08/12/1949: Quốc Dân Đảng chạy sang Đài Loan

08

Nguồn: Chinese Nationalists move capital to Taiwan; History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1949, sau nhiều lần thất thế trước phe cộng sản của Mao Trạch Đông, một số lãnh đạo Quốc Dân Đảng đã chuyển ra đảo Đài Loan, nơi họ lập ra một thủ đô mới. Tưởng Giới Thạch cũng lên đường ra đảo vào ngày hôm sau. Hành động này đã đánh dấu bước khởi đầu của cái gọi là “hai Trung Quốc” – đặt đại lục dưới sự kiểm soát của phe cộng sản và gây khó khăn ngoại giao cho Mỹ trong 30 năm tiếp theo. Đó còn là dấu hiệu kết thúc cuộc chiến kéo dài giữa lực lượng Quốc Dân Đảng và phe cộng sản của Mao Trạch Đông, dù rằng các lực lượng Quốc Dân Đảng sót lại (ở Đại lục) vẫn tiếp tục chiến đấu rải rác với quân đội cộng sản.

Vào thời điểm đó, nhiều nhà quan sát hy vọng rằng sự kết thúc nội chiến và quyết định thành lập một chính phủ riêng ở Đài Loan của Quốc Dân Đảng sẽ giúp các nước khác dễ dàng công nhận nhà nước cộng sản mới – Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, đối với Mỹ, hành động này chỉ gây thêm khó khăn cho chính sách ngoại giao. Nhiều người ở Mỹ, bao gồm cả các thành viên của “Nhóm Vận động Hành lang Trung Quốc” (China Lobby – các cá nhân và nhóm ủng hộ Trung Hoa Dân Quốc), đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Harry S. Truman tiếp tục hỗ trợ chính phủ của Tưởng Giới Thạch bằng cách không công nhận chính quyền cộng sản ở đại lục.

Thực ra, việc chính quyền Truman công nhận chính phủ Quốc Dân Đảng Đài Loan đã khiến Mao tức giận, và cũng chấm dứt mọi khả năng phát triển quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trong những năm sau năm 1949, Mỹ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan, trong khi chính phủ của Mao thì chống lại Quốc Dân Đảng.

Tuy nhiên, đến khoảng thập niên 1970, các nhà hoạch định chính sách Mỹ – với mong muốn thiết lập quan hệ kinh tế với Trung Quốc, và hy vọng sử dụng nước này để cân bằng chống lại sức mạnh của Liên Xô – đã chuyển sang quan hệ gần gũi hơn với chính quyền cộng sản. Năm 1979, Mỹ chính thức công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Xem thêm:

Tại sao Tưởng Giới Thạch chọn Đài Loan?