18/03/1942: Cơ quan Tái định cư Thời chiến thành lập tại Mỹ

Nguồn: War Relocation Authority is established in United StatesHistory.com

Biên dịch: Lê Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1942, Cơ quan Tái định cư Thời chiến được thành lập để “Bắt giam tất cả những người gốc Nhật, bao vây họ bằng quân đội, ngăn họ mua đất đai, và đưa họ trở về quê hương khi chiến tranh kết thúc.”

Sự tức giận và sợ hãi của người Mỹ gốc Nhật bắt đầu ở Hawaii ngay sau vụ tấn công Trân Châu Cảng; mọi người gốc Nhật, già trẻ, giàu nghèo, tất cả đều bị nghi ngờ là gián điệp. Sự nghi ngờ này nhanh chóng bùng phát ở đại lục Hoa Kỳ; khi vào ngày 19/02/1942, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã ra lệnh rằng các công dân Đức, Ý và Nhật Bản – cũng như người Mỹ gốc Nhật – bị cấm không được tới một số khu vực nhất định được coi là nhạy cảm về mặt quân sự.

Tại California, nơi có một số lượng đáng kể người Nhật và người Mỹ gốc Nhật, đã diễn ra một làn sóng chống Nhật đặc biệt mạnh mẽ, với việc tổng chưởng lý của tiểu bang, Earl Warren (người sau này trở thành chánh án Tòa án tối cao Hoa Kỳ), tuyên bố rằng việc thiếu bằng chứng về sự phá hoại trong cộng đồng người Nhật không chứng minh được điều gì, vì họ chỉ đơn thuần là đang chờ đợi thời cơ.

Trong khi chỉ khoảng 2.000 người gốc Đức và Ý bị giam giữ trong thời kỳ này, người Mỹ gốc Nhật là những người phải chịu đựng nặng nề nhất. Cơ quan Tái định cư Thời chiến, được thành lập vào ngày 18/03/1942, đã đặc biệt nhắm vào họ: 120.000 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã bị vây bắt ở Bờ Tây. Ba nhóm giam giữ đã được lập ra: Nisei (công dân Hoa Kỳ bản địa có cha mẹ là người Nhật Bản nhập cư), Issei (người nhập cư Nhật Bản) và Kibei (công dân Hoa Kỳ bản địa được giáo dục chủ yếu ở Nhật Bản). Những người bị giam giữ đã được chuyển đến một trong 10 trung tâm tái định cư ở California, Utah, Arkansas, Arizona, Idaho, Colorado và Wyoming.

Chất lượng cuộc sống trong các trung tâm tái định cư chỉ nhỉnh hơn một chút so với nhà tù: Các gia đình bị dồn vào các phòng rộng từ 20 đến 25 feet và buộc phải sử dụng các phòng tắm chung. Không cho phép sử dụng dao cạo, kéo, hoặc radio. Trẻ em học tại các trường thuộc Cơ quan Tái định cư Thời chiến.

Một người Mỹ gốc Nhật, Gordon Hirabayashi, đã đấu tranh chống lại việc giam giữ đến tận Tòa án tối cao. Ông lập luận rằng Quân đội, chịu trách nhiệm thực hiện việc tái định cư, đã vi phạm các quyền của ông với tư cách là một công dân Hoa Kỳ. Tòa án đã ra phán quyết chống lại ông, cho rằng quyền của quốc gia trong việc tự vệ chống phá hoại và xâm lược là đủ để biện minh cho việc tước đi các quyền hiến định của ông cũng như những người Mỹ gốc Nhật khác.

Năm 1943, những người Mỹ gốc Nhật chưa bị giam giữ cuối cùng đã được phép tham gia quân đội Hoa Kỳ và chiến đấu trong cuộc chiến. Hơn 17.000 người Mỹ gốc Nhật đã chiến đấu; Trung đoàn 442, bao gồm toàn những người Nisei, đã chiến đấu trong chiến dịch Italia, trở thành đơn vị được tặng thưởng nhiều huân chương nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Trung đoàn này đã giành được 4.667 huy chương, giải thưởng và tuyên dương, bao gồm 1 Huân chương Danh dự, 52 Huân chương Thập tự và 560 Huân chương Sao bạc. Nhiều trong số những người lính này, khi viết thư về nhà, đã phải gửi thư tới các trung tâm tái định cư.

Năm 1990, chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức xin lỗi những người bị giam giữ còn sống và người thừa kế của họ, đồng thời bồi thường cho mỗi người một tấm séc trị giá 20.000 USD.