Nguồn: Peter Singer, “Is Marx Still Relevant?” Project Syndicate, 01/05/2018.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Từ năm 1949, khi những người cộng sản của Mao Trạch Đông giành chiến thắng trong cuộc nội chiến Trung Quốc, cho đến khi Bức tường Berlin sụp đổ 40 năm sau, ý nghĩa lịch sử của Karl Marx là vô cùng to lớn. Cứ mười người trên trái đất này thì gần bốn người sống dưới các chế độ tự nhận là Marxist, và ở nhiều nước chủ nghĩa Marx là ý thức hệ thống trị của cánh tả, trong khi các chính sách của cánh hữu thường được dựa trên cách chống lại chủ nghĩa Marx.
Tuy nhiên, khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Liên Xô và các nước vệ tinh, ảnh hưởng của Marx đã xuống dốc. Đến dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Marx, ngày 5 tháng 5 năm 1818, có vẻ không phải là quá xa vời khi cho rằng các dự đoán của ông đã sai lầm, các lý thuyết của ông đã mất uy tín, và các tư tưởng của ông đã trở nên lạc lõng. Vậy tại sao chúng ta lại nên quan tâm đến di sản của ông trong thế kỷ 21 này?
Danh tiếng của Marx đã bị tổn hại nghiêm trọng bởi sự tàn bạo của các chế độ tự gọi mình là Marxist, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy là Marx sẽ ủng hộ những tội ác như vậy. Nhưng chủ nghĩa cộng sản sụp đổ phần lớn là bởi, khi được áp dụng trong khối Liên Xô và ở Trung Quốc dưới thời Mao, nó đã không cung cấp được cho người dân một mức sống có thể cạnh tranh với mức sống của đa số người dân trong các nền kinh tế tư bản.
Những thất bại này không phản ánh những thiếu sót trong mô tả của Marx về chủ nghĩa cộng sản, bởi vì Marx chưa bao giờ mô tả nó: ông tỏ ra không hề quan tâm đến chi tiết về cách mà một xã hội cộng sản nên hoạt động như thế nào. Thay vào đó, những thất bại của chủ nghĩa cộng sản chỉ ra một lỗ hổng sâu sắc hơn: cái nhìn sai lầm của Marx về bản chất con người.
Marx cho rằng không có cái gọi là bản chất con người cố hữu hay bản chất sinh lý của con người. Bản chất của con người, ông viết trong Luận cương về Feuerbach, là “tổng hòa của các mối quan hệ xã hội.” Bởi vậy, nếu ta thay đổi các mối quan hệ xã hội – ví dụ, bằng cách thay đổi cơ sở kinh tế của xã hội và phá bỏ mối quan hệ giữa nhà tư bản và công nhân – thì con người trong xã hội mới sẽ rất khác so với cách họ sống trong chủ nghĩa tư bản.
Marx không đi đến niềm tin này thông qua các nghiên cứu chi tiết về bản chất con người dưới các hệ thống kinh tế khác nhau. Mà đúng hơn nó là áp dụng quan điểm của Hegel về lịch sử. Theo Hegel, đích đến của lịch sử là giải phóng tinh thần con người, điều này đạt được khi chúng ta hiểu được rằng chúng ta là một phần của một tâm trí con người phổ quát. Marx đã biến diễn giải “duy tâm” này thành một diễn giải “duy vật,” trong đó động lực của lịch sử là sự thỏa mãn các nhu cầu vật chất của chúng ta, và sự giải phóng sẽ đạt được thông qua đấu tranh giai cấp. Giai cấp công nhân sẽ là phương tiện dẫn đến sự giải phóng phổ quát vì nó là sự phủ nhận tư hữu, và do đó sẽ mang lại sự sở hữu tập thể các phương tiện sản xuất.
Marx nghĩ rằng một khi công nhân đã sở hữu tập thể các phương tiện sản xuất thì “những con suối thịnh vượng từ hợp tác” sẽ chảy mạnh hơn những con suối của cải tư nhân – trên thực tế, sẽ mạnh hơn đến mức phân phối không còn là vấn đề. Đó là lý do vì sao ông thấy không cần đi sâu vào chi tiết về cách phân phối thu nhập hay hàng hóa. Trên thực tế, khi đọc đề cương sáp nhập hai đảng xã hội chủ nghĩa Đức, Marx đã gọi những cụm từ như “phân phối công bằng” và “quyền bình đẳng” là “ngớ ngẩn lỗi thời.” Theo ông, chúng thuộc về một thời kỳ khan hiếm của cải mà cuộc cách mạng sẽ đánh dấu chấm hết cho nó.
