12/03/1776: Kêu gọi công nhận vai trò của phụ nữ trong Cách mạng Mỹ

Nguồn: Public Notice urges recognition of “humane ladies,” History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1776, tại Baltimore, Maryland, một thông báo đã xuất hiện trên các tờ báo địa phương công nhận sự hy sinh của phụ nữ vì sự nghiệp cách mạng. Thông báo kêu gọi mọi người thừa nhận những đóng góp của phụ nữ, đồng thời tuyên bố rằng, “Sự cần thiết phải chăm sóc chu đáo tất cả những người có thể bị thương vì sự nghiệp của đất nước, thúc giục chúng ta vinh danh những người phụ nữ nhân đạo, những người sẵn lòng trao cho chúng ta vải vụn và ga giường cũ để làm gạc băng bó.”

Trên chiến trường cũng như ở hậu phương, phụ nữ vẫn luôn hỗ trợ sự nghiệp cách mạng bằng công việc điều dưỡng. Nhưng quyên góp băng gạc và đôi khi giúp sử dụng chúng chỉ là một trong các hình thức hỗ trợ của phụ nữ Mỹ. Từ những ngày biểu tình chống thuế Anh, sự đồng tâm và góp sức của phụ nữ đã luôn rất quan trọng đối với thành công của cách mạng.

Thật ra, cuộc tẩy chay giúp thống nhất các thuộc địa chống lại thuế của Anh đòi hỏi sự ủng hộ của nữ giới nhiều hơn nam giới – những người đàn ông soạn thảo các thỏa thuận ngưng nhập khẩu thường chọn tẩy chay các sản phẩm chủ yếu sử dụng bởi phụ nữ.

Trà và vải vóc có lẽ là minh họa tốt nhất của những sản phẩm này. Trong khi hầu hết học sinh được dạy về những người đàn ông cải trang thành người Mohawk đã đổ lượng lớn trà xuống Cảng Boston như một hình thức phản đối Đạo luật Trà gây bất bình, thì ít người nhận ra rằng chính phụ nữ – chứ không phải đàn ông – mới là những người uống trà ở Mỹ thời thuộc địa. Samuel Adams và những người bạn của mình có thể đã đổ trà ở bến cảng, nhưng khi về nhà, nhiều khả năng họ sẽ uống rượu rum thay vì trà. Hành động của họ thực ra đã khiến vợ, mẹ, chị gái và con gái của họ, không phải bản thân họ, phải khổ sở. Dân thuộc địa chỉ bắt đầu một nỗ lực tẩy chay rượu rum vào năm 1774, sau khi Anh đóng cửa cảng Boston.

Tương tự, trong cuộc biểu tình cuối những năm 1760, việc John Adams và những người khác trong hàng ngũ lãnh đạo cho rằng tốt nhất là ngừng nhập khẩu vải từ Anh để làm quần áo đã chẳng mấy ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ. Mặc quần áo từ vải tự dệt có thể không thoải mái và trông không đẹp bằng quần áo từ vải Anh, nhưng Abigail cùng những người vợ và những bà nội trợ khác, chứ không phải John và cánh đàn ông, đã bị buộc phải dành hàng giờ để quay sợi, dệt vải, may áo cho cả gia đình.

Do đó, vào năm 1776, khi Abigail đề nghị John nhớ đến những người phụ nữ khi soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ, bà đã không cầu xin một ân huệ, mà là yêu cầu đền đáp sòng phẳng cho những người phụ nữ một món nợ ân tình.