Nguồn: Gorbachev accepts ban on intermediate-range nuclear missiles, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày ngày năm 1987, trong một sự đảo ngược đầy kịch tính, nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã lên tiếng rằng ông sẵn sàng đàm phán về lệnh cấm các tên lửa hạt nhân tầm trung mà không cần phải có điều kiện. Quyết định của Gorbachev đã mở đường cho Hiệp ước Cắt giảm Tên lửa Hạt nhân Tầm trung (INF) với Mỹ.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1985, Gorbachev đã nói rõ rằng ông mong một mối quan hệ ít căng thẳng hơn với Mỹ. Người đồng cấp của ông, Tổng thống Ronald Reagan, là một người chống cộng mạnh mẽ và ban đầu cũng đã nghi ngờ sâu sắc về sự chân thành của Gorbachev. Tuy nhiên, sau khi gặp Gorbachev vào tháng 11/1985, Reagan tin rằng mình có thể đạt được tiến bộ về một số vấn đề, bao gồm kiểm soát vũ khí. Trong các cuộc họp thượng đỉnh tiếp theo, hai nhà lãnh đạo đã tập trung vào cái gọi là hệ thống tên lửa hạt nhân tầm trung mà cả hai quốc gia đã từng xây dựng ở châu Âu và trên toàn thế giới. Cuối năm 1986, dường như hai bên đã đạt được một thỏa thuận nhằm loại bỏ loại vũ khí này khỏi châu Âu.
Tuy nhiên, đàm phán gặp khó khăn khi Gorbachev yêu cầu lệnh cấm tên lửa phải kèm theo việc Mỹ từ bỏ phát triển Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (kế hoạch “Chiến tranh giữa các vì sao”). Đàm phán đã chấm dứt với các cáo buộc lẫn nhau của Reagan và Gorbachev. Ngày 22/07/1987, Gorbachev bất ngờ tuyên bố rằng mình sẵn sàng thảo luận về việc loại bỏ tên lửa tầm trung trên toàn thế giới, không cần bất cứ điều kiện gì. Bằng cách từ bỏ việc phản đối Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (là một trong những dự án cá nhân của Reagan), Gorbachev đã dọn đường cho các cuộc đàm phán. Ông và Reagan đã đồng ý gặp lại nhau.
Thay đổi trong ý định của Gorbachev là kết quả của một số yếu tố. Đất nước của ông đang phải hứng chịu những vấn đề kinh tế nghiêm trọng và Gorbachev rất muốn cắt giảm chi tiêu quân sự của Liên Xô. Ngoài ra, phong trào “chống vũ khí hạn nhân” gia tăng ở châu Âu đang cản trở khả năng xây dựng quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô với Pháp, Anh và các quốc gia Tây Âu khác. Cuối cùng, Gorbachev dường như có sự tin tưởng chân thành và tình bạn thân thiết với Ronald Reagan, và tình cảm này có vẻ như cũng được đáp lại. Tháng 12/1987, trong một hội nghị thượng đỉnh tại Washington, hai bên đã ký Hiệp ước Cắt giảm Tên lửa Hạt nhân Tầm trung (INF), loại bỏ toàn bộ loại vũ khí hạt nhân này.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]