Nguồn: Anatole Keletsky, “When Things Fall Apart”, Project Syndicate, 31/03/2016.
Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Trên khắp thế giới ngày nay tồn tại một cảm giác về ngày tận thế, một dự cảm sâu sắc về sự tan rã của những xã hội đã từng ổn định trước kia. Những dòng dưới đây được trích trong tác phẩm bất hủ The Second Coming [Sự trở lại lần thứ hai] của đại thi hào W.B. Yeats:
“Mọi thứ đều tan vỡ; trung tâm không thể chống đỡ được
Sự vô chính phủ bao trùm lên khắp thế giới
Những điều tốt nhất thì thiếu niềm tin, trong khi điều tồi tệ nhất
Lại tràn đầy đam mê
Và loài quái thú hung dữ, thời của chúng cuối cùng cũng tới
Lê bước về Bethlehem để được tái sinh?”[1]
Yeats đã viết những dòng này vào tháng 1 năm 1919, hai tháng sau khi Thế chiến I kết thúc. Ông đã dự cảm rằng hoà bình sẽ sớm biến mất bởi những nỗi kinh hoàng lớn hơn.
Gần 50 năm sau đó, vào năm 1967, nhà văn người Mỹ Joan Didion đã lựa chọn SlouchingTowards Bethlehem [Lê bước về Bethlehem] làm tựa đề cho tuyển tập bài luận về những sự đổ vỡ xã hội vào cuối những năm 1960. Trong 12 tháng sau khi cuốn sách được xuất bản, Martin Luther King, Jr. và Robert Kennedy đã bị ám sát, nhiều thành phố trên toàn nước Mỹ chìm trong bạo loạn, và các cuộc biểu tình của sinh viên Pháp đã khởi đầu cuộc nổi loạn lật đổ Tổng thống Charles de Gaulle một năm sau đó.
Cho tới giữa những năm 1970, Mỹ thua trong chiến tranh Việt Nam. Những lực lượng Red Brigades, tổ chức Weather Underground, Quân đội Cộng hoà Ai-len, những tên khủng bố theo phong trào Tân phát xít người Ý đã lên kế hoạch những vụ tấn công trên toàn nước Mỹ và châu Âu. Đồng thời việc luận tội Tổng thống Richard Nixon khi đó đã biến nền dân chủ phương Tây thành một trò cười.
Giờ đây hơn 50 năm đã trôi qua, và thế giới lại một lần nữa bị ám ảnh bởi những nỗi sợ hãi về sự thất bại của dân chủ. Liệu chúng ta có thể rút ra bài học từ những giai đoạn đầy sự tự hoài nghi trước kia?
Trong những năm 1920, 1930, cũng như nửa cuối 1960, 1970 và thời điểm hiện tại, sự tuyệt vọng về chính trị có liên hệ với sự vỡ mộng của một hệ thống kinh tế thất bại. Trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, chủ nghĩa tư bản có vẻ đã bị sụp đổ bởi sự bất bình đẳng không thể chấp nhận được, tình trạng giảm phát và thất nghiệp hàng loạt. Trong những năm 1960, 1970, chủ nghĩa tư bản dường như đã bị sụp đổ bởi những lý do ngược lại: tình trạng lạm phát và phản ứng dữ dội của những người nộp thuế cùng các nhóm lợi ích kinh doanh chống lại các chính sách tái phân phối của một “chính phủ lớn.”
Việc nhấn mạnh mô hình khủng hoảng lặp đi lặp lại này không phải để khẳng định rằng một số quy luật tự nhiên đã điều khiển chủ nghĩa tư bản toàn cầu rơi vào tình trạng gần sụp đổ theo chu kỳ 50 hay 60 năm. Tuy nhiên điều này nhằm mục đích công nhận rằng chủ nghĩa tư bản dân chủ là một hệ thống đang tiến hóa, và hệ thống này phản ứng với các cuộc khủng hoảng bằng cách chuyển đổi triệt để các mối quan hệ kinh tế lẫn các thể chế chính trị.
