24/08/79: Núi lửa Vesuvius phun trào

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Vesuvius erupts, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 79, sau nhiều thế kỷ ‘ngủ đông,’ núi lửa Vesuvius dã phun trào ở miền nam nước Ý ngày nay, tàn phá các thành phố La Mã thịnh vượng, Pompeii và Herculaneum, đồng thời giết chết hàng ngàn người. Hai thành phố, bị chôn vùi dưới lớp dày gồm dung nham và bùn đất, đã không bao giờ được xây dựng lại và dần bị lãng quên trong dòng lịch sử. Vào thế kỷ 18, Pompeii và Herculaneum đã được phát hiện và khai quật, cung cấp một hồ sơ khảo cổ chưa từng có về cuộc sống hàng ngày trong một nền văn minh cổ đại, mà chính nhờ cái chết bất ngờ đã được bảo tồn một cách đáng kinh ngạc.

Thành Pompeii và Herculaneum phát triển hưng thịnh gần chân núi Vesuvius tại Vịnh Naples. Vào thời kỳ đầu của Đế chế La Mã, có khoảng 20.000 người sống ở Pompeii, bao gồm các thương nhân, thợ sản xuất và nông dân, cùng nhau khai thác đất đai màu mỡ với rất nhiều vườn nho và cây ăn trái. Chẳng một ai ngờ rằng thứ đất màu mỡ ấy lại là di sản của những lần phun trào trước đó của Vesuvius.

Herculaneum là một thành phố 5.000 dân và là điểm đến mùa hè yêu thích của những người La Mã giàu có. Được đặt tên theo người anh hùng huyền thoại Hercules, Herculaneum có những biệt thự sang trọng và nhà tắm lớn nổi tiếng của La Mã. Các cổ vật liên quan đến trò cờ bạc đã được tìm thấy ở Herculaneum và một nhà thổ được khai quật ở Pompeii đã cho thấy đời sống trụy lạc ở nơi đây. Cũng có những khu nghỉ dưỡng nhỏ hơn, chẳng hạn như thị trấn nhỏ yên tĩnh Stabiae.

Vào trưa ngày 24/08/79, mọi  thú vui và sự thịnh vượng đã chấm dứt khi đỉnh Vesuvius phun trào, đẩy một đám mây hình nấm gồm tro bụi và đá bọt rộng 10 dặm lên tận tầng bình lưu. Trong 12 giờ tiếp theo, tro núi lửa và loạt đá bọt có đường kính lên tới 3 inch đã đổ ụp xuống Pompeii, khiến dân cư thành phố này phải chạy trốn trong kinh hoàng. Khoảng 2.000 người đã quyết định ở lại Pompeii, ẩn náu trong các căn hầm hoặc công trình bằng đá, với hy vọng vụ phun trào sẽ sớm chấm dứt.

Một cơn gió tây đã bảo vệ Herculaneum khỏi giai đoạn ban đầu của vụ phun trào, nhưng sau đó, một đám mây tro và khí nóng khổng lồ tràn xuống sườn phía tây Vesuvius, nhấn chìm thành phố, thiêu đốt hoặc làm ngạt tất cả những người còn lại. Đám mây gây chết người này được theo sau bởi “dòng lũ” bùn núi lửa và đá nóng, chôn vùi Herculaneum.

Những người sống sót ở Pompeii cũng bị giết vào sáng ngày 25/08 khi một đám mây khí độc tràn vào thành phố, làm nghẹt thở tất cả những ai còn sống sót. Dòng đá và tro theo sau đó đã làm sập mái và tường nhà, chôn vùi những kẻ đã chết.

