Brexit và bóng ma lịch sử

Nguồn: Harold James, “The Ghost of Brexit Past”, Project Syndicate, 04/12/2018.

Biên dịch: Phan Nguyên

Liên minh châu Âu đã đạt được sự chấp thuận của các quốc gia thành viên đối với một thỏa thuận đặt ra các điều khoản cho việc Vương quốc Anh rút khỏi khối. Nhưng vẫn chưa rõ liệu phần lớn các nghị sĩ Anh có phê chuẩn thỏa thuận này hay không nếu xét việc thỏa thuận này dường như trao quyền quyết định các vấn đề của Anh vào tay châu Âu.

Người ta có thể giả định một cách hợp lý rằng thỏa thuận này sẽ bị từ chối bởi những người ủng hộ Brexit cứng rắn vốn coi thỏa thuận này thậm chí còn kém thỏa đáng hơn so với hiện trạng. Và tất nhiên có rất nhiều người phản đối Brexit dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, bất chấp tất cả các sai sót của nó, thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Theresa May đã đàm phán với EU có khả năng sẽ xảy ra.

Một sự đảo ngược của quá trình Brexit giờ là rất khó khả thi. Brexit tạo thành một cuộc cách mạng, và điều đó có nghĩa là nó sẽ nhiều khả năng tuân theo một mẫu hình lịch sử quen thuộc. Như nhiều người Pháp đã học được sau năm 1789 và nhiều người Nga sau năm 1917, các cuộc cách mạng không thể bị bỏ qua cũng không thể bị dừng lại.

Chắc chắn là cuộc cách mạng Brexit đã diễn ra ở một đất nước có ít truyền thống cách mạng. Các chuyên gia pháp lý Anh tự hào về thực tế rừng trật tự hiến pháp của đất nước họ phát triển dần dần theo thời gian thay vì thông qua các biến động chính trị kịch tính đã định hình phần lớn lịch sử châu Âu lục địa. Nhưng cuộc trưng cầu ý dân tháng 6 năm 2016 đã chấm dứt chuỗi chủ nghĩa biệt lệ đó của Anh. Trớ trêu thay, cuộc bỏ phiếu đã báo hiệu nước Anh cuối cùng đã bắt kịp phần còn lại của châu Âu. Vào thời điểm mà hầu hết người dân châu Âu muốn an ninh và ổn định, phần lớn người Anh lại quyết định làm điều gì đó điên rồ và không thể đoán trước được.

Một số nhà sử học nhìn thấy nguồn gốc xa xôi của Brexit nằm trong việc Vương quốc Anh từ bỏ bản vị vàng hồi tháng 9 năm 1931, hoặc trong lần Anh rút ra khỏi Cơ chế Tỷ giá Hối đoái châu Âu hồi tháng 9 năm 1992. Nhưng Brexit không chỉ đơn thuần là chấm dứt một chế độ tiền tệ – một hoạt động tương đối dễ dàng thậm chí có thể tạo ra kết quả chính sách có lợi – hoặc thoát khỏi một số đặc điểm khó chịu của đời sống chính trị châu Âu hiện đại. Brexit đại diện cho một cuộc đại tu mang tính hệ thống của tất cả mọi thứ cùng một lúc.

Sau nhiều thập niên là thành viên trong chế độ quản lý của châu Âu, để đạt được một sự chia tay dứt khoát đòi hỏi phải viết lại vô số các quy tắc. Ngay cả một sai lầm nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến hậu quả không lường trước được. Ví dụ, các lỗ hổng bị bỏ qua có thể mở ra cánh cửa cho các hành vi nguy hiểm; và nhìn rộng hơn, những ngôn từ mơ hồ trong thỏa thuận có thể khiến toàn bộ khuôn khổ trở nên vô nghĩa hoặc tự mâu thuẫn.

Nói cách khác, toàn bộ quá trình này tương tự như thiết kế một chương trình xử lý văn bản mới từ đầu. Bất kỳ người có lý trí nào cũng sẽ sớm nhận ra rằng tốt hơn là cứ giữ nguyên hiện trạng. Nhưng logic của cách mạng làm cho một sự đảo ngược như vậy trở nên không thể.

Hầu hết các lập luận ủng hộ Brexit đều dựa trên quan niệm truyền thống về chủ quyền, và dựa trên nước Anh – chứ không phải là Vương quốc Liên hiệp Anh. Những người ủng hộ Brexit tung hô sự chống đối của Vua John đối với Giáo hoàng Innocent III hồi thế kỷ 13. Và họ thậm chí còn say mê hơn nữa với thời đại Tudor, khi vua Henry VIII đưa  Giáo hội Anh ra khỏi ách thống trị của Giáo hoàng. Cho đến ngày nay, nhà Tudor hiện diện gần như khắp mọi nơi, trong sách giáo khoa, phương tiện truyền thông, phim ảnh và trí tưởng tượng của người dân Anh.

