Mặt trái của trò chơi ‘trưng cầu dân ý’

referendum-1

Nguồn: Ian Buruma, “The Referendum Charade”, Project Syndicate, 08/03/2016.

Biên dịch: Trần Xuân Thủy | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Các cuộc trưng cầu dân ý đang là mốt thịnh hành ở châu Âu. Tháng 6 tới, cử tri nước Anh sẽ quyết định liệu Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UK) có ở lại Liên minh châu Âu (EU) hay không. Chính phủ Hungary cũng đã kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về việc chấp nhận hạn ngạch người nhập cư do EU đặt ra cho nước này. Thủ tướng Hungary, Viktor Orbán, đã nói rằng Hungary sẽ từ chối để họ (những người nhập cư) vào nước này. Ông nói “Tất cả những kẻ khủng bố cơ bản đều là dân nhập cư”. Và cuộc trưng cầu dân ý có vẻ sẽ đi theo hướng mà ông mong muốn.

Có lẽ cuộc trưng cầu dân ý kỳ quặc nhất sẽ diễn ra vào tháng 4 ở Hà Lan, tiếp sau một chiến dịch kiến nghị thành công. Câu hỏi được đặt ra cho các công dân Hà Lan là liệu nước này có nên ủng hộ một hiệp định liên kết giữa EU và Ukraine hay không. Tất cả các nước thành viên khác của EU đã đồng ý, nhưng nếu không có Hà Lan, hiệp định này sẽ không được phê chuẩn.

Người ta có thể nghĩ rằng những chi tiết của các thỏa thuận thương mại và hàng rào thuế quan với Ukraine sẽ làm các cử tri Hà Lan bối rối, và người ta cũng sẽ băn khoăn tại sao người Hà Lan lại quan tâm chuyện này đến mức tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Nhưng trưng cầu dân ý phù hợp với đường lối dân tuý đang lan rộng ở nhiều nước, từ nước Mỹ của Donald Trump đến Hungary của Orbán.

Các cuộc trưng cầu dân ý là một ví dụ về cái được gọi là “dân chủ trực tiếp”. Tiếng nói của người dân (hoặc đúng hơn, Nhân Dân) không được phản ánh qua những đại diện mà họ đã bầu trong chính phủ, mà được lắng nghe trực tiếp qua bỏ phiếu toàn dân. Vào năm 1945, khi Winston Churchill đề nghị rằng người Anh sẽ bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý về việc có tiếp tục duy trì chính phủ liên minh thời chiến hay không, lãnh đạo Công đảng Clement Attlee đã phản đối nó. Ông ta cho rằng trưng cầu dân ý không phải phong cách của người Anh và là “phương tiện của những kẻ độc tài và mị dân”.

Attlee đã đúng. Mặc dù các cuộc trưng cầu dân ý đôi khi được sử dụng trong các nền dân chủ đại diện, như khi các cử tri Anh bỏ phiếu để ở lại Cộng đồng Kinh tế châu Âu năm 1975, các nhà độc tài lại yêu thích các cuộc trưng cầu dân ý hơn nhiều. Sau khi xâm lược nước Áo năm 1938, Hitler đã hỏi người Áo trong một cuộc bỏ phiếu toàn dân xem họ có muốn bị sáp nhập vào nước Đức không. Đó là một lựa chọn mà họ không thể thực sự từ chối. Các bạo chúa thích được ủng hộ bằng các cuộc trưng cầu dân ý, bởi vì họ không chỉ giả bộ đại diện cho người Dân, họ chính người Dân.

Sự ưa chuộng trưng cầu dân ý ngày nay phản ánh sự mất tín nhiệm vào các đại diện chính trị. Thông thường, trong một nền dân chủ tự do, chúng ta bầu cho những nam nữ đại biểu với hi vọng họ sẽ nghiên cứu và quyết định về các vấn đề mà hầu hết những công dân bình thường không có thời gian hoặc kiến thức để tự mình giải quyết.

Các hiệp định thương mại là một trường hợp điển hình mà người ta không yêu cầu các cử tri trực tiếp quan tâm. Một cuộc trưng cầu dân ý thường không phải là tiếng nói chính xác về năng lực lý trí của người dân hoặc một bài kiểm tra về chuyên môn của họ. Các cuộc trưng cầu dân ý chủ yếu là về cảm xúc trực quan, thứ có thể dễ dàng bị tác động bởi những kẻ mị dân. Đó là lý do vì sao những kẻ mị dân thích chúng.

