Tại sao khủng hoảng 2008 nổ ra?

Print Friendly, PDF & Email

Stock-Market-Crash

Nguồn:  J. Bradford Delong, “What failed in 2008?”, Project Syndicate, 28/01/2015.

Biên dịch: Trần Nguyễn Dạ Vi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Để giải quyết một vấn đề, chỉ biết phải làm gì là chưa đủ. Bạn cần phải thực sự thi hành giải pháp – và chấp nhận thay đổi cách làm nếu như hóa ra bạn không thực sự biết nhiều như bạn tưởng. Đó là thông điệp của hai cuốn sách mới, trong đó chúng cùng nói cho bạn tất cả những gì bạn cần biết về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008: Điều gì gây ra nó, điều gì có thể làm để nó không tái diễn, và tại sao những điều này chưa được thực hiện.

Cuốn thứ nhất là “The Shifts and the Shocks” (Các thay đổi và cú sốc), viết bởi nhà báo phái bảo thủ ngưới Anh Martin Wolf. Ông bắt đầu bằng cách liệt kê ra những thay đổi quan trọng đã tạo ra thảm họa kinh tế mà hiện nay vẫn còn tiếp tục định hình thế giới. Khởi điểm của ông là sự tăng vọt lượng tài sản của những người giàu trong nhóm 0,1% và 0,01% và hậu quả là áp lực khiến mọi người, chính phủ và các công ty ngày càng gánh vào những mức nợ không bền vững.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách mê muội trong tự mãn bởi sự chấp nhận rộng rãi đối với những lý thuyết kinh tế như “thị trường hiệu quả”. Lý thuyết này giả định rằng các nhà đầu tư hành động một cách lý trí và dùng mọi thông tin có sẵn để đưa ra quyết định của mình. Hệ quả là, thị trường được bỏ điều tiết, và việc giao dịch các tài sản được cho là an toàn, dù thật ra chúng không phải vậy, trở nên dễ dàng hơn. Kết quả là rủi ro hệ thống đã nảy nở vượt qua mọi tưởng tượng viễn vông nhất của các ngân hàng trung ương.

Nhưng giả định này – vốn không được kiểm chứng và rốt cuộc hoàn toàn sai này – đã tạo ra một môi trường làm chính sách chỉ có thể được định nghĩa bằng một từ “ngạo mạn”. Các quan chức đã xem nhẹ rủi ro. Họ đã đặt ra mục tiêu lạm phát ở mức khoảng 2% – để lại ít khoảng trống để xoay xở khi có khó khăn. Và điều càn rỡ nhất là Liên minh châu Âu đã đưa đồng euro vào làm đồng tiền chung.

Thực tế, những chính sách sai lầm còn tiếp diễn kéo dài sau khi khủng hoảng bắt đầu. Các chính trị gia ứng phó với tình hình kinh tế đang kém đi bằng cách tuân theo những giải pháp sai lầm một cách sát sao, chỉ làm những gì tối cần thiết trong khi họ lại phải giải quyết thảm họa kinh tế lớn nhất kể từ thời Đại Khủng Hoảng (1929-1933).

Phương án của Wolf nhằm chống lại khủng hoảng rất đơn giản, thông minh và không chỗ nào có thể phê phán được. Trong ngắn hạn, ông gợi ý rằng những nước có dự trữ ngoại tệ nên tăng chi (đặc biệt là để cấp vốn cho đầu tư trong lĩnh vực công) và phát hành thêm nợ (tức trái phiếu). Các ngân hàng trung ương này, theo ông lập luận, nên tăng mục tiêu lạm phát lên mức 3% hoặc 4% mỗi năm.

Trong trung hạn, theo Wolf, các nước cần phải đưa ra những giải pháp điều tiết làm giảm mức nợ và không khuyến khích đòn bẩy (vay nợ) quá mức. Khu vực đồng Euro phải giải quyết những mâu thuẫn nội bộ, hoặc là giải tán, hoặc là đưa ra một “hệ thống tối thiểu các thể chế và chính sách” cho phép khu vực đồng tiền chung hoạt động một cách đúng đắn. Giải pháp dài hạn của Wolf bao gồm ngăn chặn bất bình đẳng, “điều tiết toàn cầu nhiều hơn”, và mỗi nước được “tự do hơn trong việc tạo ra những đối sách của riêng mình”, đồng thời phân tích kinh tế ít bị chi phối hơn bởi các lý tưởng thị trường tự do, cái dẫn chúng ta đến khủng hoảng ngay từ đầu.

Và tuy những kiến nghị của Wolf  đáng được đề xuất như vậy, nhưng có rất ít động thái nhằm áp dụng chúng . Nguyên nhân tại sao được tìm thấy trong cuốn thứ hai: “Hall of Mirrors” (Phòng gương), được viết bởi người bạn, người thầy và sếp của tôi, Barry Eichengreen.

Eichengreen đã quy những đối phó hời hợt của chúng ta đối với khủng hoảng cho sự thắng thế của những nhà kinh tế theo chủ nghĩa tiền tệ, các học trò của Milton Friedman, trước những đồng nghiệp theo phái Keynes và Minsky – ít nhất là trong việc diễn giải những nguyên nhân và hậu quả của cuộc Đại Khủng Hoảng. Khi mà cuộc khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra, các nhà hoạch định chính sách đã thử ứng dụng những giải pháp mà Friedman đã đề xuất cho cuộc Đại Khủng Hoảng. Không may thay, đó hóa ra lại là điều không nên làm, vì những lý giải của các nhà kinh tế theo chủ nghĩa tiền tệ về cuộc Đại Khủng Hoảng nói trắng ra là sai lầm trầm trọng và hoàn toàn không đầy đủ.

Những chính sách xuất phát từ đó chỉ vừa đủ để ngăn cuộc suy thoái sau năm 2008 phát triển thành một cuộc khủng hoảng toàn diện, nhưng thành công chỉ một phần này lại trở thành một chiến thắng phải trả giá quá đắt. Lý do là nó đã khiến các chính trị gia có thể tuyên bố rằng khủng hoảng đã được vượt qua, và rằng đã đến thời điểm tiến hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng và tập trung vào các cải cách cấu trúc. Hậu quả là nền kinh tế trì trệ ngày nay, đánh dấu bởi tăng trưởng èo uột vốn đe dọa trở thành một tình trạng “bình thường mới” (new normal). Hoa Kỳ và châu Âu đang trên đường lãng phí mất 10%  mức thịnh vượng tiềm năng, trong khi thất bại trong việc tăng cường điều tiết lĩnh vực tài chính đã khiến nền kinh tế thế giới đối mặt với nguy cơ chịu một cuộc khủng hoảng lớn khác.

Wolf và Eichengreen có lẽ sẽ đồng ý rằng những thiếu sót chính dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – và tiếp tục làm nền cho những ứng phó thiếu thích đáng – là những thiếu sót về mặt tri thức. Thật sự, bài học duy nhất của cuộc khủng hoảng cho đến lúc này dường như là thực tế rằng người ta sẽ không bao giờ thực sự học được những bài học từ nó.

J. Bradford Delong là giáo sư ngành kinh tế học tại Đại học California, Berkeley, và là nghiên cứu viên tại Văn phòng Quốc gia về Nghiên cứu Kinh tế. Ông cũng là Phó Trợ lý Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Clinton, giai đoạn ông đã tham gia rất nhiều vào các cuộc đàm phán về ngân sách và thương mại.