Bài học của Singapore cho Trung Quốc và Tập Cận Bình

Print Friendly, PDF & Email

denglee

Nguồn: Michael Spence, “President Xi’s Singapore Lessons”, Project Syndicate, 19/11/2012

Biên dịch: Lê Quang Linh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Hiện nay, Trung Quốc đang ở vào một thời điểm hệ trọng, giống như giai đoạn năm 1978, khi chính sách cải cách thị trường được Đặng Tiểu Bình khởi động đã mở cửa nền kinh tế Trung Quốc với thế giới – và giai đoạn những năm đầu thập niên 1990, khi mà chuyến “Nam tuần” của Đặng Tiểu Bình đã tái khẳng định con đường phát triển của Trung Quốc.

Trong suốt giai đoạn này, những kinh nghiệm và bài học từ các quốc gia khác là rất quan trọng. Đặng Tiểu Bình được cho là đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi một chuyến thăm trước đó đến Singapore, nơi đã đạt được tăng trưởng nhanh chóng và thịnh vượng nhiều thập niên trước đó. Nắm bắt được thành công và hạn chế của các quốc gia đang phát triển đã luôn, và tiếp tục, là một phần quan trọng trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với việc xây dựng chiến lược phát triển.

Giống như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan trong giai đoạn đầu tăng trưởng, Trung Quốc cũng được cai trị bởi một Đảng duy nhất. Đảng Hành động Nhân dân Singapore (PAP) hiện vẫn áp đảo, mặc dù điều đó có vẻ đang thay đổi. Các nước còn lại đã tiến hóa thành các chế độ dân chủ đa đảng trong quá trình quá độ qua mức thu nhập trung bình. Trung Quốc cũng đã tiến tới những bước cuối cùng của cuộc “Vạn lý trường chinh” tới hình thái quốc gia phát triển nếu xét về cơ cấu kinh tế và mức thu nhập.

Singapore tiếp tục là mẫu hình cho Trung Quốc, mặc dù có quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Sự thành công của cả hai quốc gia phản ánh nhiều yếu tố cấu thành, bao gồm các nhà lập chính sách được đào tạo bài bản và có kỹ năng được hỗ trợ bởi hệ thống tuyển chọn nhân tài, và phương pháp tiếp cận thực dụng, kỷ luật, thực tế và có tầm nhìn xa đối với chính sách.

Một bài học quan trọng khác từ Singapore là cơ chế độc đảng phải giữ được tính chính danh bằng cách đem lại sự phát triển bao trùm và sự bình đẳng trong một xã hội đa sắc tộc, và bằng cách loại trừ mọi loại tham nhũng, bao gồm cả chủ nghĩa cánh hẩu và ảnh hưởng quá lớn của các nhóm lợi ích. Những điều mà Lý Quang Diệu – nhà lập quốc Singapore – cùng đồng nghiệp và những người kế nhiệm ông hiểu được là sự kết hợp giữa cơ chế độc đảng và tham nhũng là một thứ chất độc cho quốc gia. Nếu muốn có cơ chế độc đảng thì không thể cho phép tham nhũng tồn tại.

Sự gắn kết, tầm nhìn dài hạn, ưu đãi phù hợp, kỹ năng “định hướng” mạnh mẽ và sự quyết đoán là những khía cạnh đáng mong muốn của khả năng cầm quyền liên tục, đặc biệt là trong hệ thống trọng dụng nhân tài đang quản lý những thay đổi cơ cấu phức tạp. Để bảo vệ cơ chế đó và duy trì sự hỗ trợ của công chúng đối với đầu tư cũng như các chính sách nhằm duy trì tăng trưởng, Singapore cần phải ngăn tham nhũng không được bén rễ, đồng thời thiết lập sự nhất quán trong việc áp dụng các quy tắc. Lý Quang Diệu đã làm được điều đó, bên cạnh việc PAP cung cấp chức năng của một hệ thống chính thức đầy đủ về trách nhiệm giải trình trước công chúng.

Trung Quốc cũng muốn giữ lại những lợi ích của chế độ độc đảng ít nhất là một thời gian nữa, và trì hoãn việc chuyển đổi qua chế độ quản trị “lộn xộn hơn” với nhiều ý kiến khác nhau. Trong thực tế, một chế đa nguyên đang được phát triển dưới sự bảo trợ của Đảng Công sản Trung Quốc – một quá trình mà cuối cùng có thể dẫn tới việc công dân có được sự thể chế hóa tiếng nói của mình trong chính sách công.

