Nguồn: Carie Uyen Nguyen, “Whose War Was It?”, The New York Times, 18/08/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Có lẽ chẳng ai bước ra khỏi Chiến tranh Việt Nam với danh tiếng bị hủy hoại nhiều như Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH). Từ rất lâu trước khi chiến tranh kết thúc, các binh sĩ QLVNCH đã trở thành vật tế thần dễ dàng và luôn sẵn sàng cho những thất bại của Mỹ, một hình mẫu điển hình trong các nghiên cứu học thuật và văn hóa đại chúng. Chúng ta được nghe kể rằng họ là bọn hèn nhát bất tài, hay trốn tránh nhiệm vụ, để lại mọi việc khó khăn cho người Mỹ.
Là một người nghiên cứu Việt Nam tại một trường đại học Mỹ với kho tài liệu lớn lưu trữ lịch sử qua lời kể (oral history) về thời kỳ Việt Nam, cả bằng văn bản và băng ghi âm, tôi may mắn có cơ hội đặc biệt để đào sâu hơn và để minh chứng rằng câu chuyện kể trên là mơ hồ và bất công. Đây là cơ hội đặc biệt bởi vì tôi không muốn nói rằng lính Mỹ đã sai – thay vào đó, tôi đã tình cờ tìm được những câu chuyện từ các cựu binh Mỹ nói về sự can đảm và hiệu quả công việc của những chiến hữu đồng minh của họ, những người lính Nam Việt Nam.
Tất nhiên, tôi cũng đã gặp nhiều người Mỹ có thái độ tiêu cực về QLVNCH. Nhưng nhiều người trong số họ là nhân viên hậu tuyến, những người chưa một lần chiến đấu bên cạnh QLVNCH ở tiền tuyến và, tôi cho rằng, họ đã rút ra kết luận không chính xác từ những câu chuyện của người khác mà họ được nghe. Những câu chuyện tiêu cực còn lại thì tập trung chủ yếu vào khác biệt văn hóa hơn là bất cứ điều gì khác. Có nhiều hơn một trường hợp người được phỏng vấn đã nói về thói quen của lính QLVNCH khi cầm tay nhau ra chiến trường. Một chuyên gia phát thanh người Mỹ từng phục vụ tại Bình Dương hồi năm 1967 đã chẳng thể hiểu được điều ấy, thậm chí là nhiều năm sau đó: “Việc này đại loại là kỳ lạ đối với chúng tôi. Tôi chẳng thể nghĩ được gì hơn ngoài việc cho rằng họ là những người bạn thân, và đó là những gì họ đã làm tại đó, nhưng nó trông cứ thật kỳ lạ.”
Các cựu binh Mỹ khác thì thấy kỳ lạ khi gia đình của những người lính VNCH thường theo họ đến trại. Như lời một lính G.I.: “Những binh sĩ này phần lớn là lính nghĩa vụ. Họ bước ra chiến trường cùng với vợ con trên đường mòn. Khi chốt dựng vị trí phòng thủ ban đêm, giống như là cả đại gia đình đều ở đó vậy. Trong nhiều trường hợp, họ chẳng muốn ra ngoài chiến đấu. Họ chỉ muốn sống sót mà chăm sóc gia đình mình.”
Nhưng trong nghiên cứu của tôi, bên cạnh các đánh giá tiêu cực của người Mỹ cũng có thể dễ dàng tìm thấy những câu chuyện tích cực, và có phần cảm thông, về QLVNCH. Chẳng hạn, nhiều cựu binh thực sự thích có các gia đình QLVNCH ở bên cạnh và ca ngợi việc các bà vợ sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của họ để tìm thực phẩm tươi sống từ các khu làng gần đó, nấu thành bữa ăn thịnh soạn cho chồng và lính Mỹ. Số khác nhận ra rằng việc sống cùng các thành viên gia đình có thể là nguồn hỗ trợ tinh thần vững chắc cho các binh sĩ QLVNCH, như một lời nhắc nhở về mục tiêu chiến đấu của họ.
Nhìn chung, tôi thấy rằng thái độ tích cực và sự hiểu biết sâu sắc hơn của người Mỹ đối với các đồng minh QLVNCH của họ thường xuất hiện sau một thời gian sống chung, cùng làm việc và cùng chiến đấu với nhau, như trong “kỷ nguyên của những trận đánh lớn” (era of big battles) vào năm 1967, khi các đơn vị lính Mỹ và lính Nam Việt Nam chiến đấu sát cánh bên nhau. Sau một ngày chiến đấu khó khăn, nhiều chàng lính G.I. sẽ ngồi xuống với các đồng nghiệp Việt Nam để kể về gia đình, lấy từ túi áo những bức hình chụp người thân yêu của mình. Rồi cũng những người lính G.I. ấy nhận ra rằng: không giống như chuyến đi chỉ kéo dài 1 năm hoặc 18 tháng của họ, hầu hết các binh sĩ Nam Việt Nam phải phục vụ một thời gian dài không xác định. Những người đàn ông địa phương này buộc phải chiến đấu cho đến khi kết thúc chiến tranh, mà chẳng hề biết rằng ngày chiến tranh kết thúc cũng là ngày họ phải xa cách gia đình một lần nữa.
