Nguồn: Germans bombard Leningrad, History.com
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào ngày này năm 1941, trong chiến dịch tấn công Liên Xô, các máy bay ném bom của Đức đã chọc thủng lưới phòng không của Leningrad và làm chết hơn 1.000 người Nga.
Quân đội của Hitler đã ở trong lãnh thổ Liên Xô kể từ tháng 06. Một nỗ lực của Đức để chiếm Leningrad (trước đó gọi là St. Petersburg) vào tháng 08 thông qua một cuộc xâm lược bằng xe tăng lớn đã thất bại. Hitler muốn tàn sát thành phố và giao nó cho một đồng minh, Phần Lan, nước đã tấn công Nga từ phía bắc.
Nhưng Leningrad đã tạo ra một tuyến phòng thủ chống xe tăng đủ để giữ chân quân Đức ở khoảng cách xa – và do đó một cuộc bao vây đã được tiến hành. Lực lượng Đức nỗ lực cắt lìa thành phố ra khỏi phần còn lại của Nga. (Phần Lan cuối cùng đã đột ngột chấm dứt cuộc xâm lăng Leningrad, thỏa mãn với việc lấy lại được phần lãnh thổ đã bị mất trong cuộc xâm lăng của Liên Xô vào năm 1939.)
Việc tạm dừng cuộc tấn công trên bộ và sự rút lui của các đơn vị thiết giáp để chuyển sang những nơi khác đã không ngăn Quân đội Đức tiếp tục cuộc tấn công thành phố. (“Quốc trưởng đã quyết định xóa sổ St. Petersburg khỏi mặt đất,” Hitler tuyên bố với các tướng lĩnh của mình.) Cuộc không kích thứ 19 đặc biệt tàn bạo; nhiều người trong số các nạn nhân vừa kịp hồi phục những vết thương do chiến đấu trong bệnh viện, sau đó lại bị trúng ngay bom của Đức.
Cuộc bao vây Leningrad kéo dài tổng cộng 872 ngày và gây nên những tác động tàn phá đối với người dân Nga. Hơn 650.000 người dân Leningrad đã thiệt mạng chỉ tính trong năm 1942 vì đói, nhiễm khí độc, bệnh tật, và pháo kích từ các vị trí của Đức bên ngoài thành phố. Tuyến đường duy nhất mà hàng tiếp tế có thể đi vào thành phố là thông qua Hồ Ladoga, khiến người Nga phải sử dụng các xe trượt băng trong mùa đông. Nhưng các nguồn lực được đưa qua chỉ đủ để kéo dài sự đau khổ của người dân Leningrad. Ngay cả những câu chuyện về ăn thịt người cũng đã bắt đầu rò rỉ ra khỏi thành phố. Các lực lượng Liên Xô cuối cùng đã thành công trong việc chọc thủng vòng vây vào tháng 01 năm 1944, đẩy lùi quân Đức ra cách xa thành phố 50 dặm.
Trong số những người bị mắc kẹt trong thành phố có một người giám sát phòng không sinh ra ở St. Petersburg tên là Dimitri Shostakovich, người đã viết Bản Giao hưởng thứ bảy của mình trong cuộc bao vây. Cuối cùng, ông đã được sơ tán và có thể trình diễn kiệt tác của mình tại Moskva. Buổi biểu diễn đầu tiên tại Hoa Kỳ của tác phẩm này đã được dùng để gây quỹ cứu trợ cho những người Nga khốn cùng.