Cho đến giờ, cuộc tranh luận về việc đi hay ở của nước Anh thuần tuý là vấn đề cảm xúc, tập trung vào sự vĩ đại trong quá khứ của nước Anh, nỗi ghê tởm đối với sự chuyên chế ở bên ngoài, hoặc ngược lại, nỗi sợ hãi về những điều có thể xảy ra nếu nguyên trạng bị xáo trộn. Có rất ít cử tri Anh có chút hiểu biết về cách thức làm việc của Uỷ ban châu Âu, hoặc là vai trò của Hội đồng châu Âu, nhưng hầu hết mọi người đều có chút cảm xúc về việc nước Anh một mình chống lại Hitler, hay về viễn cảnh bị “áp đảo” bởi những người nhập cư.

Thông thường, trong một cuộc trưng cầu dân ý, người dân quyết định lập trường của mình căn cứ vào những lý do chẳng liên quan gì đến câu hỏi đặt ra cho họ. Một vài người Anh sẽ chọn rời khỏi châu Âu chỉ bởi vì họ không thích Thủ tướng David Cameron, người chủ trương ở lại. Năm 2005, các cử tri ở Hà Lan và Pháp đã bỏ phiếu chống lại Hiến pháp EU. Có rất ít người trong số đó đã từng đọc bản Hiến pháp, thực tế đó là một văn bản rất khó đọc. Những người bỏ phiếu chống xuất phát từ sự bất mãn chung đối với giới tinh hoa chính trị gắn bó với “Brussels”.

Trong một chừng mực nào đó, điều này có thể hiểu được, và không phải không có lý lẽ của nó. Đối với hầu hết người dân, các cuộc đàm phán về EU rất phức tạp và rối rắm, và thể chế EU thì xa vời. Không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều công dân cảm thấy họ đã mất kiểm soát đối với các quan hệ chính trị. Các chính phủ dân chủ dân tộc trông ngày càng có vẻ bất lực và Liên minh châu Âu thì không phải là một nền dân chủ. Khát khao trưng cầu dân ý không chỉ là dấu hiệu của sự chia rẽ dân tộc nội tại, nó còn là triệu chứng khác về nhu cầu dân tuý toàn cầu nhằm “khôi phục đất nước của chúng ta”.

Điều này gần như là một ảo tưởng (ra khỏi EU, nước Anh thực tế còn khó kiểm soát vận mệnh của mình hơn là trong trường hợp họ ở lại), nhưng cuộc khủng hoảng niềm tin cần được giải quyết một cách nghiêm túc. Xét đến cùng, ngay cả khi các cuộc trưng cầu dân ý chỉ là chuyện phù phiếm, hệ quả của chúng lại không phải như vậy. Những gì xảy ra ở Ukraina là quan trọng. Việc nước Anh rời bỏ EU sẽ là một kết cục thảm hoạ không chỉ cho nước Anh mà còn cho cả châu Âu. Thành công của Hungary trong việc từ chối hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn sẽ có thể kích động các nước khác hành động theo chiều hướng đó.

Vấn đề cơ bản là một số lượng lớn người dân cảm thấy họ không được đại diện. Các đảng chính trị cũ, quản lý bởi giới tinh hoa cũ vận hành các mạng lưới ảnh hưởng truyền thống, đã không còn đem lại cho công dân cảm giác được tham gia vào một nền dân chủ. Ảnh hưởng quá mức của một nhóm các tỉ phú ở Mỹ, và sự thiếu minh bạch trong nền chính trị EU, càng làm trầm trọng thêm vấn đề này.

Dân chủ trực tiếp sẽ không tái lập lòng tin của người dân đối với các đại diện chính trị của họ. Nhưng nếu một mức độ tin tưởng lớn hơn không được phục hồi, quyền lực sẽ rơi vào tay những nhà lãnh đạo tuyên bố rằng họ sẽ nói lên tiếng nói của người Dân. Và điều đó chưa từng mang lại kết quả tốt đẹp nào cả.

Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền và Báo chí tại Bard College. Ông là tác giả của hàng loạt cuốn sách, trong đó có: “Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh” và  “Limits of Tolerance and Year Zero: A History of 1945”.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Referendum Charade
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]