Bốn con hổ châu Á: Dân chủ có tốt cho tăng trưởng hay không?

Nguồn: Does democracy hurt or help growth in the tiger economies of Asia?”, The Economist, 05/12/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Eo biển Đài Loan thường được mô tả là một điểm nóng tiềm tàng. Trên vùng biển hẹp này, Trung Quốc đang chỉa hàng ngàn tên lửa vào quốc gia mà họ coi là một tỉnh nổi loạn. Nhưng đối với những người làm việc tại Formosa 1, một trang trại điện gió ngoài khơi, eo biển này là một cái gì đó rất khác. “Đây là nơi có luồng gió tốt nhất thế giới.” Một kỹ sư cất lời, mắt nhìn vào một cụm tuabin trên mặt nước màu lam ngọc.

Khi bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay, đây sẽ là trang trại điện gió ngoài khơi có quy mô thương mại đầu tiên của Châu Á bên ngoài Trung Quốc và là trang trại đầu tiên trong số nhiều trang trại tương tự được quy hoạch ở eo biển này. Việc Đài Loan đón nhận điện gió đi kèm với quyết định loại bỏ dần năng lượng hạt nhân. Nhiều doanh nghiệp lo ngại điều này sẽ khiến hòn đảo thiếu điện, đe dọa nền kinh tế. Cuộc tranh luận đã có lúc trở nên quá lố: các nhà lập pháp đã ẩu đả với nhau trong quốc hội.

Năm 2017, một sự cố mất điện lớn bao trùm phía bắc Đài Loan. Nhưng Tổng thống Thái Anh Văn đang theo đuổi kế hoạch để tạo ra một “đất nước không điện hạt nhân” vào năm 2025. Đối với các nhà phê bình, đó là một ví dụ rõ ràng về việc hệ thống chính trị có thể dễ dàng bị các nhà hoạt động kiên quyết thay đổi như thế nào, cho dù đó là những người hoạt động bảo vệ môi trường hoặc chống tự do thương mại. Nó cũng nêu bật một câu hỏi lâu nay: Dân chủ có hại cho sự thịnh vượng hay không?

Quan điểm này thường được nghe thấy ở Trung Quốc. “Đài Loan có gì để khoe trong 20 năm dân chủ đã qua? Trên tất cả, đó là một sự suy giảm nhanh chóng về kinh tế”, Zhang Weiwei, một học giả Trung Quốc, đã viết như vậy trong một bài tiểu luận. Nhưng ý kiến ​​tương tự cũng được nêu lên ở một số con hổ khác. Trong các thế hệ lớn tuổi ở Hàn Quốc và Đài Loan vẫn tồn tại nỗi hoài niệm về Park Chung-hee và Tưởng Kinh Quốc, những lãnh đạo chuyên chế đã dẫn dắt họ trong những năm bùng nổ kinh tế. “Bạn không thể ăn dân chủ”, Terry Gou, người sáng lập hãng Foxconn của Đài Loan, nói. (Nhưng dân chủ cũng không thể “tiêu hóa” được ông ấy: cuối cùng ông quyết định không tham gia cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan sau khi biết rõ không có cơ hội chiến thắng).

Nền chính trị tự do hơn ở Hàn Quốc và Đài Loan không phải lúc nào cũng mang lại cho họ vinh quang. Trong số bảy tổng thống dân cử từ năm 1987 của Hàn Quốc, ba người đã bị kết tội tham nhũng và một người tự sát để thoát khỏi một vụ bê bối. Trong số bốn tổng thống Đài Loan kể từ năm 1996, ba người bị buộc tội tham nhũng, một trong số đó đã bị kết án 19 năm tù. Tất cả cuộc đời chính trị rồi sẽ kết thúc trong thất bại, Enoch Powell, một chính trị gia người Anh gây tranh cãi, từng nói như vậy. Tuy nhiên, rất ít người có kết cục tồi tệ đến mức như của các tổng thống Hàn Quốc và Đài Loan.

