Thế giới hôm nay 11/09/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Jack Ma, chủ tịch Alibaba, đã từ bỏ vị trí của mình tại người khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc mà ông đồng sáng lập 20 năm trước. CEO hiện tại, Daniel Zhang, sẽ tiếp quản việc điều hành công ty trị giá 460 tỷ đô la. Ông Ma, một cựu giáo viên tiếng Anh, hiện là người giàu nhất Trung Quốc với tài sản khoảng 40 tỷ đô la. Sau khi từ chức, ông sẽ tập trung vào hoạt động từ thiện và giáo dục.

Tổng thống Donald Trump đã sa thải John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia thứ ba của ông, và giải thích trong một tweet rằng ông “bất đồng mạnh mẽ với nhiều lời đề nghị của ông ấy.” Trong khi ông Trump rõ ràng tìm cách xuống thang với Iran và Triều Tiên thi Bolton, một nhân vật diều hâu cứng rắn, lại ủng hộ cách tiếp cận đối đầu hơn. Tổng thống cho biết ông sẽ đề xuất người thay thế vào tuần tới.

Mức tăng tiền lương hàng năm ở Anh bất ngờ đạt tốc độ nhanh nhất kể từ 2008. Trong ba tháng tính đến tháng 7, tiền lương tuần bao gồm thưởng tăng 4%, từ mức 3,8% trong ba tháng tính đến tháng 6. Những lo ngại về tác động của Brexit không có thỏa thuận đã làm chậm nền kinh tế Anh. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp thấp và sự thiếu hụt lao động có kỹ năng đang đẩy tiền lương lên cao.

Margarethe Vestager sẽ giữ chức Ủy viên phụ trách Cạnh tranh Thương mại trong Ủy ban châu Âu theo đề cử của chủ tịch Ủy ban, bà Ursula von der Leyen. Bà Vestager, người từng trừng phạt các công ty kỹ thuật số hùng mạnh của Mỹ, cũng sẽ đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu với nhiệm vụ làm cho “Châu Âu phù hợp với thời đại kỹ thuật số.” Tổng thống Donald Trump đã gọi bà là “quý bà thuế”, cho rằng bà luôn muốn chống lại Mỹ.

Các tổng chưởng lý tại 48 tiểu bang của Mỹ cùng tuyên bố tiến hành một cuộc điều tra xem liệu Google có lạm dụng thế thống trị trực tuyến của mình hay không. Họ sẽ bắt đầu với sức mạnh của Google trong thị trường quảng cáo, nơi tổng chưởng lý của Texas cho rằng “họ chi phối cả bên mua, bên bán và bên bán đấu giá.” Nhà chức trách châu Âu dưới quyền bà Vestager trước đó cũng đã phạt công ty thuộc sở hữu của Alphabet này vì quảng cáo các dịch vụ của mình ngay trong kết quả tìm kiếm.

Trung Quốc đã bỏ các quy định về giới hạn số lượng cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc mà các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được phép mua. Hệ thống hạn ngạch cũ chỉ cho phép họ mua vào tối đa 300 tỷ đô la cổ phiếu và trái phiếu. Nhưng chính phủ Trung Quốc đã lo ngại về cuộc thương chiến với Mỹ và hy vọng việc nới lỏng các quy tắc sẽ giúp giảm nguy cơ suy thoái kinh tế.

Truyền thông Mỹ đưa tin một điệp viên CIA có địa vị rất cao ở Điện Kremlin đã được rút về Mỹ năm 2017. Điệp viên này đã được CIA tuyển dụng nhiều thập kỷ trước khi đảm nhận công việc có quyền tiếp cận Tổng thống Vladimir Putin và đã cung cấp các thông tin quan trọng về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Báo đài đưa tin có nghĩa là điệp viên này đã được đưa ra khỏi Nga vì lý do an ninh.

TIÊU ĐIỂM

Giá dầu vẫn thấp khi Opec chuẩn bị nhóm họp 

Báo cáo dầu mỏ hàng tháng của OPEC công bố hôm nay sẽ làm sáng tỏ vấn đề mà các bộ trưởng dầu mỏ phải đối mặt tại cuộc họp ngày mai ở Abu Dhabi. Các-ten của các nước sản xuất dầu đã liên minh với Nga, nhưng ngay cả cái bắt tay này cũng không đủ để ổn định giá dầu. Dầu thô Brent giảm từ 75 USD/thùng hồi tháng 4 xuống còn 56 USD vào tháng 8, trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế.

Như thể vẫn chưa đủ rắc rối, hôm Chủ nhật, nhà sản xuất lớn nhất của OPEC là Ả Rập Saudi tuyên bố bộ trưởng dầu mỏ Khalid al-Falih sẽ được thay thế bởi Hoàng tử Abdulaziz bin Salman. Việc sa thải ông Falih không nên được coi là cuộc thanh trừng các nhà kỹ trị – bởi bản thân Hoàng tử Abdulaziz rất giàu kinh nghiệm về dầu mỏ – cũng không phải là sự thay đổi đột ngột trong chính sách dầu mỏ của Ả Rập Saudi. Vương quốc này đã hạn chế sản lượng. Nhưng sự điều chỉnh nhân sự cho thấy Ả Rập Saudi rất mong muốn đẩy giá nhằm hỗ trợ ngân sách và tăng mức định giá của Aramco, công ty dầu khí nhà nước được dự kiến sẽ sớm IPO.

Tình hình giá dầu trong hai năm qua.

