Nguồn: Paul R. Gregory, “Putin’s Gas Problem”, Project Syndicate, 26/02/2015.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Những nhà quan sát Nga hiện đang tập trung vào thỏa thuận ngừng bắn mới nhất ở Ukraine, nhằm tìm cách mổ xẻ những ý định của Tổng thống Vladimir Putin tại đây. Nhưng họ cũng không nên bỏ qua một cuộc đấu tranh khác đang diễn ra – điều sẽ gây nên những hậu quả lâu dài sâu sắc cho châu Âu và cho khả năng gây áp lực lên lục địa này của Putin.
Cuối tháng 12 vừa qua, công ty khí đốt khổng lồ của Nga Gazprom và một công ty đường ống Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một bản ghi nhớ nhằm xây dựng một đường ống dẫn khí từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen. “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” mới này là sự thay thế cho “Dòng chảy phương Nam” – đường ống từ Nga sang Bulgaria qua Biển Đen – một dự án mà Điện Kremlin đã hủy bỏ cũng trong tháng 12 nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của EU sau sự kiện Nga xâm lược Ukraine và sáp nhập Crimea.
Dự án “Dòng chảy phương Nam” đã không tuân thủ các chỉ thị của EU về cạnh tranh và năng lượng, và tuyên bố xây dựng “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” trị giá 12 tỉ USD lại càng củng cố tai tiếng của Nga như là một đối tác không đáng tin cậy, khiến châu Âu đẩy mạnh việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Thật vậy, bằng việc mạo hiểm thị trường béo bở nhất của mình, Putin đang cho thấy hành động coi thường “gần như tự sát” đối với nền kinh tế Nga – rõ ràng không vì lý do nào khác ngoài việc củng cố mối thù với Ukraine.
Điện Kremlin dự định loại bỏ Ukraine khỏi hệ thống trung chuyển khí đốt vốn dĩ đã có từ những năm 1980, thay vào đó, chuyển các nguồn cung qua một mạng lưới mới còn chưa được thử nghiệm, đến một thị trường thậm chí có thể không tồn tại. Tháng trước, Gazprom thông báo ý định chấm dứt vận chuyển khí đốt qua Ukraine khi các hợp đồng với công ty đường ống dẫn khí của nước này, Naftogaz, hết hạn vào năm 2019. Gas từ “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ được chuyển tới biên giới Hy Lạp theo nguyên tắc ai mua thì tự xây dựng đường ống tiếp nối. Gazprom đang chờ được cho phép để “sớm” thực hiện việc thiết kế và khảo sát, với dòng khí đầu tiên đến Thổ Nhĩ Kỳ là vào năm 2017.
Hành vi bất thường của Gazprom không phải là một vấn đề nhỏ đối với châu Âu. Khoảng 30% lượng khí đốt tự nhiên của họ là dựa vào Nga, 80% trong số đó được vận chuyển qua Ukraine. Và châu lục này đã từng bị bỏ mặc trong cái lạnh một lần trước đây. Tháng 1 năm 2009, Gazprom đã ra lệnh cắt giảm trung chuyển qua Ukraine, gây nên tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng tại sáu quốc gia Đông và Đông Nam Âu.
Cuối năm 2014, Nga đã cắt hoàn toàn việc vận chuyển khí qua Ukraine, một lần nữa cho thấy nước này sẵn sàng sử dụng những nguồn cung cấp khí đốt làm vũ khí cho chính sách đối ngoại. EU đã phải vội vã làm trung gian hòa giải, một giải pháp mà nhiều người cho là đi ngược lại lợi ích của Ukraine.
Nhưng, trái với những điều mà Putin tin tưởng, cả châu Âu lẫn Ukraine đều không phải là những kẻ thua cuộc lớn nhất trong nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu khí đốt của Nga. Hai phần ba nguồn thu ngoại tệ mạnh của Gazprom là từ châu Âu, và thời kỳ xuất khẩu giảm và khủng hoảng kinh tế trong nước không phải là lúc lý tưởng để làm trò với các khách hàng tốt nhất của mình.
Thật vậy, thị trường châu Âu đã trượt dốc. Doanh thu tại châu Âu của Gazprom giảm mạnh trong quý III năm ngoái và giảm 25% trong quý IV. Cầu giảm khi Nga đang rất cần ngoại tệ mạnh vì lệnh trừng phạt đã loại họ khỏi các thị trường tín dụng. Các công ty lớn của nước này đang phải đối mặt với nhu cầu huy động vốn rất lớn để trả nợ, dự trữ ngoại tệ đang sụp đổ, nền kinh tế đang hướng tới một cuộc suy thoái nghiêm trọng, và đồng rúp rớt giá xuống những mức thấp mới.
Khi chuyển hướng xuất khẩu khí đốt, Nga đòi hỏi châu Âu phải chi hàng tỉ euro vào cơ sở hạ tầng mới để thay thế một đường ống thực chất hoàn toàn tốt, tất cả chỉ để thỏa mãn mong muốn gây rắc rối ở Ukraine của Putin. Vào tháng một, CEO của Gazprom, Alexey Miller, đã gạt bỏ những mối quan ngại của châu Âu một cách thẳng thừng, tuyên bố rằng: “Chúng tôi đã thông báo cho các đối tác châu Âu của chúng tôi, và bây giờ việc xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết bắt đầu từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Hy Lạp là phụ thuộc vào họ ”
Phản ứng ban đầu của châu Âu là Putin hoặc đang lừa gạt, hoặc đã không còn lý trí. “Quyết định này không hợp lý về kinh tế,” là cách mà Maros Sefcovic, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu về năng lượng, mô tả. “Chúng ta là những khách hàng tốt. Chúng ta đang trả rất nhiều tiền. Chúng ta trả đúng hạn, và trả bằng ngoại tệ mạnh. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta nên được đối xử một cách tương xứng.”
Chính sách thất thường và không chú ý đến kinh tế của Putin đang phung phí đi những tàn tích cuối cùng của cái một thời từng là vị thế độc quyền của Gazprom trong thị trường khí đốt châu Âu. Rõ ràng, nếu châu Âu phải chi hàng tỷ euro cho các đường ống, thì tốt hơn nên làm như vậy như một phần nỗ lực nhằm đa dạng hóa nguồn khí đốt tự nhiên, chứ không phải là làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc vào Nga. Cuối cùng thì, ký ức luôn kéo dài, đặc biệt là khi nói đến mùa đông lạnh lẽo trong những ngôi nhà không được sưởi ấm và những nhà máy bị đóng cửa
Khi một trong những nhà hoạch định chính sách của Joseph Stalin được hỏi lý do tại sao ông đã sẵn sàng bảo vệ một loạt các đề xuất lố bịch, ông trả lời rất hay rằng, “Tôi thà bám lấy những kế hoạch không thực tế còn hơn là ngồi [trong tù] vì những kế hoạch thực tế.” Người ta có thể tưởng tượng rằng các quan chức của Gazprom cũng đang suy nghĩ như thế.
Nếu vậy, họ nên bắt đầu suy nghĩ khác đi. Nga không thể chịu thêm các khó khăn và chịu đựng về kinh tế nữa. Nhưng đó chính là những gì nước này sẽ phải đối mặt, trừ khi những cái đầu tỉnh táo thắng thế.
Paul R. Gregory là nghiên cứu viên tại Viện Hoover, giáo sư nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức ở Berlin, và là giáo sư tại Đại học Houston.