Khi chủ nghĩa cộng sản truyền cảm hứng cho người Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Vivian Gornick, “When Communism Inspired Americans”, The New York Times, 29/04/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Tại một cuộc biểu tình ở thành phố New York vào năm 1962, nhà báo theo chủ nghĩa tự do nổi tiếng Murray Kempton đã chia sẻ trước nhóm khán giả gồm nhiều người cộng sản lớn tuổi: “Trong đời mình, tôi được biết nhiều người cộng sản. Tôi biết họ không phải khi là tội phạm. Tôi biết họ khi là những nhà hoạt động xã hội – và chúng tôi cũng có những lúc bất đồng. Dù đất nước này có đối xử không tốt với các anh, thì đất nước vẫn thật may mắn khi có các anh. Các anh đã bị bắt, bị theo dõi, bị nghe lén; con cái các anh bị sa thải. Thế nhưng, ngay cả như vậy, tôi vẫn có thể kể tên rất nhiều người tôi biết, những người vẫn còn hào hiệp, yêu đời và vững tin.” Ông cũng nói thêm, “Xin gửi lời chào trân trọng đến các anh và hy vọng thời gian sẽ làm mọi chuyện trở nên tốt hơn.”

Mẹ tôi là một trong số những khán giả đêm đó. Khi về nhà, bà nói: “Nước Mỹ may mắn khi có những người cộng sản. Khác với phần lớn chúng ta, họ đã góp phần đưa đất nước thực sự trở thành nền dân chủ mà người ta luôn nói đến.”

Cha mẹ tôi là những người theo chủ nghĩa xã hội thuộc giai cấp lao động. Tôi lớn lên trong khoảng cuối thập niên 1940 đầu thập niên 1950, luôn xem bố mẹ mình cùng bạn bè của họ theo đúng cái tên họ tự gọi mình – những người “tiến bộ” (progressives). Thế giới xã hội của những người tiến bộ đó là rất phức tạp. Trung tâm của nó là những “nhân viên toàn thời gian” làm việc cho Đảng Cộng sản, ở vùng ngoại vi là những người cảm thông và ủng hộ cánh tả, còn ở giữa hai vùng đó là một loạt người, từ các Đảng viên bình thường đến những nhân vật đáng kính khác.

Ngày còn nhỏ, tôi chẳng mấy quan tâm đến những sự phân biệt này. Những người bạn đến căn hộ ở Bronx của gia đình tôi, hoặc có mặt tại các bữa tiệc gây quỹ mà chúng tôi tham dự, hay cùng chúng tôi đến các cuộc biểu tình, các cuộc diễu hành ngày Quốc tế Lao động, … chỉ đơn giản là những người “tiến bộ.” Tại bàn bếp nhà tôi, họ uống trà, ăn món bánh mì đen và cá trích, và trò chuyện về “các vấn đề”. Tôi chẳng hiểu được bất cứ điều gì họ nói nhưng vẫn luôn hào hứng bởi sự phong phú trong luận điệu của họ, bởi sự căng thẳng trong cách họ tranh luận, bởi tính cấp bách và khao khát đằng sau “dòng sông” ngôn từ nóng bỏng không ngừng tuôn ra từ họ.

Những người thợ sửa ống nước, công nhân giặt ủi và thợ may này chính là những người thám hiểm trên con sông đó, và họ đã mang theo, trên hành trình của mình, không chỉ những kinh nghiệm hạn hẹp, nghèo khổ của riêng họ, mà còn cả một tập hợp các khái niệm trừu tượng với sức mạnh biến đổi xã hội. Khi những người này ngồi xuống để nói chuyện, Chính trị ngồi xuống với họ, Tư tưởng ngồi xuống với họ; và trên tất cả, Lịch sử ngồi xuống với họ. Họ đã nói và suy nghĩ trong một bối cảnh giải thoát họ khỏi sự vô danh, vô diện nơi họ được sinh ra, và trao cho họ niềm tin rằng họ có quyền cũng như nghĩa vụ. Họ không đơn thuần là những người thừa kế bị truất quyền của Trái Đất, họ là những người vô sản với một huyền thoại sáng lập (Cách mạng Nga) và một thế giới quan văn minh (Chủ nghĩa Marx) của riêng mình.

Dù đúng là hàng ngàn người đã tham gia Đảng Cộng sản vào thời điểm đó bởi vì họ là thành viên của tầng lớp lao động nghèo khổ (thợ may người Do Thái, thợ mỏ West Virginia, người hái trái cây California), nhưng đáng chú ý hơn là hàng ngàn người thuộc tầng lớp trung lưu có giáo dục (giáo viên, nhà khoa học, nhà văn) cũng tham gia, bởi với họ, Đảng Cộng sản sở hữu một thẩm quyền đạo đức giúp họ cảm nhận được những bất công xã hội thông qua niềm đam mê cải cách và luận điệu hùng hồn.

