi hạ Sahara 40 52 72 43 490 -0,2
Đông Á/ Thái Bình Dương 47 68 N/A 17 890 5,5
Nam Á 44 62 67 51 380 2,2
Châu Mỹ Latin và Vùng biển Caribe 56 70 24 13 3710 1,1
Bắc Á và Trung Đông 46 67 70 39 2070 -1,8

Tỷ lệ phát triển kinh tế thấp ở những khu vực phía nam sa mạc Sahara Châu Phi có liên quan tới tình trạng tỉ lệ mù chữ cao của trẻ thành niên và tuổi thọ thấp ở đây. Trái lại, ở Châu Á và Châu Mỹ Latinh những chỉ số này đang tiếp cận với mức của những khu vực phát triển.

Khó có thể đo lường sự phân phối thu nhập bên trong các quốc gia kém phát triển. Trong hầu hết các trường hợp thu nhập tập trung vào tay một nhóm thiểu số giàu có và tầng lớp tinh hoa của xã hội. Phân phối thu nhập vẫn còn là một trong những vấn đề về phát triển cấp bách và gây tranh cãi, dẫn đến tâm điểm của vấn đề – vượt qua nghèo đói và tạo ra sự phát triển kinh tế.

Hai khía cạnh của sự phát triển kinh tế

Để hiểu được tình thế lưỡng nan trong phát triển, chúng ta phải biết được một phần lịch sử của các quốc gia kém phát triển – họ có được địa vị hiện tại như thế nào và những vấn đề gì mà những nước kém thành công hơn buộc phải vượt qua? Tới những năm 1950, nhiều đế chế thực dân Châu Âu trước kia bắt đầu tan rã và các quốc gia-dân tộc mới đã xuất hiện. Sự tan rã của các đế quốc thực dân đã diễn ra khác nhau ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh. Tới cuối những năm 1950, nhiều thuộc địa trước kia đã giành được độc lập và nhiều các thuộc địa khác đang đứng trước ngưỡng cửa của một trật tự thế giới mới được định hình bởi cuộc Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và những nước đồng minh công nghiệp dân chủ (được gọi là “thế giới thứ nhất”) và Liên Xô cùng các đồng minh của mình (gọi là “thế giới thứ hai” theo thuật ngữ Chiến tranh lạnh).

Khi các quốc gia dân tộc này bắt đầu định hình những bản sắc của mình, dường như kỷ nguyên thống trị lâu dài của các nước phương Tây sắp chấm dứt. Về mặt chính trị, Thế giới thứ Ba đã được ra đời. Thế nhưng những quốc gia mới hình thành ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh phải đương đầu với những vấn đề rắc rối và cấp bách về kinh tế, chính trị và xã hội, gây nên những khó khăn trong việc tạo ra những cấu trúc thể chế quốc gia chủ quyền thật sự.

Đứng đầu trong chương trình nghị sự của những quốc gia mới ra đời là thế lưỡng nan của sự phát triển kinh tế – tình trạng kém phát triển kinh tế so với sự thịnh vượng. Sự khác biệt và chênh lệch về kinh tế sâu sắc giữa những quốc gia phát triển và kém phát triển trở thành đặc điểm tiêu biểu của khái niệm tình trạng lưỡng nan Bắc-Nam. Phương Bắc gồm các quốc gia công nghiệp hoá phát triển ở Tây Âu và Bắc Mỹ, trong khi phương nam bao gồm các quốc gia kém phát triển trên thế giới (cho dù các quốc gia này nằm ở Bán cầu Bắc hay Bán cầu Nam). Sự khác biệt Bắc – Nam không chỉ nằm ở tên gọi; trên thực tế, như chúng ta có thể thấy ở phần kế tiếp, sự khác biệt này đã trở thành biểu tượng cho tình trạng căng thẳng về kinh tế và chính trị thường thấy giữa thế giới phát triển và thế giới kém phát triển. Sự bất bình đẳng về giàu có và thịnh vượng này trở đã trở thành trung tâm của các vấn đề mới trong trật tự kinh tế thế giới thời kỳ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Đối với những nước kém phát triển, sự phát triển kinh tế không chỉ là một mục tiêu cốt lõi mà còn là một phương tiện nhằm đảm bảo sự phát triển chính trị bền vững, nền độc lập và bản sắc văn hoá. Phần lớn thành công của các quốc gia mới giành được độc lập trong môi trường quốc tế sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai cũng như trong chính trị đối nội phụ thuộc vào khả năng của các nhà lãnh đạo trong việc thực hiện lời hứa giúp thúc đẩy các phong trào độc lập và chủ nghĩa dân tộc. Vì vậy sự phát triển kinh tế – đồng nghĩa với nền kinh tế tăng trưởng và thịnh vượng – được xem là hết sức quan trọng nhằm thành lập một bản sắc quốc gia và đảm bảo sự ổn định chính trị nội địa.