Do vậy chúng ta nên nhìn nhận tình trạng bất ổn hiện nay như một phản ứng có thể dự báo trước đối với sự sụp đổ vào năm 2008 của một mô hình tư bản chủ nghĩa toàn cầu cụ thể. Xét theo những kinh nghiệm trong quá khứ, một kết quả hợp lý có thể là một quá trình nghiêm túc nhìn nhận những vấn đề và bất ổn trong suốt một thập niên hoặc lâu hơn, cuối cùng mới dẫn đến một giải pháp mới cả về kinh tế và chính trị.
Đây là điều đã xảy ra khi Margaret Thatcher và Ronald Reagan đắc cử sau cuộc đại lạm phát vào đầu những năm 1970, và khi chính sách Kinh tế mới (New Deal) của Mỹ và “quái thú hung dữ” của sự tái vũ trang châu Âu nổi lên sau cuộc Đại Suy thoái (1929-1933). Mỗi một giải pháp hậu khủng hoảng này được đánh dấu bởi sự chuyển đổi trong tư tưởng kinh tế cũng như chính trị.
Cuộc Đại Suy thoái dẫn đến Cuộc cách mạng của Keynes (The Keynesian Revolution) trong lĩnh vực kinh tế, kèm theo đó là chính sách Kinh tế mới (New Deal). Những cuộc khủng hoảng lạm phát trong những năm 1960 và 1970 đã khơi dậy cuộc “phản cách mạng” của Milton Friedman – nhà kinh tế theo trường phái trọng tiền – và điều này đã truyền cảm hứng cho Thatcher và Reagan.
Do đó có vẻ hợp lý khi kỳ vọng vào sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản tự do tài chính để kích hoạt sự thay đổi chấn động lần thứ 4 (Tư bản 4.0, tôi đặt tên nó như vậy vào năm 2010) trong cả tư duy kinh tế và chính trị. Nhưng nếu chủ nghĩa tư bản toàn cầu thực sự đang tiến đến một giai đoạn cách mạng mới, thì những đặc điểm của nó có thể là gì?
Đặc điểm chủ chốt trong mỗi giai đoạn tiếp nối của chủ nghĩa tư bản toàn cầu là sự thay đổi về ranh giới giữa kinh tế và chính trị. Ở chủ nghĩa tư bản cổ điển thế kỷ 19, chính trị và kinh tế được lý tưởng hoá thành những lĩnh vực riêng biệt, với sự tương tác giữa chính phủ và doanh nghiệp chỉ giới hạn ở việc (cần thiết phải) tăng thuế để phục vụ các hoạt động quân sự và sự bảo vệ quyền lợi (gây hại) cho các nhóm lợi ích.
Trong phiên bản thứ hai (của Keynes) về chủ nghĩa tư bản, thị trường được nhìn nhận với sự ngờ vực trong khi những can thiệp của chính phủ được giả định là đúng. Trong giai đoạn thứ ba, do Thatcher và Reagan thống trị, những giả định này đã bị đảo ngược lại: chính phủ thường mắc sai lầm và thị trường thì luôn luôn đúng. Giai đoạn thứ tư này có thể được định nghĩa bằng sự công nhận rằng chính phủ và thị trường đều có thể mắc những sai lầm trầm trọng.
Việc công nhận những sai lầm đang diễn ra nghiêm trọng dường như sẽ khiến mọi thứ tê liệt- và tình hình chính trị hiện tại có vẻ như đang phản ánh điều này. Tuy nhiên việc công nhận những sai lầm thực sự sẽ có thể tạo nên sức mạnh bởi trong đó bao hàm khả năng cải thiện cả về kinh tế và chính trị.
Nếu thế giới trở nên quá phức tạp và khó dự đoán đối với cả thị trường và chính phủ khiến họ không đạt được những mục tiêu xã hội, thì những hệ thống kiểm soát và cân bằng mới phải được tạo ra để quá trình ra các quyết định chính trị có thể kiềm chế những động cơ kinh tế và ngược lại. Nếu đặc trưng của thế giới là sự mơ hồ và không dự đoán được thì các học thuyết kinh tế của giai đoạn tiền khủng hoảng- những kỳ vọng hợp lý, những thị trường hiệu quả, và tính trung lập của tiền tệ – cần phải được sửa đổi.
