Điều gì diễn ra sau thỏa thuận hạt nhân với Iran?

maxresdefault (2)

Nguồn: Volker Perthes, “After the Iran Deal,” Project Syndicate, 14/07/2015.

Biên dịch: Trần Thị Thu Hiền | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Sau 12 năm đàm phán dai dẳng, Iran và nhóm nước “P5 +1” (Trung Quốc, Pháp, Nga, Hoa Kỳ, và Anh, cộng với Đức) đã đạt được một thỏa thuận toàn diện nhằm giới hạn chương trình phát triển năng lực hạt nhân của Iran trong mục đích phi quân sự. Để đổi lại sự hợp tác của mình, Iran cuối cùng được dỡ bỏ khỏi các lệnh trừng phạt mà Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, và Mỹ đã áp đặt nhiều năm nay. Đây là một thành công ngoại giao rất lớn.

Tất nhiên, các cuộc đàm phán đã vấp phải nhiều chỉ trích từ Quốc hội Mỹ và Quốc hội Iran, cũng như Ả Rập Xê-út, Israel, và thậm chí cả Pháp. Nhưng những lợi ích tiềm năng mà thỏa thuận mang lại là không thể phủ nhận.

Trước hết, thỏa thuận này chứng tỏ rằng các nhà lãnh đạo thế giới – mặc dù bị chia rẽ trong nhiều vấn đề như xung đột ở Ukraine và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông – vẫn có thể cùng nhau giải quyết một vấn đề chung. Thỏa thuận cũng giúp làm giảm nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung Đông và củng cố công cuộc chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Thỏa thuận cũng sẽ mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Iran và phương Tây.

Dĩ nhiên là các nước láng giềng của Iran có những mối lo ngại chính đáng về ảnh hưởng của thỏa thuận này đối với cán cân quyền lực trong khu vực. Khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ thì Iran sẽ trở nên mạnh hơn, thách thức ảnh hưởng của các nước vùng Vịnh. Tiên liệu được điều này, các quốc gia này đã tìm kiếm sự đảm bảo từ phía Mỹ, đồng thời theo đuổi một chính sách cứng rắn hơn ở Yemen và Syria, những nơi mà các nước đang tìm cách kiểm soát tham vọng bá quyền của Iran.[1]

Tuy nhiên, cuối cùng thì ảnh hưởng của thỏa thuận hạt nhân sẽ phụ thuộc vào các động thái chính trị của Iran.  Trên thực tế, rất nhiều – có lẽ là đa phần – người Iran ủng hộ một giải pháp cho cuộc đối đầu hạt nhân, và đồng ý rằng Iran không cần phải luôn bất đồng với phần còn lại của thế giới. Nhưng một số người vẫn xem tranh chấp như một nhân tố chủ chốt trong bản sắc mang tính cách mạng của đất nước.

Những động thái theo sau thỏa thuận này có thể diễn ra theo hai hướng. Ở kịch bản thứ nhất, mọi việc có thể diễn ra theo như hy vọng của nhóm P5+1 và các nhà đàm phán Iran, với việc thỏa thuận làm gia tăng tiếng nói của những người Iran ủng hộ việc hòa giải với cộng đồng quốc tế và khu vực.

Trong trường hợp này, Iran sẽ chủ động tìm đến Ả Rập Xê-út với một tín hiệu thuyết phục là nó không hề có ý định củng cố ảnh hưởng của mình bằng cái giá là làm suy yếu ảnh hưởng của Ả Rập Xê-út và các đồng minh của nước này. Điều này sẽ cho phép Ả Rập Xê-út kết hợp cùng với Iran trong việc sử dụng ảnh hưởng của mình ở Syria để mang lại một thỏa thuận ngừng bắn giữa lực lượng chính quyền và quân nổi dậy, mở đường cho việc thành lập một chính quyền chuyển tiếp đáng tin cậy có khả năng đẩy lùi Nhà nước Hồi giáo (ISIS). Tương tự, Ả Rập Xê-út và Iran cũng có thể chấm dứt cuộc chiến ở Yemen bằng một thỏa thuận cùng chia sẻ quyền lực ở đó.