Ấn Độ sáp nhập 10 ngân hàng quốc doanh

Hứa hẹn sẽ tạo ra “các ngân hàng thế hệ tiếp theo” với “quy mô toàn cầu,” Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nertala Sitharaman tháng trước đã tuyên bố sáp nhập mười ngân hàng quốc doanh thành bốn. Ý tưởng là nhằm kích thích tín dụng và tăng trưởng kinh tế. Nhưng không phải ai cũng xem đó là tin tốt. Lo sợ mất việc, nhân viên của nhiều ngân hàng cả nhà nước và tư nhân đã nhanh chóng phản đối bằng cách đeo phù hiệu đen đi làm. Hôm nay, một số nhân viên ngân hàng trong công đoàn sẽ họp để quyết định xem họ có nên đình công hay không.

Thật vậy, trong ngắn hạn, lớn hơn chưa chắc đã tốt hơn. Các nhà phân tích cho rằng việc sắp xếp lại sẽ làm chệch hướng việc thực hiện sáng kiến làm giảm nợ xấu trên sổ sách của các ngân hàng cũng như làm chậm việc phê duyệt các khoản vay. Tất cả điều này xảy đến vào một thời điểm tồi tệ đối với chính phủ Narendra Modi. Số liệu GDP công bố vài phút sau thông báo sáp nhập cho thấy nền kinh tế tăng trưởng chỉ 5% trong Quý II, tốc độ chậm nhất trong sáu năm qua.

Trump sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton

Thông tin về việc Tổng thống Donald Trump sa thải John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia thứ ba của ông, là đột ngột nhưng không hoàn toàn bất ngờ. Hai người từ lâu đã bất đồng về cách xử lý các thách thức đối ngoại. Ông Bolton, một nhân vật diều hâu, bất đồng với việc Trump đề nghị thương lương với nhà độc tài Triều Tiên Kim Jong Un. Ông cũng không thích ý tưởng của tổng thống về việc gặp gỡ bộ trưởng ngoại giao Iran. Nhưng có lẽ Afghanistan chính là đỉnh điểm xung đột.

Ông Bolton rất phản đối việc ông Trump mời Taliban tới Trại David, nơi trú ẩn khi có nguy hiểm của tổng thống, vào đợt cuối tuần qua ngay trước dịp kỷ niệm ngày 11 tháng 9, và tổng thống được cho là đã mất kiên nhẫn với sự phản đối của Bolton. Sự ra đi của Bolton (được thông báo theo cách thông thường, qua Twitter) khiến nước Mỹ khó khăn hơn. Ông Trump ngày càng khao khát một thỏa thuận quốc tế nhằm định hình di sản của mình. Nếu còn ai đó trong chính quyền Trump vẫn còn quan điểm hoài nghi, họ sẽ phải giữ im lặng. Và số phận của Bolton cho thấy họ sẽ còn phải giữ yên lặng hơn nữa.

Catalonia chuẩn bị tuần hành thường niên đòi độc lập

Trong bảy năm qua, ngày lễ quốc gia Diada của vùng Catalonia đã chứng kiến các cuộc biểu tình ôn hòa và đông đảo đòi độc lập. Năm nay, hai thay đổi lớn sẽ càng kéo nhiều người tham gia biểu tình hơn. Một loạt các lãnh đạo ly khai đang ngồi tù, chờ tuyên án sau một phiên tòa dài về các cáo buộc xung quanh cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp và tuyên bố độc lập hồi tháng 10 năm 2017. Và Tây Ban Nha thì lại đang không có chính phủ.

Pedro Sánchez, vị thủ tướng của Đảng Xã  hội, đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 4 nhưng vẫn chưa thể tập hợp được liên minh để đạt đa số ghế. Song, những thông tin trước cuộc tuần hành Diada hôm nay cho thấy có sự chia rẽ công khai giữa hai đảng ly khai chính về vấn đề chiến lược và lãnh đạo, cũng như cảm giác mệt mỏi. Số người diễu hành đăng ký trước cũng thấp hơn so với trước đây. Quim Torra, vị thống đốc theo tư tưởng ly khai của chính quyền khu vực Catalonia, đã tuyên bố Diada sẽ lại đưa vấn đề Catalonia ly khai  lên hàng đầu. Nhiều người sẽ theo dõi xem liệu tuyên bố này có được củng cố thêm hay yếu đi.

Bạo lực bài ngoại dâng cao ở Nam Phi

Một loạt các cuộc tấn công vào người di cư từ các nước châu Phi khác đã khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng loạt doanh nghiệp nhỏ bị cướp phá hoặc đốt cháy. Là nền kinh tế tiên tiến nhất Châu Phi, Nam Phi thu hút những người di cư kinh tế và là nơi ẩn náu cho những người trốn chạy khỏi xung đột và áp bức. Nhưng nền kinh tế đang ở trong tình trạng ảm đạm và tỷ lệ thất nghiệp cao đáng kinh ngạc, đặc biệt là trong giới trẻ. Và người nước ngoài trở thành vật tế thần.

Một số chính trị gia cùng cảnh sát đã tham gia kích động, đổ lỗi cho người nước ngoài về tình trạng tội phạm và thất nghiệp, hoặc chỉ gọi các cuộc tấn công là “hành vi phạm tội,” thay vì bạo lực bài ngoại. Các nước khác đã không thể chịu đựng được nữa. Nigeria sẽ cho hồi hương 600 công dân bị ảnh hưởng bởi bạo lực từ hôm nay. Những người nước ngoài khác đang xem xét tự mình rời đi. Trong khi đó, các quan chức và các nhà lãnh đạo cao cấp của đảng ANC cầm quyền đang tranh nhau quyền gặp các đối tác châu Phi để hàn gắn quan hệ – nhằm phục vụ lợi ích cá nhân của họ. Cũng đã xảy ra bạo loạn (trả đũa) nhắm vào các doanh nghiệp Nam Phi ở Nigeria và Zambia.