Tuy nhiên, hiện nay những yếu tố mang tính đại diện được gia tăng dần dần đó vẫn chưa đủ mạnh để chống lại sự gia tăng của tham nhũng và các ảnh hưởng quá mức của các nhóm lợi ích. Để duy trì tính chính danh của chế độ độc đảng –tức khả năng cầm quyền – những nhóm lợi ích hạn hẹp này phải bị loại bỏ để ưu tiên cho các lợi ích chung. Đây là thách thức mà ban lãnh đạo mới của Trung Quốc phải đối mặt.

Nếu các lãnh đạo Trung Quốc thành công thì sau đó họ có thể có một cuộc tranh luận hợp lý và sâu sắc về vai trò đang thay đổi của nhà nước trong nền kinh tế, một cuộc tranh luận về các vấn đề thực chất. Nhiều người trong cuộc và các cố vấn bên ngoài tin rằng vai trò của nhà nước phải thay đổi (không nhất thiết phải giảm) để kiến tạo nền kinh tế sáng tạo năng động, chìa khóa để dẫn dắt giai đoạn quá độ qua mức thu nhập trung bình thành công. Nhưng vẫn còn rất nhiều lĩnh vực còn cần thêm các cuộc tranh luận và sự lựa chọn.

Lý Quang Diệu ở Singapore, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc đã được người dân nước mình tín nhiệm như những nhà lập quốc và những người đề ra cải cách. Nhưng sự tín nhiệm đó đang mất đi, những thế lãnh đạo tiếp theo đã không được thừa hưởng hoàn toàn sự tín nhiệm đó và phải giành được nó từ dân chúng. Vì vậy càng có lý do để thế hệ lãnh đạo mới phải xem xét các bài học của lịch sử.

Các lãnh đạo mới của Trung Quốc đầu tiên nên tái khẳng định vai trò của Đảng như là người bảo vệ cho các lợi ích chung bằng cách kiến tạo một môi trường mà trong đó những nhóm lợi ích hạn hẹp, vốn tìm cách để bảo vệ những những ảnh hưởng và sự giàu có ngày càng gia tăng của họ, không làm hỏng các lựa chọn chính sách phức tạp. Họ phải chứng minh được rằng quyền lực, tính chính danh và các tài sản đáng kể của Đảng đang được nắm giữ vì lợi ích của toàn thể người dân Trung Quốc, trên hết là qua việc thúc đẩy một mô hình tăng trưởng bao trùm và một hệ thống bình đẳng cơ hội dựa trên nền tảng năng lực. Và sau đó họ nên quay trở lại nhiệm vụ cầm quyền trong một môi trường trong nước và toàn cầu phức tạp.

Có những lúc mô hình “dò đá qua sông” là chiến lược cầm quyền đúng đắn, và có những lúc sự can đảm xác lập lại những giá trị và định hướng là cần thiết. Các nhà lãnh đạo thành công cần biết lúc nào thì cần áp dụng mô hình nào cho phù hợp.

“Dò đá qua sông” có vẻ như là lựa chọn an toàn nhất cho lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc, Tập Cận Bình, và đội ngũ lãnh đạo mới, nhưng trong thực tế mô hình đó là nguy hiểm nhất. Lựa chọn duy nhất an toàn là gắn Đảng với các lợi ích chung của người dân.

Sau đó, vấn đề là liệu các nhà cải cách, những người mang tinh thần thực sự của cuộc cách mạng 1949, có giành được chiến thắng trong cuộc chiến hướng tới tăng trưởng bình đẳng và bao trùm hay không. Quan điểm lạc quan (và tôi tin là thực tế) là người dân Trung Quốc, thông qua các kênh khác nhau, bao gồm truyền thông xã hội, sẽ can dự, hỗ trợ các nhà cải cách để thông qua một chương trình nghị sự tiến bộ.

Thời gian sẽ trả lời, nhưng kết quả của quá trình này là hết sức quan trọng đối với phần còn lại của thế giới. Hầu hết tất các các nước đang phát triển – và ngày càng nhiều các nước tiên tiến cũng vậy – sẽ bị ảnh hưởng theo cách này hoặc cách khác khi họ vật lộn để đạt được một mô hình phát triển kinh tế và việc làm ổn định và bền vững.

Michael Spence, từng đoạt giải Nobel Kinh tế, là Giáo sư Kinh tế học tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, Nghiên cứu viên Xuất sắc tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế, Nghiên cứu viên Cấp cao tại Viên Hoover thuộc Đại học Stanford, Chủ tịch Ban Học thuật của Viện Toàn cầu Châu Á tại Hong Kong, và Chủ tịch Hội đồng Nghị sự Toàn cầu về các Mô hình Tăng trưởng Mới thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Hình: Ông Lý Quang Diệu tiếp Đặng Tiểu Bình trong chuyến thăm của Đặng tới Singapore tháng 11/1978. Nguồn: Straits Times.

Copyright: Project Syndicate – President Xi’s Singapore Lessons.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]