Cần thừa nhận vai trò Trung Quốc trong quản trị toàn cầu

?

Nguồn: Javier Solana, “China and Global Governance”, Project Syndicate, 30/3/2015

Biên dịch: Nguyễn Thị Thanh Xuân | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Rõ ràng biến động địa chiến lược nổi bật nhất trong hai thập niên vừa qua là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy vậy, phương Tây lại không thể chấp nhận việc Trung Quốc có một tầm ảnh hưởng tương xứng với sức mạnh của nước này trong hệ thống quản trị toàn cầu ngày nay, chưa nói đến các nền kinh tế lớn mới nổi khác. Nhưng điều này có khả năng sẽ phải thay đổi.

Hiện nay, Trung Quốc dựa vào các dàn xếp song phương để tăng cường can dự vào các quốc gia khắp châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Được hậu thuẫn bởi lượng dự trữ ngoại hối 3,8 nghìn tỉ USD, Trung Quốc đã cung cấp các khoản đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng để đổi lấy hàng hóa, qua đó biến mình trở thành nước cung cấp tài chính lớn nhất cho các nước đang phát triển, với việc Ngân hàng Phát triển Trung Quốc hiện đã cho vay nhiều hơn cả Ngân hàng Thế giới.

Tuy vậy, do được thực hiện bởi các tập đoàn nhà nước, những thỏa thuận nói trên vẫn thường không tuân thủ các quy chuẩn quốc tế chung. Phương Tây vì thế đã thúc giục Trung Quốc hướng tới các tiến trình đa phương vốn đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời mở rộng cung cấp hàng hóa công toàn cầu. Tổng thống Mỹ Barack Obama thậm chí đã gọi Trung Quốc là “kẻ ngồi không hưởng lợi” vì nước này không màng đến trách nhiệm được kỳ vọng đối với một cường quốc toàn cầu.

Thế nhưng, nếu những sáng kiến chính sách ngoại giao gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ám chỉ điều gì đó, thì có lẽ đó là thay đổi trong tương lai gần. Tháng Bảy năm 2014, Trung Quốc khởi xướng việc thành lập Ngân hàng Phát triển Mới của năm nước khối BRICS (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi) và đóng góp một khoản đáng kể vào số vốn 100 tỉ USD của ngân hàng này.

Tương tự, tại cuộc họp gần nhất của Diễn đàn hợp tác Á-Âu tại Bắc Kinh, Trung Quốc lại khởi xướng việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB). Nước này đã thiết lập một Quỹ Con đường Tơ lụa trị giá 40 tỉ USD, nhằm phục vụ tham vọng tái tạo lại con đường nối liền châu Á với châu Âu cả trên đất liền và trên biển.

Để theo đuổi chiến lược với tên gọi “Một vành đai, Một con đường”, Trung Quốc sẽ tiếp tục các khoản đầu tư có ảnh hưởng tới khoảng 60 nước, bao gồm cả khu vực Trung Á, nơi Trung Quốc đã rút hầu bao ra chi tới hơn 50 tỉ USD cho các dự án ở đây. Tuyến đường trên biển sẽ bao gồm cả Ấn Độ Dương, biển Đông (biển Nam Trung Hoa), và biển Địa Trung Hải. Khi hợp thành một thể, đây sẽ không đơn thuần là một con đường, mà là một mạng lưới xúc tiến trao đổi cả hàng hóa và sáng kiến giữa hai châu lục.

Trong sáng kiến này, châu Âu đã có vai trò quan trọng hơn khi Cảng Piraeus – Hy Lạp, nơi có sự tham gia vận hành của Công ty Vận tải biển Trung Quốc COSCO, được xác định là một điểm dừng trong tuyến đường tơ lụa trên biển. Những cơ sở hạ tầng được Trung Quốc đầu tư xây dựng tại Balkans và Hungary sẽ giúp nối liền Cảng Piraeus với các khu vực khác của châu Âu, củng cố thêm vai trò của Trung Quốc như một đối tác thương mại chính của EU.

Sáng kiến Con đường Tơ lụa Mới tái khẳng định tham vọng của Trung Quốc trong việc biến mình thành một cường quốc ở lục địa Á Âu. Con đường ấy sẽ không chỉ kết nối các nền kinh tế năng động tại Đông Á với Tây Âu, mà còn vươn tới các quốc gia Trung Á – nơi mà tầm ảnh hưởng của Nga đang trên đà sụt giảm. Sáng kiến này cũng có thể giúp xoa dịu các căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với một số nước láng giềng của mình.