Hai bên cũng gắn kết trong cuộc chiến đơn vị nhỏ tiêu biểu cho phần lớn Chiến tranh Việt Nam. Cứ mỗi câu chuyện về việc lính trinh sát VNCH vội vàng rút lui sau loạt súng đầu tiên, để người Mỹ lại một mình trong rừng, thì cũng có một câu chuyện khác, tích cực hơn, nói về một người lính VNCH cõng theo một cố vấn người Mỹ bị thương trên cơ thể nhỏ bé của mình đến nơi trú ẩn an toàn. Và cũng có cả những câu chuyện ở bên còn lại, như khi một cố vấn người Mỹ quyết định phá vỡ mọi quy tắc để gọi trực thăng Mỹ đến di tản một binh sĩ QLVNCH bị thương nặng. (Nếu ông chờ trực thăng Nam Việt Nam như đáng ra ông phải làm, thì mọi chuyện có lẽ sẽ quá muộn.) Hoặc câu chuyện khác về một trung sĩ lính thủy đánh bộ người Mỹ hồi tưởng lại việc suýt chút nữa phải ra tòa quân sự vì dám ăn chung với lính VNCH. Với giọng nói run lên vì xúc động, người này nhớ lại khi ông thách thức cấp trên của mình, “Nếu chúng ta không bẻ bánh ăn chung với họ, làm sao chúng ta có thể chiến đấu bên cạnh họ?”
Nếu tình bạn quả thật tồn tại trong chiến đấu, vậy thì những hình ảnh tiêu cực đến từ đâu? Gác lại định kiến chủng tộc, chúng ta có thể xác định một nguyên nhân nằm trong mối quan hệ chiến đấu giữa lực lượng Mỹ và QLVNCH. Người Mỹ giúp nâng cao tinh thần chiến đấu của QLVNCH nhưng đồng thời đã tạo ra sự phụ thuộc quá mức vào hỗ trợ quân sự của họ. Các cố vấn Mỹ được giao về các đơn vị QLVNCH là những người duy nhất có thẩm quyền yêu cầu hỗ trợ chiến thuật trên không khi bị tấn công nặng nề. Vì vậy, theo thời gian, một số sĩ quan QLVNCH dần trở nên quá phụ thuộc vào sự vượt trội về công nghệ của các đối tác Mỹ, và một số người Mỹ có thể đi đến kết luận rằng các sĩ quan của QLVNCH thiếu sức chịu đựng và tính kiên cường.
Tất nhiên, nhiều đội quân tác chiến của Mỹ chưa bao giờ gặp lính QLVNCH trên chiến trường, bởi hai bên thường thực hiện các vai trò chiến lược rất khác nhau: Người Mỹ chỉ huy các hoạt động chiến đấu, trong khi QLVNCH chịu trách nhiệm về bình định và an ninh lãnh thổ. Dù các nhà lãnh đạo Mỹ ở Sài Gòn đã cho thành lập các đội huấn luyện cơ động để hướng dẫn các đơn vị QLVNCH kể từ năm 1967, thời gian họ sống cùng các đơn vị Nam Việt Nam vẫn rất hạn chế.
Có lẽ nguyên nhân gây chia rẽ và hiểu lầm lớn nhất là chính cuộc chiến. Binh sĩ cả hai bên đều phải chiến đấu giữa những rối loạn xã hội, bất ổn chính trị và áp lực quân sự lớn. Cả hai phía đều tự hỏi rằng, đây là cuộc chiến của ai? Chúng ta đang chiến đấu vì điều gì? Và điều này thực sự khó cho lính Mỹ, những người luôn bối rối và thường trong tình trạng mất tinh thần, khiến họ không phân biệt được giữa những người cộng sản ủng hộ Bắc Việt và những người địa phương đang là ‘đồng minh’ của họ.
Đối với một số người Mỹ, câu trả lời đến một cách dễ dàng và đầy cảm thông. Họ tin rằng lính VNCH là những người lính tốt, đã chiến đấu hết sức có thể để bảo vệ mảnh đất của mình. Họ là những đồng minh trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản toàn cầu. “Tôi sẽ làm điều tương tự cho đồng bào tôi trên đất Mỹ,” một cựu binh Mỹ nói. Nhưng những người Mỹ khác lại phẫn nộ với những gì họ cho là một gánh nặng bất công. H. Norman Schwarzkopf, cựu binh từng chiến đấu ở Việt Nam và sau đó lãnh đạo liên quân Mỹ và các đồng minh trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc, nói: “Đây là đất nước của họ, là trận chiến của họ. Sau cùng thì họ sẽ phải gánh vác lấy. Tôi nghĩ ta chỉ nên cung cấp cho họ các kỹ năng, sự tự tin cùng các thiết bị họ cần và khuyến khích họ chiến đấu. Tuy nhiên, ngay cả khi lập trường chính thức là chúng ta gửi các lực lượng đến hỗ trợ Nam Việt Nam chiến đấu, sự thật là ngày càng có nhiều trận chiến được tiến hành bởi chỉ riêng người Mỹ, thay vì bởi các đơn vị Mỹ và VNCH cùng chiến đấu cạnh nhau.”
Chúng ta biết rất ít về các cựu binh của chính mình (Mỹ), và lại càng biết ít hơn về các cựu binh Nam Việt Nam đã chiến đấu bên cạnh họ.
Chúng ta không biết những trải nghiệm hàng ngày của họ là như thế nào, khi chỉ được trang bị rất ít vũ khí và thường phải chiến đấu ở rìa ngoài của tuyến phòng thủ, đôi khi vai trò chỉ nhỉnh hơn một chút so với bia đỡ đạn. Khoảng 254.250 lính miền Nam đã chết trong chiến trận từ năm 1960 đến 1975, gần gấp năm lần số người Mỹ, ở một đất nước chỉ có 15 triệu dân. Chúng ta đã không nghe thấy những gì họ nghe, không cảm nhận những gì họ cảm nhận, cũng không thấy những gì họ thấy nơi chiến trường tuyệt vọng. Ta là ai mà dám phán xét các cựu binh Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam và các đồng minh địa phương của họ, những người họ xem là bạn bè, là anh em, dù là để lãng mạn hóa hay nạn nhân hóa, ca ngợi hay phỉ báng họ? Và rồi khi họ nói về những trải nghiệm của mình, liệu chúng ta có thực sự lắng nghe?
Ngày nay, lòng dũng cảm và sự hy sinh của những người lính VNCH đã hoàn toàn rơi vào quên lãng – ở Việt Nam, mọi chuyện đã bị xóa sạch bởi bên thắng cuộc; ở Mỹ, đơn giản là do lịch sử bỏ bê. Một trong số ít nơi họ được vinh danh là Công viên Tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam tại Angel Fire, New Mexico, mà tôi đã đến thăm trong Ngày Tưởng niệm. Bên cạnh những viên gạch ghi tên một số cựu binh Úc và Đại Hàn, xuất hiện một vài cái tên người Việt, không phải ai trong số họ cũng có thể đến nơi an toàn và biến đất Mỹ thành ngôi nhà thứ hai của mình.
Một trong những cái tên đó thuộc về cha tôi. Ông là một lính VNCH, qua đời khi tôi vừa 14 tuổi. Ngay cả sau cuộc chiến, tôi chưa từng nghe ông một lần nói xấu người Mỹ, hay phía Cộng sản. Đứng bên cạnh viên gạch mang tên cha mình, tôi đã khóc, tôi trân trọng nơi duy nhất trên trái đất này ghi nhận những đóng góp của cha tôi – không phải trong sỉ nhục và ghét bỏ, mà là trong danh dự và tình yêu. Nơi linh thiêng này không chỉ ghi nhớ và tôn vinh sự hy sinh của những người phục vụ cho đất nước của họ dù thuộc phe nào, mà còn kêu gọi hòa giải thực sự và hòa bình lâu dài.
Nghiên cứu góc nhìn của những người lính Mỹ về lính VNCH, mà một trong số họ là cha tôi, và lắng nghe những câu chuyện của cựu binh Mỹ đã giúp tôi thêm mở mang, cũng như hỗ trợ hành trình học tập của tôi. Mối quan hệ Mỹ – QLVNCH rất phức tạp và là một ví dụ cảm động về trải nghiệm của con người trong một tình huống cực đoan. Câu chuyện của họ đã bị lãng quên, bị hiểu lầm, bị đơn giản hóa và chính trị hóa quá lâu. Chúng ta có thể nghĩ rằng mình hiểu câu chuyện đó, nhưng thật ra ta biết rất ít về các cựu binh của mình. Chúng ta nên và cần tìm hiểu thêm. Nếu các cựu binh ấy lên tiếng, chúng ta phải lắng nghe.
Carie Uyen Nguyen là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành lịch sử quân sự tại Đại học Texas Tech.