11/06/1989: Trung Quốc tiếp tục bắt giữ người biểu tình Thiên An Môn

Fang Lizhi-thumb-619x405-84092

Nguồn:China issues warrant for Tiananmen dissident,” History.com (truy cập ngày 10/6/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày 11 tháng 6 năm 1989, sau cuộc thảm sát diễn ra trên Quảng trường Thiên An Môn ngày mùng 4 tháng 6 trước đó, Trung Quốc ra lệnh bắt một nhà lãnh đạo bất đồng chính kiến Trung Quốc đang tị nạn ở Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Bế tắc ngoại giao giữa hai nước đã kéo dài suốt một năm sau đó, và việc Hoa Kỳ từ chối trao các nhân vật bất đồng chính kiến cho chính quyền Trung Quốc là một bằng chứng nữa cho thấy sự phản đối của Mỹ đối với các cuộc đàn áp người biểu tình chính trị của Trung Quốc.

Trong tháng 4 và tháng 5 năm 1989, hàng trăm ngàn người biểu tình đã tụ tập ở Bắc Kinh để kêu gọi cải cách dân chủ chính trị ở Trung Quốc. Ngày mùng 4 tháng 6, binh lính và cảnh sát Trung Quốc tràn vào trung tâm của các hoạt động biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, sát hại và bắt giữ hàng ngàn người. Trung Quốc đã sử dụng cuộc đàn áp này như một cái cớ để ra lệnh bắt Phương Lệ Chi (Fang Lizhi), một nhà thiên văn quốc tế đáng kính và là lãnh đạo bất đồng chính kiến tại Trung Quốc.

Mặc dù Phương Lệ Chi không trực tiếp tham gia các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, ông vẫn một mực ủng hộ cho một nền dân chủ chính trị lớn hơn ở Trung Quốc và thường xuyên chỉ trích các chính sách của chính phủ. Tháng 2 năm 1989, hơn một trăm nhân viên an ninh Trung Quốc đã dùng vũ lực để ngăn cản Phương Lệ Chi gặp Tổng thống Mỹ George H.W. Bush trong chuyến thăm của ông tới Trung Quốc.

Trong lệnh bắt, Phương Lệ Chi và vợ ông là Lý Thục Nhàn (Li Shuxian) bị cáo buộc “phạm tội xúi giục và tuyên truyền phản cách mạng.” Hai người lập tức xin tị nạn chính trị ở Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ trao trả hai người nhưng chính quyền Mỹ từ chối. Gần một năm sau đó, Phương Lệ Chi và Lý Thục Nhàn được phép rời khỏi Trung Quốc, đó là lần đầu tiên hai người rời khỏi Đại sứ quán Mỹ kể từ khi xin tị nạn vào tháng 6 năm 1989.

Động thái này là một phần trong nỗ lực lớn hơn của chính phủ Trung Quốc để khắc phục một số hậu quả quốc tế đối với danh tiếng của Trung Quốc sau cuộc đàn áp Thiên An Môn. Ngoài hai vợ chồng Phương Lệ Chi, hàng trăm người bất đồng chính kiến khác cũng được thả tự do. Phương Lệ Chi cùng vợ đã đến cư trú tại Mỹ, tiếp tục các hoạt động bất đồng chính kiến chống lại chính phủ Trung Quốc và tham gia giảng dạy ở cả Mỹ và Anh.

Sự kiện này cho thấy những cảm xúc (bất bình) sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn vẫn tiếp tục dâng cao ở cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đối với Mỹ, cuộc tấn công những người biểu tình một cách tàn bạo đã khiến hầu hết mọi người cảm thấy ghê tởm, dẫn đến việc Quốc hội Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc. Ở Trung Quốc, việc Mỹ từ chối trao trả Phương Lệ Chi và những lời chỉ trích của Mỹ về những gì mà chính phủ Trung Quốc coi là vấn đề nội bộ đã tạo nên một sự bất bình đáng kể. Vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc tiếp tục là một vấn đề lớn trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong suốt những năm 1990 và sang cả thế kỷ 21.

Ảnh: Nhà vật lý thiên văn và bất đồng chính kiến Trung Quốc Phương Lệ Chi. Nguồn: The Atlantic.