Hơn nữa, các chính trị gia phải cân nhắc lại những kiến trúc thượng tầng được dựng lên trên những giả định thị trường chính thống. Điều này không chỉ bao gồm việc bãi bỏ điều tiết tài chính, mà còn là tính độc lập của ngân hàng trung ương, sự tách biệt giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, và giả định rằng các thị trường cạnh tranh sẽ không cần tới can thiệp của chính phủ để tạo ra phân phối thu nhập hợp lý, thúc đẩy cải tiến, cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết và hàng hóa công.
Có một điều rõ ràng là công nghệ mới và sự hội nhập của hàng tỉ những nhân công bổ sung vào thị trường toàn cầu đã tạo ra những cơ hội đáng lẽ phải đồng nghĩa với sự thịnh vượng lớn hơn trong những thập kỷ sắp tới so với thời kỳ tiền khủng hoảng. Nhưng các chính trị gia “có trách nhiệm” ở khắp nơi đang cảnh báo công dân về một tình trạng “bình thường mới” của tăng trưởng trì trệ. Chẳng có gì ngạc nhiên khi các cử tri lại đang vô cùng giận dữ.
Người dân cảm nhận được rằng các nhà lãnh đạo đang có các công cụ kinh tế mạnh mẽ để có thể giúp cải thiện mức sống. Tiền sẽ có thể được in và phân phối trực tiếp đến tay người dân. Mức lương tối thiểu có thể được tăng thêm để giảm bớt sự bất bình đẳng. Các chính phủ có thể đầu tư nhiều hơn nữa vào cơ sở hạ tầng và các cải tiến sáng tạo với chi phí bằng không. Luật ngân hàng có thể khuyến khích thay vì hạn chế việc cho vay.
Tuy nhiên việc triển khai những chính sách cấp tiến như trên sẽ đồng nghĩa với việc chối bỏ những học thuyết đã thống trị kinh tế học từ những năm 1980, cùng với các thể chế dựa trên đó, như Hiệp ước Thành lập Liên minh Châu Âu (Europe’s Maastricht Treaty). Một vài cá nhân “có trách nhiệm” vẫn chưa sẵn sàng thách thức kinh tế học chính thống tiền khủng hoảng.
Thông điệp của những người theo chủ nghĩa dân tuý[2] hiện nay xoay quanh việc các chính trị gia phải tiêu huỷ hết những cuốn sách quy tắc từ thời tiền khủng hoảng và vận động một cuộc cách mạng trong tư duy kinh tế. Nếu các chính trị gia có trách nhiệm từ chối không làm điều đó, thì “những quái thú hung dữ, thời của chúng cuối cùng cũng tới” sẽ làm điều đó thay họ.
Anatole Kaletsky là Kinh tế trưởng và đồng Chủ tịch của Gavekal Dragonomics, Chủ tịch Viện Tư duy Kinh tế Mới (The Institute for New Economic Thinking). Từng phụ trách mục bình luận tại Times of London, The New York Times và Financial Times, ông là tác giả cuốn sách Capitalism 4.0 và The Birth of a New Economy.
Copyright: Project Syndicate 2016 – When Things Fall Apart
————–
[1] Nguyên văn tiếng Anh:
“Things fall apart; the center cannot hold
Mere anarchy is loosed upon the world…
The best lack all conviction, while the worst
Are full of passionate intensity…
And what rough beast, its hour come round at last
Slouches towards Bethlehem to be born?”
[2] Chủ nghĩa dân túy hay chủ nghĩa đại chúng có thể xem là một hệ tư tưởng, triết học chính trị hay một dạng luận điểm của tư tưởng chính trị xã hội trong đó so sánh “nhân dân” với tầng lớp “tinh hoa”, bảo vệ nguyện vọng và quyền lợi cho nhân dân, kêu gọi sự thay đổi hệ thống chính trị và xã hội (ND).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]