Trong khi đó, việc thoát khỏi các lệnh trừng phạt cùng với sự hồi phục dần trong quan hệ với quốc tế sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế ốm yếu của Iran. Việc tăng cường mở cửa với châu Âu, và thận trọng hơn, với nước Mỹ, sẽ khuyến khích các thành viên có đầu óc cải cách ở tầng lớp trung lưu của Iran ở lại và xây dựng tương lai trong nước, thay vì di cư ra nước ngoài.

Cuối cùng, theo kịch bản này, vị thế quốc tế mạnh mẽ của Tổng thống Hassan Rouhani sẽ giúp ông vượt qua những kháng cự của phe bảo thủ để theo đuổi những cải cách vô cùng cần thiết trong nước. Trên cơ sở đó, liên minh các nhà cải cách và thực dụng của Rouhani sẽ dễ dàng giành đa số trong quốc hội khi quốc hội khóa tới của Iran sẽ được bầu vào năm 2016, và bản thân Rouhani cũng có thể tái đắc cử vào năm 2017.

Kịch bản thứ hai tồi tệ hơn rất nhiều. Ở kịch bản này, việc những ủng hộ trong nước dành cho bản thỏa thuận hạt nhân là rộng nhưng mỏng nhanh chóng trở nên rõ ràng. Trong khi những nhà cải cách của Rouhani muốn cải thiện các mối quan hệ quốc tế của Iran thì lực lượng bảo thủ và những người theo chủ nghĩa dân tộc xung quanh lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei lại xem nó như một công cụ cần thiết để loạt bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và củng cố khả năng quân sự truyền thống của Iran.

Các giáo sĩ cực đoan sau đó sẽ làm suy yếu bất cứ sự tin tưởng nào mà Rouhani đang cố gắng xây dựng với các nước láng giềng của Iran bằng cách liên tục tuyên bố rằng bản thỏa thuận là một sự công nhận ngầm của các nước lớn trên thế giới về sức mạnh của Iran. Quan điểm này sẽ thuyết phục những người còn nghi ngờ, thúc đẩy Ả Rập Xê-út tiếp tục những nỗ lực xây dựng một “liên minh người Hồi giáo Sunni” nhằm kiểm soát ảnh hưởng của Iran và duy trì cuộc chiến chống lại những phiến quân ở Syria và Yemen mà họ cho là được Iran chống lưng.

Hơn nữa, với việc căng thẳng khu vực leo thang, ảnh hưởng kinh tế của việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận sẽ thành ra không đáng kể, trong khi những người bảo thủ lại có thêm lý do để phản đối cải cách. Rouhani và các đồng minh của ông sẽ không thể đáp ứng được kỳ vọng về kinh tế của người dân Iran – một thất bại sẽ khiến họ thua cuộc trong cả cuộc bầu cử quốc hội lẫn bầu cử tổng thống.

Nghịch lý là ở kịch bản bi quan thứ hai, chính quyền mới của Iran, được kiểm soát bởi những người bảo thủ và cực đoan, thực ra lại phù hợp với khu vực hơn chính quyền hiện tại. Bởi suy cho cùng, Ả Rập Xê-út, Ai Cập, và nhiều quốc gia Ả Rập khác cũng được lãnh đạo bởi những nhà chuyên quyền cực đoan vốn ít quan tâm đến việc giải quyết xung đột khu vực. Điều này làm cho việc nổi lên của thế hệ lãnh đạo theo định hướng cải cách ở Iran trở nên vô cùng khó khăn.

Tất nhiên, kịch bản khả dĩ nhất sẽ là sự kết hợp của cả hai hướng trên. Tuy nhiên, bởi việc đảm bảo các diễn tiến gắn chặt với con đường cải cách là lợi ích của tất cả các bên, chúng ta nên hiểu rõ rằng công cuộc ngoại giao đối với Iran sẽ còn rất lâu nữa mới có thể hoàn thành.

Volker Perthes là Chủ tịch và Giám đốc Siftung Wissenschaft und Politik, Viện Nghiên cứu Chính trị và An ninh Quốc tế, Berlin.

Copyright: Project Syndicate 2015 – After the Iran Deal

———————

[1] Iran được cho là hậu thuẫn chính quyền Assad ở Syria và nhóm nổi dậy Houthi của người Hồi giáo dòng Shiite tại Yemen (NBT).