06/12/1865: Mỹ chính thức bãi bỏ chế độ nô lệ

Print Friendly, PDF & Email

06

Nguồn: 13th Amendment ratified, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1865, Tu chính án thứ 13 của Hiến pháp Mỹ đã được phê chuẩn, chính thức chấm dứt chế độ nô lệ. “Không có bất cứ nô lệ hay nô lệ tự nguyện nào, ngoại trừ trường hợp đó là bản án hợp lệ cho tội phạm, được tồn tại ở nước Mỹ, hoặc bất cứ nơi nào thuộc quyền tài phán của nước Mỹ.” Với những lời này, sự thay đổi lớn nhất sau Nội chiến Mỹ đã chính thức được ghi nhận trong Hiến pháp.

Quá trình phê chuẩn kéo dài đến tám tháng sau khi Nội chiến kết thúc, nhưng nó đã đại diện cho đỉnh cao của cuộc đấu tranh chống lại chế độ nô lệ. Khi chiến tranh bắt đầu, một số người ở miền Bắc đã chống lại việc mà họ cho là một cuộc thập tự chinh để chấm dứt chế độ nô lệ. Dù đã có rất nhiều người miền Bắc theo Đảng Dân chủ và cả những người bảo thủ của Đảng Cộng hòa phản đối việc mở rộng chế độ nô lệ, họ vẫn còn đang ‘nước đôi’ trong việc chấm dứt hoàn toàn chế độ này. Nội chiến leo thang sau Trận Bull Run Thứ Nhất tại Virginia (07/1861) khiến nhiều người bắt đầu suy nghĩ lại về vai trò của chế độ nô lệ trong việc gây ra xung đột.

Đến năm 1862, Lincoln nhận thấy rằng thật là dại dột nếu cứ tiến hành một cuộc chiến tranh đẫm máu như vậy mà không có kế hoạch xóa bỏ chế độ nô lệ. Vào tháng 09/1862, sau chiến thắng của Liên bang miền Bắc trong Trận Antietam tại Maryland, Lincoln đã ban hành Tuyên Ngôn Giải Phóng Nô Lệ, tuyên bố rằng mọi nô lệ ở những bang nổi dậy tính đến 01/01/1863, sẽ được tự do mãi mãi. Động thái này thật ra mang tính biểu tượng, vì nó chỉ giải phóng nô lệ ở những khu vực ngoài tầm kiểm soát của Liên bang miền Bắc, nhưng nó đã làm thay đổi bản chất xung đột, từ một cuộc chiến để thống nhất các tiểu bang, sang một cuộc chiến mà mục tiêu bao gồm cả việc xóa bỏ chế độ nô lệ.

Lincoln tin rằng việc có một Tu chính án là cần thiết để đảm bảo sự kết thúc của chế độ nô lệ. Năm 1864, Quốc Hội đã thảo luận một số đề xuất. Một số người kiên quyết rằng nó phải bao gồm các quy định để tránh phân biệt đối xử với người da đen, nhưng Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã chuẩn bị văn bản cuối cùng, trích dẫn từ Pháp lệnh Tây Bắc (Northwest Ordinance) năm 1787, khi chế độ nô lệ bị cấm ở các khu vực phía bắc của sông Ohio. Thượng viện Mỹ đã thông qua Tu chính án vào tháng 04/1864.

Chiến thắng của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1864 đã đảm bảo sự thành công của Tu chính án. Đảng Cộng hòa kêu gọi “hủy diệt hoàn toàn và đầy đủ” chế độ nô lệ, trong khi Đảng Dân chủ ủng hộ phục hồi quyền của các tiểu bang, trong đó sẽ bao gồm ít nhất là khả năng các bang có thể duy trì chế độ nô lệ. Chiến thắng áp đảo của Lincoln đã mở đầu chuỗi sự kiện dẫn đến việc phê chuẩn Tu chính án. Hạ viện thông qua Tu chính án vào tháng 01/1865 và nó đã được gửi đến các tiểu bang. Sau khi Georgia phê chuẩn vào ngày 06/12/1865, chế độ nô lệ đã chính thức không còn tồn tại ở Mỹ.