Nguồn: Roy Medvedev, “Let History Judge Russia’s Revolutions”, Project Syndicate, 05/11/2007
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Một loạt những lễ kỷ niệm sẽ diễn ra ở Nga năm 2007. Tháng này đánh dấu kỷ niệm 90 năm Cách mạng tháng 10 Nga và kỷ niệm 25 năm ngày mất của Leonid Brezhnev. Tháng sau sẽ đánh dấu kỷ niệm 15 năm ngày Liên Xô tan rã. Nhưng chúng ta phải hiểu sự kiện đầu tiên nếu chúng ta muốn hiểu được những sự kiện tiếp theo.
Cách mạng tháng 10 luôn bị nhiều người chỉ trích. Triết gia người Nga Ivan Shmelev gọi nó là “cuộc đại tra tấn nước Nga”. Vasily Rozanov gọi nó là “Cuộc Thảm sát của nước Nga.” Vô số các tác giả đã coi nó như một bi kịch làm phá vỡ dòng chảy lịch sử và hủy hoại những tinh hoa của nước Nga.
Nhưng cách mạng tháng Mười cũng có những người biện hộ, những người xem sự kiện này như một sử khởi đầu của một thời đại mới của lịch sử, một sự kiện đột phá mang lại tự do từ một thế giới nô lệ và áp bức, một sự cứu rỗi cho Nga và châu Âu, và là một nguồn hy vọng cho châu Á và châu Phi. Theo góc nhìn này, không tồn tại một âm mưu nào cả, mà chỉ có một cuộc cách mạng xã hội xuất phát từ một logic bên trong mạnh mẽ, đã giúp trao quyền lực cho người lao động, nông dân, và đảng Bolshevik, người đại diện cho ý chí của họ.
Đối với phần lớn người Nga lớn lên trong hệ thống Xô-viết, cả hai góc nhìn đều có sự thật, nhưng không có chỗ đứng cho các chỉ trích cực đoan về Cách mạng tháng Mười và những mặt khác của đời sống xã hội ở Liên Xô trong thế kỷ 20. Cuộc cách mạng không chỉ là lịch sử với nhiều người, mà còn là một phần của cuộc sống và tiềm thức. Dĩ nhiên điều này không hợp tai những ai từ chối nghe những phân tích hợp lý về quá khứ đất nước, nhưng người Nga sẽ không chấp nhận những ngôn từ rỗng tuếch.
Nghiên cứu cách mạng Nga xuất hiện ngay từ khi cuộc cách mạng nổ ra, và đã sản sinh ra một khối lượng khổng lồ những nghiên cứu ở trong lẫn ngoài nước. Nhưng thậm chí ngày hôm nay, chúng ta vẫn chưa hiểu được tường tận nhiều yếu tố, mối quan hệ, lý do và hậu quả quan trọng của những gì đã xảy ra trong năm 1917 và những năm đầu tiên trong thời kỳ cầm quyền của chế độ Xô-viết. Ít sự kiện nào trong lịch sử đã sinh ra nhiều khái niệm và lý thuyết để giải thích và đánh giá như vậy – cũng như nhiều sự xuyên tạc đến thế, dù là thô kệch hay tinh vi.
Cả phe Bolshevik lẫn những đối thủ của họ đều tham gia vào những xuyên tạc này bằng cách che giấu, bóp méo và bịa đặt các sự thật và tình hình, dù là khi nhắc đến vai trò thật sự của Stalin và Trotsky trong cách mạng hay là cách hành xử của các nông dân và người Cossack. Hàng ngàn cái tên biến mất khỏi những trang sử, công trạng của nhiều người bị “chuyển” cho những người khác, và tính chất, động cơ, cùng hành động của các đảng phải, hội nhóm, phong trào quốc gia và giai cấp đã bị bóp méo.
