Nguồn: “U.N. approves armed force to repel North Korea,” History.com (truy cập ngày 26/6/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1950, chỉ hai ngày sau khi các lực lượng Bắc Triều Tiên cộng sản tràn xuống miền Nam Triều Tiên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết được đưa ra bởi Hoa Kỳ nhằm kêu gọi sử dụng vũ lực quân sự để đẩy lùi những kẻ Bắc Triều Tiên xâm lược. Động thái này cho Hoa Kỳ cái cớ để can thiệp vào cuộc xung đột và đây cũng là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an chấp thuận việc sử dụng vũ lực quân sự để giải quyết xung đột quốc tế.
Ngày 25 tháng 6 năm 1950, Bắc Triều Tiên bắt đầu tấn công Nam Triều Tiên. Mặc dù một số nhân viên quân sự của Mỹ cũng đang có mặt ở Nam Triều Tiên, các lực lượng Bắc Triều Tiên vẫn nhanh chóng tiến quân. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ban hành một nghị quyết kêu gọi ngừng bắn và chấm dứt cuộc xâm lược của Bắc Triều Tiên gần như ngay lập tức. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên đã bác bỏ nghị quyết này vì cho nó là “bất hợp pháp.”
Ngày 27 tháng 6, Warren Austin, đại diện của Mỹ tại Hội đồng Bảo an, đã đề xuất một nghị quyết khác. Nó lưu ý rằng Bắc Triều Tiên đã phớt lờ nghị quyết kêu gọi ngừng bắn trước đó và Nam Triều Tiên đang cầu xin sự giúp đỡ. Do đó, nghị quyết này đề nghị “các thành viên Liên Hợp Quốc cung cấp sự trợ giúp cần thiết đó cho Nam Triều Tiên để nó có thể đẩy lui cuộc tấn công vũ trang [của Bắc Triều Tiên] và lập lại hòa bình và an ninh quốc tế trong khu vực.”
Nghị quyết này được thông qua với 7 phiếu thuận và 1 phiếu chống. Nam Tư là nước bỏ phiếu chống duy nhất; Ấn Độ và Ai Cập bỏ phiếu trắng. Là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Liên Xô có thể dễ dàng phủ quyết nghị quyết này, nhưng do các đại diện của Liên Xô đang vắng mặt để phản đối Hội đồng Bảo an cho tới khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được kết nạp vào Liên Hợp Quốc nên nó vẫn được thông qua.
Sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an đồng nghĩa với việc bất cứ quốc gia thành viên nào của Liên Hợp Quốc cũng có thể hỗ trợ cho Nam Triều Tiên, tuy nó không xác định những nỗ lực của các quốc gia đó nên được phối hợp như thế nào. Đối với Hoa Kỳ, nghị quyết này là tất cả những gì cần thiết để cung cấp một nền tảng cho sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Chiến tranh Triều Tiên. Chỉ ba ngày sau khi nghị quyết được thông qua, Tổng thống Harry S Truman đã điều động các lực lượng trên trên bộ, trên biển, và trên không đến để đẩy lui cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên. Hành động đó đã kéo theo ba năm Mỹ can thiệp vào Chiến tranh Triều Tiên cùng hơn 50.000 lính Mỹ thiệt mạng trong các cuộc xung đột.
Tháng 7 năm 1953, một hiệp ước đình chiến được ký kết, Triều Tiên tiếp tục trở thành một đất nước bị chia cắt.