Nguồn: French revolutionaries storm Bastille, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1789, quần chúng cách mạng và quân lính nổi dậy ở Paris đã tấn công và phá hủy Bastille, từng là pháo đài của hoàng gia, sau chuyển thành nhà ngục, vốn đã trở thành biểu tượng cho sự tàn bạo của dòng họ Bourbon. Hành động kịch tính này là dấu hiệu cho sự khởi đầu của Cách mạng Pháp, thập niên của những xáo trộn chính trị và khủng bố, trong đó vua Louis XVI bị lật đổ và hàng chục ngàn người, bao gồm cả nhà vua và vợ ông – Marie-Antoinette, đã bị hành quyết.
Mùa hè năm 1789, nước Pháp đã nhanh chóng tiến đến cách mạng. Bernard-René Jordan de Launay, quan quản ngục Bastille, sợ rằng pháo đài của ông sẽ thành mục tiêu cho những người cách mạng, nên đã yêu cầu quân tiếp viện. Ngày 12/07, hoàng gia cho chuyển 250 thùng thuốc súng tới Bastille, và Launay đã cho quân lính lui vào trong pháo đài khổng lồ và nâng hai cây cầu kéo lên.
Rạng sáng ngày 14/07, một đám đông lớn được trang bị súng đạn, kiếm và các loại vũ khí tạm thời khác bắt đầu bao vây quanh ngục Bastille. Lính của Launay đã có thể cầm chân đám đông này, nhưng khi người dân Paris kéo đến ngày một nhiều, Launay đã giương một lá cờ trắng đầu hàng trên pháo đài. Ông và lính của mình đã bị bắt giam, kho thuốc súng của Bastille và các khẩu đại bác bị chiếm mất, và bảy tù nhân được trả tự do. Trên đường đến Hotel de Ville, nơi đáng lý Launay sẽ bị một hội đồng cách mạng xét xử, ông đã bị một đám đông kéo đi và giết chết.
Hành động chiếm ngục Bastille tượng trưng cho sự kết thúc của chế độ cũ và giúp quân cách mạng Pháp có được động lực không thể cưỡng lại được. Năm 1792, chế độ quân chủ chính thức bị bãi bỏ, Louis và vợ ông, Marie-Antoinette, bị đưa lên máy chém vì tội phản quốc năm 1793.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]