Nhưng các quốc gia kém phát triển đã tiếp cận vấn đề phát triển kinh tế với những cảm xúc lẫn lộn. Sự phát triển đối với họ có hai mặt. Mặt thứ nhất hứa hẹn kết thúc nghèo đói và bắt đầu nền độc lập thật sự, chứa đựng sức hút mạnh mẽ đối với những nhà lãnh đạo và người dân các nước kém phát triển. Nhưng khía cạnh khác của sự phát triển là tình trạng bị bóc lột, thao túng và sự phụ thuộc kéo dài. Khía cạnh này đã làm nhụt chí các quốc gia kém phát triển không kém khía cạnh hấp dẫn. Chúng ta có thể thấy được hai mặt của sự phát triển bằng cách nhìn vào bốn lực lượng chính đã tạo ra tình trạng lưỡng nan của sự phát triển đối với các nước kém phát triển đầu thời kì hậu chiến khi tình trạng phi thực dân hóa đang diễn ra.

Đầu tiên, những vết thương thời kỳ thuộc địa vẫn còn mới và nhức nhối. Về mặt này, những nhà lãnh đạo chính trị thường nhìn các cường quốc thực dân trước đây với ánh mắt nghi ngờ. Tác động kinh tế xã hội và sự bóc lột của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa tư bản là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng lạc hậu kinh tế ở các quốc gia-dân tộc mới này. Thứ hai, cách mà nhiều quốc gia kém phát triển giải quyết những vấn đề phát triển của họ không chỉ đơn thuần là một phản ứng đối với những điều kiện bóc lột thời kỳ thực dân mà còn  là sự kháng cự đối với sự thống trị về văn hoá của các nước phương Tây. Trong một vài bộ phận của các nước đang phát triển, những tình cảm này giúp hình thành cách tiếp cận thận trọng đối việc chấp nhận ảnh hưởng cũng như những phương thức phát triển kinh tế của phương Tây. Như chúng ta sẽ thấy, quan điểm của các nhà lãnh đạo Thế giới thứ Ba về các nước phát triển này vẫn còn khá mạnh và có ảnh hưởng, trở thành một khái niệm trung tâm giải thích cho sự đoàn kết chặt chẽ của các nước đang phát triển vào những năm 1970.

Chiến tranh lạnh là ảnh hưởng thứ ba tạo nên tình trạng lưỡng nan về phát triển kinh tế đối với nhiều nước kém phát triển. Việc ở gần Mỹ và các nước đồng minh của nước này hoặc các mối quan hệ lịch sử với các nước mẫu quốc trước kia thường tạo ra những mô hình chiến lược kinh tế chính trị mà các nước kém phát triển lựa chọn khi phát triển kinh tế. Tương tự như vậy, sự ủng hộ khối quốc gia phương Đông của một vài quốc gia kém phát triển liên quan đến việc các nước này ưu tiên các chiến lược phát triển không phải của phương Tây.

