California có thể tách thành 3 như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: How California could split up, The Economist, 24/05/2018.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Một số người dân địa phương đang lên kế hoạch để tách Tiểu bang Vàng ra thành hai hoặc thậm chí là ba tiểu bang.

Ranh giới của California được thiết vào năm 1849, mở đường cho tiểu bang này gia nhập Hợp chúng quốc Hoa Kỳ vào năm tiếp theo. Việc tiểu bang này được gia nhập vào Hợp chúng quốc với tư cách là một tiểu bang tự do là một trong nhiều thỏa hiệp được đưa ra trước cuộc nội chiến giữa các tiểu bang chấp nhận chế độ nô lệ và các tiểu bang không chấp nhận. Vào thời điểm đó, phần lớn California được coi là không phù hợp cho con người cư trú, so với các vùng đất xa hơn về phía đông. Tiểu bang này bao gồm toàn đồi núi, rừng và các thung lũng sông thường xuyên bị ngập lụt. Thật vậy, cuộc điều tra dân số tiểu bang này vào năm 1850 chỉ ra có ít hơn 100.000 người sống ở đây. Gần 170 năm sau, nơi đây trở thành tiểu bang đông dân nhất và giàu có nhất nước Mỹ, với 40 triệu dân và nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Một số người cho rằng nó quá lớn và quá khó quản lý, và nhiều phong trào khác nhau đang theo đuổi giấc mơ chia tách tiểu bang này.

Ý tưởng chia tách một tiểu bang không phải là mới. Đề xuất chia tách California đã có từ năm 1855. Và mong muốn thay đổi không chỉ xuất hiện ở California. Vào năm 2011, đảng Dân chủ ở quận Pima, Arizona, đã đề xuất biến khu vực quận có 1 triệu dân của họ thành “Baja Arizona”. Hai năm sau đó, 11 quận ở miền bắc Colorado, nơi mà ba trong số bốn cử tri đã bầu Mitt Romney cho chức tổng thống, đã bỏ phiếu về việc liệu có nên lấy các mỏ dầu và khí đốt của họ và tạo ra một tiểu bang mới với dân cư thưa thớt hay không. Cả hai phong trào này đều không có mấy tiến triển.

Ở California, các khu vực nông thôn và thành thị có thể có thái độ rất khác nhau về các vấn đề thuế, chi tiêu, cấp phép sử dụng súng và khai thác đất công. Trừ một vài ngoại lệ, các khu vực ít dân cư của California nghiêng về phe bảo thủ, trong khi đó các khu vực đô thị, nơi có nhiều công việc và mức độ giàu có lớn hơn, lại nghiêng về phe Dân chủ. Cái gọi là Cuộc Đại Phân loại (“Big Sort”), theo đó ngày càng có nhiều người Mỹ di chuyển đến sống gần với những người chia sẻ quan điểm chính trị với họ hơn, đang diễn ra trên quy mô lớn ở California: các thành phố lớn nghiêng về phía phe tự do; trong khi các quận nông thôn lại có xu hướng cộng hòa (bảo thủ) nhiều hơn. Sự chia tách được đề xuất đối với tiểu bang này có xu hướng nhấn mạnh các tác động của quá trình phân loại chính trị kể trên.

Đề xuất về một California Mới, trong đó miêu tả chính phủ tiểu bang như một tập hợp của các nhà xã hội chủ nghĩa bị ám ảnh bởi thuế, sẽ tách chủ yếu các quận nông thôn ra thành bang thứ 51. Ngược lại, Tim Draper, một tỷ phú, cho rằng California chỉ đơn giản là quá lớn để có thể được quản trị tốt, và rằng các tiểu bang nhỏ hơn sẽ phục vụ cư dân tốt hơn, mặc dù ông đã không nêu ra các mục tiêu chính sách hoặc thuế cụ thể. Ông đã từng đề xuất chia California thành sáu tiểu bang, nhưng hiện tại ủng hộ chia thành ba: NorCal sẽ bao gồm San Francisco và miền bắc California; Cal sẽ chiếm hầu hết phần còn lại của khu vực ven biển, trong đó có Los Angeles; và SoCal sẽ bao gồm San Diego, khu vực Inland Empire một thời màu mỡ và Thung lũng Trung tâm phía nam.

Có rất nhiều trở ngại cho những thay đổi như vậy. Lần cuối một tiểu bang được chia tách diễn ra vào năm 1863, khi một phần của Virginia, một tiểu bang trong Hợp bang miền Nam, đã trở thành West Virginia thuộc Liên bang miền Bắc. Để một tiểu bang được chia tách, cả hai viện của cơ quan lập pháp tiểu bang thông thường sẽ phải phê chuẩn một nghị quyết, và Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ cũng phải làm như vậy.

Draper nói rằng ông có số lượng chữ ký cần thiết để đưa sáng kiến ​​ công dân này ra trưng cầu dân ý vào tháng 11 tới, qua đó sẽ cho phép ông bỏ qua cơ quan lập pháp tiểu bang. Nhưng ngay cả khi được đa số người dân California đồng tình, vấn đề này gần như chắc chắn sẽ bị thách thức bởi các lý do hiến pháp và thủ tục. Và ngay cả khi việc duy trì hiệu lực của sáng kiến này thành công, cũng không có khả năng Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu chấp thuận tăng số lượng thượng nghị sĩ của California.

Nhưng có một nỗ lực khác cũng đang diễn ra. Calexit, một đề nghị ly khai của nhóm Yes California, sẽ giữ nguyên vẹn toàn bộ tiểu bang — nhưng biến tiểu bang này trở thành một quốc gia độc lập. Nhóm này đã hủy bỏ một nỗ lực trước đó nhằm đưa vấn đề này ra trưng cầu dân ý sau khi người đồng sáng lập của nhóm được phát hiện đã chuyển sang Nga.