15/10/1917: Mata Hari bị xử tử

Nguồn: Mata Hari executed, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1917, Mata Hari, hình mẫu nguyên thủy của những nữ điệp viên quyến rũ, đã bị một đội hành quyết Pháp xử tử hình vì tội làm gián điệp tại Vincennes, bên ngoài Paris.

Mata Hari đặt chân đến Paris lần đầu tiên vào năm 1905 và sau đó nhanh chóng nổi danh là một nghệ sĩ biểu diễn những điệu vũ tuyệt đẹp lấy cảm hứng  từ châu Á. Cô đã sớm lưu diễn khắp châu Âu, kể lại câu chuyện về cách cô được sinh ra trong một ngôi đền Ấn Độ thiêng liêng và được dạy các vũ điệu cổ xưa từ một nữ tu, người đã đặt tên cho cô là Mata Hari, có nghĩa là “đôi mắt của ban ngày” trong tiếng Malay. Thực ra, Mata Hari sinh ra ở một thị trấn nhỏ ở bắc Hà Lan vào năm 1876, và tên thật của cô là Margaretha Geertruida Zelle.

Hiểu biết về các điệu múa Ấn Độ và Java của Mata là nhờ thời kỳ cô sinh sống ở Malaysia một vài năm với chồng cũ, một người Scotland phục vụ trong quân đội thuộc địa của Hà Lan. Dù thân phận không rõ ràng, nhưng cô vẫn đủ sức lấp đầy các vũ trường và các nhà hát opera từ Nga đến Pháp, chủ yếu là vì chương trình biểu diễn của cô sẽ bao gồm cảnh cô từ từ khỏa thân.

Mata Hari bắt đầu trở thành một gái điếm nổi tiếng. Khi Thế chiến I bùng nổ, danh sách người tình của cô dần có thêm các sĩ quan cao cấp với các quốc tịch khác nhau. Tháng 02/1917, chính quyền Pháp đã bắt cô vì tội gián điệp và giam cô tại Nhà tù St. Lazare ở Paris. Tại một tòa án quân sự được tổ chức vào tháng 7, cô bị buộc tội tiết lộ chi tiết về vũ khí mới của quân Đồng minh, đó là xe tăng, dẫn đến cái chết của hàng ngàn binh sĩ. Mata Hari bị tuyên là có tội chịu án tử hình, và vào ngày 15/10, cô đã từ chối chịu bịt mắt và đã bị bắn chết bởi một đội hành quyết ở Vincennes.

Có một số bằng chứng cho thấy Mata Hari là một điệp viên của Đức, và trong một thời gian ngắn, là một điệp viên hai mang cho người Pháp, nhưng người Đức cho rằng cô là một điệp viên không có hiệu quả và những cuộc nói chuyện chăn gối của cô đem lại rất ít thông tin có giá trị. Tòa án quân sự xét xử Mata đã đầy những sự thiên vị và các bằng chứng thiếu xác đáng, và có thể việc chính quyền Pháp tuyên bố cô là “nữ gián điệp vĩ đại nhất của thế kỷ” là nhằm đánh lạc hướng công luận khỏi những thất bại to lớn mà quân đội Pháp đang gánh chịu ở mặt trận phía Tây. Tội ác thực sự duy nhất của Mata Hari có lẽ chỉ là câu chuyện thêu dệt cầu kỳ trên sân khấu và việc đánh vào điểm yếu của những người đàn ông mang quân phục.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]