18/03/1766: Quốc hội Anh bãi bỏ Đạo luật Tem thuế

Nguồn: Parliament repeals the Stamp Act, History.com

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Vào ngày này năm 1766, sau bốn tháng diễn ra biểu tình trên khắp nước Mỹ, Quốc hội Anh đã bãi bỏ Đạo luật Tem thuế (Stamp Act) – một biện pháp đánh thuế được ban hành nhằm tăng ngân sách cho quân thường trú Anh tại Mỹ.

Được thông qua vào ngày 22/03/1765, Đạo luật Tem thuế đã dẫn đến sự nổi dậy ở các thuộc địa về vấn đề phải đóng thuế mà không có đại diện trong Quốc hội Anh – nguyên nhân chính của cuộc Cách mạng. Được ban hành vào tháng 11/1765, đạo luật gây tranh cãi này đã buộc người dân thuộc địa phải mua tem của Anh cho mỗi giấy tờ chính thức mà họ được chính quyền cấp. Trên con tem là hình một Đóa hồng nhà Tudor được viền quanh bởi từ America và cụm từ tiếng Pháp Honi soit qui mal y pense – “Hổ thẹn thay cho kẻ có ý nghĩ xấu xa.”

Các thuộc địa đã đáp trả sự xuất hiện của tem thuế bằng sự tức giận và bạo lực khi tham dự Đại hội Đạo luật Tem thuế vào tháng 10/1765 để phản đối việc đạo luật sắp có hiệu lực. Hầu hết người Mỹ đã tẩy chay hàng hóa Anh, và một số đã thực hiện các cuộc tấn công vào các sở hải quan và nhà của những nhân viên thu thuế. Sau nhiều tháng phản đối cùng với bản kháng nghị của Benjamin Franklin trước Hạ viện Anh, Nghị viện đã bỏ phiếu bãi bỏ Đạo luật Tem thuế vào tháng 03/1766. Tuy nhiên cùng ngày, Nghị viện đã thông qua Đạo luật Quyền Thu thuế (Declaratory Acts), khẳng định rằng chính phủ Anh có toàn quyền lập pháp đối với các thuộc địa (trong đó có quyền thu thuế như ở Anh – NBT).

Khái quát lịch sử Mỹ (Ch.2): Thời kỳ thuộc địa