Duy trì trật tự châu Á

asia

Nguồn: Brahma Chellaney, “Upholding the Asian Order”, Project Syndicate, 22/01/2016.

Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tham vọng định hình lại trật tự châu Á của Trung Quốc không có gì bí mật. Từ kế hoạch “một vành đai, một con đường” cho đến Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có trụ sở tại Bắc Kinh, các sáng kiến chủ đạo của Trung Quốc đang triển khai một cách chậm rãi nhưng chắc chắn mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là định hình một châu Á lấy nước này làm trung tâm (a Sino-centric Asia). Như những nước láng giềng của Trung Quốc đều đã biết rõ, việc nước này tìm kiếm địa vị thống trị khu vực có thể gây tổn thất – và thậm chí nguy hiểm – đối với họ. Thế nhưng các cường quốc khác trong khu vực hầu như không hành động gì để phát triển một chiến lược có phối hợp nhằm ngăn cản kế hoạch bá quyền của Trung Quốc.

Có một điều chắc chắn là các cường quốc khác đã sắp đặt nhiều chính sách quan trọng. Đặc biệt, Hoa Kỳ khởi xướng chính sách đã nhận được nhiều ca ngợi là “xoay trục” chiến lược sang châu Á vào năm 2012, trong khi Ấn Độ cũng đã tiết lộ chính sách “hành động hướng đông” (Act East) của họ. Tương tự, Australia đã chuyển hướng tập trung của họ sang phía Ấn Độ Dương, và Nhật Bản đã thông qua một hướng tiếp cận hướng Tây trong chính sách ngoại giao của mình.

Tuy nhiên, hành động có phối hợp – hay thậm chí là sự nhất trí về các mục tiêu chính sách chung nói chung – vẫn tiếp tục khó đạt được. Trên thực tế, một nhân tố quan trọng trong chính sách “xoay trục” sang châu Á của Mỹ, thỏa thuận thương mại TPP, không chỉ loại trừ Trung Quốc, mà nó đồng thời bỏ rơi nhiều đồng minh thân cận của Mỹ như Ấn Độ và Hàn Quốc.

Đó không phải là vấn đề duy nhất với TPP. Một khi quá trình phê chuẩn hiệp định kéo dài ở các cơ quan lập pháp trong nước hoàn tất và việc thực thi được bắt đầu, ảnh hưởng của nó sẽ xảy ra tương đối chậm rãi và khiêm tốn. Xét cho cùng, đã có sáu thành viên có các hiệp định thương mại tự do song phương với Hoa Kỳ, điều này có nghĩa rằng tác động chính của TPP là sẽ tạo nên một khu vực mậu dịch tự do (FTA) giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, những nước cùng nhau nắm giữ khoảng 80% tổng GDP của các quốc gia thành viên TPP. Việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do ASEAN khởi xướng – bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand nhưng không có Hoa Kỳ – có khả năng làm suy yếu các tác động xa hơn nữa của TPP.

Hãy so sánh điều đó với sáng kiến “một vành đai, một con đường” – sáng kiến nhằm mục đích tăng cường ảnh hưởng tài chính của Trung Quốc lên các nước khác thông qua thương mại và đầu tư, trong khi tìm cách xét lại hiện trạng hàng hải, bằng cách thiết lập sự hiện diện của Trung Quốc trên các khu vực như Ấn Độ Dương. Nếu chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được phân nửa những gì ông đã đặt ra cho sáng kiến này, địa chính trị châu Á sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc.

Trong hoàn cảnh này, tương lai châu Á hết sức bất định. Để đảm bảo sự ổn định địa chính trị, lợi ích của các bên quan trọng trong khu vực phải được cân bằng. Nhưng với một Trung Quốc đang hăm hở phô bày tiềm lực chính trị, tài chính, quân sự mà họ đã xây dựng trong một vài thập niên vừa qua, thương lượng được một sự cân bằng như vậy là không hề dễ dàng.

Còn như hiện tại, không một thế lực đơn lẻ nào – kể cả Hoa Kỳ – có thể tự mình đối trọng được sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Để bảo đảm được sự cân bằng lực lượng ổn định, những quốc gia cùng chung tư tưởng phải đoàn kết với nhau trong việc tạo ra một trật tự khu vực dựa trên quy tắc, theo đó, cần thuyết phục Trung Quốc tuân thủ các chuẩn tắc quốc tế, bao gồm giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình thay vì đe dọa quân sự hoặc vũ lực thẳng thừng. Nếu không có sự hợp tác như vậy, tham vọng của Trung Quốc sẽ chỉ bị kìm hãm bởi các nhân tố trong nước như suy thoái kinh tế, sự bất mãn xã hội tăng cao, khủng hoảng môi trường ngày càng tồi tệ, hoặc nền chính trị rối loạn.