Cuối cùng, và thật nghịch lý, thành công kinh tế của các nước phát triển đã mang lại một lý do quan trọng khiến nhiều quốc gia kém phát triển muốn theo bước, ít nhất là chấp nhận những định hướng thị trường trong phát triển kinh tế. Sự nổi lên của các thể chế quốc tế mới như Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới và Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT) với vai trò điều phối thương mại quốc tế, tượng trưng cho vai trò ngày càng cao của thị trường trong nền kinh tế thế giới. Đối với nhiều người (đặc biệt là ở những khu vực kém phát triển), những thể chế này chủ yếu được quản lý bởi các nước phát triển. Việc theo đuổi chiến lược phát triển kinh tế kiểu phương Tây cũng đồng nghĩa với việc là đồng minh của phương Tây trong Chiến tranh lạnh. Thế nhưng trong nhiều trường hợp, sự giao thiệp với các tổ chức phương Tây cũng mang lại những cơ hội thật sự mà các nước kém phát triển phải xem xét liên quan đến cách thức mà họ theo đuổi vị thế đối tác với các nước công nghiệp hoá và vấn đề phát triển kinh tế. Vì thế, sự tham gia của các nước kém phát triển vào nền kinh tế thế giới hậu chiến với các nước phát triển vẫn là một lựa chọn gây tranh cãi.

Những lực lượng trên kết hợp tạo nên tiền đề cho những vận động của quá trình phát triển và các mối quan hệ Bắc –Nam trong giai đoạn sau của Chiến tranh lạnh. Trong phần kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét trực tiếp bản chất của cuộc đối thoại Bắc Nam vốn là vấn đề định hình khuôn khổ cho việc giải quyết các vấn đề phát triển.

Cuộc tranh luận Bắc -Nam

Nhận thấy rằng các nước kém phát triển riêng lẻ không thể tạo ra được những ảnh hưởng lớn đối với hệ thống quốc tế và các thể chế của nó nên một số quốc gia, mà chủ yếu là các quốc gia đến từ khu vực đang phát triển phương Nam của thế giới, đã cố gắng thúc đẩy một bản sắc chung. Hội nghị Bandung các nước Á-Phi năm 1955 diễn ra ở Indonesia được thừa nhận rộng rãi là bước đầu tiên quan trọng để hình thành bản sắc đó và là nguồn gốc của những gì sau này được coi là quan điểm của phương Nam. Dẫn đầu bởi thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, Thống chế Tito của Nam Tư, Tổng thống Indonesia Achmed Sukarno, và tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser, lãnh đạo các quốc gia đang phát triển đã khởi đầu một cuộc đối thoại với nhau mà kết quả sau đó dẫn đến việc hình thành Phong trào không liên kết năm 1961. Là ngọn cờ chính trị của nhiều nước kém phát triển mới giành được độc lập, Phong trào không liên kết đã mở rộng bao gồm cả một số quốc gia Mỹ Latinh. Phong trào này nhằm phục vụ ba mục đích. Đầu tiên, đó chính là công cụ chính trị của các nước kém phát triển nhằm biểu thị ý chí chống lại những tàn dư của chủ nghĩa thực dân (đặt biệt là ở Châu Phi). Thứ hai, đó chính là phương tiện giúp các nước này định vị bản thân nằm ngoài phạm vi của Chiến tranh lạnh, và mục đích cuối cùng là nhằm thúc đẩy lợi ích của các nước kém phát triển.