Hầu hết những người cộng sản chưa bao giờ đặt chân vào trụ sở đảng, hay để mắt đến một thành viên của Ủy ban Trung ương, hoặc được chia sẻ thông tin về các phiên họp bàn chính sách. Nhưng thành viên thuộc mọi cấp bậc đều biết rằng các công đoàn đảng rất quan trọng đối với sự trỗi dậy của công nhân công nghiệp; luật sư của đảng bảo vệ người da đen ở miền Nam; các thành viên của đảng sống, làm việc và đôi khi còn chết cùng với các thợ mỏ ở Appalachia, với nông dân ở California, với công nhân thép ở Pittsburgh. Các tổ chức do đảng xây dựng đã biến điều ấy thành sự thật: Tổ chức Hỗ trợ Công nhân Quốc tế (International Workers Order), Đại hội Quốc gia của Người Da đen (National Negro Congress), Hội đồng về vấn đề Thất nghiệp (Unemployment Councils). Bất cứ khi nào có một thảm họa thế giới mới xuất hiện trong suốt thời kỳ Đại Suy Thoái và Thế chiến II, tờ Nhật báo Công nhân (The Daily Worker) lại được bán sạch chỉ trong vài phút.

Có lẽ điều đó ngày nay rất khó hiểu, nhưng vào thời điểm ấy, tại đất nước này, quan điểm của chủ nghĩa Marx về tình đoàn kết thế giới đã được Đảng Cộng sản diễn dịch lại thành những suy nghĩ nhân văn đơn giản nhất, của những người đàn ông và phụ nữ bình thường nhất, giúp chúng được khắc sâu, khiến người ta cảm thấy cuộc đời thật lớn lao và rõ ràng. Chính sự rõ ràng của bản thể bên trong là điều khiến nhiều người trở nên không chỉ gắn bó với, mà còn tới mức bị ám ảnh bởi, chủ nghĩa cộng sản. Chẳng có phần thưởng nào, chẳng có tình yêu, danh tiếng hay tiền tài nào có thể cạnh tranh được với trải nghiệm ấy. Chính sự trọn vẹn trong suy nghĩ về thế giới và bản thân đã thường xuyên giúp những người cộng sản chân tín không thể chấp nhận tình trạng nhà nước cảnh sát suy đồi nằm ở ngay trung tâm niềm tin của mình, ngay cả một đứa trẻ 3 tuổi cũng có thể thấy rằng chính chủ nghĩa cộng sản đang tự hủy hoại mình.

Tôi vừa tròn 20 tuổi vào tháng 02/1956, khi Nikita Khrushchev phát biểu tại Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô và tiết lộ cho thế giới nỗi kinh hoàng dưới thời kỳ Stalin cai trị. Đêm này qua đêm khác, những người bạn ở bàn bếp của cha tôi đã giận dữ, khóc lóc, thẫn thờ nhìn vô định vào không gian. Tôi đã ở đó, với cơn thịnh nộ của tuổi trẻ. “Đồ dối trá.” Tôi hét lên với họ. “Dối trá, phản bội, giết người. Và tất cả đều nhân danh chủ nghĩa xã hội! Nhân danh chủ nghĩa xã hội!” Bối rối và đau khổ, họ bảo tôi hãy chờ đợi mà xem, đó không thể là toàn bộ sự thật, đơn giản là không thể. Nhưng đó chính là sự thật.

Báo cáo Đại hội lần thứ 20 đã gây ra sự phá hủy chính trị cho các tổ chức cánh tả trên toàn thế giới. Trong vòng vài tuần sau khi nó được công bố, 30.000 người Mỹ đã rời khỏi Đảng Cộng sản, và chỉ trong vòng một năm, đảng này đã quay lại kích thước ban đầu khi nó mới được thành lập hồi năm 1919: một chấm nhỏ trên bản đồ chính trị Mỹ.

Sự tồn tại của Đảng Cộng sản ở Mỹ kéo dài cơ bản khoảng 40 năm. Hàng trăm ngàn người Mỹ đã trở thành những người Cộng sản, ở thời điểm này hay thời điểm khác, trong suốt 40 năm đó. Nhiều người trong số họ đã phải chịu đựng sự cô lập xã hội, hủy hoại về tài chính và nghề nghiệp, và thậm chí là cả cảnh tù tội. Họ là hai thế hệ người Mỹ mà cuộc đời được thành hình bởi lịch sử chính trị, không giống bất kỳ người Mỹ nào khác trừ những người Mỹ thời cách mạng thuộc địa. Lịch sử sống trong họ – và họ sống trong lịch sử.

Vivian Gornick là tác giả cuốn hồi ký “The Odd Woman and the City.”

Đây là bài dịch cuối cùng của Dự án Nghiên cứu Quốc tế trong chuỗi bài về Một thế kỷ của Chủ nghĩa cộng sản. Bạn đọc có thể xem các bài còn lại trong chuỗi bài tại ĐÂY.