Sai lầm của trường phái trọng tiền

download

Nguồn: J. Bradford Delong, “The Monetarist Mistake”, Project Syndicate, 30/03/2015.

Biên dịch: Phạm Thị Huyền Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Ý tưởng là điều quan trọng. Đó là bài học được đúc rút từ cuốn Hall of Mirrors (Phòng gương) của nhà kinh tế học người Mỹ Barry Eichengreen ghi lại diễn tiến hai cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong vòng 100 năm qua: Đại Khủng hoảng (Great Depression, 1929-1933) thế kỷ 20 và Đại Suy thoái (Great Recession) hiện nay mà chúng ta vẫn đang phải vật lộn để phục hồi trong vô vọng.

Eichengreen là người bạn, người thầy và là người bảo trợ của tôi (tác giả của bài viết), và cuốn sách của ông đã để lại trong tâm trí tôi lời giải thích tốt nhất từ trước đến nay về lý do tại sao, trong gần bốn thế hệ qua, các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu và Hoa Kỳ lại đưa ra những biện pháp và cách thức can thiệp nửa vời để đối phó với sự sụp đổ kinh tế mạnh mẽ nhất như vậy.

Theo Eichengreen, hai cuộc Đại Khủng hoảng và Đại Suy thoái có liên quan đến nhau. Thái độ phản ứng thiếu quyết liệt của chúng ta trước những khó khăn hiện tại có thể được truy nguyên từ chiến thắng của trường phái trọng tiền Milton Friedman trước trường phái Keynes và Minsky trong việc mô tả diễn biến của cuộc Đại khủng hoảng.

Trong cuốn A Monetary History of the United States (Lịch sử Tiền tệ của Hoa Kỳ), được xuất bản vào năm 1963, Friedman và Anna Jacobson Schwartz đã đưa ra một lập luận nổi tiếng cho rằng chính thất bại của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ trong việc mở rộng lượng tiền cơ sở (monetary base) nhằm đảm bảo nền kinh tế quốc gia tăng trưởng ổn định là nguyên nhân duy nhất dẫn đến cuộc Đại Khủng hoảng. Họ tiếp tục lập luận, nếu như lượng tiền (money stock) không sụt giảm, thì cuộc Đại Khủng hoảng có lẽ sẽ không xảy ra.

Lời giải thích này cũng có lý trong chừng mực nhất định, nhưng nó cũng dựa trên một giả định quan trọng. Phương thuốc của Friedman và Schwartz có thể sẽ hiệu quả chỉ khi lãi suất và cái mà các nhà kinh tế học gọi là “tốc độ quay vòng của đồng tiền” (“velocity of money”) – tốc độ mà tại đó đồng tiền thay đổi chủ sở hữu – hầu như độc lập với nhau.

Tuy nhiên, có vẻ như sụt giảm lãi suất do các biện pháp can thiệp cần thiết để mở rộng lượng cung tiền quốc gia đã ghìm tốc độ quay vòng của đồng tiền, và chính điều này đã hủy hoại phương thuốc đề xuất. Trong trường hợp đó, để kết thúc cuộc Đại Khủng hoảng, chúng ta cũng cần phải triển khai các chính sách tài khóa mở rộng và chính sách hỗ trợ thị trường tín dụng như John Maynard Keynes và Hyman Minsky lần lượt đề xuất.

Cuộc tranh luận về việc nên sử dụng biện pháp can thiệp nào để tạm ngưng một sự kiện tương tự như cuộc Đại Khủng hoảng đáng lẽ ra chỉ đơn giản là vấn đề phân tích bằng chứng. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, có phải lãi suất hầu như không tác động đến tốc độ quay vòng của đồng tiền, như giả thuyết của Friedman? Liệu Keynes có đúng không khi ông phân tích khái niệm bẫy thanh khoản, một tình trạng mà ở đó chính sách nới lỏng tiền tệ càng tỏ ra thiếu hiệu quả? Liệu trong nền kinh tế tổng lượng tiền có phải là yếu tố dự báo đầy đủ về tổng chi tiêu, như Friedman khẳng định, hay chính hoạt động trơn tru của các kênh tín dụng mới là một yếu tố quan trọng hơn, như Minsky lập luận?

Những câu hỏi này có thể được đưa ra để bàn thảo. Nhưng có thể thấy khá rõ rằng ngay cả trong những năm 1970, chúng ta cũng không có đủ bằng chứng thực nghiệm ủng hộ các ý tưởng của Friedman để biện minh cho ưu thế ngày càng tăng của các ý tưởng này. Và trên thực tế, chúng ta cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng phương thuốc của Friedman là một phản ứng không thỏa đáng trước cuộc Đại Suy thoái – cho thấy nó cũng có thể thiếu hiệu quả như vậy nếu được thử nghiệm trong giai đoạn Đại Khủng hoảng.

Các bằng chứng ủng hộ không phải là nhân tố tạo ra ưu thế áp đảo cho các ý tưởng của Friedman trong giai đoạn đầu cuộc Đại Suy thoái. Ưu thế đó được tạo ra là dựa vào một thực tế rằng khoa học về kinh tế là thứ thường xuyên bị yếu tố chính trị làm cho hoen ố. Trong trường hợp này, sự hoen ố tồi tệ đến mức các nhà hoạch định chính sách không muốn áp dụng các chính sách theo trường phái Keynes và Minsky trên một quy mô đủ lớn để giải quyết các vấn đề mà cuộc Đại Suy thoái đặt ra. Thay vào đó, họ sử dụng các ý tưởng của Friedman.

Việc thừa nhận rằng phương thuốc của trường phái trọng tiền là không thỏa đáng có lẽ sẽ đòi hỏi các nhà kinh tế học dòng chính phải bơi ngược dòng xu thế tân tự do trong thời đại hiện nay. Điều này có thể sẽ bắt chúng ta thừa nhận rằng nguyên nhân của cuộc Đại Khủng hoảng (1929-1933) không đơn giản chỉ là thất bại của các công chức kỹ trị trong việc quản lý cung tiền. Và làm như vậy cũng tương đương với việc thừa nhận những giá trị của nền dân chủ xã hội và thừa nhận rằng sự thất bại của thị trường đôi khi có thể là một mối nguy hiểm còn lớn hơn cả việc các chính phủ hoạt động thiếu hiệu quả.

Kết quả là một loạt các chính sách không hề dựa trên bằng chứng, mà dựa trên những ý tưởng được nghiên cứu thiếu thỏa đáng. Và ngày nay chúng ta vẫn đang phải trả giá cho sự thất bại về trí tuệ đó.

Bradford Delong là giáo sư ngành kinh tế học tại Đại học California, Berkeley, và là nghiên cứu viên tại Văn phòng Quốc gia về Nghiên cứu Kinh tế. Ông cũng là Phó Trợ lý Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Clinton, giai đoạn ông đã tham gia rất nhiều vào các cuộc đàm phán về ngân sách và thương mại.