Nguồn: “The Tripartite Pact is signed by Germany, Italy, and Japan,” History.com (truy cập ngày 26/9/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1940, phe Trục chính thức được thành lập khi Đức, Ý, và Nhật Bản trở thành đồng minh với việc ký Hiệp ước Ba bên ở Berlin (do đó nó còn được gọi là Hiệp ước Berlin). Hiệp ước này quy định sự hỗ trợ lẫn nhau nếu một bên tham gia bị tấn công bởi bất cứ quốc gia nào chưa tham gia vào Thế chiến II. Việc chính thức hóa sự thành lập liên minh phe Trục nhắm trực tiếp đến nước Mỹ “trung lập” – được thiết kế nhằm buộc Mỹ phải cân nhắc cẩn thận trước khi mạo hiểm tham gia vào phe Đồng Minh.
Đồng thời, Hiệp ước Ba bên cũng công nhận hai vùng ảnh hưởng. Theo đó, Nhật Bản thừa nhận “sự lãnh đạo của Đức và Ý trong việc thiết lập một trật tự mới ở châu Âu,” trong khi Nhật Bản được (Đức và Ý) công nhận quyền cai trị trong khu vực “Đại Đông Á” (bao gồm Nhật Bản, Mãn Châu quốc, Trung Quốc, và Đông Nam Á, trừ Thái Lan).
Trong thời gian sau đó Hiệp ước Ba bên cũng được ký bởi một số quốc gia khác, trong đó có Hungary, được Đức dụ dỗ về phe Trục vào tháng 11 năm 1940; Vương quốc Romania và Slovakia, cũng trong tháng 11 năm 1940; Bulgaria và Nam Tư, trong tháng 3 năm 1941; và Croatia, tháng 6 năm 1941. Phe Trục giải thể vào ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945 khi Nhật Bản chính thức đầu hàng.
Ảnh: Lễ ký Hiệp ước Ba bên tại Berlin, tháng 9 năm 1940. Đứng ngoài cùng bên trái là Đại sứ Nhật Bản tại Đức Saburō Kurusu, ở giữa là Ngoại trưởng Ý Galeazzo Ciano (con rể của Benito Mussolini), và ngồi ngoài cùng bên phải là Quốc trưởng Đức Adolf Hitler. © Bettmann/CORBIS.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]