Nguồn: Aryeh Neier, ‘Turkey’s Historical Responsibility’, Project Syndicate, 27/4/2015
Biên dịch: Nguyễn Thị Nghĩa | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung
Bài liên quan: Thế nào mới được coi là diệt chủng?
Một trăm năm trước, vào ngày 24 tháng 4 năm 1915, các quan chức của đế chế Ottoman đã vây bắt rồi trục xuất 250 lãnh đạo và trí thức Armenia ở Constantinople. Đó là sự mở đầu của một cuộc thảm sát lịch sử khiến 1,5 triệu trên tổng số 2 triệu người Armenia sống ở đây bị sát hại.
Trong những tuần lễ ngay trước dịp kỉ niệm 100 năm cuộc thảm sát đó, những cuộc tranh luận xem liệu cuộc giết chóc đó có bị coi là hành động diệt chủng hay không lại bùng lên lần nữa, như đã được dự đoán. Giáo hoàng Francis và Nghị viện Châu Âu đã lên tiếng ủng hộ những người có ý kiến khẳng định (đó là sự diệt chủng) – dẫn đến sự phản đối của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và những người khác trong chính phủ của ông.
Cách Erdoğan phản ứng là không phù hợp. Lâu nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mô tả cuộc tàn sát người Armenia là những hành động bộc phát và là điều không may do sự hỗn loạn trong Thế Chiến I cùng với sự tan rã của Đế chế Ottoman. Quan điểm này nên được xem xét lại. Lập trường của Erdoğan đã làm gia tăng tâm lý bài Thổ Nhĩ Kỳ trên khắp châu Âu và cả những nơi khác khi khuyến khích cảm nhận rằng mặc dù các lãnh đạo và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại không phải chịu trách nhiệm về các tội ác này, nhưng họ cũng có lỗi vì đã phủ nhận chúng.
Dù việc dùng từ “diệt chủng” có phù hợp hay không thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng nên nhận ra rằng không chỉ có mình họ đã từng phạm phải những tội ác lớn như thế. Trong gần một thế kỷ sau khi lập quốc, chế độ nô lệ ở Mỹ vẫn tồn tại một cách hợp pháp; biết bao người châu Phi và con cháu của họ phải chịu cảnh nô lệ hay chết một cách dã man. Và trong thế kỷ tiếp theo, sự phân biệt chủng tộc vẫn là hợp pháp ở rất nhiều nơi trên đất nước này. Rất nhiều khía cạnh trong cuộc thảm sát những người bản địa (tức thổ dân da đỏ – NBT) trong thế kỷ 19 ở Mỹ về bản chất là tội diệt chủng.
Trong Chiến II, quân đội Nhật Bản có thể đã giết hại tới mười triệu thường dân Trung Quốc, Hàn Quốc, và các nước khác. Dĩ nhiên phải kể đến việc Đức thảm sát người Do Thái và Di gan trong Thế Chiến II, cùng hàng triệu người gốc Sla-vơ.
Hàng triệu người Nga và các dân tộc khác đã chết trong hệ thống nhà tù Xô-viết trong thời trị vì của Joseph Stalin. Hàng triệu người khác ở Ukraine chết đói do hậu quả của những chính sách cai trị của ông ta. Biết bao người thuộc nhóm dân tộc thiểu số – “những người bị trừng trị”- đã chết trong quá trình bị trục xuất khỏi miền Tây nước Nga.
Ở Trung Quốc, ước tính cuộc “Đại nhảy vọt” của Mao Trạch Đông đã giết hại 36 triệu người, nhiều người trong số này chết vì nạn đói. Chế độ cộng sản đã che đậy sự khổ sở mà họ phải chịu đựng, khiến những nỗ lực cứu trợ trở nên bất khả thi. Mao Trạch Đông sau đó còn tiến hành cuộc Cách mạng Văn hóa, phá hủy Trung Quốc và gây ra cái chết của hàng trăm nghìn người.
Khi Ấn Độ bị chia cắt sau khi giành được độc lập năm 1947, có khoảng một triệu người theo đạo Hồi và đạo Hindu bị giết hại vì lí do tôn giáo. Và trong năm 1971, quân đội Pakistan cùng lực lượng dân quân đồng minh đã tàn sát 3 triệu người Bangladesh để đàn áp cuộc vận động giành độc lập của người Bengal.
Các quốc gia này chọn nhiều cách khác nhau để đối mặt với tội ác trong quá khứ của mình. Nước Đức là một điển hình trái ngược với số còn lại. Những đài tưởng niệm nạn diệt chủng và các tội ác chiến tranh khác được đặt tại các vị trí nổi bật ở thủ đô Berlin, để đảm bảo rằng các công dân của thành phố và du khách sẽ luôn được nhắc nhở về sự tàn bạo của Đức quốc xã.
Những quốc gia khác làm được ít hơn vậy rất nhiều trong việc thừa nhận phần lịch sử đáng xấu hổ của quốc gia mình, và nhiều nước có thể làm được nhiều hơn những gì họ đã làm. Nhưng không nước nào phản ứng kịch liệt giống Thổ Nhĩ Kỳ khi người ta dùng từ “diệt chủng” để nói về những gì đã diễn ra cách đây một thế kỷ. Cách phản ứng giận dữ – cùng với những hành động trả đũa về mặt ngoại giao của chính phủ nước này đối với những người sử dụng từ ngữ đó – đã tạo ra một hiệu ứng ngược khi biến Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ trở thành kẻ chối bỏ một trong những tội ác lớn nhất của thế kỷ hai mươi.
Tốt hơn hết Thổ Nhĩ Kỳ nên đối mặt với những tội ác trong quá khứ, giống như cách nước Đức đã làm. Lịch sử khủng khiếp của nước Đức thì ai cũng biết, nhưng ngày nay vẫn có rất ít quốc gia được ngưỡng mộ như họ. Đức cũng có quan hệ rất tốt với những quốc gia từng chịu thống khổ bởi Đức quốc xã. Nạn tàn sát người Do Thái được cả thế giới nhìn nhận là đã thuộc về một thời kỳ khác, và hoàn toàn không đại diện cho những người lãnh đạo và nhân dân của Đức trong thời đại này.
Cách tốt nhất để một quốc gia phục hồi danh tiếng của mình là chấp nhận sự thật về quá khứ tàn bạo cùng những trách nhiệm liên quan, về cả mặt biểu tượng và vật chất, rằng quốc gia đó còn mang nợ những nạn nhân và cả người sống sót. Chỉ khi ấy, đất nước đó mới vạch ra được một ranh giới rõ ràng giữa quá khứ và hiện tại.
Aryeh Neier là Chủ tịch Danh dự của Tổ chức Xã hội Mở (Open Society Foundation) và là người đồng sáng lập Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch. Ông cũng là tác giả của cuốn “The International Human Rights Movement: A History” (Lịch sử Phong trào Nhân quyền Quốc tế).