Nguồn: Hugo Drochon, “ Nietzsche and the British Referendum”, Project Syndicate, 21/06/2016
Biên dịch: Lê Hồng Hiệp
Các cuộc tấn công khủng bố. Căng thẳng về các nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số. Sự ủng hộ các đảng chính trị cực đoan ngày một tăng. Sự chênh lệch phát triển Bắc-Nam ngày một lớn. Một vị thủ tướng Đức mạnh mẽ. Một nước Nga tích cực mở rộng phạm vi lãnh thổ. Một Vương quốc Anh dinh líu vào các cuộc chiến tranh ở những nơi xa xôi, tự hỏi bản thân liệu có nên rút ra khỏi châu Âu lục địa hay không. Một trật tự chính trị còn non trẻ, sinh ra sau một loạt các cuộc chiến tranh quốc tế gây tàn phá, đang đe dọa bị nổ tung.
Danh mục các vấn đề mà châu Âu hiện nay đang đối mặt khá dài, nhưng điều này không phải là chưa từng có tiền lệ. Thật vậy, trong nhiều khía cạnh, các điều kiện hiện tại trông rất giống với những gì mà (thủ tướng) Otto von Bismarck của nước Đức xưa kia phải đối mặt.
Tại thời điểm đó, sự sợ hãi tập trung vào việc người Công giáo thiểu số ở Nam Đức sẽ làm suy yếu sự thống nhất của đế quốc Đức mới được thành lập nhằm mang lại sự ổn định trong bối cảnh một đảng xã hội chủ nghĩa cực đoan đang trỗi dậy, sau một loạt các cuộc chiến tranh đẫm máu (cuộc chiến gần đó nhất là với Pháp) và âm mưu ám sát Hoàng đế Đức. Đức còn bị kẹp giữa một nước Nga đế quốc và một nước Pháp chỉ chực chờ muốn báo thù. Trong khi đó, Anh đang vướng vào các cuộc phiêu lưu quân sự ở châu Á và Trung Đông.
Ngày nay, khi châu Âu đang đối mặt với những câu hỏi khó khăn về tương lai của mình, ví dụ điển hình là cuộc trưng cầu sắp tới của Vương quốc Anh về việc có nên tiếp tục là thành viên của Liên minh châu Âu hay không, có lẽ kinh nghiệm của Đức vào cuối thế kỷ 19 có thể hữu ích. Nếu vậy, ít có người chỉ đường nào đối với trải nghiệm đó – và trải nghiệm của chính chúng ta hiện nay – tốt hơn Friedrich Nietzsche, một trong những nhà tư tưởng sâu sắc nhất trong thời đại của ông.
Nietzsche là một người cực lực phê phán thứ chính trị quyền lực “máu và sắt” mà Bismarck đã dùng để thống nhất nước Đức. Ông gọi nó là một ví dụ về thứ “đạo đức nô lệ” (slave morality) mà ông đã công kích mạnh mẽ trong trước tác tiêu biểu của ông Về nguồn gốc đạo đức (On the Genealogy of Morality) – một cách tiếp cận “khiêm nhường” đối với đạo đức, tập trung vào việc làm giảm đau khổ cho dân chúng.
Nietzsche biết rõ những gì mình nói: ông đã tình nguyện làm một sĩ quan kỵ binh trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ. Mặc dù một cú ngã mạnh khiến ông phải ngừng trực tiếp chiến đấu, ông vẫn làm một nhân viên cứu thương – với những trải nghiệm trực tiếp về những đau thương mà cuộc chiến gây ra. Nước Đức quân phiệt nổi lên từ sau cuộc chiến tranh đó, theo quan điểm của Nietzsche, đã đánh mất mối liên hệ với sứ mệnh văn hóa ban đầu của nó.
