Nguồn: Brazil declares war on Germany, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1917, Brazil tuyên bố quyết định tham gia Thế chiến I, đứng về phía các cường quốc phe Hiệp ước.
Là một trong những nước quan trọng trong thị trường thương mại Đại Tây Dương, Brazil – một quốc gia rộng lớn chiếm gần một nửa lục địa Nam Mỹ – đã ngày càng bị đe doạ bởi chính sách chiến tranh tàu ngầm của Đức trong suốt hai năm đầu của Thế chiến I. Tháng 02/1917, khi Đức khôi phục chính sách này sau thời gian tạm đình chỉ vì áp lực của các quốc gia trung lập như Mỹ, Tổng thống Woodrow Wilson đã đáp trả bằng cách ngay lập tức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức; Mỹ chính thức bước vào cuộc chiến cùng với các cường quốc Hiệp Ước vào ngày 06/04/1917.
Một ngày trước khi Mỹ tuyên chiến, tàu ngầm U-Boat của Đức đã đánh chìm tàu thương mại Parana của Brazil khi nó vừa khởi hành từ bờ biển nước Pháp. Ngày 04/06, Dominico da Gama, Đại sứ Brazil tại Mỹ, đã viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Robert Lansing tuyên bố rằng Brazil đã huỷ bỏ sự trung lập trước đó và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức. “Brazil chưa từng và hiện tại cũng không hề có tham vọng chiến tranh,” da Gama nói, “và trong khi chúng tôi luôn kiềm chế không cho thấy bất kỳ sự thiên vị nào trong cuộc xung đột ở châu Âu, nhưng chúng tôi không thể đứng ngoài nữa, khi cuộc chiến có liên quan đến Mỹ, vốn không vì tư lợi mà chỉ vì lợi ích của trật tự tư pháp quốc tế, và khi Đức đã tấn công chúng tôi và các cường quốc trung lập khác bằng các hành động bạo lực nhất.”
Trong vài tháng sau đó, chính phủ Brazil đã tích cực tìm cách sửa đổi hiến pháp để cho phép đất nước này được tuyên chiến. Điều này đã được hoàn thành, tuyên bố được đưa ra vào ngày 26/10/1917. Trong một bức thư ngỏ gửi đến Vatican nhưng rõ ràng có ý định gửi cho toàn bộ các quốc gia trên thế giới, Ngoại trưởng Brazil, Tiến sĩ Nilo Pecanha, đã biện minh cho quyết định tham gia Thế chiến I bên cạnh phe Hiệp Ước bằng cách chỉ ra những đợt tấn công của Đức vào thương mại quốc tế và kêu gọi một mục đích cao hơn là tạo ra một thế giới hậu chiến hòa bình và dân chủ hơn: “Từ những đau khổ và giác ngộ của chiến tranh, sẽ sinh ra một thế giới mới mẻ và tốt đẹp hơn của tự do, và theo cách này, hòa bình lâu dài có thể được thiết lập mà không có những hạn chế chính trị hoặc kinh tế, và tất cả các nước đều được phép có một chỗ đứng dưới ánh mặt trời với các quyền bình đẳng và quyền trao đổi ý tưởng và hàng hóa trên cơ sở phổ quát của công lý và công bằng.”
Dù đóng góp thực sự của Brazil vào nỗ lực chiến tranh của phe Hiệp Ước chỉ giới hạn ở một đơn vị y tế và một số phi công, sự tham gia của họ đã được tưởng thưởng bằng một chiếc ghế trên bàn đàm phán sau chiến tranh. Việc Brazil – theo quy mô dân số – đã có ba đại biểu chính thức tại Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919 đã làm phẫn nộ người Bồ Đào Nha, những người đã gửi 60.000 quân tới Mặt trận phía Tây và sau cùng chỉ có một đại biểu. Người Anh đã ủng hộ sự phản đối của Bồ Đào Nha, trong khi Mỹ ủng hộ Brazil; đã không có thay đổi nào được thực hiện.
Mâu thuẫn này cho thấy tầm quan trọng của việc các quốc gia trên thế giới có người đại diện ở Versailles, vì tại đó, những ranh giới của thế giới mới hậu Thế chiến I sẽ được xác định. Ngày 28/06/1919, Brazil là một trong 27 quốc gia ký Hiệp ước Versailles dài 200 trang, cùng với một số quốc gia châu Mỹ Latinh khác cũng tuyên bố ủng hộ cho phe Hiệp Ước, bao gồm Bolivia, Cuba, Ecuador, Guatemala, Haiti, Honduras, Nicaragua, Panama, Peru và Uruguay.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]