22/12/1894: Bê bối Dreyfus nổ ra tại Pháp

Nguồn: Dreyfus affair begins in France, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1894, viên sĩ quan người Pháp Alfred Dreyfus đã bị kết tội phản bội tổ quốc bởi một toà án binh và chịu án tù chung thân vì chuyển giao bí mật quân sự cho người Đức. Bốn tháng sau đó, vị đại úy pháo binh gốc Do Thái, vốn bị buộc tội vì những bằng chứng mong manh trong một phiên xử bất thường, đã bắt đầu thụ án tù chung thân tại nhà tù khét tiếng – Nhà tù Đảo Devil ở Guyana thuộc Pháp.

Vụ án của Dreyfus chứng minh rằng thuyết bài Do Thái đã xâm nhập quân đội Pháp và toàn nước Pháp nói chung, bởi vì nhiều người cũng ca ngợi phán quyết này. Vụ việc bị bỏ xó mãi cho đến năm 1896, khi bằng chứng bị lộ ra cho thấy rằng Thiếu tá Ferdinand Esterhazy mới thực sự là người có tội.

Quân đội đã cố gắng để ngăn chặn thông tin này, nhưng đã có một đợt biểu tình trên toàn quốc, và quân đội không còn cách nào khác là phải đưa Esterhazy ra xét xử. Một phiên tòa đã được tổ chức vào tháng 01/1898, và Esterhazy đã được tha bổng chỉ trong vòng một giờ.

Để đáp trả, tiểu thuyết gia người Pháp Émile Zola đã cho xuất bản một bức thư ngỏ có tựa đề J’Accuse (Tôi buộc tội) trên trang nhất của tờ Aurore, nhằm cáo buộc các thẩm phán đã bị chi phối bởi quân đội. Tính đến buổi tối cùng ngày, 200.000 bản [của bức thư] đã được bán. Một tháng sau, Zola bị kết án tù vì tội vu khống nhưng tìm cách trốn sang Anh. Vụ bê bối đã dẫn tới một sự chia rẽ quốc gia đầy nguy hiểm, trong đó những người theo chủ nghĩa dân tộc và các thành viên của Giáo hội Công giáo ủng hộ quân đội, trong khi những người thuộc phe cộng hòa, xã hội chủ nghĩa, và những người ủng hộ tự do tôn giáo đã cùng nhau đứng lên bảo vệ Dreyfus.

Năm 1898, Thiếu tá Hubert Henry, người phát hiện ra bức thư gốc được gán cho Dreyfus, thừa nhận rằng ông đã giả mạo nhiều bằng chứng nhằm chống lại Dreyfus. Sau đó Henry tự tử. Không lâu sau đó, Esterhazy trốn khỏi đất nước. Quân đội đã buộc phải ra lệnh thành lập một tòa án mới cho vụ Dreyfus. Năm 1899, ông tiếp tục bị tuyên có tội trong một phiên xử khác và bị kết án 10 năm tù giam. Tuy nhiên, chính quyền mới của Pháp đã ân xá cho ông, và năm 1906, tòa tối cao trong phiên phúc thẩm đã xóa bỏ mọi cáo buộc đối với ông. Những rối loạn sau vụ Dreyfus đã dẫn tới quá trình tự do hóa ở Pháp, việc giảm quyền lực của quân đội, và sự tách rời chính thức của Giáo hội khỏi nhà nước.

Vụ án Dreyfus là gì?