Phần lớn những gì chúng ta biết về sự kiện này đến từ ghi chép của Pliny Trẻ, người sinh sống ở phía tây dọc theo Vịnh Naples khi Vesuvius phun trào. Trong hai lá thư gửi nhà sử học Tacitus, ông đã kể về “cách mà người dân che đầu bằng gối, phương thức bảo vệ duy nhất chống lại một trận mưa đá,” và về “cách mà một đám mây đen khủng khiếp chứa đầy vật chất dễ cháy đột nhiên phát nổ. Nhiều kẻ hoang mang lo cho số phận của mình. Những người khác thì đành cầu nguyện trước lúc chết.” Khi ấy Pliny chỉ mới 17 tuổi, may mắn thoát khỏi thảm họa và sau đó trở thành một nhà văn và nhà quản trị nổi tiếng của La Mã. Chú của ông, Pliny Già, thì kém may mắn hơn. Là một nhà tự nhiên học nổi tiếng, tại thời điểm xảy ra vụ việc, Pliny Già đang là chỉ huy của hạm đội La Mã ở Vịnh Naples. Sau khi Vesuvius phun trào, ông đưa thuyền của mình băng qua vịnh đến Stabiae, để điều tra vụ việc và trấn an những người dân đang khiếp sợ. Đáng tiếc là khi lên bờ, ông đã hít phải quá nhiều khí độc mà qua đời.

Theo câu chuyện Pliny Trẻ kể lại, vụ phun trào kéo dài 18 giờ. Pompeii bị chôn vùi dưới lớp tro và đá bọt dày 4,2 – 5,2m, và khu vực bờ biển gần đó đã bị thay đổi hoàn toàn. Herculaneum bị chôn vùi dưới hơn 18,3m bùn và vật liệu núi lửa. Một số cư dân của Pompeii sau đó đã quay trở lại để đào bới những ngôi nhà bị phá hủy hòng cứu lấy những vật phẩm có giá trị, nhưng nhiều kho báu đã bị bỏ lại và sau đó bị lãng quên.

Bước sang thế kỷ 18, một thợ đào giếng đã khai quật được một bức tượng bằng đá cẩm thạch ở địa điểm của thành Herculaneum. Chính quyền địa phương sau đó cũng tìm được một số đồ vật nghệ thuật có giá trị khác, nhưng dự án đã bị bỏ dở giữa chừng. Năm 1748, một người nông dân đã tìm thấy dấu vết của thành Pompeii bên dưới vườn nho của mình. Kể từ đó, các cuộc khai quật đã diễn ra gần như không bị gián đoạn cho đến hiện tại. Năm 1927, chính phủ Ý đã khởi động lại cuộc khai quật Herculaneum, thu thập nhiều kho báu nghệ thuật, bao gồm nhiều tượng bằng đồng và đá cẩm thạch.

Thi thể của 2.000 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em cũng được tìm thấy tại Pompeii. Sau khi chết ngạt, lớp tro phủ trên cơ thể họ dần cứng lại và bảo vệ được hình dáng của cơ thể. Khi thân xác phân hủy chỉ còn bộ xương thì tạo thành một “bộ khuôn.” Các nhà khảo cổ khi tìm thấy những chiếc khuôn này đã lấp đầy chúng bằng thạch cao, từ đó tiết lộ những sự thật nghiệt ngã về tư thế chết của các nạn nhân Vesuvius. Phần còn lại của thành phố cũng bị đóng băng theo thời gian, và những vật thể bình thường mang trong mình câu chuyện về cuộc sống hàng ngày ở Pompeii cũng có giá trị đối với các nhà khảo cổ tương tự như những bức tượng và bức bích họa quý giá được khai quật. Mãi đến năm 1982, hài cốt người đầu tiên mới được tìm thấy tại Herculaneum, và hàng trăm bộ xương mang những vết cháy ghê rợn đã làm chứng cho những cái chết kinh hoàng.

Ngày nay, Vesuvius là ngọn núi lửa duy nhất còn hoạt động trên lục địa châu Âu. Lần phun trào cuối cùng của nó là vào năm 1944 và lần phun trào lớn cuối cùng của nó là vào năm 1631. Một vụ phun trào khác dự kiến sẽ xảy ra trong tương lai gần, và có thể sẽ gây thảm họa cho 700.000 người sống ở “khu vực tử thần” xung quanh ngọn núi.