Cho đến nay, những nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc dường như đang phát huy hiệu quả, không chỉ trong khối các nước đang phát triển. Gần đây Vương quốc Anh đã tuyên bố ý định tham gia với tư cách là một thành viên sáng lập AIIB, khuấy động một trào lưu xin gia nhập  từ nhiều nước như Úc, Braxin, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, nước Mỹ lại coi những bước đi ấy là trở ngại về mặt địa chính trị cho mình. Quan điểm này về cơ bản là một sai lầm. Xét đến cùng, chính việc các nước phát triển từ chối trao cho Trung Quốc vai trò tương xứng với sức mạnh kinh tế của nước này đã đẩy Trung Quốc tới quyết định bỏ qua các định chế tài chính quốc tế ra đời sau Thế chiến II.

Lấy ví dụ như trong trường hợp Ngân hàng Phát triển châu Á, Nhật Bản và Mỹ mỗi bên luôn nắm giữ 13% số phiếu biểu quyết, trong khi con số này của Trung Quốc chỉ là chưa đầy 6%, chưa kể đến việc chủ tịch Ngân hàng luôn là người Nhật Bản. Tương tự, người nắm quyền cao nhất ở Ngân hàng Thế giới luôn là người Mỹ, và Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế luôn là người châu Âu. Kể cả khi khối G-20 có một bước đi nhỏ đúng hướng là đồng ý tăng tỉ lệ phiếu bầu của Trung Quốc từ 3,65% lên 6,19% vào năm 2010, Quốc hội Mỹ lại từ chối phê chuẩn thỏa thuận này, chặn đứng việc tiến hành những cải cách đó.

Sự thật ở đây là sáng kiến mới của Trung Quốc không mang tính xét lại, mà là phản kháng. Nếu các cường quốc mới không được tiếp cận các kiến trúc quản trị toàn cầu đang tồn tại, họ sẽ tự tạo ra các hệ thống khác cho riêng mình. Điều này cũng có nghĩa là các nước phát triển có khả năng ngăn chặn việc trật tự thế giới bị vỡ vụn thành nhiều khối tư tưởng và kinh tế – nhưng chỉ khi họ có thể vượt qua sự mất lòng tin chiến lược đối với Trung Quốc.

Theo đó, sự tham gia của các nước châu Âu vào AIIB là một bước đi tích cực, vì nó giúp đảm bảo rằng ngân hàng mới này sẽ hỗ trợ chứ không cạnh tranh với các thể chế tài chính hiện hành. (Thực tế, ảnh hưởng của châu Âu sẽ còn lớn hơn nữa nếu bản thân liên minh này, chứ không phải các nước thành viên đơn lẻ, có được sự hiện diện ở AIIB, như đã có ở G-20 và Tổ chức Thương mại Thế giới.)

Phương Tây phải làm nhiều điều, không chỉ là chào mừng Trung Quốc tham gia vào hệ thống quản trị toàn cầu, mà còn phải thừa nhận và hợp tác với các định chế mà Trung Quốc đang kiến tạo nên. Chỉ có thể bằng thái độ cởi mở, phương Tây mới có thể đảm bảo rằng những thể chế do Trung Quốc dẫn dắt sẽ áp dụng các quy chuẩn về đa phương hóa và trách nhiệm giải trình, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về lao động và môi trường.

Hiện tại là thời điểm lý tưởng để bắt đầu những công việc đó. Vì nếu châu Âu, Mỹ, và Trung Quốc có thể dung hòa các ý định của mình sao cho phù hợp với các lợi ích chung trong năm nay thì họ sẽ ở tư thế sẵn sàng để tận dụng tối đa Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Trung Quốc vào năm 2016.

Việc Trung quốc tham gia vào các tiến trình đa phương là một tín hiệu tích cực đối với thế giới. Châu Âu – và đặc biệt là nước Mỹ – phải vượt qua được sự mất lòng tin chiến lược đối với Trung Quốc. Để tối đa hóa việc chia sẻ lợi ích, họ không được phép phung phí cơ hội tham gia vào và định hình các tiến trình này.

Javier Solana nguyên là Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu phụ trách chính sách Đối ngoại và An ninh, Tổng thư ký NATO, và nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha.