12/08/30 TCN: Cleopatra tự sát

Nguồn: Cleopatra commits suicide, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 30 TCN, Cleopatra, Nữ hoàng Ai Cập, tình nhân của Julius Caesar và Mark Antony, đã quyết định kết liễu mạng sống sau khi lực lượng của bà thất bại trước quân của Octavian, người trong tương lai sẽ trở thành Hoàng đế đầu tiên của Rome.

Sinh năm 69 TCN, Cleopatra trở thành Cleopatra VII, Nữ hoàng Ai Cập, sau cái chết của cha mình, Ptolemy XII, vào năm 51 TCN. Cùng lúc đó, em trai của bà được tôn phong làm vua Ptolemy XIII, và hai chị em đã cai trị Ai Cập dưới các danh hiệu vốn chỉ dành cho vợ chồng. Cleopatra và Ptolemy là thành viên của Triều đại Macedonia, những người cai trị Ai Cập kể từ sau khi Alexander Đại đế qua đời năm 323 TCN. Mặc dù không mang trong mình dòng máu Ai Cập, nhưng Cleopatra là người duy nhất trong hoàng gia đã cố gắng học tiếng Ai Cập. Để mở rộng ảnh hưởng của mình đối với người dân Ai Cập, bà còn tự xưng là con gái Thần Re, Thần Mặt Trời của người Ai Cập. Cleopatra sớm xung khắc với em trai mình, và nội chiến đã nổ ra vào năm 48 TCN.

Khi ấy, nội chiến cũng đang diễn ra ở Rome, thành bang mạnh nhất trong thế giới phương Tây. Ngay khi Cleopatra chuẩn bị tấn công em trai bằng một đội quân Ả Rập lớn, nội chiến Rome bắt đầu lan sang Ai Cập. Pompey Vĩ đại, sau khi bị Julius Caesar đánh bại ở Hy Lạp, đã chạy trốn sang Ai Cập nhưng ngay lập tức bị sát hại bởi các điệp viên của Ptolemy XIII. Ngay sau đó, Caesar đến Alexandria, thấy rằng kẻ thù của mình đã chết, ông quyết định khôi phục trật tự ở Ai Cập.

Trong suốt thế kỷ trước đó, Rome ngày càng siết chặt quyền kiểm soát đối với vương quốc Ai Cập giàu có, và Cleopatra đã cố gắng đạt được mục tiêu chính trị của mình bằng cách lấy lòng Caesar. Bà quyết định tới cung điện hoàng gia ở Alexandria, và người ta nói rằng bà cuộn mình trong tấm thảm được đem đến làm quà tặng cho Caesar. Cleopatra, xinh đẹp và quyến rũ, đã nhanh chóng chiếm được trái tim nhà lãnh đạo La Mã hùng mạnh, và ông đã đồng ý đứng về phía bà để can thiệp vào nội chiến Ai Cập.

Năm 47 TCN, Ptolemy XIII bị giết chết sau thất bại trước lực lượng của Caesar, và Cleopatra tiếp tục trở thành người đồng cai trị với một người em khác, Ptolemy XIV. Julius và Cleopatra đã trải qua nhiều tuần lễ vui vẻ cùng nhau trước khi Caesar khởi hành đi Tiểu Á, nơi mà sau khi dập tắt một cuộc nổi loạn, ông tuyên bố “Veni, vidi, vici” (Ta đã đến, ta đã thấy, ta đã chinh phục). Tháng 6/47 TCN, Cleopatra sinh được một cậu con trai và tuyên bố đó là con Caesar. Bà đặt tên con là Caesarion, có nghĩa là “Tiểu Caesar.”

Khi Caesar trở về thành Rome trong vinh quang, Cleopatra và Caesarion đã đến sống cùng ông tại đây. Được bảo trợ bởi  một hiệp ước với Rome, Cleopatra sống một cách kín đáo trong một dinh thự mà Caesar sở hữu bên ngoài Rome. Sau khi Caesar bị ám sát vào tháng 3/44 TCN, bà trở về Ai Cập. Ngay sau đó, Ptolemy XIV qua đời, nhiều khả năng bị chính Cleopatra đầu độc, và nữ hoàng đã đưa con trai lên làm người đồng cai trị với mình, lấy hiệu là Ptolemy XV Caesar.

Vụ ám sát Caesar khiến Rome tiếp tục rơi vào nội chiến mà chỉ tạm thời được giải quyết vào năm 43 TCN. Tam Đầu Chế thứ hai (Second Triumvirate) được thành lập, gồm Octavian, cháu trai và người thừa kế chính thức của Caesar; Mark Antony, một vị tướng quyền lực; và Lepidus, một chính khách La Mã. Antony được phân quyền quản lý các tỉnh phía đông của Đế chế La Mã, và ông cho triệu hồi Cleopatra tới Tarsus, Tiểu Á, để giải thích về những cáo buộc rằng bà đã trợ giúp cho kẻ thù của ông.

Cleopatra liền tìm cách quyến rũ Antony, cũng theo cái cách mà bà đã quyến rũ Caesar trước đó. Năm 41 TCN, bà đến Tarsus trên một chiếc thuyền tuyệt đẹp, ăn mặc như Venus, Thần Tình yêu của người La Mã. Cleopatra đã thành công, Antony cùng bà trở về Alexandria, nơi họ trải qua mùa đông trong hoan lạc. Năm 40 TCN, Antony trở về Rome và kết hôn với chị gái của Octavian, Octavia, với hy vọng hàn gắn quan hệ liên minh đang căng thẳng với Octavian. Tuy nhiên, tình hình của Tam Đầu Chế tiếp tục xấu đi. Năm 37 TCN, Antony ly thân với Octavia và đi về hướng đông, thu xếp để gặp lại Cleopatra ở Syria. Trong thời gian cả hai chia cách, Cleopatra đã sinh ra cho Antony một cặp sinh đôi, một con trai và một con gái. Theo những tuyên truyền của Octavian, hai người sau đó đã kết hôn với nhau và điều này đã phạm vào luật La Mã vốn cấm kết hôn với người nước ngoài.

Chiến dịch quân sự tai hại của Antony chống lại Parthia vào năm 36 TCN tiếp tục khiến ông bị suy giảm uy tín, nhưng vào năm 34 TCN, ông đã thành công hơn trong cuộc chiến với Armenia. Để ăn mừng chiến thắng, Antony đã tổ chức một cuộc diễu hành trên các đường phố của Alexandria, trong đó ông và Cleopatra ngồi trên ngai vàng, còn Caesarion cùng cặp sinh đôi của họ thì được trao nhiều danh hiệu hoàng gia. Nhiều người dân Rome, bị Octavian kích động, đã xem cảnh diễu hành này như là một dấu hiệu cho thấy Antony có ý định đưa Đế quốc La Mã vào tay ngoại bang.

Sau nhiều năm căng thẳng và đả kích nhau bằng tuyên truyền, Octavian chính thức tuyên chiến với Cleopatra, và do đó là với Antony, vào năm 31 TCN. Kẻ thù của Octavian đã ủng hộ phe Antony, nhưng các chỉ huy quân sự xuất sắc của Octavian vẫn đạt được những thành công ban đầu. Ngày 02/09/31 TCN, các hạm đội của họ đụng độ tại Actium ở Hy Lạp. Sau trận đụng độ dữ dội, Cleopatra tháo chạy và lên đường về Ai Cập với 60 tàu của mình. Antony sau đó cũng bỏ trốn theo bà. Những con tàu còn lại vì thất vọng đã quyết định đầu hàng Octavian. Một tuần sau, bộ binh của Antony cũng đầu hàng.

Dù Antony phải chịu một thất bại quyết định, nhưng phải mất thêm gần một năm nữa trước khi Octavian đến Alexandria và một lần nữa đánh bại Antony. Sau trận chiến, Cleopatra đến trú ẩn ở lăng mộ mà bà đã tự xây cho mình. Nhận được tin Cleopatra đã chết, Antony liền tự sát bằng chính thanh kiếm của mình. Trước khi ông chết, một sứ giả khác đến báo rằng Cleopatra vẫn còn sống. Antony ra lệnh cho người hầu mang ông đến nơi ẩn náu của Cleopatra, nơi ông chết sau khi cầu xin bà giảng hòa với Octavian. Khi nhà lãnh đạo Rome đến, bà đã cố quyến rũ ông, nhưng Octavian đã chiến thắng được cám dỗ của bà. Thay vì chấp nhận chịu sự thống trị của Octavian, Cleopatra đã chọn cách tự sát vào ngày 12/08/30 TCN, có lẽ là bằng một con rắn mamba đen, loài rắn hổ có độc của Ai Cập, một biểu tượng cho tính chất thánh thần của hoàng gia.

Octavian sau đó ra lệnh hành quyết Caesarion, sáp nhập Ai Cập vào Đế chế La Mã, và sử dụng kho báu của Cleopatra để ban thưởng cho các chiến binh của mình. Năm 27 TCN, Octavian trở thành Augustus, Hoàng đế đầu tiên và cũng là Hoàng đế Thành công nhất trong tất cả các hoàng đế La Mã. Ông cai trị một Đế chế La Mã yên bình, thịnh vượng và liên tục mở rộng cho đến khi ông qua đời vào năm 14 SCN ở tuổi 75.