25/04/1915: Phe Hiệp Ước bắt đầu xâm chiếm bán đảo Gallipoli

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Allies begin invasion of Gallipoli, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1915, một tuần sau khi cuộc tấn công của hải quân Anh-Pháp vào Dardanelles kết thúc trong thất bại, phe Hiệp Ước đã tiếp tục triển khai một cuộc đổ bộ quy mô lớn lên Bán đảo Gallipoli, vùng đất do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở phía bắc Dardanelles.

Tháng 01/1915, hai tháng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tham gia Thế chiến I về phía phe Liên minh Trung tâm, Nga đã kêu gọi Anh bảo vệ nước này trước các cuộc tấn công của quân đội Ottoman ở vùng Caucasus. Lord Kitchener, Bộ trưởng Chiến tranh Anh Quốc, nói với Churchill, Bộ trưởng Hải quân, rằng không có đội quân nào sẵn sàng giúp đỡ người Nga và nơi duy nhất họ có thể hỗ trợ là tại Dardanelles, để ngăn chặn quân đội Ottoman di chuyển về phía đông đến Caucasus. Đô đốc Thứ nhất của Hải quân Hoàng gia, John Fisher, chủ trương tiến hành một chiến dịch chung giữa bộ binh và hải quân.

Cuộc tấn công của hải quân vào ngày 18/03/1915 là một thảm họa khi ngư lôi Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh chìm một nửa hạm đội Anh-Pháp nhắm vào Dardanelles. Sau thất bại này, Bộ chỉ huy của phe Hiệp Ước đã chuyển trọng tâm sang một cuộc đổ bộ của bộ binh lên Bán đảo Gallipoli, với mục tiêu bảo vệ Dardanelles để hạm đội phe Hiệp Ước có thể vượt qua an toàn và hợp cùng quân Nga ở Biển Đen.

Ngày 25/04, quân đội Anh, Pháp, Úc và New Zealand bắt đầu đổ bộ vào Bán đảo Gallipoli. Nhưng lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị sẵn sàng để đối đầu, bởi từ lâu họ đã nhận thức được khả năng của một cuộc đổ bộ như vậy. Quân đoàn Úc và New Zealand (Australian and New Zealand Army Corps, ANZAC) hứng chịu thương vong nặng nề gây ra bởi nhóm binh sĩ được huấn luyện tốt nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn đầu là Mustafa Kemal Atatürk, Tổng thống tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, người Anh và người Pháp cũng gặp phải sự kháng cự quyết liệt tại các địa điểm đổ bộ, tổn thất thậm chí lên tới 2/3 lực lượng tại một số địa điểm. Trong ba tháng tiếp theo, phe Hiệp Ước chỉ giành được chút ít lãnh thổ ở những nơi họ đổ bộ, nhưng phải chịu tổn thất khủng khiếp.

Để phá vỡ thế bế tắc, một cuộc đổ bộ mới của quân Anh tại Vịnh Suvla được triển khai vào ngày 06/08, nhưng người Anh đã không tận dụng được cuộc đổ bộ dễ dàng đó và đã phải chờ đợi quá lâu mới tiến lên. Quân tiếp viện Ottoman đã đến và nhanh chóng ngăn chặn bước tiến của họ. Chiến hào đã được đào, và người Anh chỉ tiến được một vài dặm.

Tháng 9, Sir Ian Hamilton, chỉ huy người Anh, đã được thay thế bởi Sir Charles Monro, người vào tháng 12 đã đề nghị di tản khỏi Gallipoli. Ngày 08/01/1916, các lực lượng phe Hiệp Ước bắt đầu một cuộc rút lui hoàn toàn khỏi bán đảo, kết thúc một chiến dịch thảm khốc với con số thương vong của quân Hiệp Ước là 250.000 người. Sự kiện này đồng thời làm suy giảm uy tín của đội ngũ chỉ huy quân sự, bao gồm cả Churchill, người đã từ chức Bộ trưởng Hải quân và nhận nhiệm vụ chỉ huy một tiểu đoàn bộ binh ở Pháp.