Liên Xô đã chứng tỏ rằng việc bãi bỏ quyền sở hữu tư nhân các phương tiện sản xuất không hề làm thay đổi bản chất của con người. Hầu hết con người ta, thay vì cống hiến cho lợi ích chung, lại tiếp tục tìm kiếm quyền lực, đặc quyền, và sự xa hoa cho bản thân và người thân. Trớ trêu là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy những con suối của cải tư nhân chảy mạnh hơn những con suối của cải hợp tác lại được tìm thấy trong lịch sử của một đất nước rộng lớn mà đến nay vẫn tuyên bố là đi theo chủ nghĩa Marx.
Dưới thời Mao, hầu hết người dân Trung Quốc đều sống trong nghèo đói. Nền kinh tế của Trung Quốc chỉ bắt đầu phát triển nhanh chóng sau năm 1978 khi người kế nhiệm Mao là Đặng Tiểu Bình (người tuyên bố rằng “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”) cho phép các doanh nghiệp tư nhân được thành lập. Những cải cách của Đặng Tiểu Bình cuối cùng đã đưa 800 triệu người thoát ra khỏi cảnh nghèo cùng cực, nhưng cũng tạo ra một xã hội có bất bình đẳng thu nhập lớn hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào (và lớn hơn nhiều so với Mỹ). Mặc dù Trung Quốc vẫn tuyên bố là đang xây dựng “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc,” nhưng dễ thấy nền kinh tế của đất nước này không liên quan gì đến chủ nghĩa xã hội, chứ chưa nói đến chủ nghĩa Marx.
Nếu Trung Quốc đã không còn chịu ảnh hưởng đáng kể bởi tư tưởng của Marx thì chúng ta có thể kết luận rằng trong chính trị, cũng như trong kinh tế, ông quả thật đã không còn hợp thời. Tuy thế, ảnh hưởng trí thức của ông vẫn còn. Dưới một hình thức nhẹ nhàng hơn, lý thuyết duy vật lịch sử của ông đã trở thành một phần hiểu biết của chúng ta về những lực lượng quyết định hướng đi của xã hội loài người. Chúng ta không cần phải tin, như Marx từng nói một cách thiếu thận trọng, rằng máy quay bằng tay cho chúng ta một xã hội có các lãnh chúa phong kiến, còn máy hơi nước thì cho chúng ta một xã hội có các nhà tư bản công nghiệp. Trong các tác phẩm khác, Marx cũng đưa ra một quan điểm tinh tế hơn, trong đó ghi nhận sự tương tác giữa tất cả các khía cạnh của xã hội.
Bài học quan trọng nhất rút ra từ quan điểm của Marx về lịch sử là một bài học tiêu cực: sự tiến hóa của các tư tưởng, tôn giáo, và các thể chế chính trị không độc lập với những công cụ mà chúng ta dùng để thỏa mãn các nhu cầu của mình, cũng không độc lập với những cấu trúc kinh tế mà chúng ta tổ chức xoay quanh những công cụ ấy, hay với những lợi ích kinh tế mà chúng tạo ra. Nếu điều này có vẻ hiển nhiên đến mức không cần phải nói ra thì đấy là bởi chúng ta đã nằm lòng quan điểm này. Theo nghĩa đó, tất cả chúng ta đều đã là các nhà Marxist.
Xem thêm:
- #161 – Karl Marx dẫn đầu cuộc nổi dậy chống lại chủ nghĩa tư bản (P1)
- #162 – Karl Marx dẫn đầu cuộc nổi dậy chống lại chủ nghĩa tư bản (Phần 2)
- Karl Marx: Một nhà nhân văn lãng mạn
- Chân dung một Karl Marx đời thực
- #130 – Từ Adam Smith tới Marx: Sự thăng trầm của kinh tế học cổ điển
Peter Singer là giáo sư luân lý học sinh vật tại Đại học Princeton, giáo sư hàm Laureate tại Trường Nghiên cứu Lịch sử và Triết học thuộc Đại học Melbourne, và là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận The Life You Can Save. Các cuốn sách của ông bao gồm Animal Liberation, Practical Ethics, The Ethics of What We Eat (đồng tác giả với Jim Mason), Rethinking Life and Death, The Point of View of the Universe (đồng tác giả với Katarzyna de Lazari-Radek), The Most Good You Can Do, Famine, Affluence, and Morality, One World Now, Ethics in the Real World, và Utilitarianism: A Very Short Introduction (đồng tác giả với Katarzyna de Lazari-Radek). Năm 2013, ông được Viện Gottlieb Duttweiler vinh danh ở vị trí thứ ba trong danh sách “các nhà tư tưởng đương thời có ảnh hưởng nhất.”
Copyright: Project Syndicate 2018 – Is Marx Still Relevant?