Nguồn: OK enters national vernacular, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1839, chữ “O.K.” đã xuất hiện lần đầu trên tờ Boston Morning Post. Hai kí tự này là viết tắt của “oll korrect,” một tiếng lóng phổ biến của “all correct” (chính xác) vào thời điểm đó. Kể từ đây, OK dần trở nên thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày của người Mỹ.
Cuối những năm 1830, giới trẻ và trí thức thường thích đánh vần sai từ vựng một cách cố ý, sau đó họ viết tắt chúng lại và sử dụng như tiếng lóng khi nói chuyện với nhau. Cũng như thanh thiếu niên ngày nay có tiếng lóng của riêng mình, dựa trên biến dạng của các từ thông dụng, chẳng hạn như “kewl” là “cool”, hay “DZ” là “these”, những nhóm nhỏ của thập niên 1830 cũng có hàng loạt tiếng lóng được viết tắt. Các chữ viết tắt phổ biến bao gồm “KY” là viết tắt của “know yuse” (không sử dụng), “KG” là viết tắt của “know go” (không đi), và “OW” là viết tắt của “oll wright” (ổn thôi).
Trong số những chữ viết tắt được sử dụng ở thời đó, OK bất ngờ được chú ý khi nó xuất hiện trên Boston Morning Post, cụ thể là trong một câu chuyện cười. OK càng trở nên phổ biến mạnh mẽ khi nó được các chính trị gia hiện đại sử dụng. Khi Tổng thống Mỹ thời đó Martin Van Buren ra tái tranh cử, những người ủng hộ Đảng Dân chủ của ông đã tổ chức thành một nhóm để gây ảnh hưởng đến cử tri. Nhóm này được chính thức gọi là “Câu lạc bộ O.K.” (O.K. Club), nó vừa có liên quan đến biệt danh của Van Buren là “Old Kinderhook” (quê hương của ông là Kinderhook, New York), và vừa có liên quan đến từ viết tắt đang nổi tiếng trên báo chí trong quãng thời gian đó. Cũng trong thời gian này, Đảng Whig đối lập đã sử dụng “O.K.” để bôi nhọ cố vấn chính trị của Van Buren, Andrew Jackson. Theo đảng này, Jackson tạo ra chữ viết tắt “OK” chẳng qua là vì ông ta đã đánh vần sai cụm từ “all correct.”
Người đàn ông đã giúp làm sáng tỏ những bí ẩn đằng sau “OK” là một nhà ngôn ngữ học người Mỹ, Allen Walker Read. Là giáo sư tiếng Anh tại Đại học Columbia, Read đã bác bỏ một loạt các giả thuyết sai lầm về nguồn gốc của “OK”, từ tên của một loại bánh phổ biến trong quân đội (bánh Orrin Kendall), hoặc là tên của một khu cảng Haiti nổi tiếng với món rượu rum (rượu Aux Cayes), cho đến tên của một tù trưởng người Choctaw là tù trưởng Old Keokuk. Dù nguồn gốc của nó là gì thì “OK” đã trở thành một trong những từ phổ biến nhất trên thế giới, và chắc chắn là một trong những “từ xuất khẩu” thành công nhất của Mỹ.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]