Tuy nhiên, kể từ khi Hồng Kông được bàn giao cho Trung Quốc vào năm 1997, các nhà lãnh đạo ở đây cũng không phải là tấm gương quảng bá cho nền chính trị phi dân chủ. Trưởng đặc khu đầu tiên từ chức sớm, người thứ hai rốt cuộc cũng đi tù, và người thứ ba không được lòng dân đến mức không thể phục vụ nhiệm kỳ thứ hai. Trong khi đó, trưởng đặc khu hiện tại bị ghét đến nỗi các cuộc bầu cử địa phương gần đây, thường là một vấn đề không quan trọng, đã bị biến thành một cuộc trưng cầu dân ý trên thực tế về sự lãnh đạo của bà. Còn Singapore lâu nay gắn chặt với các lý tưởng “nhân tài trị” (meritocratic), nhưng mối thâm thù giữa những người con của Lý Quang Diệu, người cha sáng lập của đất nước, đã cho thấy một khía cạnh xấu xí hơn của nền chính trị chóp bu nước này.

Khi bốn con hổ được gán cho biệt danh đó, không ai trong số họ từng tổ chức các cuộc bầu cử cạnh tranh. Nhưng đến giờ hai trong số đó đã trở thành những nền dân chủ sôi động; hai con hổ còn lại thì không. Do đó, bốn con hổ mang lại sự đa dạng mà các nhà khoa học xã hội cần khi muốn kiểm tra tác động của các biến khác nhau. Nền chính trị ồn ào của Đài Loan và Hàn Quốc có thể được so sánh với “nền dân chủ được quản lý” của Singapore, hay hệ thống không mang tính đại diện của Hồng Kông, cũng như với chính quá khứ phi dân chủ của họ. Những so sánh như vậy cho thấy điều gì?

Cả Hàn Quốc và Đài Loan đã phát triển nhanh hơn trong những thập niên trước khi họ trở thành các nền dân chủ so với giai đoạn sau khi dân chủ hóa. Nhưng Hồng Kông và Singapore cũng từng tăng trưởng nhanh hơn so với hiện tại. Do đó, sự chậm lại của cả bốn nền kinh tế không thể bị đổ lỗi cho dân chủ. Singapore gần đây đã phát triển nhanh hơn so với những con hổ dân chủ. Nhưng Hồng Kông thường tăng trưởng chậm hơn (so với Hàn Quốc và Đài Loan).

Nhiều nghiên cứu mang tính hệ thống cũng đưa ra các kết luận pha trộn. Một bài báo mang tính bước ngoặt năm 1996 của Robert Barro thuộc Đại học Harvard đã đưa ra kết luận “khó chịu” rằng quá dân chủ có xu hướng gây ảnh hưởng (nhẹ) đến tăng trưởng. Ông suy đoán rằng sự phân phối lại thu nhập cần thiết để xoa dịu đa số cử tri có thể làm suy yếu động lực đối với đầu tư và việc làm. Các bài tập thống kê của ông cho thấy rằng một mức độ tự do chính trị vừa phải là tốt nhất: thực tế, ở mức như của Singapore hiện tại là phù hợp.

Nhưng các nhà dân chủ có thể thấy ấm lòng từ kết luận dễ chịu hơn của các nghiên cứu kinh tế mới hơn. Daron Acemoglu của của trường MIT và các đồng tác giả tính toán rằng dân chủ làm tăng thêm khoảng 20% GDP đầu người của một quốc gia trong dài hạn. Một lý do là dân chủ khuyến khích sự cởi mở và sự cam kết đối với giáo dục và y tế. Vì Singapore và Hồng Kông vẫn mở và đầu tư mạnh cho giáo dục và y tế, họ đã đạt được một số lợi ích kinh tế tồn tại ở các nền dân chủ trưởng thành.