Quốc gia nào nên tiên phong trong việc kìm hãm tham vọng mang tính xét lại (trật tự khu vực) của Trung Quốc? Với một Hoa Kỳ bị sao nhãng bởi những thách thức chiến lược khác – đó là chưa kể đến chiến dịch tranh cử tổng thống trong nước – các thế lực châu Á khác – cụ thể là một Ấn Độ đang nổi lên về kinh tế và một Nhật Bản quyết đoán hơn về chính trị – là những ứng cử viên hàng đầu cho nhiệm vụ này.

Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều là các bên liên quan từ lâu trong trật tự toàn cầu do Mỹ dẫn đầu, nhấn mạnh trong các mối quan hệ quốc tế của mình những giá trị được Mỹ tán thành, chẳng hạn như nhu cầu duy trì một sự cân bằng lực lượng ổn định, tôn trọng hiện trạng lãnh thổ và hàng hải, và bảo vệ tự do hàng hải. Hơn nữa, họ đã biểu hiện một mong muốn chung là duy trì trật tự châu Á hiện hành.

Vào năm 2014, khi viếng thăm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Tokyo, người đồng cấp Ấn Độ, Narendra Modi, đã úp mở chỉ trích chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, lên án “tư duy bành trướng kiểu thế kỷ 18”, thứ đã trở nên hiển hiện “khắp nơi xung quanh chúng ta”. Viện dẫn ra hành động lấn chiếm đất đai nước khác, xâm phạm vùng biển của họ, và thậm chí là cưỡng đoạt lãnh thổ, ông Modi để lại rất ít hoài nghi về đối tượng mà những than phiền của ông hướng đến.

Tháng trước, Abe và Modi tiến một bước nhỏ trong phương diện hợp tác. Bằng cách cùng nhau kêu gọi mọi quốc gia tránh “các hành động đơn phương” tại Biển Đông, họ đã ngầm chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở đó, hành vi mà họ đã chính xác khi coi là một nỗ lực rõ ràng nhằm giành được đòn bẩy trong các tranh chấp lãnh thổ – và giành quyền kiểm soát các tuyến đường hàng hải đặc biệt quan trọng đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Rõ ràng, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều rất quan tâm đến tham vọng của Trung Quốc, những tham vọng nếu được thực hiện sẽ tạo nên một trật tự khu vực có hại cho lợi ích của họ. Nhưng, trong khi họ đang cam kết duy trì hiện trạng, họ lại thất bại trong việc phối hợp chính sách và đầu tư tại Myanmar và Sri Lanka, cả hai nước đều có vị trí chiến lược dễ bị tổn thương trước sức ép của Trung Quốc. Điều này phải được thay đổi.

Các cường quốc chủ chốt của châu Á – trước hết là Nhật Bản và Ấn Độ, nhưng cũng bao gồm cả Hoa Kỳ – phải cùng nhau bảo đảm một sự cân bằng quyền lực khu vực ổn định và có lợi cho mọi quốc gia. Vì mục đích đó, các cuộc tập trận hải quân, chẳng hạn như cuộc diễn tập thường niên Malabar giữa Hoa Kỳ – Ấn Độ – Nhật Bản, là vô cùng hữu ích bởi chúng tăng cường hợp tác quân sự và củng cố sự ổn định hàng hải.

Tuy nhiên, không một chiến lược nào có thể đầy đủ nếu thiếu đi một cấu phần kinh tế đủ lớn. Các cường quốc ở châu Á nên vượt ra khỏi các hiệp định mậu dịch tự do để khởi xướng những dự án địa kinh tế chung – thứ sẽ đáp ứng được lợi ích cốt lõi của những quốc gia nhỏ hơn, qua đó giúp các nước này không cần phụ thuộc vào các khoản đầu tư và sáng kiến của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Kết quả là sẽ có nhiều quốc gia hơn có thể đóng góp cho nỗ lực bảo đảm một trật tự dựa theo quy tắc, ổn định và bao trùm, mà trong đó tất cả các nước, gồm cả Trung Quốc, có thể phát triển thịnh vượng.

Brahma Chellaney, giáo sư ngành Nghiên cứu Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi, học giả tại Viện Robert Bosch ở Berlin, là tác giả của chín cuốn sách, bao gồm: Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground và Water, Peace and War: Confronting the Global Water Crisis.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Upholding the Asian Order
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]