Nghệ thuật phản kháng trong thời đại của Trump

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Nina L. Khrushcheva, “Laughing in the Dark,” Project Syndicate, 01/03/2017.

Biên dịch: Dương Trường Phúc | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Là một cựu công dân Liên Xô, tôi có thể nói với bạn điều này: khi giới nghệ sĩ lên tiếng chống lại một hệ thống chính trị thì đó chưa bao giờ là một dấu hiệu tốt cho hệ thống chính trị đó. Và khi phát ngôn của họ làm người ta lo lắng thấy rõ thì nhiều khả năng là hệ thống đó có vấn đề.

Trong một nền dân chủ, nghệ thuật có thể đơn thuần là bị bỏ qua. Tất nhiên, người ta có thể trân trọng văn hóa, nhưng đó là lựa chọn của mỗi người chứ không phải là điều cần thiết. Sự thờ ơ (đối với nghệ thuật) là một điều xa xỉ được ban cho những người mà các quyền tự do của họ được bảo vệ tốt. Tuy nhiên, khi các quyền tự do ấy bị đe dọa, nghệ thuật lại trở thành một tuyến phòng thủ quan trọng. Ngày nay, Hoa Kỳ đang học được bài học ấy.

Chỉ trong hơn một tháng, Tổng thống Donald Trump đã thay đổi các quy tắc của nền chính trị Mỹ – và không phải là theo hướng tốt lên. Bất cứ lúc nào các sự kiện thực tế đi ngược lại quan điểm của chính quyền Trump – hoặc tệ hơn là cho rằng ông ấy không được người dân ủng hộ – thì ông lại lên án cánh nhà báo là những kẻ cung cấp “tin vịt” và là “kẻ thù” của nhân dân Mỹ.

Hệ thống tư pháp và cộng đồng tình báo cũng không thoát khỏi các cuộc tấn công sốt sắng của Trump. Bất kỳ sự phản đối mệnh lệnh nào, như các phán quyết chống lại sắc lệnh cấm một bộ phận người Hồi giáo vào đất nước, hoặc tiết lộ những việc làm sai trái tiềm tàng, như các cuộc trò chuyện bí mật của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia với Đại sứ Nga, đều nhanh chóng bị lên án.

Trong khi các trụ cột của nền dân chủ Mỹ đang bị công kích, giới nghệ sĩ đã vào cuộc. Thậm chí trước khi Trump nhậm chức, các nhà văn của hiệp hội PEN Mỹ đã tổ chức cuộc biểu tình #LouderTogether trên bậc thềm Thư viện Công cộng New York để “gửi thông điệp” đến một chính quyền “đã công khai bày tỏ thái độ thù địch với báo giới và các chuẩn mực tự do biểu đạt khác.”

Khi Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence đến xem vở kịch Hamilton ở Broadway, các diễn viên đã kêu gọi ông duy trì các giá trị Mỹ và làm việc nhân danh toàn thể nhân dân Mỹ (điều này khiến Trump đưa ra một lời chỉ trích trên Twitter). Cách đó không xa, vở kịch Party People (Đảng Nhân dân) khám phá di sản của Black Panthers và Đảng Young Lords đã truyền tải một thông điệp đối đầu hơn, một phần của kịch bản đã chỉnh sửa nhắm đến chiến thắng của Trump.

Khi Trump ký sắc lệnh cấm bất cứ ai đến từ bảy nước Hồi giáo lớn nhập cảnh vào Mỹ, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) đã treo tác phẩm của các nghệ sĩ đến từ các nước này. Trên tấm bảng cạnh các bức tranh, MoMA công khai nhắc đến sắc lệnh của Trump và xác nhận bảo tàng treo các bức tranh này để “khẳng định những lý tưởng hoan nghênh và tự do” vốn mang tính sống còn đối với nước Mỹ.

MoMA cũng lên kế hoạch chiếu bốn bộ phim của các đạo diễn chịu lệnh cấm đi lại. Trong tháng 4 tới, gần 100 rạp chiếu phim độc lập của Mỹ và Canada sẽ chiếu miễn phí 1984 của George Orwell như một phản ứng trước việc chính quyền Trump bao biện cho “những sự thật thay thế” (alternative facts).

Các diễn viên Hollywood đã tận dụng mùa trao giải năm nay để đưa ra những phát biểu chính trị của mình. Diễn viên Meryl Streep đã thu hút sự tức giận của Trump trong một bài phát biểu tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng, khi bà lên án Trump vì đã giễu cợt một phóng viên khuyết tật và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do báo chí. David Harbour, khi nhận một giải thưởng của Nghiệp đoàn Diễn viên Màn ảnh, đã tuyên bố rằng diễn xuất tuyệt vời “là một lời hiệu triệu kêu gọi giới nghệ sĩ chúng ta dấn thân sâu hơn, và thông qua nghệ thuật để chiến đấu chống lại nỗi sợ, sự ích kỷ, và sự độc quyền của nền văn hóa chủ yếu mang tính ái kỷ của chúng ta.”

