Nguồn: Dani Rodrik, “Economists and Democracy”, Project Syndicate, 11/05/2016.
Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Gần đây tôi đang giới thiệu cuốn sách mới của mình với tựa đề The Globalization Paradox (Nghịch lý của toàn cầu hóa) tới nhiều nhóm khác nhau. Cho đến giờ, tôi đã quen với tất cả các kiểu bình luận từ phía độc giả. Nhưng tại một sự kiện ra mắt sách gần đây, nhà kinh tế học được giao nhiệm vụ thảo luận về cuốn sách làm tôi ngạc nhiên với một lời chỉ trích bất ngờ. “Rodrik muốn làm cho thế giới an toàn cho các chính trị gia,” ông ta gắt lên.
Để thông điệp không bị cuốn đi mất, ông ta sau đó đã minh họa cho quan điểm của mình bằng cách gợi các khán giả nhớ về “nguyên bộ trưởng nông nghiệp Nhật Bản, người đã tranh luận rằng Nhật Bản không thể nhập khẩu thịt bò vì ruột người Nhật dài hơn ruột người nước khác.”
Bình luận này kèm theo một số tiếng cười khúc khích. Ai mà không thích thú với một chuyện đùa bôi xấu các chính trị gia chứ?
Nhưng nhận xét đó có một mục đích nghiêm túc hơn thế và rõ ràng có ý phơi bày một thiếu sót cơ bản trong lập luận của tôi. Người thảo luận về cuốn sách của tôi thấy rõ rằng việc cho các chính trị gia không gian hành động lớn hơn là một ý tưởng ngu ngốc – và ông cũng giả định rằng khán giả cũng sẽ đồng ý với mình. Ông ngụ ý rằng nếu loại bỏ các ràng buộc về những điều các chính trị gia có thể làm, tất cả những gì các bạn nhận được là những can thiệp ngớ ngẩn làm bóp nghẹt các thị trường và làm chết cỗ máy tăng trưởng.
Sự chỉ trích này phản ánh một hiểu lầm nghiêm trọng về cách mà các thị trường thực sự vận hành. Được nuôi dưỡng dựa vào những cuốn sách giáo khoa vốn làm mờ vai trò của các thể chế, các nhà kinh tế học thường tưởng tượng rằng các thị trường tự xuất hiện mà không cần sự giúp đỡ từ hành động tập thể có mục đích. Adam Smith có lẽ đã đúng khi nói rằng rằng “xu hướng mang hàng hóa đem trao đổi và giao lưu” là bẩm sinh đối với loài người, nhưng phải có một loạt những thể chế phi thị trường nâng đỡ thì người ta mới thực hiện được xu hướng này.
Hãy xem xét tất cả những yếu tố cần thiết. Các thị trường hiện đại cần hạ tầng giao thông, hậu cần, và truyền thông, mà phần nhiều là kết quả của các khoản đầu tư công. Chúng cần các hệ thống đảm bảo thực thi hợp đồng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Chúng cần các điều lệ nhằm đảm bảo người tiêu dùng được cung cấp thông tin đầy đủ khi ra quyết định, những tác động ngoại ứng (externality – ví dụ tác hại lên môi trường – NBT) được tính vào chi phí, và quyền lực thị trường không bị lợi dụng. Chúng cần các ngân hàng trung ương và các thể chế tài khóa để ngăn chặn những cuộc hoảng loạn tài chính và điều hòa các chu kỳ kinh doanh. Chúng cần sự bảo hộ xã hội và các mạng lưới an sinh để hợp pháp hóa sự phân bố thu nhập.
Các thị trường vận hành tốt luôn luôn được được đặt trong các cơ chế quản trị tập thể rộng hơn. Đó là lý do tại sao những nền kinh tế giàu có nhất thế giới, những nước có các hệ thống thị trường năng suất nhất, cũng có những khu vực công lớn.
Sau khi nhận ra rằng các thị trường đòi hỏi luật lệ, chúng ta cần hỏi tiếp ai sẽ viết ra những luật lệ đó. Các nhà kinh tế học nào coi thường giá trị dân chủ đôi khi nói như thể lựa chọn thay thế cho quản trị dân chủ là cơ chế đưa ra quyết định bởi những vị vua minh triết có đạo đức – mà lý tưởng nhất là bởi các nhà kinh tế học!
Nhưng viễn cảnh này không phù hợp cũng không đáng mong đợi. Vì lý do là, sự minh bạch, tính đại diện và trách nhiệm giải trình của hệ thống chính trị càng thấp, thì những nhóm lợi ích đặc biệt lại càng dễ thao túng các luật lệ. Dĩ nhiên là các nền dân chủ cũng có thể bị thao túng. Nhưng chúng vẫn là những phao cứu sinh tốt nhất chống lại sự cai trị tùy tiện chuyên quyền.
Hơn nữa, việc thiết lập luật lệ không chỉ tập trung vào tính hiệu quả, nó còn liên quan tới việc đánh đổi giữa các mục tiêu xã hội đối lập nhau – ví dụ như giữa sự ổn định và đổi mới – hay liên quan đến các lựa chọn phân phối thu nhập. Đây là những nhiệm vụ mà chúng ta không muốn giao cho các nhà kinh tế, những người có thể biết được giá cả của rất nhiều thứ, nhưng không nhất thiết biết được giá trị của chúng.