Trong tác phẩm Bên kia bờ thiện ác (Beyond Good and Evil), Nietzsche đã đi xa hơn, khám phá hình hài của một hệ thống chính trị ưu việt – dựa trên “đạo đức làm chủ” (master morality), thứ vượt qua những khái niệm đơn giản về “thiện” và “ác” để phát triển các giá trị từ một tư thế cao quý và mạnh mẽ. Ông đã hình dung về một châu Âu thống nhất, được dẫn dắt đầu bởi giới tinh hoa văn hóa xuyên châu Âu tập trung không phải vào sự vĩ đại, mà vào sự phát triển của một nền văn hóa châu Âu mới.
Nietzsche lập luận rằng chỉ bằng cách thống nhất, châu Âu lục địa mới có thể có một tiếng nói mạnh mẽ trong các vấn đề thế giới, mà tại thời điểm đó có nghĩa là đạt được sự bình đẳng với đế quốc Anh và Nga trong cuộc “đại chiến” về chiến lược, mà người chiến thắng sẽ giành quyền kiểm soát Afghanistan và miền bắc Ấn Độ. Phương pháp thay thế – thứ chính trị quyền lực mà Bismarck sử dụng – là “nhỏ nhặt”, vì nó dựa vào sự phân mảnh và tan rã của châu Âu.
Nietzsche đã suy nghĩ kỹ về việc tầm nhìn chính trị mới của ông sẽ trở thành hiện thực như thế nào, suy đoán rằng một mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga có thể thúc đẩy sự thống nhất của châu Âu. Ông cũng tin rằng châu Âu lục địa sẽ phải “đi đến một nhận thức chung” với Anh, nước có các thuộc địa là những đối tác thương mại quan trọng của châu Âu.
Các chi tiết có thể thay đổi, nhưng nhiều vấn đề cốt lõi – từ mối đe dọa của Nga tới những lợi ích chiến lược của hội nhập châu Âu – vẫn y nguyên như cũ. Đối với nước Anh, dù không còn một đế chế, nước này vẫn vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế châu Âu. Thực sự, các vấn đề hậu cần thương mại sau khi Anh rời EU là một vấn đề quan trọng trong các cuộc tranh luận xung quanh cuộc trưng cầu dân ý. Và, dù Nietzsche không thể dự đoán được mức độ hội nhập giữa Anh và châu Âu lục địa sau này, ông đã cảnh báo chống lại chính sự phân mảnh châu Âu mà cuộc trưng cầu dân ý ở Anh có thể thúc đẩy.
Phần lớn các cuộc tranh luận về cuộc trưng cầu dân ý “Brexit” của Vương quốc Anh ít liên quan đến ý tưởng của Nietzsche. Tuy nhiên, với việc các lập luận về chính trị, kinh tế và xã hội từ cả hai phía thường bị chi phối bởi sự sợ hãi, có vẻ như một số ý tưởng triết lý sâu sắc hơn có thể giúp ích cho cuộc tranh luận. Nếu dựa vào ý tưởng của Nietzsche, cử tri Anh có thể nhận ra rằng vấn đề thực sự họ phải trả lời vào ngày 23/6 là việc nên hậu thuẫn cho thứ chính trị quyền lực nhỏ mọn và gây chia rẽ hay thứ chính trị vĩ đại và cao quý của sự hợp nhất châu Âu.
Hugo Drochon giảng dạy môn chính trị học tại Đại học Cambridge, và là tác giả của cuốn Nietzsche’s Great Politics.
Kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý Brexit:
Xem thêm: Các bài khác về chủ đề Brexit:
- Tác động của Brexit lên nền kinh tế thế giới
- Brexit và cán cân quyền lực toàn cầu
- Brexit sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính – tiền tệ?
- Mặt trái của trò chơi ‘trưng cầu dân ý’
- Tại sao Anh không nên rời EU?
- Đằng sau việc Anh muốn rời EU
- Lý do và hậu quả của việc Anh muốn rời EU
- Điều kiện để Anh ở lại Liên minh Châu Âu
- Châu Âu tan rã và khả năng Anh rời EU
Copyright: Project Syndicate 2016 – Nietzsche and the British Referendum
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]