Nguồn: Central Powers face rebellion on the home front, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1918, khi Thế chiến I đã ở rất gần đoạn kết, người biểu tình nổi loạn đã bất ngờ xuất hiện ở Đức và Áo-Hung, mang theo băng rôn đỏ của Đảng Cộng sản cách mạng xã hội chủ nghĩa và đe doạ sẽ theo gương người Nga hạ bệ các chính phủ đế quốc của họ.
Vào tuần cuối cùng của tháng 10/1918, ba trong số các nước thuộc Liên minh Trung tâm – Đức, Áo-Hung và Đế chế Ottoman – đang đàm phán với phe Hiệp ước về thỏa thuận ngừng bắn, trong khi nước thứ tư, Bulgaria, đã đạt được một thỏa thuận như vậy vào tháng Chín. Ngày 28/10, 1.000 thủy thủ thuộc hải quân Đức đã bị bắt sau khi từ chối thực hiện mệnh lệnh từ các chỉ huy của họ nhằm tiến hành cuộc tấn công cuối cùng chống lại người Anh ở Biển Bắc.
Sau khi khống chế đội tàu của Đức, cuộc phản kháng nhanh chóng lan tới thành phố Kiel của Đức, và vào ngày 03/11, có khoảng 3.000 thủy thủ và công nhân đã giương cao lá cờ đỏ của chủ nghĩa cộng sản. Thống đốc Kiel, Đô đốc Wilhelm Souchon, đã kêu gọi các viên chức hải quân trung thành với chính phủ tham gia đàn áp cuộc nổi dậy; tám người trong số những người nổi loạn bị giết, nhưng sự kháng cự vẫn tiếp diễn.
Trong khi đó, cách mạng đã nổ ra ở Vienna cũng như tại Budapest, nơi cựu Thủ tướng Hungary, Bá tước Istvan Tisza, bị các thành viên của lực lượng Cảnh vệ Đỏ (Red Guard) do cộng sản lãnh đạo ám sát vào ngày 31/10. Chứng kiến đế quốc của mình rơi vào hỗn loạn, chính phủ Áo-Hung đã quyết định đình chiến với phe Hiệp ước vào ngày 03/11, chấm dứt tham gia Thế chiến I.
Cùng ngày đó tại Moskva, trong một cuộc biểu tình đông đảo nhằm ủng hộ những người nổi dậy ở Áo, nhà lãnh đạo cộng sản Vladimir Lenin tuyên bố một cách đắc thắng: “Thời khắc đã đến gần, khi ngày đầu tiên của cách mạng thế giới nổ ra ở khắp mọi nơi.”
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]