Thời điểm bước ngoặt của Kháng Cách tại Anh xảy ra vào tháng 4 năm 1533, khi Quốc hội Anh thông qua Đạo luật Kháng nghị Giáo hội, trao cho Vua Henry quyền quyết định về tất cả các vấn đề pháp lý và tôn giáo. Mục đích của đạo luật này là giải phóng nước Anh khỏi quyền lực của một giáo hoàng vốn bị chi phối bởi Hoàng đế Charles I của Tây Ban Nha – cũng là Hoàng đế Charles V của Đế chế La Mã Thần thánh. Chừng nào Charles còn nắm quyền quyết định ở Rome, thì Henry sẽ không thể ly dị được bà dì của Charles, tức Catherine xứ Aragon.

Đạo luật này có một định nghĩa rõ ràng đầu tiên về chủ quyền lập pháp. Đạo luật này tuyên bố rằng “Vương quốc Anh là một đế chế, và đã được chấp nhận trên thế giới này với tư cách đó, được cai trị bởi một người đứng đầu tối cao, tức nhà vua”. Nhưng như mọi khi, các biện pháp phát động cuộc cách mạng đã không triệt để. Các đạo luật mà Quốc hội đã thông qua vào những năm 1530 đã không thay thế Công giáo bằng đạo Tin lành. Nhưng chúng đã mở đường cho các nhà cải cách tôn giáo đưa cuộc cách mạng bước vào giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều sự bất đồng giữa những người theo đạo Tin lành khi nói đến hình thức cải cách. Cuộc cách mạng sẽ tuân theo những lời dạy của Luther, Zwingli hay Calvin, hay sẽ lựa chọn một tầm nhìn thậm chí cấp tiến hơn? Thêm nữa, các phe phái khác nhau đã thúc đẩy các cách tiếp cận khác nhau, và những sự đảo ngược thường xuyên và đột ngột là điều phổ biến. Người soạn thảo Đạo luật Kháng nghị ban đầu, Thomas Cromwell, đã bị xử tử năm 1540 theo lệnh của nhà vua; và kiến trúc sư của Kháng Cách Anh, Đức Tổng Giám mục Thomas Cranmer, đã bị hỏa thiêu trên thánh giá năm 1556.

Trong thời kỳ trị vì của con trai Henry, tức Edward VI (1547-1553), động lực cách mạng đưa nước Anh dứt khoát đi theo hướng Tin lành. Nhưng, như nhà sử học Eamon Duffy lưu ý, với việc “lật đổ bàn thờ” một cách có hệ thống trong suốt thời kỳ này, nhiều thường dân Anh đã trải qua sự xáo trộn nơi sống và bị phân biệt đối xử. Một nỗi hoài niệm về trật tự cũ đã xâm chiếm nền chính trị, và sau cái chết của Edward, chị gái của ông, Mary I, đã bắt đầu đảo ngược tiến trình.

Tuy nhiên, tiến trình phản cách mạng đòi hỏi một cách tiếp cận triệt để không kém tiến trình cách mạng. Khi nhà nước Anh sử dụng các biện pháp ngày càng tàn bạo và man rợ, nhiều thần dân Anh đã kết luận rằng bản thân cuộc phản cách mạng này cũng rất nhiều thiếu sót. Sau cái chết của Mary, Elizabeth I cuối cùng phải đưa ra một thỏa hiệp. Nhưng, với nhiều vấn đề thần học chưa được giải quyết, cuộc Kháng Cách tiếp tục luân chuyển giữa các cuộc cách mạng và phản cách mạng bạo lực trong nhiều thập niên. Phải mất ít nhất một thế hệ (25 năm) thì cuộc xung đột mới lắng xuống.

Về phần mình, Henry VIII luôn muốn được an táng trong một lăng mộ hoành tráng nơi mà quần chúng (Công giáo) sẽ mãi phải nhớ đến. Nhưng không ước nguyện nào của ông được thực hiện. Điều tốt nhất mà nước Anh có thể làm chỉ đơn giản là quên ông đi và bước tiếp.

Khi Thủ  tướng May trải qua các giai đoạn cuối cùng của Brexit, bà nên chú ý đến những bài học về triều đại Tudor. Thường thì những người châm ngòi cho cuộc cách mạng cuối cùng bị chính cuộc cách mạng đó nuốt chửng.

Harold James là Giáo sư Lịch sử và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Princeton và Nghiên cứu viên chính tại Trung tâm Đổi mới Quản lý Quốc tế. Ông là một chuyên gia về lịch sử kinh tế Đức và toàn cầu hóa. Ông là đồng tác giả của cuốn sách mới xuất bản The Euro and The Battles of Ideas, tác giả của The Creation and Destruction of Value: The Globalization Cycle, Krupp: A History of the Legendary German Firm, and Making the European Monetary Union.

Copyright: Project Syndicate 2018 – The Ghost of Brexit Past