Cuộc cách mạng và các lãnh đạo đã được thần tượng hóa, những danh tiếng và tiểu sử đã được thêu dệt. Tiến trình thực sự của các sự kiện bị đơn giản hóa và “uốn thẳng,” với từng giai đoạn của cuộc cách mạng được tạo dựng như là bước tiến tự nhiên từ giai đoạn trước. Không ai nhắc đến những sai lầm, ngờ vực, do dự và thiếu hiểu biết của các lãnh đạo cách mạng. Những tư liệu lịch sử quan trọng nhất bị khóa chặt, và một số tài liệu đã bị tiêu hủy.
Tình hình thay đổi trong giai đoạn 1988-1991, khi lịch sử Liên Xô và các cuộc cách mạng ở Nga trở thành trọng tâm chú ý của công chúng. Sự sụp đổ của Liên Xô và đảng cộng sản mở ra những chân trời mới – và gần như tất cả các kho tư liệu – cho các nhà sử học. Hàng loạt các tài liệu và các nguồn liên quan đến giai đoạn khởi nguyên quyền lực Xô-viết có thể được tiếp cận để nghiên cứu và phân tích. Ngày nay, mặc cho những gì mọi người nói về chính phủ của Vladimir Putin, chúng ta đã thoát khỏi vòng vây kiểm duyệt về chính trị và tư tưởng chặt chẽ. Cho dù thực tế chính trị bây giờ đang tạo nên những huyền thoại và những thêu dệt mới, điều này chưa tác động đến công việc của các nhà sử học. Vì thế lịch sử không thiên lệch của cuộc cách mạng Nga tuy chưa được viết nhưng sẽ có thể được viết.
Putin ít khi nào nói về những vấn đề của lịch sử Nga trong thế kỷ 20, và một lần ông trả lời một câu hỏi trực tiếp về thái độ của ông đối với những sự kiện năm 1917 bằng cách nói rằng ông coi nó như “phản ứng tự nhiên của đất nước trước thất bại trong Thế chiến thứ nhất.” Khi thăm nghĩa trang người Nga gần Paris – nơi nhiều nhân vật trung tâm của “phong trào Bạch vệ” và những người Nga di cư được chôn cất – Putin đặt vòng hoa trên mộ của Ivan Bunin, nhà thơ người Nga, và Vika Obolenskaya, một anh hùng của kháng chiến Pháp.
Putin cũng dừng chân gần những bia mộ của các tướng và sĩ quan của quân Bạch vệ. “Chúng ta đều là con của một người mẹ – nước Nga,” Putin nói, “và bây giờ là lúc chúng ta cần đoàn kết.” Thi hài của Andrey Denikin, một tướng Bạch vệ, đã được đưa về chôn cất ở Moskva, và thi hài của Vladimir Karpel, một tướng Bạch vệ khác, đã được đưa về Irkutsk.
Một đài tưởng niệm Đô đốc Alexander Kolchak, người đã dẫn dắt nỗ lực của lực lượng Bạch vệ để lật đổ phe Bolshevik, đã được dựng lên ở Irkutsk, và một đài tưởng niệm dành cho Sa hoàng Nicholas II đã được dựng lên ở Moskva. Thực tế, Giáo hội Chính thống giáo Nga đã tôn vinh Nicholas II là một vị thánh. Đây là những bước tiến đến việc thống nhất nhà nước và đất nước, chứ không phải là những nỗ lực để trả thù hay chia cắt Nga. Ngày hôm nay, tình hình đã thuận lợi hơn cho việc phân tích một cách điềm tĩnh và cân bằng quá khứ của Nga, từ cuộc Cách mạng năm 1917 cho đến thời kỳ trì trệ dưới thời Brezhnev. Đây là cơ hội mà các nhà sử học phải nắm lấy.
Roy Medvedev, sử gia và nhân vật bất đồng chính kiến với chính quyền Stalin, là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có Stalin: Let History Judge, và Khrushchev: The Years in Power (viết cùng Zhores Medvedev).
Xem thêm:
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]