Nguồn: Anatole Kaletsky, “Brexit’s Impact on the World Economy”, Project Syndicate, 17/06/2016
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Triệu chứng “cảm sốt” của thị trường tài chính trước cuộc trưng cầu dân ý của Vương quốc Anh vào ngày 23/6 về việc có nên ở lại trong Liên minh châu Âu (EU) hay không cho thấy rằng kết quả sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và chính trị thế giới sâu rộng hơn nhiều so với những gì có thể suy ra từ tỉ trọng 2,4% của Anh trong GDP toàn cầu. Có ba nguyên nhân dẫn đến tác động to lớn này.
Thứ nhất, trưng cầu dân ý về việc Anh rời EU (Brexit) là một phần của một hiện tượng toàn cầu: cuộc khởi nghĩa của các nhà dân túy chống lại các đảng phái chính trị dòng chính – chủ yếu được thúc đẩy bởi các cử tri lớn tuổi, nghèo, hoặc có trình độ giáo dục thấp – những người đang rất tức giận và muốn phá bỏ các thể chế hiện có, cũng như thách thức các chính trị gia và các chuyên gia kinh tế “dòng chính.” Đáng ngạc nhiên là hồ sơ nhân khẩu học của các cử tri ủng hộ Brexit cũng tương tự như của những người ủng hộ Donald Trump tại Mỹ, và những người ủng hộ Mặt trận Quốc gia tại Pháp.
Các cuộc thăm dò cho thấy cử tri Anh ủng hộ việc rời khỏi EU với một biên độ khá lớn, 65% so với 35% phản đối. Họ hoặc là chưa hoàn thành bậc trung học, hoặc trên 60 tuổi, hoặc là lao động chân tay. Ngược lại, người đã tốt nghiệp đại học, cử tri dưới 40, và nhân viên văn phòng lại ủng hộ việc ở lại, với biên độ tương tự là 60% – 40% và cao hơn.
Tại Anh, Mỹ, và Đức, phong trào dân túy không chỉ được thúc đẩy bởi sự bất mãn tương tự và tình cảm dân tộc chủ nghĩa, mà còn xảy ra trong những điều kiện kinh tế y hệt. Cả ba nước ít nhiều đã trở lại tình trạng gần với toàn dụng lao động, với tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 5%. Tuy nhiên, nhiều công ăn việc làm đã được tạo ra với mức lương rất thấp, và gần đây thì người nhập cư đã thế chỗ các chủ ngân hàng để trở thành “con dê tế thần” biện minh cho mọi tai ương của xã hội.
Cử tri đã không còn tin tưởng các lãnh đạo doanh nghiệp, các chính trị gia dòng chính, và các chuyên gia kinh tế, tới mức họ lờ đi cảnh báo của giới lãnh đạo rằng thay đổi nguyên trạng sẽ gây nguy hiểm cho sự phục hồi dần dần của nền kinh tế. Tại Anh, sau ba tháng tranh luận về Brexit, chỉ có 37% cử tri đồng ý rằng nền kinh tế nước Anh sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ hơn nếu họ rời khỏi EU – giảm từ mức 38% của một năm trước.
Nói cách khác, tất cả các báo cáo – do IMF, OECD, Ngân hàng Thế giới, chính phủ Anh, và Ngân hàng Trung ương Anh thực hiện – chỉ ra thiệt hại đáng kể của Brexit đều bị bỏ qua. Thay vì cố gắng bác bỏ cảnh báo của các chuyên gia bằng những phân tích chi tiết, Boris Johnson, lãnh đạo của chiến dịch “Rời đi”, đã phản ứng bằng những lời lẽ giống hệt luận điệu phản chính trị của Donald Trump: “Có ai mảy may lo ngại về chuyện rời EU vậy? Tin tôi đi, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.” Nói cách khác, những kẻ được gọi là chuyên gia ấy đã từng sai lầm trong quá khứ, và bây giờ cũng vậy.
Kiểu tấn công trực diện vào giới tinh hoa chính trị này đã giành được thành công đáng ngạc nhiên ở Anh, như kết quả từ các cuộc thăm dò về Brexit gần đây nhất cho thấy. Nhưng chỉ khi phiếu được kiểm xong thì chúng ta mới biết được, liệu ý kiến trong các cuộc thăm dò dư luận có thực sự dự báo kết quả bỏ phiếu hay không.
Đây là nguyên nhân thứ hai lý giải tại sao kết quả vụ Brexit sẽ gây tác động trên toàn thế giới. Cuộc trưng cầu dân ý sẽ là thử thách lớn đầu tiên để biết được rằng giữa các chuyên gia và dư luận, ý kiến nào đúng khi nhận định về sức mạnh của sự bùng nổ chủ nghĩa dân túy.