Hậu quả khi không có quyền bầu cử

Đóng góp khác của dân chủ cho tăng trưởng, theo Acemoglu và các đồng tác giả, là giúp xoa dịu tình trạng bất ổn xã hội. Những kinh nghiệm gần đây của các con hổ đã giúp xác tín cho ông. Năm 2016, người Hàn Quốc phát hiện ra rằng tổng thống của họ, Park Geun-hye, đã bị thao túng bởi một cố vấn bí ẩn ở hậu trường. Tiết lộ này đã khiến hàng triệu người biểu tình xuống đường, giống như sự chán ghét của người Hồng Kông đối với ảnh hưởng của đại lục đã đưa hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình kể từ tháng Sáu.

Ở Hàn Quốc dân chủ, hệ thống chính trị đã có thể giải quyết được vấn đề này. Cơ quan lập pháp bắt đầu các thủ tục luận tội chính thức; phán quyết của nó đã được tòa án hiến pháp tán thành; bà Park đã bị loại khỏi quyền lực và bỏ tù; và một cuộc bầu cử đã được tổ chức để tìm người kế nhiệm. Trong khi đó tại Hồng Kông, trưởng đặc khu Carrie Lam dường như thậm chí không có quyền tự từ chức, khi bà thú nhận trong một bài phát biểu bị rò rỉ với các doanh nhân rằng bà không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chiến đấu.

Bởi vì hệ thống chính trị nửa vời của Hồng Kông đã không thể đáp ứng lại sự giận dữ của người biểu tình, cảnh sát đã buộc phải đối phó với điều đó. Nhiệm vụ của họ đã khiến cảnh sát cảm thấy vừa tức giận vừa quyền lực. Họ là công cụ duy nhất giúp chính phủ xử lý vấn đề, vì vậy chính phủ không muốn làm cho lực lượng cảnh sát cảm thấy bất mãn. Nỗi sợ đó đã ngăn chính phủ mở một cuộc điều tra khả tín về các hành vi sai trái của cảnh sát. Nhưng tình trạng thiếu trách nhiệm giải trình đã khiến người biểu tình càng tức giận, một số người thấy ít lý do để tôn trọng luật pháp nếu luật pháp không áp dụng đối với chính những người giúp thực thi pháp luật. Cuộc đối đầu đã khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, điều có khả năng tiếp tục vào năm tới. Dù dân chủ chưa chắc giúp thúc đẩy tăng trưởng, nhưng nếu nguyện vọng dân chủ không được đáp ứng thì nó chắc chắn có thể gây tổn hại cho tăng trưởng.

Chắc chắn là các con hổ dân chủ, vốn chỉ mới vài chục năm tuổi, cũng gặp nhiều khó khăn. Formosa 1, trang trại gió ngoài khơi của Đài Loan, đã bị các phương tiện truyền thông địa phương chỉ trích vì quá đắt đỏ và đã phải đối mặt với tám năm đánh giá chi tiết về tác động môi trường. Quá trình này đã diễn ra “kỹ lương hơn cả ở châu Âu”, theo Matthias Bausenwein, chủ tịch của Ørsted Asia Pacific, cổ đông lớn nhất của dự án. Nhưng sau khi vượt qua quá trình rắc rối đó, ông nói rằng cam kết của Đài Loan đối với điện gió trông chắc chắn hơn.

Trong bất cứ trường hợp nào, các nhà lập pháp Đài Loan cũng có những điều mới cần phải đấu tranh. Năm 2018, một cuộc ẩu đả khác đã nổ ra trong cơ quan lập pháp, lần này là về việc cắt giảm lương hưu cho công chức. Dù có dùng tới nắm đấm hay không, đó cũng là một vấn đề mà tất cả các con hổ phải vật lộn: số lượng người già ngày càng tăng và phải giải quyết vấn đề đó như thế nào. ■

(Còn tiếp 2 phần)