16/12/1979: OPEC tuyên bố tăng giá dầu

Nguồn: OPEC states raise oil prices, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1979, đêm trước cuộc họp thiết lập giá hàng năm của Tổ chức Các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (Organization of Petroleum Exporting Countries, OPEC) ở Caracas, hai nước thành viên (Libya và Indonesia) đã công bố kế hoạch tăng giá dầu [thô] thêm 4 USD (Libya) và 2 USD (Indonesia) mỗi thùng. Giá sau cùng – tương ứng là 30 USD và 25,50 USD cho mỗi thùng – trở thành một trong những mức cao nhất từng có. Các động thái ngoại giao này là nhằm khiến cho nhóm “diều hâu” thuộc OPEC ngừng việc đẩy giá dầu lên cao hơn nữa. Dù vậy, tới cuối năm 1979, giá dầu đã tăng hơn gấp đôi so với cuối năm trước.

Việc tăng giá này chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng vốn đã diễn ra từ đầu năm 1979. Cuộc tấn công vào mỏ dầu của Iran và cuộc Cách mạng Tháng 1 đã làm gián đoạn nguồn cung dầu từ khu vực Trung Đông, và việc OPEC trước đó cũng đã tăng giá đã đẩy giá dầu lên mức cao nhất mọi thời đại. Vào thời điểm Khủng hoảng Con tin Iran bắt đầu vào tháng 11, người Mỹ đã phải hứng chịu những ảnh hưởng của “cú sốc dầu” này: dòng người xếp hàng dài với vẻ mặt khó chịu tại các trạm xăng, hoảng loạn trước việc thiếu xăng và khí đốt, đồng thời giận dữ và thất vọng với các loại xe hao tốn nhiên liệu được sản xuất bởi các nhà sản xuất ô tô Mỹ.

Những bất tiện này khiến nhiều người Mỹ nhớ về Khủng hoảng Dầu mỏ năm 1973-1974, khi một lệnh cấm vận của các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khiến giá xăng tăng vọt: Tính đến thời điểm cấm vận kết thúc, giá bán lẻ xăng trung bình đã tăng lên 84 cent/gallon từ mức 38 cent/ gallon. Kết quả là, các xe hơi lớn, nặng nề vốn đã làm các nhà sản xuất ô tô Mỹ nổi tiếng nay trở thành thứ phương tiện cực kỳ đắt đỏ – nhiều loại xe chỉ đi được chưa tới 10 dặm cho mỗi gallon xăng! Nhiều người chấp nhận bán tháo những chiếc xe kềnh càng hao xăng hay những chiếsedan sang trọng khổng lồ để mua loại xe compact nhỏ gọn tiết kiệm nhiên liệu. Sự kiện này đã kết thúc không mấy tốt đẹp đối với các nhà sản xuất ô tô Mỹ, những người đã vội vã đưa một số dòng xe ô tô nhỏ ra thị trường mà không kiểm tra kỹ lưỡng, và từ đó chỉ khiến họ mang tiếng có chất lượng không đáng tin cậy và kém cỏi. Sau khi cuộc khủng hoảng lắng xuống, hầu hết các xe compact nội địa đã bị bỏ lại trong bãi đỗ của các đại lý.

Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1979, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản trở nên nổi tiếng nhờ việc chế tạo những chiếc xe rẻ tiền, đáng tin cậy, hiệu quả đặc biệt phù hợp với thời kỳ “thắt lưng buộc bụng” mới. Năm đó, Datsun, Subaru, Toyota và Honda – với chiếc Accord sedan sau trở thành là một trong những chiếc xe thành công nhất của năm 1979 – đã đạt được một chỗ đứng lâu dài tại thị trường Mỹ.