Tại sao EU nên hào phóng với nước Anh?

Nguồn: Hans-Werner Sinn, “Why the EU must be generous to Britain”, Project Syndicate, 31/01/2017.

Biên dịch: Dương Thị Thùy Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Thủ tướng Anh Theresa May đã xác nhận điều đó. Không còn nghi ngờ gì nữa, Vương quốc Anh sẽ rút ra khỏi Liên minh Châu Âu và đàm phán các hiệp ước thương mại mới. Câu hỏi đặt ra ở đây là EU sẽ chấp thuận dạng hiệp ước nào.

Bà May đã nói rõ rằng nước Anh không muốn một dàn xếp giống như với Thụy Sĩ hay Na Uy, bởi vì điều đó đòi hỏi nước này phải từ bỏ một số quyền kiểm soát về chính sách nhập cư. Chấp nhận quyền tài phán của Tòa án Công lý Châu Âu, cơ quan mà các nhà lãnh đạo Anh cáo buộc là đã đưa ra các phán quyết dựa trên các lợi ích tự thân, cũng là phương án không được chấp nhận.

Nhưng EU cũng sẽ không dễ dàng đồng ý cho nước Anh loại bỏ bất cứ thứ gì mình không thích, chí ít cũng sẽ bắt nước Anh phải trả một cái giá nào đó. Các nhà lãnh đạo EU khăng khăng rằng nước Anh không thể có được mậu dịch tự do với một thị trường đơn nhất nếu không cho phép người dân tự do di trú. Sự ngoan cố này tăng lên một phần xuất phát từ nỗi sợ rằng nếu nước Anh đạt được thỏa thuận một chiều đó, các nước khác trong khối cũng sẽ cố gắng làm theo. Nhưng mong muốn trừng phạt nước Anh, nếu không phải để ngăn chặn các nước thành viên khác khỏi việc li khai, thì chắc chắn cũng là một yếu tố góp phần vào mong muốn đó.

Cách tiếp cận này hoàn toàn sai. Trong khi sự ra đi của nước Anh rõ ràng là đáng tiếc, sự thật là tự do thương mại với EU không cần phải đi cùng với quyền tự do di trú của người dân. Theo lý thuyết thương mại thuần túy, những ảnh hưởng kinh tế và những phúc lợi đạt được từ tự do thương mại thay thế cho chứ không phải được nâng cao bởi sự tự do di trú của người lao động.

Nếu việc di trú không được cho phép, cấu trúc lương khác biệt giữa các nước nhiều khả năng sẽ xuất hiện hơn, kéo theo cơ cấu giá thành sản phẩm cũng khác nhau. Những sự khác biệt này sẽ tăng lợi nhuận từ thương mại; thực vậy, khai thác những sự khác biệt như thế chính là toàn bộ mục đích của thương mại. Nếu EU cự tuyệt không muốn duy trì tự do thương mai với nước Anh, thì chính người dân của khối này cũng sẽ chịu hậu quả tương tự như người dân Anh.

Lập luận cho rằng các nước thành viên khác có khả năng cũng sẽ làm theo ví dụ của nước Anh là không đáng tin cậy. Có hai dạng cộng đồng chính trị. Một là hoàn toàn theo tiêu chí tối ưu Pareto: có nghĩa là bởi vì cộng đồng này đưa ra những quyết định thống nhất – hoặc, ít nhất là tuân theo những nguyên tắc bảo vệ thiểu số – thì nó sẽ thực hiện các biện pháp cung cấp lợi thế cho một vài hoặc tất cả các thành viên và không tạo ra bất lợi cho bất kỳ thành viên nào. Cách tiếp cận này có nghĩa là các nước sẽ không giành giật miếng bánh to hơn gây bất lợi cho những nước khác. Thay vào đó, họ tình nguyện làm việc cùng nhau để đảm bảo cái bánh luôn phình to ra và các nước đều có một phần xứng đáng.

Dạng cộng đồng còn lại có đặc điểm: đầu tiên là phân bổ lại nguồn lực giữa các nước, sau đó quyền quyết định thuộc về số đông. Ở đây tồn tại người thắng, kẻ thua, bởi vì số đông có thể ép buộc cộng đồng làm theo ý mình, cho dù lợi ích mà các thành viên gặt hái được quá nhỏ so với những tổn thất mà nhóm thiểu số phải gánh chịu. Kết quả là, cái bánh thường trở nên nhỏ hơn và một vài nước cảm thấy rất bất mãn.

Dạng cộng đồng thứ hai có đặc tính không ổn định, bởi vì những người thua cuộc có khuynh hướng muốn rời khỏi liên minh. Cách duy nhất giữ họ ở lại là làm cho việc họ rời bỏ khối trở nên ít hấp dẫn hơn, ví dụ như bằng cách trừng phạt họ. Bằng cách lấy nước Anh làm gương, EU đang gửi đi một thông điệp rằng đây là một liên minh mà trong đó một số nước thành viên buộc phải chịu thiệt. Đây cũng là quan điểm đang được thúc đẩy bởi tổng thống mới của Mỹ – Donald Trump, người tuyên bố ủng hộ quyết định của nước Anh và kì vọng rằng nhiều nước thành viên nữa cũng sẽ làm theo.

Để tránh hậu quả đó, EU phải tự thay đổi mình từ một liên minh tái phân phối được lãnh đạo bởi số đông sang một liên minh tự nguyện và tối ưu hóa cho tất cả các thành viên được lãnh đạo bởi sự thống nhất – tuân theo nguyên lý Pareto. Bước đầu tiên là nên loại bỏ kế hoạch bổ nhiệm một bộ trưởng tài chính chung cho EU – người đứng đầu một cơ quan có thẩm quyền tự quyết về thuế. Bước tiếp theo là đồng ý với nước Anh một thỏa thuận tự do mậu dịch có lợi cho cả 2 bên.

Nếu EU không thay đổi phương pháp tiếp cận thì nó sẽ có nguy cơ trở thành một cộng đồng không đồng thuận mà trong đó một nhóm các nước thành viên thì hài lòng trong khi một nhóm khác muốn ra đi. Dù các hình phạt và biện pháp cưỡng chế có khả năng giữ các thành viên nao núng ở lại trong một thời gian, nhưng cách tiếp cận này có thể khiến EU dễ mất ổn định và các nước thành viên có thể bị bóc lột. Liên minh Châu Âu có thể chịu chung số phận với Liên Xô.

Không mối quan hệ nào có thể phát triển nếu các thành viên của nó cảm thấy đang bị gài bẫy. Một khối liên minh cũng như vậy. Có vẻ như phi logic, nhưng cách duy nhất để giữ vững EU chính là nên để nước Anh ra đi với các điều kiện hào phóng.

Hans-Werner Sinn, Giáo sư Kinh Tế và Tài chính Công tại Đại học Munich, từng là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo và phục vụ trong Hội đồng Tư vấn thuộc Bộ Kinh tế của Đức. Ông là tác giả của cuốn sách gần đây nhất The Euro Trap: On Bursting Bubbles, Budgets, and Beliefs.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Why the EU must be generous to Britain
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]