Một trong những ưu tiên chính của các nước phương Nam là vấn đề về chủ nghĩa thực dân mới, tức tình trạng các nước kém phát triển tiếp tục chịu sự thống trị của các nước công nghiệp về kinh tế. Một số nhà lãnh đạo chính trị và những nhà trí thức cho rằng dù thời kỳ chủ nghĩa thực dân đã qua rồi, nhưng những thuộc địa cũ về cơ bản đã bị mắc kẹt trong một hệ thống kinh tế tư bản quốc tế, bị chi phối bởi các thể chế và các cơ chế thiên vị cho lợi ích của các nước phát triển. Trong môi trường thực dân mới, chẳng hạn như là các tập đoàn đa quốc gia và các công ty con trực thuộc sở hữu và kiểm soát một phần quan trọng các nguồn lực kinh tế của các nước kém phát triển. Sự giàu có và ảnh hưởng chính trị của các công ty đa quốc gia, thường được các chính phủ của họ ủng hộ, cho phép các công ty này và các quốc gia công nghiệp có thể quản lý thị trường quốc tế về hàng hoá của các quốc gia kém phát triển.

Một trường hợp rất đáng lưu ý là trường hợp của các công ty dầu mỏ. Trong suốt thế kỷ 20, bảy công ty dầu mỏ lớn ở phương Tây đã nắm quyền kiểm soát các mỏ dầu, độc quyền hoạt động thăm dò, chế biến, và cung cấp dầu ở một số khu vực giàu có về dầu mỏ. Bảy công ty dầu này được biết đến như “bảy chị em”, luôn hoạt động để phân chia thị phần, điều tiết nguồn cung, và duy trì sự kiểm soát của họ đối với các nguồn tài nguyên ở các nước đang phát triển. Ở nhiều mức độ khác nhau, các công ty này nhận được sự ủng hộ từ các chính phủ của họ. Với sự hỗ trợ chính trị như vậy, các công ty dầu mỏ lớn này đàm phán với nhau về những điều khoản (liên quan đến tiền thuê mỏ dầu) để đảm bảo sự kiểm soát của các công ty này về thăm dò và phân phối dầu mỏ trên thị trường quốc tế.[1]

Những người ủng hộ cho lập luận chống chủ nghĩa thực dân mới cho rằng bên cạnh sự thống trị của các tập đoàn đa quốc gia là một hệ thống hạn chế về thương mại, tài chính, và chuyển giao công nghệ, làm trầm trọng thêm nền kinh tế vốn đã dễ bị tổn thương của các nước kém phát triển và làm suy yếu khả năng phát triển của các nước này. Trong chương về Thương mại quốc tế, chúng tôi đã bàn đến cáo buộc của các nước kém phát triển rằng những điều khoản thương mại quốc tế đã ràng buộc họ phải là những nước sản xuất nguyên liệu thô và hàng hoá sơ chế. Sự tiên phong của các nước công nghiệp trong việc sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng và việc sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại trên diện rộng của họ đã làm cho các nước kém phát triển gặp nhiều bất lợi. Sự đổi mới công nghệ và gia tăng năng suất phần lớn xuất hiện ở các nước phát triển, còn các nước kém phát triển thì nhận thấy họ đang lạc hậu đi và không thể cạnh tranh được trong các lĩnh vực về phát triển hay sản xuất các sản phẩm mới. Sự kiểm soát pháp lý chặt chẽ, bản quyền, hay việc cấp giấy phép thường ngăn cản các nước kém phát triển tiếp cận với những công nghệ như vậy. Sức mạnh tài chính to lớn của các công ty đa quốc gia kết hợp với sự ảnh hưởng của các quốc gia phát triển đối với hệ thống tài chính quốc tế cũng có nghĩa là các quốc gia phát triển và các công ty đa quốc gia có thể gây ảnh hưởng đến sự tiếp cận nguồn tài chính để phục vụ cho phát triển kinh tế của các quốc gia kém phát triển.

Thay đổi hệ thống: Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) và Trật tự Kinh tế Quốc tế Mới (NIEO)

Mô hình của chủ nghĩa tự do và sự phát triển kinh tế

Sự  phụ thuộc: phát triển hay kém phát triển?

…………….

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Hai bo mat cua su phat trien-P1.pdf

(Còn tiếp phần 2)

—————

[1] Joan Edelman Spero, Chính trị trong quan hệ kinh tế quốc tế (New York: NXB St. Martin, 1981), các trang 246-247.