Đúng là chất lượng của quản trị dân chủ đôi khi có thể được tăng lên bằng cách giảm quyền tự do quyết định của những đại diện dân cử. Các nền dân chủ vận hành tốt thường trao quyền làm luật cho các đơn vị bán độc lập khi các vấn đề muốn giải quyết mang tính kỹ thuật và không gây nên những quan ngại về mặt phân bố thu nhập; khi hiện tượng trao đổi phiếu bầu (tôi ủng hộ đề xuất của anh, anh ủng hộ đề xuất của tôi – NBT) lại dẫn đến những kết quả không tối ưu cho tất cả mọi người; hoặc khi các chính sách phải chịu sự thiển cận, với những hệ lụy tương lai nặng nề.
Các ngân hàng trung ương độc lập cung cấp một minh họa quan trọng cho vấn đề này. Các chính trị gia được bầu có thể tùy ý quyết định mục tiêu lạm phát, nhưng cách được sử dụng để đạt được mục tiêu đó là nhiệm vụ của các nhà kỹ trị tại ngân hàng trung ương. Ngay cả khi đó, các ngân hàng trung ương vẫn phải chịu trách nhiệm giải thích trước các chính trị gia và phải giải trình khi họ không đạt được các mục tiêu.
Tương tự, có thể có những ví dụ hữu ích về sự phân quyền dân chủ cho các tổ chức quốc tế. Những thỏa thuận toàn cầu nhằm đặt trần cho mức thuế quan hoặc giảm khí thải độc hại thực sự rất có giá trị. Nhưng các nhà kinh tế học có xu hướng thần tượng hóa những quy định pháp lý như vậy mà thiếu sự xem xét kỹ lưỡng và đầy đủ những hoạt động chính trị giúp tạo ra các quy định đó.
Việc vận động đưa ra các ràng buộc bên ngoài nhằm giúp tăng cường chất lượng các cân nhắc dân chủ – ví dụ như bằng cách ngăn chặn tư duy ngắn hạn hay đòi hỏi sự minh bạch, là một chuyện. Nhưng làm tổn hại nền dân chủ bằng cách ưu tiên một số nhóm quyền lợi đặc biệt hơn so với những nhóm khác lại là chuyện hoàn toàn khác.
Ví dụ, chúng ta biết rằng những yêu cầu được áp dụng toàn cầu về đáp ứng đủ mức vốn được tạo ra bởi Hội đồng Basel, và chính sách này rõ ràng thể hiện ảnh hưởng của các ngân hàng lớn. Nếu những điều lệ được viết bởi các nhà kinh tế học và chuyên gia tài chính, chúng sẽ nghiêm ngặt hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu các luật lệ này được để cho các quy trình chính trị nội bộ đưa ra, sẽ có thể có nhiều áp lực cạnh tranh lẫn nhau giữa các nhóm lợi ích đối lập (dù các nhóm lợi ích tài chính trong nước cũng rất nhiều quyền lực).
Tương tự, bất chấp các luận điệu, nhiều hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới là kết quả không phải của việc theo đuổi lợi ích kinh tế toàn cầu, mà của sức mạnh vận động hành lang của các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm các cơ hội tạo lợi nhuận. Ví dụ, luật quốc tế về bản quyền và bằng sáng chế phản ánh khả năng các công ty dược phẩm và Hollywood trong việc theo đuổi lợi ích của họ. Những luật này thường bị phê phán bởi các nhà kinh tế học là đã áp đặt những ràng buộc không thích hợp lên khả năng của các nền kinh tế đang phát triển trong việc tiếp cận dược phẩm giá rẻ hay các cơ hội công nghệ.
Vì thế lựa chọn giữa toàn quyền quyết định dân chủ trong nước và những ràng buộc từ bên ngoài không phải lúc nào cũng là lựa chọn giữa những chính sách tốt và xấu. Ngay cả khi quy trình chính trị trong nước vận hành kém cỏi thì cũng không có gì đảm bảo rằng những thể chế toàn cầu sẽ vận hành tốt hơn. Thường thì lựa chọn đặt ra là chấp nhận nhường đường cho những kẻ tìm kiếm đặc lợi trong nước hay nước ngoài. Trong trường hợp là lựa chọn đầu, ít nhất những đặc lợi này vẫn nằm trong nước!
Cuối cùng thì câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta trao quyền cho ai để tạo ra những luật lệ mà thị trường đòi hỏi. Hiện thực không tránh khỏi của nền kinh tế toàn cầu chính là việc trọng tâm chính của trách nhiệm giải trình dân chủ hợp pháp vẫn nằm trong quốc gia. Vì thế tôi sẵn sàng nhận tội trước lời cáo buộc của nhà kinh tế phê bình tôi. Tôi thực sự muốn làm cho thế giới an toàn cho các chính trị gia dân chủ. Và, nói thẳng ra, tôi phân vân về những người nào không mong muốn như thế.
Dani Rodrik là Giáo sư ngành Kinh tế Chính trị Quốc tế tại trường Quản trị Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông là tác giả của cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy và gần đây nhất là cuốn Economic Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal Science.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Economists and Democracy
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]