Trong giới thời trang, một số nhà thiết kế lớn cam kết sẽ không thiết kế cho Đệ nhất Phu nhân Melania Trump. Tại Tuần lễ Thời trang New York gần đây, các nhà thiết kế từ Mara Hoffman đến Prabal Gurung đã dùng sàn diễn để thể hiện phát ngôn chính trị, và một số tên tuổi thời trang lớn nhất đã tham gia đoạn video của W Magazine với tuyên bố dõng dạc, “Tôi là người nhập cư.”

Những người ủng hộ Trump có lẽ sẽ muốn gạt đi những phát ngôn như thế, bảo các diễn viên và nghệ sĩ “tập trung vào công việc hằng ngày của mình đi.” Nhưng sự thật là lời nói của những nghệ sĩ ấy có ảnh hưởng – không chỉ lên Trump, một người bám đuôi Hollywood lâu năm. Không phải vô cớ mà các nhà lãnh đạo độc tài của Nga luôn cố gắng kiểm soát giới nghệ sĩ.

Khi giới nghệ sĩ cúi đầu trước quyền lực, nhà nước sẽ giành được một mức độ quyền lực mới và thậm chí là cả một mức độ chính danh mới. Đó là lý do tại sao Joseph Stalin lại cần nhà thơ chống Điện Kremlin nổi tiếng là Osip Mandelstam viết cho mình một bài thơ ca tụng.

Mandelstam đã đầu hàng trước áp lực này nhưng ông không bị khuất phục. Ông tiếp tục công kích Điện Kremlin, nổi tiếng nhất với bài “Chúng ta sống mà không cảm thấy mặt đất dưới chân mình.” Dù cuối cùng ông đã bỏ mạng trong một trại gulag, những bài thơ phản kháng của ông cùng với thơ của những nhà thơ dũng cảm khác đã góp phần làm nên sự sụp đổ của chế độ. Kiệt tác chống cộng sản trong thập niên 1970 của Alexander Solzhenitsyn mang tên Quần đảo Ngục tù (The Gulag Archipelago) cuối cùng đã cùng nền kinh tế xơ cứng phơi bày sự gian dối của chế độ cộng sản.

Putin chắc hẳn đã rất vui mừng khi người đoạt giải Nobel văn chương Solzhenitsyn trở nên ngày càng dân tộc chủ nghĩa khi về già cũng bày tỏ sự ủng hộ dành cho mình. Nhận thức được sức mạnh của nghệ thuật, Putin đã sớm thể hiện mình như một người hâm mộ văn hóa Nga. Ông cũng kết thân với những người bạn nước ngoài, bao gồm các biểu tượng điện ảnh Pháp Brigitte Bardot và Gérard Depardieu và ngay cả nhân vật tiếng tăm Hollywood Steven Seagal.

Đồng thời, ông cũng nhanh chóng loại trừ những kẻ có thông điệp mà ông không thích. Chương trình truyền hình châm biếm Puppets trong những năm 1990 gần như lập tức bị hủy bỏ sau khi Putin bước vào Điện Kremlin, khi nó so sánh ông với Little Zaches, một tên người lùn xấu xí, độc ác, và tự cho mình là quan trọng trong câu truyện cổ tích kỳ cục của E.T.A. Hoffmann.

Là một kẻ chuyên quyền non nớt đang cố gắng bịt miệng những người chỉ trích mình một cách vụng về, nói một cách rộng rãi nhất, có thể Trump sẽ cố gắng bắt chước hình mẫu người Nga của mình. Nhưng ông chưa hội tụ được đủ sức mạnh để gạt bỏ mọi tác phẩm và thể chế văn hóa chỉ trích mình. Nếu không phải thế thì có lẽ ông đã hủy bỏ chương trình hài Saturday Night Live mà ông thường xuyên lên án.

Nghệ thuật, dù nghiêm túc hay giễu nhại, thường là nơi phơi bày sự phi lý bi kịch của nền lãnh đạo áp bức. Và Trump càng cư xử tệ hại thì càng cần có nhiều nghệ sĩ phản đối ông. Chương trình Saturday Night Live đang đạt mức rating cao nhất trong sáu năm qua.

Nina L. Khrushcheva, tác giả cuốn Imagining Nabokov: Russia Between Art and PoliticsThe Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind, là Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế và Phó Hiệu trưởng Trường Đại học The New School tại New York. Bà cũng là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Thế giới.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Laughing in the Dark
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]