Hiện tại, các chuyên gia chính trị và thị trường tài chính trên cả hai bờ Đại Tây Dương đều giả định, có lẽ hơi tự mãn, rằng những gì các cử tri tức giận nói trong cuộc thăm dò dư luận không phản ánh cách họ sẽ thực sự bỏ phiếu. Các nhà phân tích và các nhà đầu tư đều thống nhất rằng tỷ lệ thắng cuộc của phe nổi dậy là rất thấp: hồi cuối tháng Năm, các thị trường cá cược và mô hình máy tính đều dự doán khả năng chiến thắng của Trump lẫn Brexit chỉ khoảng 25%, dù rằng nhiều cuộc thăm dò dư luận đã cho thấy cả hai có tỷ lệ ủng hộ lên tới gần 50%.
Nếu Brexit giành chiến thắng vào ngày 23/6, tỷ lệ cược thấp mà giới chuyên gia đưa ra trước các cuộc nổi dậy dân túy ở Mỹ và châu Âu sẽ lập tức trở nên đáng ngờ, còn con số cao hơn trong các cuộc thăm dò dư luận thì sẽ giành được thêm nhiều sự tín nhiệm. Điều này không phải là vì cử tri Mỹ bị ảnh hưởng bởi nước Anh; tất nhiên là họ sẽ không bị ảnh hưởng. Nhưng, ngoài tất cả những điểm tương đồng về kinh tế, nhân khẩu học và xã hội, quan điểm bỏ phiếu ở Mỹ và Anh đang phải đối mặt với những thách thức và bất ổn tương tự nhau, bởi sự sụp đổ của lòng trung thành chính trị truyền thống và hệ thống hai đảng thống trị.
Lý thuyết thống kê thậm chí còn cho phép chúng ta định lượng các kỳ vọng về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ dịch chuyển như thế nào nếu Brexit thắng ở Anh. Để đơn giản, ta giả định rằng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy khả năng chiến thắng đối với Brexit và Trump ngang bằng nhau là gần 50%, trong khi ý kiến các chuyên gia đánh giá khả năng này chỉ ở mức 25%. Bây giờ, nếu giả sử rằng Brexit thắng, thì theo Định lý Bayes trong thống kê, niềm tin vào thăm dò dư luận sẽ tăng từ 50% lên 67%, trong khi niềm tin vào ý kiến chuyên gia sẽ giảm từ 50% xuống còn 33%.
Điều này dẫn đến hàm ý thứ ba và cũng là hàm ý đáng lo ngại nhất của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh. Nếu Brexit giành chiến thắng trong một đất nước ổn định và “lãnh đạm chính trị” như Anh, thì thị trường tài chính và các doanh nghiệp trên toàn thế giới sẽ hết chủ quan về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở phần còn lại của châu Âu và Mỹ. Những quan ngại ngày một tăng cao về thị trường đến lượt chúng sẽ làm thay đổi hiện thực kinh tế. Giống như hồi năm 2008, thị trường tài chính sẽ khuếch đại sự lo lắng về kinh tế, gây nên nhiều oán giận “chống dòng chính” và thúc đẩy kỳ vọng cao hơn về nổi dậy chính trị.
Mối đe dọa từ “căn bệnh truyền nhiễm” ấy có nghĩa là cuộc bỏ phiếu Brexit có thể trở thành chất xúc tác cho một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Có điều, lần này, những người lao động nào bị mất việc làm, những người về hưu nào bị mất tiền tiết kiệm, và những chủ nhà nào bị lỗ sẽ không thể đổ lỗi cho các “chủ ngân hàng.” Những người bỏ phiếu ủng hộ phe dân túy sẽ chỉ còn biết tự trách mình nếu cuộc cách mạng đi sai hướng.
Anatole Kaletsky là kinh tế gia trưởng và đồng chủ tịch Gavekal Dragonomics. Kaletsky từng là nhà bình luận cho tờ Times of London, International New York Times và Financial Times. Ông là tác giả của cuốn Capitalism 4.0, The Birth of a New Economy, trong đó dự đoán những biến chuyển hậu khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu. Cuốn sách năm 1985, Costs of Default, trở thành cuốn sách vỡ lòng của các chính phủ Mỹ Latinh và châu Á trong quá trình đàm phán vỡ nợ và tái cấu trúc với các ngân hàng và IMF.
Xem thêm: Các bài khác về chủ đề Brexit
Copyright: Project Syndicate 2016 – Brexit’s Impact on the World Economy
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]